Ám ảnh sợ không gian rộng là một trong những dạng ám ảnh sợ phổ biến nhất của con người. Với những người mắc chứng này, ngay cả việc rời khỏi nơi ở cũng có thể trở nên không thể tưởng tượng với họ.
Phobia có nguồn gốc từ từ phobos (kinh dị, sợ hãi) trong tiếng Hy Lạp. Những chứng ám ảnh sợ hãi cụ thể sẽ được gọi tên bằng cách kết hợp tiền tố Hy Lạp hoặc La-tinh của nỗi ám ảnh với hậu tố –phobia. Agora là một từ Hy Lạp dùng để chỉ “một không gian mở, nơi người dân gặp gỡ để thực hiện các hoạt động khác nhau”.
Agoraphobia được định nghĩa là: sự lo âu và sợ hãi cực độ của một người với một nơi chốn / tình huống có thật hoặc giả định mà (1) khả năng thoát khỏi nơi đó bị hạn chế, (2) cố gắng thoát khỏi đó có thể gây ngượng cho họ (3) họ không có sự hỗ trợ sẵn sàng.
Chứng ám ảnh sợ không gian rộng thường bị hiểu lầm thành “nỗi sợ rời khỏi nhà”, trong khi thực tế, đó chỉ là một trong số rất nhiều biểu hiện mà thôi. Người mắc chứng này sẽ có tâm lý cố thủ trong những môi trường / tình huống mà họ biết rõ hoặc họ cho rằng chúng an toàn, dẫn đến né tránh tất cả những thứ không an toàn khác. Định nghĩa an toàn hay không an toàn sẽ khác nhau với mỗi người, nhưng nhìn chung thì một số môi trường / tình huống không an toàn phổ biến bao gồm:
– Ở một mình bên ngoài nhà,
– Ở trong đám đông hoặc đứng xếp hàng,
– Ở những nơi như rạp chiếu phim, cửa hàng, thang máy,
– Ở trên cầu,
– Ở trên một số phương tiện như xe buýt, xe lửa, xe hơi.
Nỗi bất an khiến những người mắc chứng ám ảnh sợ không gian rộng luôn cần người bên cạnh những lúc họ bắt buộc phải ở trong những địa điểm / tình huống không an toàn. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh hoàn toàn không thể ra khỏi phòng riêng hoặc nhà riêng mà không bị cơn hoảng loạn tấn công.
Có khoảng 1,7% thanh thiếu niên và người trưởng thành được chẩn đoán mắc chứng ám ảnh sợ không gian rộng, tỉ lệ phụ nữ cao gấp đôi nam giới. Bệnh có thể xuất hiện rất sớm từ thời thơ ấu, tuy nhiên thông thường, người bệnh sẽ trải qua những cơn hoảng loạn đầu tiên vào khoảng cuối thời thanh niên và đầu thời kỳ trưởng thành. Những suy nghĩ gây lo âu, sợ hãi cũng thay đổi theo độ tuổi: trẻ con sợ mình đi lạc, người lớn sợ gặp phải những cơn hoảng loạn, còn người lớn tuổi hay sợ bị té ngã.
Ám ảnh không gian rộng có thể xuất hiện một mình hoặc đi kèm với một số rối loạn lo âu khác, ví dụ như rối loạn hoảng sợ(*) hoặc các rối loạn trầm cảm.
(*)rối loạn hoảng sợ (panic disorder) – hay còn gọi là “lo âu chờ đợi” (anticipatory anxiety) hoặc “nỗi sợ sự sợ hãi” (fear of fear) – là một rối loạn khiến các cơn hoảng loạn (panic) tái diễn và người bệnh có nỗi sợ sâu sắc về việc sẽ tiếp tục bị hoảng loạn.
Cuộc sống của những người mắc chứng ám ảnh sợ không gian rộng bị ảnh hưởng rất lớn. Ước tính, có hơn 1/3 trong số đó không ra khỏi nhà và không thể đi làm. Nhu cầu dựa dẫm vào người khác của họ có thể trở thành gánh nặng người thân, bạn bè. Ngoài ra, việc hạn chế ra ngoài còn góp phần hủy hoại những tương tác và các mối quan hệ xã hội.
Người bị ám ảnh sợ không gian rộng cảm thấy sợ hãi, lo âu quá mức so với mức độ đe dọa thật sự của những tình huống / địa điểm gây nguy hiểm. Theo Cẩm nang Số liệu và Chẩn đoán các Rối loạn Tâm thần DSM-5, nếu một người có các triệu chứng như dưới đây trong ít nhất 6 tháng và không liên quan đến các bệnh lý hoặc rối loạn tâm thần khác, thì họ có thể được chẩn đoán mắc ám ảnh sợ không gian rộng:
– Lo âu hoặc sợ hãi về những địa điểm / tình huống không an toàn, ví dụ như ở bên ngoài nhà một mình, ở không gian khép kín (cửa hàng, rạp phim, …) hoặc mở (chợ, bãi đậu xe, …), …,
– Chủ động né tránh tất cả những tình huống gây ra lo âu, sợ hãi,
– Ở yên trong nhà trong thời gian dài,
– Cảm giác bất lực,
– Phụ thuộc vào người khác,
– Gặp lo âu, hoảng loạn cực độ.
Người bị ám ảnh sợ này dễ trở nên nghiện rượu hoặc thuốc giảm đau vì họ xem đó là cách để đối phó với những vấn đề đang gặp phải.
Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, các nhà khoa học đã đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân gây ra các chứng rối loạn lo âu. Câu trả lời cụ thể vẫn đang được tìm hiểu, tuy nhiên nhìn chung, hầu hết chúng là kết quả từ sự kết hợp giữa (1) trải nghiệm sống (2) đặc tính tâm lý và / hoặc (3) yếu tố di truyền.
Ám ảnh sợ không gian rộng là chứng ám ảnh sợ có liên hệ mạnh mẽ nhất với di truyền (tỉ lệ góp mặt của yếu tố di truyền là 61%). Ngoài ra, một số yếu tố môi trường khác cũng được cân nhắc: trải nghiệm gây căng thẳng (cha mẹ mất, bị tấn công, hành hung, cướp giật, …), lớn lên trong gia đình thiếu vắng tình thương hoặc bị bảo bọc quá mức.
Nhiều người cho rằng các ám ảnh sợ không thể chữa khỏi. Thực tế, đúng là có một số nỗi sợ sẽ tồn tại cả đời, nhưng như thế không có nghĩa là người bệnh sẽ phải chịu khổ sở cùng chứng ám ảnh của mình mãi mãi. Chứng ám ảnh sợ không gian rộng cũng không ngoại lệ. Việc điều trị có thể không làm nỗi sợ biến mất hoàn toàn nhưng sẽ giúp cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng ít nhất có thể.
Các chứng ám ảnh sợ thường được điều trị bằng phương pháp giải mẫn cảm có hệ thống (Systematic desensitization), hay còn gọi là “liệu pháp tiếp xúc” (exposure therapy). Giải mẫn cảm không tập trung giải quyết nguyên nhân. Thay vào đó, nó nhắm vào các phản ứng sợ hãi – người bệnh được cho tiếp xúc dần với các kích thích gây sợ hãi theo mức độ thấp đến cao, từ đó học cách đối phó với nỗi sợ bằng cách thư giãn hoặc áp dụng kỹ thuật thở.
Lý tưởng sẽ là các tiếp xúc thực tế, tuy nhiên, tùy vào mức độ bệnh và điều kiện mà người bệnh cũng có thể được cho tiếp xúc dựa trên tưởng tượng. Điều trị chứng sợ không gian rộng bằng giải mẫn cảm giúp giảm lo âu và cải thiện tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống trên 75% tổng số ca bệnh.
Một số dạng trị liệu được dùng khác như: liệu pháp nhận thức–hành vi CBT (cognitive behavioral therapy), đào tạo tính quyết đoán (assertive training), liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback), thôi miên, thiền, thư giãn, hoặc liệu pháp cặp đôi (couples therpapy)… kết hợp với dùng thuốc để ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tần suất cũng như độ nghiêm trọng của các cơn hoảng sợ.
(Tham khảo: Psychology Today, Verywellmind)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
10 chứng ám ảnh sợ hãi phổ biến nhất của con người
Chứng ám ảnh sợ hãi – Khi những thứ cực bình thường trở nên cực kinh hoàng
Tiếng ồn trắng, hồng, và nâu – Bạn biết gì về âm thanh trong cuộc sống?
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…