Lifestyle

Làm sao để đối mặt với những nhiệm vụ bạn không hề muốn làm?

Định nghĩa nhiệm vụ không muốn làm ở đây là những task bạn cố tình trì hoãn trên to-do list mà không có lý do cụ thể nào.

Hầu hết chúng ta đều từng gặp trường hợp này ít nhất một lần trong đời – cố tình trì hoãn một task nào đó trên danh sách việc cần làm. Khó? Không hẳn. Tốn thời gian? Cũng chẳng đúng. Nhưng thôi đừng quan tâm đến lý do ban đầu nữa. Nó không còn quan trọng. Quan trọng là bạn đã tránh né ‘việc cần làm’ này lâu đến mức hầu như không thể nghĩ về nó mà không cảm thấy bị tổng tấn công bởi một mớ cảm xúc lẫn lộn của…

– Cảm giác phải làm nó ngay, vì thật sự nó là việc cần–được–hoàn-thành
– Cảm giác ngượng ngập, vì dù nó cần kíp đến thế nhưng bạn đã gác lại nó quá lâu
– Cảm giác ngại ngùng nửa muốn làm nửa muốn không, vì bạn cứ mải nghĩ đến khả năng ‘sẽ thế nào nếu mình làm nó từ đầu nhỉ?’

Những nhiệm vụ không muốn làm thế này có thể xuất hiện ở mọi thời điểm, trong mọi khía cạnh cuộc sống, chứ chẳng riêng gì trong môi trường công sở. Đó có thể là một cuộc trò chuyện nghiêm túc với người bạn đời, là chuyện dọn dẹp nhà cửa, là cú điện thoại hỏi thăm gia đình, là đi khám sức khỏe định kỳ, là dự định chuyển đổi công việc vì không còn phù hợp, … Dù nhỏ hay to, chúng đều có thể khiến bạn rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng, sợ hãi trong thời gian dài.

Vì sao chúng ta lại tránh né?

Một trong những lý do phổ biến nhất, đó là phần thưởng ngắn hạn của việc hoàn thành task không đủ lớn để bù đắp cho chi phí (về mọi mặt) phải bỏ ra để hoàn thành nó. Rất nhiều thứ có thể trở thành nguyên nhân ngăn cản bạn – hôm nay mệt rồi, giờ có task khẩn cấp hơn cần ưu tiên giải quyết, sợ mình không thể làm tốt, chần chừ vì công việc này đòi hỏi phải thực hiện một số thao tác bạn cực ghét (ví dụ như giam mình trong phòng hàng tiếng liền, hoặc phải đi gặp gỡ giao thiệp người này người nọ).

Ngày đầu tiên trôi qua, bạn tự nhủ ‘Ôi dào, để mai rồi làm vẫn chưa muộn.’ Nhưng rồi hôm sau, bạn lại gặp phải những lý do khác, để rồi công việc cần làm này tiếp tục bị đẩy sang những hôm sau nữa. Việc tránh né này sẽ còn tiếp tục, nhưng dần dần, những lý do ban đầu sẽ bị thay thế bằng:

– Gần deadline quá rồi, phải nỗ lực gấp mấy lần thì mới có thể hoàn thành;
– Cho dù hoàn thành, chất lượng công việc có thể cũng không ra sao’
– Chất lượng không ra sao, người khác sẽ đánh giá;
– Với những công việc không có hạn cuối thì vẫn ngại người khác nói rằng ‘Sao đến giờ mới chịu làm?’, ‘Thời gian qua cậu làm gì?’, ‘Cậu thực sự ghét việc này đến thế à?’, …
– Hoặc chỉ đơn giản là khó chịu với bản thân vì đã không hoàn thành nó phứt cho rồi.

Nhưng là gì đi nữa, trừ phi bạn bất ngờ có được nguồn động lực mạnh mẽ, hoặc rủi ro của việc tiếp tục trì hoãn trở nên quá lớn, thì khả năng cao là bạn vẫn sẽ tiếp tục tránh né nhiệm vụ không hề muốn làm này.

Ảnh: Unsplash / Karim MANJRA

Dần dần, bạn sẽ quên luôn lý do thực sự của việc trì hoãn này là gì. Liên kết duy nhất còn lại giữa bạn và nhiệm vụ mình đã cố tình tránh né là những cảm giác tội lỗi, xấu hổ, hoặc sợ hãi mỗi khi nghĩ đến nó. Chúng không đủ lớn để khiến bạn bắt tay vào việc, nhưng đủ để khiến bạn trở nên khó chịu và khổ sở như một người trằn trọc cả đêm không thể ngủ vì cảm giác có vật gì đó đang vướng dưới đệm nằm nhưng lại không thể tìm ra đó là thứ gì.

Đây là một trải nghiệm không dễ chịu, thế nên bộ não sẽ học cách để bảo vệ bạn khỏi những tình huống có nguy cơ khiến bạn gặp lại trải nghiệm này. Bạn thôi không mở hộp thư, ngừng xem tin nhắn, né triệt để những địa điểm và những người khiến bạn nhớ đến công việc kia, hoặc không bao giờ kéo quá tay để tránh một cái tên cụ thể trong danh bạ – tất cả mọi biện pháp có thể chỉ để ‘nỗi đau khổ’ này dịu lại. Và cứ thế, quá trình tránh né lại càng bị kéo dài.

Hiện tượng này được bắt gặp phổ biến hơn ở những người có tình trạng sức khỏe tinh thần yếu, ví dụ như người mắc các chứng bệnh về tâm lý, tâm thần như ADHD (rối loạn tăng động, giảm chú ý), trầm cảm, lo âu. Điều không may, đó là hầu như không có biện pháp nào có thể giúp chúng ta hoàn toàn ngăn chặn vòng lặp này. Tuy nhiên, bạn có thể thử phá vỡ nó bằng một số cách sau đây.

#1 – Thừa nhận các nhiệm vụ bạn không muốn làm

Nếu thấy bồn chồn lo lắng mỗi khi nghĩ về một nhiệm vụ mà mình đã cố gắng tránh né nó từ đầu, hãy dũng cảm thừa nhận việc đó. Bạn có thể ‘gắn nhãn’ việc tôi không muốn làm cho nó để đưa ra một lời giải thích với tình trạng hiện tại, thay vì cứ để mặc tâm trí cho rằng bạn là một kẻ vô tích sự.

#2 – Đừng quan trọng hóa

Mức độ quan trọng của nhiệm vụ sẽ tỉ lệ thuận với quãng thời gian bạn trì hoãn nó. Nhưng bạn nên nhớ rằng, nó chỉ trở nên quan trọng hơn dưới góc nhìn của bạn mà thôi. Một khi đã có thể bình tĩnh nhìn nhận, bạn sẽ nhận thấy rằng thực sự thì mọi chuyện không đến nỗi kinh khủng như bạn nghĩ. Người mà bạn cho rằng sẽ thất vọng, sẽ mắng chửi bạn thậm tệ, sẽ hỏi hàng đống câu hỏi về chuyện vì sao bạn lại đợi lâu đến thế mới hoàn thành công việc này có thể còn chẳng mấy quan tâm đến sự chậm trễ, hoặc cơn giận của họ nếu có cũng sẽ không khủng khiếp như bạn tưởng tượng. Suy cho cùng thì ai trong chúng ta cũng có nhiều thứ để giải quyết và để suy nghĩ cả.

#3 – Nhờ, hoặc thuê người khác

Tại sao lại không? Dù lý do là gì đi nữa thì bạn cũng ngấy đến tận cổ mỗi khi nhắc đến công việc này rồi. Nếu có thể, bạn hoàn toàn có thể nhờ người khác thảo một bản nháp của email cần gửi, thuê người dọn dẹp nhà cửa, hoặc thậm chí ‘đổi vai’ với một người bạn để cả hai thực hiện những nhiệm vụ mà người kia đang tránh né.

#4 – Từ bỏ

Thông thường, khi một nhiệm vụ đã đạt đến cảnh giới ‘bị né tránh triệt để’, thì nó cũng chẳng còn quá cần thiết hay hiệu quả như ban đầu. Do đó, bỏ hẳn nó đi cũng là một cách bạn có thể làm – vừa không cần phải nghĩ đến nó nữa, vừa lấy thời gian và năng lượng ra làm những thứ khác sẽ mang đến lợi ích cao hơn. Lưu trữ cuộc trò chuyện mà bạn không muốn tiếp tục. Đóng tất cả các tab của những trang báo mà bạn sẽ chẳng bao giờ đọc. Xóa những bookmark địa chỉ web bạn đã lưu để ‘hôm nào xem lại’. Dù gì đi nữa thì bạn cũng không có ý định làm, tốt hơn hết cứ mạnh dạn mà bỏ chúng đi.

Ảnh: Unsplash / Mindspace Studio

#5 – Học cách nhận biết những nhiệm vụ, công việc có nguy cơ bị né tránh

Trước khi lên kế hoạch hay hứa thực hiện một việc gì đó, hãy suy nghĩ về khả năng trở thành những nhiệm vụ không muốn làm của chúng. Trước đây, bạn có từng lên kế hoạch hay nhận trách nhiệm cho những việc tương tự không? Kết quả thế nào? Mỗi người trong chúng ta đều có những lý do riêng để nhận xét rằng một nhiệm vụ là dễ dàng hay khó khăn, để muốn làm hoặc không muốn làm công việc nào đó. Từ chối từ đầu vẫn tốt hơn là không (thể) làm và sau đó từ bỏ.

(Theo: Robert Wiblin)

Xem thêm:
Vì sao chúng ta trì hoãn và né tránh những việc nên làm?
3 vị trí cần làm sạch mỗi tuần để việc dọn dẹp nhà cửa không còn là cơn ác mộng
Chứng ám ảnh sợ hãi – Khi những thứ cực bình thường trở nên cực kinh hoàng
Netflix và những thủ thuật tâm lý giúp hoàn thiện trải nghiệm người dùng

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

22 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago