#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai
2020 và 2021 đánh dấu bằng những khó khăn chưa từng có do sự ảnh hưởng của COVID-19. Sản xuất, thị trường, lao động, đồng tiền, toàn bộ đều chịu đứt gãy. Quá trình phục hồi chắc chắn sẽ mất rất nhiều công sức và thời gian. Trong bối cảnh bình thường nhưng chưa hẳn bình thường này, nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp, đơn vị trên cả nước nói riêng buộc phải có biện pháp thích ứng.
Hiện tại, dịch bệnh có thể xem như đã “nguội” bớt ở những thành phố trọng điểm. Cùng với những chính sách nới lỏng của Chính phủ, các doanh nghiệp cũng đang mở cửa trở lại. Nhưng đa số người dân vẫn còn tâm lý sợ sệt, e ngại dịch bệnh sẽ lại bùng phát. Đứng trước tình hình này, làm thế nào để các doanh nghiệp có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn giúp tái định hình cấu trúc và nâng cao động lực cho nhân viên?
Ngày 28/10, JobHopin đã tổ chức sự kiện trực tuyến với chủ đề Động lực và năng suất trên con đường trở lại Bình thường Mới. Các doanh nhân, chuyên gia hàng đầu về chiến lược nhân sự đã cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp thiết yếu cho các cá nhân, doanh nghiệp tự tin bước vào thời kỳ mới.
Bài viết được The Millennials Life biên tập từ
nội dung webinar Động lực và năng suất trên con đường trở lại bình thường mới
– Giám đốc điều hành của Vingroup Ventures – một quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Tập đoàn Vingroup;
– Giám đốc Chiến lược và Vận hành của VinaCapital – công ty quản lý quỹ hàng đầu tại Việt Nam;
– Giám đốc Đầu tư tại DFJ VinaCapital – một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên tại Việt Nam;
– Tham gia 3 mùa Shark Tank Việt Nam với vai trò nhà đầu tư ‘Shark Linh’.
COVID-19 đem đến cho chúng ta một thử thách chưa từng biết đến trước đây. Nhưng dù khó khăn đến đâu, thì chị Thái Vân Linh – nhà sáng lập kiêm CEO TVL Group – cho rằng đây chẳng qua chỉ là một trong những trở ngại mà chúng ta sẽ phải tiếp tục đối mặt trong những năm tiếp theo của cuộc đời. Bình thường mới thậm chí vẫn khiến người ta sợ hãi, vì không ai có thể chắc chắn rằng liệu đây đã là bình thường hay chưa.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc và 12 năm trong vai trò một nhà đầu tư, chị Linh nhận định rằng, điều quan trọng không phải điều mà chúng ta chọn để làm, mà chính là câu hỏi Tôi có khả năng làm gì? Hầu như ai cũng mong mỏi bản thân có thể làm tốt việc gì đó ngay lần thử đầu tiên, vì điều đó chứng tỏ rằng họ có tài.
Nhưng thực tế là một câu chuyện khác. Gần như mọi người đều có những lần-đầu-tiên rất tệ. Điều này cũng hợp lý thôi – đã là lần đầu tức chúng ta chưa có nhiều kiến thức, trải nghiệm. Nhưng qua vài lần đầu tệ hại như thế, nhiều người dễ dàng nhận định rằng họ chẳng có tài năng nào cả! Chị Linh cho rằng “Tìm kiếm tài năng là một sự lãng phí thời gian. Vấn đề không phải bạn không có tài năng, mà là bạn không cho bản thân cơ hội học hỏi đủ để có thể trở nên xuất sắc.”
Thay vì dành thời gian để khám phá tài năng, chị Thái Vân Linh khuyên nên dùng năng lượng để xây dựng tiềm năng. Để làm được điều này, có 3 điều chúng ta cần ghi nhớ.
Công việc đầu tiên của chị Thái Vân Linh là đi làm tiếp thị. 5 năm sau, chị chuyển sang làm cho ngân hàng tài chính và quỹ đầu tư. Tiếp đó, chị startup với công ty thời trang, rồi lại quay về đảm nhiệm mảng vận hành trong các tổ chức. Vài năm sau đó nữa, chị lại chuyển hứng sang startup giáo dục. 22 năm làm việc, thay đổi khá nhiều ngành nghề, điều duy nhất làm chị Linh cảm thấy tiếc nuối đó là “phải chi trong thời gian đó mình học hỏi nhiều hơn, biết được nhiều hơn”.
“Tôi không biết.”, “Tôi không giỏi việc này.”, … là những câu mà ai cũng có thể nói. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa người thành công và người bình thường nằm ở chỗ, người thành công không gạt bỏ mọi thứ từ đầu – thay vì nói không, họ sẽ nói chưa. Tư duy cởi mở, sẵn sàng thay đổi “Tôi chưa biết, nhưng tôi sẽ làm.” là chìa khóa để bạn vượt qua bất cứ thử thách nào.
Chúng ta cho rằng có nhiều người may mắn, lúc nào cũng được giúp đỡ. Thực chất, họ là những người giỏi nắm bắt cơ hội. Đôi khi cơ hội có thể khoác một cái áo xấu xí (bị sa thải hoặc từ bỏ một công việc tốt), nhưng bạn vẫn có thể tìm được hướng đi để phát triển lâu dài. Cuộc sống mỗi người đều có lúc thăng lúc trầm, nhưng nếu biết chấp nhận lùi 1 bước để tiến thêm 3 bước, tương lai của bạn sẽ có thêm nhiều tiềm năng.
Khi còn đi học, bạn thích những môn nào? Hầu hết mọi người sẽ thích những môn mà họ giỏi. Chị Thái Vân Linh cũng tin vào điều tương tự, “Khi bạn giỏi một điều gì đó, nó sẽ trở thành đam mê của bạn.” Tất cả những gì chúng ta biết trong cuộc sống này đều là kết quả từ việc học hỏi. Khi đã trau dồi đến mức có năng lực tốt hơn những người khác, điều bạn theo đuổi sẽ trở thành đam mê của bạn.
Khi đã hiểu được tiềm năng, giải phóng được tiếng nói bên trong, bạn sẽ nhận ra rằng mình có năng lực thực hiện rất nhiều thứ. Cứ chậm rãi từng bước, tự mình xây dựng con đường riêng, đặt ra những mục tiêu hàng tuần, hàng tháng, hàng năm. Đến một ngày nhìn lại, bạn sẽ nhận ra mình đã đạt được rất nhiều.
“Hầu hết mọi người đều đánh giá quá cao những gì họ có thể làm trong một năm nhưng lại đánh giá thấp những gì họ làm được trong 10 năm.” Năm nay hay 2 năm qua chỉ là 2 năm trong suốt một cuộc đời rất dài. Hiện tại là một thử thách, nhưng chắc chắn đây chưa phải là thử thách cuối cùng. Thay vì tiếc nuối những gì mình chưa làm được trong 2 năm qua, chi bằng tập trung vào những gì mình có thể làm và sẽ làm trong những năm tiếp theo, để có thể từng bước đạt được những gì thực sự mong muốn.
– Cử nhân Khoa học Kinh tế Đại học Quản lý Singapore (SMU);
– Bằng Sau đại học về Nhân sự và Tâm lý tổ chức của Học viện Nguồn nhân lực Singapore (SHRI);
– Hiện là học viên ngành Quản lý được Chứng nhận Prosci®;
– 8 năm kinh nghiệm làm việc tại Singapore, hợp tác tuyển dụng với các khách hàng lớn trong lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính và tư vấn quản lý;
– Hiện là Head of Talent Aquistion của Techcombank.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong thu hút và quản trị nhân sự, chị Veo Nguyễn cho biết đây là bài toán phức tạp cho các doanh nghiệp. Nguyên nhân vì không có câu trả lời nào có thể áp dụng cho toàn thể các đơn vị mà phải phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, từng cá nhân, cũng như các tình huống mà doanh nghiệp / cá nhân đó gặp phải.
Xem đại dịch là một khủng hoảng, chúng ta cần phải trải qua 3 giai đoạn: phản ứng, phục hồi, và phát triển, trong đó phản ứng là cái mà chúng ta đã gặp phải hơn 1 năm trước đây khi COVID-19 xuất hiện. Đến với giai đoạn phục hồi, đây là lúc các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc vận hành bộ máy như thế nào chứ không đơn thuần chỉ duy trì nó như trong giai đoạn đầu nữa. Cuối cùng là giai đoạn phát triển, yêu cầu một thái độ sẵn sàng đón đợi chứ không chỉ phục hồi cầm chừng. Bên cạnh đó là ưu tiên đảm bảo lực lượng lao động có thể phát triển bền bỉ, dẻo dai, có năng lực ứng phó tốt với bất cứ khủng hoảng nào khác.
Sau khi hiểu được mình đang ở đâu, xác định được ưu tiên trong từng giai đoạn, bộ phận quản lý sẽ cần tái định nghĩa về công việc. Theo chị Veo Nguyễn, có 3 yếu tố cần quan tâm nếu muốn làm tốt việc tái định nghĩa này.
Thời gian qua, chúng ta quá bận phản ứng nên đã không có thời gian cùng ngồi lại với nhau để nhận định rõ về tính chất (thiết kế) công việc của đơn vị. Do đó, sau khi khủng hoảng đã được kiểm soát, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm là nhận định lại về thiết kế công việc – xem chúng được xây dựng thế nào, được thực thi ra sao, công việc nào có thể chuyển sang làm từ xa cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Nhiều doanh nghiệp sẽ phải thay đổi cấu trúc công việc và cơ cấu đội nhóm trong bình thường mới. Điều này không chỉ để phù hợp hơn với thiết kế công việc mới mà còn nhằm thích ứng với nhu cầu đã thay đổi của khách hàng. Công nghệ và dữ liệu nên được cân nhắc đầu tư. Không chỉ giúp doanh nghiệp hiểu hơn về nhu cầu hiện tại, dự đoán xu hướng tương lai, mà chúng còn là công cụ hiệu quả để đo lường hiệu suất công việc, giúp các nhân viên giữ kết nối trong điều kiện làm việc từ xa.
Chị Veo Nguyễn đánh giá rằng trong một chừng mực nào đó, COVID-19 đã đem lại một số lợi ích nhất định khi giúp chúng ta học cách phản ứng nhanh hơn, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Doanh nghiệp cần quan tâm đến các yếu tố sau: năng lực và cấu trúc của đội ngũ hiện tại, quản trị chi phí để đảm bảo lực lượng lao động trong tương lai, phúc lợi nhân viên (cả cho người cũ lẫn người mới), và tính gắn kết của các thành viên trong đơn vị.
Nếu trước khi dịch bệnh xảy đến, chúng ta không mấy quan tâm đến việc lập kế hoạch đội ngũ, thì đây là lúc cần đặt nó lên làm trọng tâm. Bộ phận nhân sự và đơn vị cần chủ động hơn để đưa ra những chính sách phù hợp – chẳng hạn trong giai đoạn phục hồi thì HR chú trọng vào planning và advice, nhưng đến giai đoạn phát triển thì cần đẩy mạnh quản trị thay đổi, đồng thời đảm bảo truyền thông rõ ràng với người lao động về những thay đổi đưa ra.
Những thay đổi áp dụng lên đội ngũ phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn nhận định về thiết kế công việc trước đó. Có thiết kế đúng thì chúng ta mới có cái nhìn đúng về cách thực hiện, hiệu quả, và định nghĩa thành công của công việc, từ đó đưa ra chiến lược tuyển dụng hay training đúng đắn.
Một vấn đề đáng lưu ý khác nữa là chế độ phúc lợi của cán bộ nhân viên đơn vị. Những chuyện như hỗ trợ khi nhân viên / người nhà nhân viên bệnh, hỗ trợ mỗi khi đi ra ngoài, tham gia chương trình, tập trung đám đông, … là những chuyện không xuất hiện trước dịch, nhưng nay đó là thứ cần quan tâm. Không chỉ điều chỉnh mà bộ phận HR còn cần cá nhân hóa các chương trình, chế độ này để đáp ứng được nhu cầu và tình hình riêng của từng cán bộ nhân viên. Có vậy họ mới cảm thấy yên tâm để tiếp tục làm việc, cống hiến cho đơn vị.
Nhưng cuối cùng thì chúng ta đều quy về một mấu chốt là chăm lo trải nghiệm của người lao động. Để làm điều này, người làm nhân sự cần đảm bảo đơn vị thực hiện việc truyền thông tốt – cả với nội bộ lẫn bên ngoài. Truyền thông nhanh chóng, rõ ràng, chính xác là chìa khóa để nhân viên cảm thấy mình là một phần của tổ chức, tăng mức độ gắn kết của họ. Ngoài ra, trong giai đoạn thử thách hiện tại, ghi nhận thành công của cá nhân / đội nhóm cũng là một trong những việc cần được quan tâm.
Ngày trước, nhắc nơi chốn làm việc là nghĩ ngay đến văn phòng. Nhưng trong hiện tại khi đa số đều làm việc từ xa thì văn phòng trở về là một địa điểm không hơn không kém.
Tùy theo tình hình mà có doanh nghiệp áp dụng chế độ hybrid (vừa làm văn phòng vừa làm tại nhà), hoặc vẫn để nhân viên làm từ xa. Dù thế nào thì trước khi chào đón mọi người trở lại, chúng ta cần đảm bảo 2 việc: có quy định rõ ràng để đảm bảo an toàn cả cho nhân viên lẫn khách hàng, và minh bạch về chế độ làm việc – ai sẽ là người lên văn phòng 100%, ai sẽ kết hợp, những ai chưa tiêm vắc-xin thì sẽ như thế nào?
Nếu chưa thực hiện được 2 bước này, tạm thời đơn vị sẽ chưa thể đón nhân viên trở lại, hòa nhập với một cuộc sống mới vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Ngoài ta, doanh nghiệp nên xem xét lại chiến lược sử dụng không gian văn phòng, thiết kế lại hoặc giảm bớt, thay đổi công năng sử dụng nếu cần thiết. Thay vì chỉ ứng phó với bình thường mới” một cách tạm thời, hãy chủ động áp dụng những biện pháp đảm bảo an toàn dài hạn.
– Nguyên Community Manager (Quản lý vận hành và phát triển cộng đồng) tại cơ sở lớn nhất của WeWork ở Đông Nam Á;
– 10 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ khách hàng từ dịch vụ lưu trú khách sạn, dịch vụ tư vấn đầu tư tới dịch vụ giải pháp văn phòng trọn gói;
– Từng chinh chiến nhiều vị trí từ Sales, Consultant, Relationship & Community Manager;
– Hiện là Member Experience Director tại Dreamplex – mô hình co-working đầu tiên tại Việt Nam
Dù hình thức làm việc từ xa đang trở nên phổ biến và được chấp nhận nhiều hơn, các khách mời cho rằng việc đưa nhân viên trở lại văn phòng vẫn vô cùng quan trọng. Hình thức làm việc trực tiếp giúp mang lại sự gắn kết giữa người với người và cho phép đội ngũ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau khăng khít.
Chị Zoee Nguyễn, Giám đốc Trải nghiệm Thành viên tại Dreamplex nhận xét, tùy theo tính chất của mỗi công việc, nhân sự sẽ lựa chọn làm việc ở văn phòng 50%, 70%, hay làm việc hoàn toàn từ xa. Mặc dù văn phòng không còn là nơi mỗi người buộc phải xuất hiện hàng ngày để báo cáo hay kiểm tra, đa số chúng ta vẫn cần một nơi để giao tiếp, hợp tác một cách gần gũi và duy trì các mối quan hệ.
Trong tương lai, công ty sẽ phát triển đồng thời cả hai mảng trải nghiệm trực tiếp và trải nghiệm trực tuyến sao cho đảm bảo sức khỏe tinh thần cho nhân viên, tăng cường sự gắn kết trong tổ chức, cũng như linh động đối phó với mọi thay đổi từ COVID. An toàn nhưng vẫn năng động, sáng tạo và tràn đầy hứng khởi – đây sẽ là từ khóa mà các doanh nghiệp hướng tới. Tuy nhiên, tinh thần hay thái độ tích cực trước hết phải đến từ vị trí nhà lãnh đạo.
Có thể thấy, mấu chốt trong việc khôi phục đà tăng trưởng hậu COVID chính là gắn kết, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực. Một đội ngũ không chỉ giỏi về năng lực mà còn gắn bó, tâm huyết với công ty sẽ là tài sản vô giá để doanh nghiệp bắt nhịp tăng trưởng hậu khủng hoảng.
Cảm ơn các khách mời vì buổi trò chuyện này!
Xem lại toàn bộ nội dung Fireside Chat: JobHopin Podcast
Tham gia Digikigai và theo dõi thêm các số sau: Cộng đồng Digikigai
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
WorkHoursLove: Cùng CTO Huân Trần bàn về khả năng sáng tạo – “vũ khí” sắc bén của nhân loại
WorkHoursLove: Cùng LOGIVAN nghe nghề lao động “khó tính” kể chuyện đi làm
WorkHoursLove: Avram Miller – Chú vịt hoang trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm
WorkHoursLove: COO Hạnh Lê và triết lý công việc trên đường đua Triathlon
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…