#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai
Ironman 70.3 là chuỗi đường đua 3 môn thể thao phối hợp bao gồm: chạy bộ, bơi và đạp xe. Khi tham gia giải đấu này, các vận động viên sẽ phải hoàn thành một hành trình bao gồm 1,9 km bơi biển, 90 km đạp xe và 21 km chạy bộ.
Trong cuộc đua này, các thí sinh gần như không có thời gian để dừng lại. Dù là đang bơi, đạp xe hay chạy bộ, người chơi đều phải duy trì tinh thần và sức lực để vận động liên tục. Đối với các vận động viên nghiêm túc về việc xếp hạng thì ngay cả việc đi vệ sinh, thời gian nghỉ ngơi, ăn uống cũng phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Trên đường đua, ban tổ chức thiết kế những trạm kiểm soát để đảm bảo tất cả các vận động viên sẽ theo kịp thời gian. Ví dụ với Ironman 70.3, thời gian trung bình để hoàn thành cuộc đua là khoảng 6 giờ, trong đó bơi khoảng 45 phút, đạp xe 3h-3h30 phút, cuối cùng là chạy trong khoảng 2h- 2h15 phút. Nếu không đến được trạm kiểm soát theo đúng thời gian quy định, khả năng cao các thí sinh sẽ phải rời khỏi cuộc đua.
Thông qua áp lực về thời gian và sự khắc nghiệt về cả tinh thần lẫn thể chất mà rất nhiều những CEO, những nhà quản lý hàng đầu thế giới, những con người bận rộn nhất hành tinh đã say mê và hăng hái tham dự sự kiện thể thao đầy thử thách này. Với họ, đây là cơ hội để rèn luyện ý chí, sự tập trung và đối diện với các thử thách để có thể vượt qua chính mình.
Mỗi thí sinh khi tham gia đường đua Triathlon đều hiểu rằng, việc thực hiện liên tục 3 môn thể thao đường trường này thật sự là một thách thức vô cùng khó khăn đối với cơ thể. Các cơ bắp trên người sẽ căng cứng, đau đớn vì mệt mỏi. Sự kiệt sức, nhịp tim tăng cao và những cơn buồn nôn vì vận động mạnh sẽ khiến ta muốn bỏ cuộc hơn bất cứ khi nào.
Thế rồi khi đôi mắt mờ dần đi, trí óc không còn tỉnh táo bởi các cơn say nắng, căng cơ, chuột rút… mỗi người sẽ phải đứng trước sự lựa chọn: hoặc dừng lại và nghỉ ngơi, hoặc tiếp tục chịu đựng, bất chấp tất cả tiến lên phía trước – mặc kệ trí não đang cố nói với mình: “Nếu cứ tiếp tục, ta có thể sẽ gục ngã bất cứ lúc nào.”
Đường đua Triathlon và quá trình làm việc của mỗi người cũng giống nhau. Bất chấp khởi đầu có vui vẻ, tràn đầy cảm hứng đến đâu thì trên con đường sự nghiệp dài đằng đẵng và đầy những chông gai, sẽ có những lúc ta cảm thấy căng thẳng và kiệt sức. Đó có thể là khi kết quả công việc không như ý, hành trình đạt đến thành công quá quanh co và gian khó. Thậm chí, những deadline trải dài, những đêm tăng ca không hồi kết cũng khiến ta phải tự đặt câu hỏi: Liệu bản thân mình có thể đi xa đến đâu?
Trong quyển Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, Haruki Murakami đã nói: “Để đi tiếp, ta phải duy trì nhịp điệu.” Dù là trên đường đua Ironman hay trong công việc, việc đi về đích có thể là mục tiêu cuối cùng nhưng đó không phải mục đích duy nhất. Chúng ta chạy bộ, chúng ta tập thể thao hay làm việc còn là để vượt qua chính mình, để biến suy nghĩ “không thể” thành tư duy “tôi sẽ…”.
Có lẽ chính cơ hội để thúc đẩy bản thân tới những giới hạn cực độ về sự bền bỉ và dẻo dai đã giúp Hạnh Lê – đồng sáng lập kiêm COO (giám đốc vận hành) PMAX – rút ra được những bài học đắt giá về sức mạnh tinh thần và tầm quan trọng của việc thay đổi tư duy. Từng nắm giữ vị trí giám đốc Chiến dịch kinh doanh và Bán hàng (Head of Campaign & Merchandising) tại Lazada, nhưng vào năm 2016, khi Lazada bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam, trở thành cái tên hàng đầu trong ngành Thương mại điện tử, Hạnh lại quyết định rời tập đoàn để sáng lập PMAX – một doanh nghiệp cung cấp giải pháp Total Performance Marketing.
Trong hành trình “ôn thi Ironman” của mình, COO Hạnh Lê đã nhận ra việc “cắm mặt” đạp xe đường đèo khá giống triết lý kinh doanh của bản thân.
- 1. Có dốc lên thì sẽ có dốc xuống và ngược lại. Nên thấy dốc xuống cũng đừng chủ quan và thấy dốc lên cũng đừng vội buồn. Kinh doanh cũng vậy, nhiều lúc thấy mọi thứ đang tốt đẹp hết là lúc trong lòng thấy sợ, ắt hẳn là có cái gì đó đang đợi mình
- 2. Lúc bạn đang phè phỡn thả dốc mà không cố đạp thêm thì sẽ là lúc bạn chết với cái dốc lên tiếp theo. Trong kinh doanh cũng vậy, làm ra tiền thì phải lo tích góp để dự phòng cho con dốc tiếp theo.
- 3. Lúc đang tập trung leo dốc dài, cứ cắm mặt mà đạp, ắt sẽ qua, còn cứ lo nhìn con dốc dài mà sợ, khả năng lớn là cái não nó kêu mình xuống dắt bộ luôn. Trong kinh doanh cũng vậy, cái gì cũng sợ thì sẽ sớm bỏ cuộc thôi, cứ xắn tay vào làm, sai rồi sửa, rồi có ngày sẽ xong.
Trở lại năm 2012, khi bắt đầu làm việc tại Lazada, team OM (Online Marketing) khi đó gần như không ai nhắc đến khái niệm performance marketing. Tuy nhiên, có một nguyên tắc làm việc trong ngành nghề này, đó là những người làm online marketing phải đo được 1 đồng doanh thu được tạo ra thì mất bao nhiêu đồng chi phí quảng cáo (CiR), tức phải tự đặt câu hỏi làm sao để vừa tăng được doanh thu mà vừa giảm được CiR. Để trả lời bài toán đó, cả team nói chung và từng cá nhân nói riêng phải tự mày mò về chuyện định nghĩa của từng chỉ số, cách đo, cách làm report, cách phân tích để thay đổi từng quảng cáo… và đó là cách Hạnh và team đã làm online marketing tại Lazada.
Bốn năm sau, Hạnh quyết định ra mở agency về online marketing với cách làm và tư duy mà đã thấm nhuần ở Lazada. COO Hạnh Lê gọi đó là Performance Marketing, cũng là cách mình định vị PMAX.
Khi nhắc tới Performance Marketing, mỗi người sẽ có những cách hiểu và định nghĩa khác nhau, tuy nhiên với Hạnh, “Performance Marketing đơn giản chỉ là một tư duy làm marketing mà ở đó đòi hỏi bạn phải trả lời được 3 câu hỏi: 1. Mục tiêu và KPI của chiến dịch marketing của bạn là gì? 2. Đo các KPI đó bằng cách nào? 3. Tối ưu các KPIs đó ra sao?”
Dẫu vậy, để trả lời được xem rằng mục tiêu và KPIs của chiến dịch marketing bạn sắp chạy là gì, bạn đo lường kết quả đó bằng cách nào và làm sao để chiến dịch quảng cáo ra được kết quả tốt hơn lại là một hành trình vô cùng gian nan, hệt như chuỗi đường đua 3 môn thể thao phối hợp đường dài Ironman Triathlon.
Tất cả những bài học về tư duy, kinh nghiệm làm việc cũng như cảm hứng để duy trì một sức mạnh tinh thần bền bỉ đó sẽ được COO Hạnh Lê chia sẻ trong Fireside chat với tựa đề Transforming Mindsets I Learn from Completing Ironman Triathlon, hứa hẹn sẽ mang đến nhiều câu chuyện và chia sẻ thú vị về tư duy chiến lược trong truyền thông thời đại mới.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
WorkHoursLove: Play to Earn – Từ chơi cho vui đến vui để kiếm tiền
WorkHoursLove: Avram Miller – Chú vịt hoang trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm
WorkHoursLove: Cùng CTO Huân Trần bàn về khả năng sáng tạo – “vũ khí” sắc bén của nhân loại
WorkHoursLove: Cùng LOGIVAN nghe nghề lao động “khó tính” kể chuyện đi làm
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết