Lifestyle

Đừng để 3 bẫy tâm lý này chiếm lấy tâm trí bạn

Không cần biết ý kiến của bạn như thế nào, thì khoa học luôn nói lên sự thật. Đó cũng chính là mặt đẹp đẽ và đáng sợ của nó.

Tuy nhiên, ngay chính bản thân khoa học cũng ít khi khẳng định điều gì đó là đúng tuyệt đối, cứ dừng lại ở mức 99,99% – với càng nhiều chữ số thập phân phía sau càng tốt. Đó là lý do mà chúng ta có thật nhiều lý thuyết nhưng không phải tất cả đều thành định luật, cho dù chúng có “hiển nhiên” đến mức nào đi nữa.

Điều này đặc biệt đúng với tâm lý học. Đây là lĩnh vực mà chúng ta chẳng có cái “đặc quyền” được một hòn đá đập vào đầu để từ đó chứng minh sự tồn tại của lực hấp dẫn. Tuy khó chứng minh và quan sát nhưng vẫn có những lý thuyết tồn tại và tác động đến cuộc sống hàng ngày của bạn.

Thuyết đường hầm thực tại (The Theory of the Reality Tunnel)

Tưởng tượng nhé. Bạn đang bước đi trên một con đường đông đúc để về nhà sau một ngày dài đầy mệt mỏi. Trời bỗng đổ mưa. Bạn bắt đầu chửi rủa loạn lên vì còn cách một quãng xa mới đến nhà.

Đột nhiên, bạn bắt gặp một người đàn ông di chuyển ngược chiều. Cả hai chạm mắt nhau. Bạn thấy ông ta đang cười rất tươi mặc dù quần áo ướt hết cả.

Photo: Dani

Bây giờ, cả hai đổi vai. Bạn trở thành người đàn ông kia. Bạn đang nhìn thấy hình ảnh chính mình lúc nãy – một chàng trai / cô gái đang nhăn nhó giữa cơn mưa. Trong khi đó, bạn đang cực kỳ hạnh phúc. Ngày hôm nay của bạn đã quá nhiều điều kỳ lạ. Cơn mưa cuối ngày dường như là một kết thúc tốt đẹp. Nó làm bạn nhớ đến những ngày thơ.

Hiện tượng này được gọi là đường hầm thực tại (Reality Tunnel). Mỗi người chúng ta nhìn thế giới theo cách khác nhau, qua những lăng kính kinh nghiệm, giáo dục, giá trị, và tâm trạng khác nhau. Vì mỗi người tồn tại trong “đường hầm” của riêng họ, nên không có chân lý nào thật sự phổ quát cả. Hầu hết chúng ta, đáng tiếc, lại không nhận thức được điều này. Kết quả, chúng ta đánh giá người khác bằng những hành động và giả định thiển cận.

Hãy thử một ví dụ khác của thuyết đường hầm thực tại nhé. Bạn thấy gì khi nhìn bức hình dưới đây?

Phần đông người lớn sẽ thấy hình ảnh một cặp tình nhân. Tuy nhiên, hầu hết trẻ con sẽ thấy 9 con cá heo. Lý do vì trẻ con ngây thơ hơn và chưa có trải nghiệm yêu đương lãng mạn để tâm thức chúng “nhìn” thấy hình ảnh cặp tình nhân.

Thuyết đường hầm thực tại cho chúng ta biết một điều rằng, mỗi người trên thế giới này đều không phải là ta. Đa số những hiểu lầm và những ngộ nhận về hành vi hoặc cách phản ứng của một người đều bắt nguồn từ việc chúng ta cho rằng người khác cũng giống mình.

Tuy nhiên, cũng đừng quên rằng ta vẫn có thể dễ dàng trở thành ai đó, bằng cách thay đổi góc nhìn. Hãy thử đặt mình vào vị trí của họ, nhìn thế giới bằng lăng kính của họ, có lẽ ta sẽ học được cách để đồng cảm với người khác.

Câu chuyện tiến thoái lưỡng nan của loài nhím (The Hedgehog’s Dilemma)

Nhím ưa thích thời tiết ấm áp, nhưng chúng vẫn có thể thích nghi với điều kiện thời tiết không thuận lợi. Để giữ ấm, nhím sẽ nhích lại gần nhau. Tuy nhiên, việc này lại làm chúng có nguy cơ đâm vào nhau. Thế là không bao lâu, chúng lại di chuyển ra xa nhau vì khó chịu. Không lâu sau đó, chúng lại đến gần nhau khi bị lạnh.

Câu chuyện tiến thoái lưỡng nan của nhím tương đồng với sự thân mật ở con người. Chúng ta khao khát tình yêu và những kết nối sâu sắc. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ta sẽ bị tổn thương.

Freud và Schopenhauer – những nhà tâm lý học nổi tiếng – đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện ra rằng những người nhìn nhận việc bị xã hội loại bỏ (tương đồng với những con nhím bị gai đâm) một cách cay đắng và gay gắt sẽ giảm xu hướng tìm kiếm sự ấm áp. Ngược lại, những người lạc quan sẽ vượt qua nỗi đau bị từ chối để tìm thấy niềm vui và sự thoải mái bên cạnh người khác.

Triết gia, nhà tâm lý học người Đức, Arthur Schopenhauer, đã kết luận thế này về những con nhím: “Có lẽ tốt nhất chúng nên giữ khoảng cách với nhau một chút.”

Hãy cứ tìm kiếm và nuôi dưỡng các mối quan hệ. Tuy nhiên, đừng quá phụ thuộc vào người khác. Chúng ta cần không gian riêng, cũng như cần một trái tim đủ nhân hậu để tha thứ cho những lần làm nhau tổn thương. 

Thuyết bình thường hóa từ tốn (The Theory of Creeping Normality)

Khi người châu Âu đặt chân đến đảo Phục Sinh vào năm 1772, họ đã sốc khi chứng kiến một hòn đảo hoang vu, cằn cỗi. Cư dân trên đảo chỉ khoảng 2.000 người sinh sống dọc bờ biển. 

Giả thuyết được đặt ra về sự sụp đổ của xã hội này là vào hàng trăm năm trước đó, cư dân bắt đầu đốn những cây cọ trên đảo, dùng chúng làm công cụ để di chuyển các tảng đá đầu người nguyên khối đến những nơi cao.

Việc này tương tự như cách Kim Tự Tháp được xây dựng.

Việc này gây ra hiệu ứng phá hủy dân chuyền:
– Khai thác quá mức dẫn đến sự phát triển của chuột. Chúng ăn hết hạt. Loài cọ trên đảo bị tuyệt chủng.
– Không còn cọ để đóng thuyền và đi đánh bắt cá, cư dân đảo chuyển sang săn bắn chim.
– Các loài chim dần tuyệt chủng. Thực vật và cây cối trên đảo không còn được thụ phấn. Chúng lần lượt chết dần.
– Nguồn thức ăn của cư dân bị ảnh hưởng nặng nề. Họ chết dần.

Vì sao cư dân đảo lại tự “đào hầm” chôn mình? Họ không cố tình làm thế. Mọi chuyện diễn tiến chậm rãi và họ không nhận thấy thảm họa đang từ từ xảy ra. Đây chính là bản chất của thuyết bình thường hóa từ tốn. Ngay cả lúc bạn đang đọc bài này thì có một điều gì đó đang len lỏi vào cuộc sống của bạn.

Lấy một ví dụ khác nhé. Giả sử một ngày nọ, bạn nhận được đề nghị chia tay từ bạn trai / bạn gái mình. Bạn ngạc nhiên, sững sờ, hoảng hốt, tức giận, vì mọi việc đều đang rất tốt đẹp. Giữa hai người không xảy ra việc gì nghiêm trọng để phải kết thúc mối quan hệ. 

Tuy thế, “mọi việc đều đang rất tốt đẹp” chỉ là điều bạn nghĩ. Nếu bình tĩnh lại, bạn sẽ nhận ra thật ra mối quan hệ của cả hai đã phát triển theo chiều hướng đi xuống được một thời gian dài. Bạn sẽ chợt nhìn thấy tất cả những “dấu hiệu” mà trước đó bạn không hề biết đến, vì ở thời điểm chúng xảy ra, bạn đã không thể nhận ra.

Hầu hết tất cả những thứ xấu xí, tiêu cực xảy đến cho chúng ta cũng vậy. Không có gì thật sự thay đổi “chỉ sau một đêm”, mà nó là kết quả của rất nhiều rất nhiều đêm và ngày trước đó.  

Kết

Hãy cẩn thận với 3 điều này:

Thuyết đường hầm thực tại:  Mỗi chúng ta trải nghiệm cuộc sống theo cách riêng. Đừng cho rằng mình hiểu được một ai đó. Để trở nên đồng cảm với người khác, hãy thử nhìn thế giới bằng đôi mắt của họ. 

Câu chuyện loài nhím: Bạn sẽ bị tổn thương bởi những người thân cận và gần gũi. Nhưng đừng để điều đó ngăn bạn đến gần người khác ở một khoảng cách hợp lý. Vì nếu không, bạn sẽ bị “đông lạnh”.

Bình thường hóa từ tốn: Hầu hết những thứ tồi tệ là kết quả của việc cho phép những điều tồi tệ trở nên bình thường theo thời gian. Hãy nghiêm túc hơn với cuộc sống của mình trước khi mọi thứ bắt đầu trượt dốc ngoài tầm kiểm soát.

Nguồn: Sean Kernan

Mi Nguyen

Recent Posts

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

9 giờ ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

1 ngày ago

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không…

3 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb 2024 Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 10

Waterbomb 2024 sắp đến mảnh đất hình chữ S. Sau đây là những gì bạn…

5 ngày ago

Sự dung hoà giữa truyền thống và hiện đại tại “xứ sở kim chi”

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Sau những chuyến đi lý thú, những trải nghiệm…

5 ngày ago

Tư duy “sử dụng nguồn lực” của anh Phạm Minh Tiến từ Ngân hàng số Timo

Trong tập thứ 4 của chương trình podcast Extra Money do Rising Vietnam và Dreamage…

6 ngày ago