Có 8/10 khả năng bạn là một trong những người nghèo nhất trên thế giới. Không xét về khía cạnh tài chính, mà là về thời gian. Bạn có quá nhiều việc để làm và không bao giờ có đủ thời gian cho chúng.
Nghèo thời gian là một vấn nạn nghiêm trọng, gây ra những tổn thất lớn cả cho cá nhân và cộng đồng. Những người nghèo nàn về thời gian thường kém hạnh phúc, kém năng suất, và dễ căng thẳng. Họ ít tập thể dục, ăn nhiều món chứa chất béo có hại, đồng thời có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch cao hơn.
Photo: Jordon Cheung
Có thể lý giải rằng do chúng ta đang dành nhiều thời gian để làm việc hơn các thế hệ trước đây, nhưng thực tế không hẳn vậy. Một nghiên cứu thực hiện tại Mỹ đã chỉ ra rằng thời gian giải trí của mọi người có xu hướng gia tăng trong 50 năm qua, cụ thể tăng 6-9 giờ/tuần với nam giới và 4-8 giờ/tuần với nữ giới.
Vậy do đâu chúng ta lại có cảm giác rằng mình đang thiếu thời gian hơn bao giờ hết?
Nghèo thời gian không phát sinh từ sự chênh lệch giữa số giờ chúng ta có so với số chúng ta cần, mà nó là kết quả từ cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá số giờ đó. Xã hội hiện đại có quá nhiều thứ thu hút sự chú ý của chúng ta. Thậm chí khi có thời gian rảnh, chúng ta cũng không sử dụng chúng một cách hiệu quả, hoặc là bỏ qua luôn để tiếp tục làm việc. Chúng ta bị mắc kẹt trong những chiếc “bẫy thời gian”.
Công nghệ vừa giúp tiết kiệm vừa “cướp mất” thời gian của chúng ta. Bạn sử dụng các tiện ích về công nghệ để giành quyền tự chủ về thời điểm và thời lượng công việc, để rồi kết quả là bạn làm việc mọi lúc. Những khoảng nghỉ dài chúng ta từng có giờ đây bị gián đoạn bởi các thiết bị công nghệ.
Các nhà khoa học gọi tình trạng này là “pháo hoa thời gian” – khi giờ nghỉ của bạn bị chia cắt thành những mẩu vụn. Ví dụ, vào 7h mỗi tối, bạn sẽ có 1 tiếng để nghỉ ngơi. Trong thời gian đó, bạn nhận 2 emails, vào xem cả 2, trả lời 1. Vừa xong thì Facebook hiện 4 thông báo, bạn bấm vào từng cái để xem.
Đang lướt timeline thì Slack nhảy 3 tin nhắn từ đồng nghiệp nhờ check giúp một số việc, bạn xem 1, bỏ qua 2 cái kia. Buông điện thoại xuống chưa được 5 phút thì messenger có 4 tin nhắn từ hội bạn hẹn hò đi chơi cuối tuần này, bạn cầm lên xem và tham gia cuộc trò chuyện.
Mỗi một hành động đều chỉ từ vài giây đến vài phút, nhưng cộng lại thì chúng chiếm kha khá quãng thời gian 60 phút nghỉ ngơi của bạn. Đó là tác hại thứ nhất. Tác hại thứ hai là chúng khiến giờ nghỉ của bạn kém chất lượng hơn hẳn. Những gián đoạn này có thể được phân bố ngẫu nhiên và xuyên suốt quãng nghỉ, khiến 60 phút bị chia ra thành từng đoạn nhỏ hơn (có khi chỉ được 5-6 phút mỗi lần).
Ngay cả khi bạn không reply ngay lúc đó, những gián đoạn này vẫn có thể làm giảm chất lượng giờ nghỉ bằng cách “nhắc nhở” bạn về những thứ mà bạn nên và sẽ thực hiện. Trong trường hợp bạn chọn phản hồi lập tức, thì tâm trí và nhận thức của bạn cần thời gian để phục hồi sau khi chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác.
Liên tục bị làm phiền sẽ khiến bạn không có cảm giác mình vừa thật sự nghỉ ngơi, từ đó đi đến kết luận sai lệch rằng mình có quá ít thời gian nghỉ.
“Hạnh phúc không mua được bằng tiền, mà bằng rất nhiều tiền.” Dẫu cho đây chỉ là câu nói đùa thì nó cũng phần nào phản ánh tình trạng của xã hội hiện đại, khi công việc và chuyện kiếm tiền trở nên quan trọng hơn so với nhiều thứ khác.
Thực tế, theo các kết quả nghiên cứu thì tiền có thể bảo vệ chúng ta khỏi nỗi buồn chứ không thể mua được niềm vui. Một khi có đủ tiền để trả nợ, đóng các loại hóa đơn, gửi đầu tư / tiết kiệm, và phục vụ các nhu cầu giải trí, thì việc kiếm nhiều tiền hơn chẳng còn giúp ích mấy cho hạnh phúc của bạn nữa.
Một người có tiền thì ít “rơi vào chầm kảm” hơn người không có tiền. Xe hư? Tiền là giải pháp. Máy tính hỏng? Chỉ cần có tiền. Việc cầm tiền mặt trong tay còn được chứng minh sẽ khiến người ta an tâm hơn rất nhiều (không tính những trường hợp thảm họa, thiên tai, khủng hoảng). Tuy nhiên, ngăn chặn những thứ tiêu cực không đồng nghĩa với việc tạo ra những niềm hạnh phúc.
Ngược lại, càng có nhiều tiền, chúng ta lại càng dễ trở nên buồn bã vì xu hướng so sánh cuộc sống của mình với những người giàu hơn. Một thế hệ bị ám ảnh với việc kiếm tiền tin rằng cách để trở nên giàu có hơn về mặt thời gian là giàu có hơn về tài chính: “Tôi làm việc chăm chỉ hơn, kiếm nhiều tiền hơn để sau này có nhiều thời gian giải trí hơn.”
Độ tin cậy của câu nói này cũng gần với “Lên Đại học thì học hành nhàn lắm.” vậy. Tập trung vào việc kiếm tiền chỉ dẫn đến một kết quả duy nhất, là sẽ càng tập trung vào việc kiếm tiền.
Với tâm thức tiền là trên hết, không ít người sẵn sàng đánh đổi sự sung túc về thời gian của mình chỉ để được giàu có hơn về tài chính. Trong khảo sát được thực hiện bởi Tiến sĩ Tâm lý học xã hội Ashley Whillans cùng cộng sự, 52% số người tham gia – những lao động đang nuôi con nhỏ – cho biết họ muốn có nhiều tiền hơn thay vì nhiều thời gian hơn.
Khi được hỏi họ sẽ dùng 100 đô như thế nào để gia tăng hạnh phúc, chỉ 2% cho biết họ sẽ dùng tiền này để chi trả cho những thứ giúp tiết kiệm thời gian, ví dụ như dịch vụ giao hàng tận nhà. Có không ít người tham gia hoàn toàn khá giả về tài chính, nhưng vẫn trả lời rằng họ thà có nhiều tiền hơn.
Rất khó để định giá thời gian cũng như để nhận biết mỗi khi chúng ta đang đánh đổi thời gian cho thứ khác không đáng giá bằng. Ví dụ, bạn chọn bay nối chuyến để tiết kiệm 2 triệu tiền vé. Trả ít hơn 2 triệu, nhưng đồng thời bạn mất thêm 5 tiếng đồng hồ di chuyển, chưa kể những mệt mỏi và rắc rối khác trong suốt chuyến đi (đến nơi muộn hơn, nguy cơ thất lạc hành lý khi chuyển máy bay,…)
Cái bẫy ở đây vô cùng đơn giản: theo phản xạ, chúng ta sẽ chọn giải pháp ít tốn kém nhất trước khi thật sự tính toán mọi thứ. Một ví dụ khác: Bạn chấp nhận chạy xa thêm 6 phút để đi ăn ở một quán nọ rẻ hơn 10.000VNĐ. Giả sử mỗi tháng đi ăn 4 lần, thì bạn tiết kiệm được 480.000VNĐ/năm.
Đổi lại, mỗi tháng bạn tốn 24 phút, cả năm mất 288 phút tức 4,8 tiếng cho việc di chuyển. Như vậy, bạn đã dành gần 5 giờ đồng hồ để tiết kiệm 480.000VNĐ, chưa tính đến chi phí cơ hội của những việc bạn đã có thể làm trong 5 giờ đó thay vì chạy xe ra đường.
Có thể bạn sẽ vẫn cảm thấy sự đánh đổi này xứng đáng. Nhưng ít ra, giờ bạn cũng biết được chúng ta có xu hướng xem thường giá trị của từng giây phút mình có như thế nào.
Chúng ta đang có xu hướng để công việc và những giá trị vật chất “nói” lên mình là ai. Trong một khảo sát thực hiện năm 2017, 95% thanh niên trả lời rằng việc “có một công việc tạo ra ý nghĩa và đem lại sự thoải mái” là “cực kỳ quan trọng” đối với họ.
Với tầm quan trọng mà chúng ta đặt ra cho công việc thì trạng thái bận rộn trong công việc cũng tựa chiếc huân chương danh dự mà rất nhiều người muốn đeo mãi trên người. Chúng ta muốn được biết đến như “người làm nhiều giờ nhất”, ngay cả khi quãng thời gian này không thật sự hiệu quả.
Ngoài ra, sự bất an về tài chính cũng là nguyên nhân thúc đẩy hiện tượng làm việc quá sức. Xã hội ngày một phát triển, mọi thứ thay đổi nhanh chóng, sự cạnh tranh khắc nghiệt trong môi trường công sở và hiện tượng đào thải lao động khiến mọi người có xu hướng làm việc điên cuồng, kể cả người hiện đang làm tốt hoặc hiện đang sở hữu tài sản tương đối.
Chúng ta thấy tội lỗi khi tiêu tiền vào những thứ có thể giúp gia tăng hormone hạnh phúc, ví dụ như một buổi tối “ăn sang” hoặc đi nghỉ dưỡng.
Photo: Studio Warburton
Việc thể hiện mình luôn bận rộn cũng khiến chúng ta thấy hài lòng về bản thân. Nếu tỏ ra “xao nhãng” vì dành thời gian cho những thứ khác, chúng ta có nguy cơ bị đánh giá thấp. Đáng buồn là điều này không sai. Nghiên cứu cho thấy rằng những người luôn khoe khoang về chuyện “làm không ngừng nghỉ” được đánh giá là giỏi hơn, làm ra nhiều tiền hơn, có uy tín hơn, thậm chí là có vẻ ngoài cuốn hút hơn, ngay cả khi họ không thật sự như thế.
Lần tới, trước khi bấm gửi một email công việc cho sếp (không quên bcc tất cả mọi người trong team) lúc 9h tối thứ Bảy, hãy dừng lại vài giây, và sau đó thì đừng gửi nữa.
Ngay cả khi được sống trong xã hội hoàn toàn bình đẳng, chúng ta vẫn có xu hướng tự tạo ra áp lực thời gian cho mình, vì con người không tiến hóa theo chiều hướng ưu tiên sự nhàn rỗi.
Dan Gilbert – giáo sư tâm lý học tại Đại học Havard – đã thực hiện một thí nghiệm về trạng thái “ác cảm nhàn rỗi” này. Ông cho một số sinh viên vào một căn phòng, nói rằng họ chỉ cần ngồi đó, không cần làm gì cả. Sau một lúc, vài người đã yêu cầu “được” giật điện nhẹ thay vì ngồi không. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng các bậc phụ huynh dù than phiền rằng họ bận rộn và mệt mỏi, nhưng khi có thời gian rảnh thì lại cảm thấy “buồn chán” và “căng thẳng”.
Công nghệ có thể giúp chúng ta thoát khỏi cảm giác “chỉ ta với ta”, nhưng nó lại góp phần gây ra căng thẳng và trạng thái “nghèo thời gian”. Liên tục kết nối với các thiết bị điện tử ngăn não bộ có cơ hội nghỉ ngơi phục hồi, làm mức độ căng thẳng tăng cao, khiến chúng ta thoát ly thực tại (nghe thì hay đấy nhưng đây lại không phải chuyện đáng cổ vũ chút nào).
Trên thực tế, sự nhàn rỗi đã được chứng minh là một hình thức giải trí có giá trị, đồng thời làm gia tăng sự sung túc về thời gian. Những lợi ích về thể chất và tinh thần của việc giải phóng bộ não có giá trị hơn nhiều so với sự căng thẳng được tạo ra khi tâm trí luôn phải hoạt động.
Đa số chúng ta đều lạc quan thái quá về thời gian trong tương lai của bản thân. “Ngày mai mình sẽ rảnh hơn hôm nay!”. Khỏi nói cũng biết nhận định này sai lầm đến mức nào.
Ví dụ nhé, đầu tuần, cô bạn thân nhờ bạn thứ Bảy đến giúp đóng gói đồ đạc để chuyển nhà. Bạn đồng ý. Đến thứ Ba, đồng nghiệp nhắn thứ Bảy hoàn thành báo cáo nhé. Ô-kê quá dễ. Sang thứ Tư, crush rủ “Em ơi tối thứ Bảy này xem Bố Già với anh không?” Tất nhiên bạn say Yes ngay tắp lự. Cứ thế, sáng thứ Bảy mở mắt dậy và bạn chợt nhận ra “Thôi… chết… rồi.”
Lý do để bạn cứ đồng ý không ngại ngần, là vì ở thời điểm đưa ra quyết định, thứ Bảy vẫn là một cái mốc còn xa. Mặc dù hiện tại đang bận sấp mặt nhưng vẫn còn tận mấy ngày nữa cơ mà.
Photo: Sanaz Bidad
Thực tế, ở góc độ thống kê, dự đoán tốt nhất về mức độ bận rộn của bạn trong tuần tới chính là mức độ bận rộn của bạn trong thời điểm hiện tại. Chúng ta thường xuyên quên mất điểm mấu chốt này và “tin tưởng” rằng rồi mình sẽ có nhiều thời gian hơn bây giờ. Ngoài ra, nói “có” cũng là một cách để chúng ta vượt qua sự nhàn rỗi, mang lại cảm giác làm việc năng suất, thấy được kết nối với mọi người, làm bản thân có giá trị, được tôn trọng, được yêu thương.
Vậy thời gian đâu để làm cho hết tất cả những việc bạn đã đồng ý thực hiện này? Tất nhiên là từ quỹ thời gian nhàn rỗi của bạn rồi – những lúc đáng lẽ phải được dành riêng cho việc nghỉ ngơi. Một điều trớ trêu là trạng thái quay cuồng này sẽ càng làm giảm khả năng bạn đạt được những mục tiêu mình đặt ra ban đầu, cho dù khi ấy bạn đã xác định sẽ trở nên bận-bịu-hết-mức-có-thể để hoàn thành chúng.
Trên đây chỉ là 6 trong số rất nhiều cái bẫy chỉ chực chờ ăn hết thời gian của bạn. Mỗi người sẽ có xu hướng rơi vào những cái bẫy khác nhau. Yếu tố quan trọng nhất khiến điều gì đó (hoặc ai đó) trở thành “cạm bẫy” là nó làm bạn thấy buồn phiền và thấy mất đi những giây phút mà đáng lẽ có thể được sử dụng làm việc khác khiến bạn hạnh phúc hơn.
Giống như tập thể dục hay ăn kiêng, việc gia tăng thời gian chất lượng đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì. Xã hội và cả tâm lý của chúng ta đều là tác nhân khiến những cái bẫy này trở nên ngọt ngào khó cưỡng. Hãy thay đổi, nhưng đừng nóng vội.
Mỗi người có những cái bẫy khác nhau thì họ cũng sẽ có những khái niệm khác nhau về việc thế nào là “đại gia thời gian”. Đó có thể là 15 phút dành để tự học guitar thay vì lướt điện thoại, hoặc 10 phút thiền định mỗi sáng thứ Bảy thay vì nằm ườn trên giường không thèm dậy. Những người sung túc về mặt thời gian không phải là những người rảnh rỗi nhất, mà là những người có khả năng tạo ra những khoảnh khắc hạnh phúc và ý nghĩa trong 24 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Xem thêm:
#Nghĩ: Khi đại gia thời gian trở thành kẻ “cháy túi”?
#Nghĩ: Phản thư viện – Giá trị của những quyển sách bạn… không đọc
#Nghĩ: Phong ba bão táp không bằng kết bạn ở tuổi trưởng thành
#Nghĩ: Để những kẻ ngắt lời không còn “lên tiếng”
Anh Cao Văn Thắng – founder Gạo Nâu Chụp Ảnh, đã có những nhận định…
Dù có già hay trẻ, xu hướng tính dục là gì, hay mới cưới hoặc…
"Một mùa thu chưa xa" trưng bày 27 tác phẩm theo phong cách trừu tượng.…
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hóa ra một giới thường vượt qua nỗi…
Bạn hoặc người bạn biết, có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu…
Và điều tuyệt vời nhất là chúng hoàn toàn được tính hợp trong chính chiếc…