Lifestyle

#Nghĩ: Đường cong Kübler-Ross: Đọc vị nội tâm khi đương đầu với những biến chuyển trong cuộc sống

#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.

Cuộc sống không ngừng chuyển động và thay đổi hàng ngày. Dù thích dù không, con người buộc phải liên tục làm mới bản thân và không ngừng nỗ lực để có thể thích nghi, tồn tại trong xã hội đó.

Thật khó khăn để làm quen với những điều vốn không quen thuộc và gần gũi. Giai đoạn thay đổi không hề dễ chịu chút nào vì cảm giác bất ổn và không chắc chắn mà nó đem lại. Không thể làm gì hơn, ta chỉ có thể chuẩn bị cho sự đổi mới, luôn để bản thân trong tư thế sẵn sàng “chiến đấu” để có được những kết quả tích cực trước những biến đổi ngoạn mục đó.

Đường cong thay đổi Kübler-Ross của nhà tâm thần học Kübler-Ross – hay còn được gọi là mô hình năm giai đoạn đau buồn và mất mát, đã thể hiện nội tâm giàu cảm xúc của mỗi cá nhân khi đương đầu với những giai đoạn mang tính chuyển đổi trong cuộc sống. Mô hình này sẽ đưa ra cho chúng ta cái nhìn cụ thể hơn về cách con người điều hướng sự thay đổi trong cuộc sống.

Đường cong thay đổi Kübler-Ross là gì?

Ảnh: Life Hack

Được phát triển vào những năm 1960 bởi nhà tâm thần học người Mỹ gốc Thụy Sĩ Elisabeth Kübler-Ross, đường cong Kübler-Ross ban đầu được sử dụng để chỉ ra cách các bệnh nhân mắc nan y đối phó với cái chết sắp xảy ra.

Sau đó, bà tiếp tục phát triển mô hình để mọi người có thể áp dụng nó cho bất kỳ thay đổi lớn nhỏ nào trong cuộc sống. Từ năm 1980, đường cong Kubler-Ross đã chiếm một vị trí vững chắc trong việc quản lý tâm lý con người khi đối mặt với những sự kiện mang tính chất chuyển đổi trong cuộc sống.

Nhà tâm thần học đã chỉ ra rằng, con người khi gặp những biến đổi bất ngờ sẽ phải trải qua 5 giai đoạn cảm xúc: Chối bỏ – Phẫn nộ – Thỏa thuận – Chán nản – Chấp nhận/Hòa hợp. Tuy nhiên, những giai đoạn này có thể chuyển đổi theo nhiều cách – tùy vào đó là trường hợp bệnh tật, công việc, các mối quan hệ hoặc vấn đề tài chính.

Đường cong này cho phép chúng ta hiểu được cảm xúc, phản ứng và hành vi của mình bị tác động như thế nào khi trải qua những biến động quan trọng trong cuộc đời.

5 giai đoạn được vẽ ra trong đường cong thay đổi Kübler-Ross

Chối bỏ

Ảnh: Weill Cornell Medicine

Một sự thay đổi mạnh mẽ và đột ngột có thể dẫn đến trạng thái sốc và sự phản đối quyết liệt ở một người. Điều này đặc biệt đúng khi sự đổi thay đem đến niềm đau và bi thương cho ai đó.

Khi lần đầu tiên biết đến một sự việc nào đó mang tính biến đổi lớn, chúng ta thường cảm thấy khó tin. Do đó, hành vi liên tục phản đối trong tâm trí là một phản ứng cực kỳ tự nhiên, phổ biến, giúp xoa dịu những cảm xúc hoang mang, tiêu cực đang dâng trào trong ta. Có thể nói, việc ai đó ra sức chối bỏ sự thật được xem như một cơ chế bảo vệ, cho phép họ từ từ hiểu ra vấn đề và giảm bớt sự tấn công bất ngờ của những nỗi đau.

Những cá nhân chưa trải qua những thay đổi lớn có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn ở giai đoạn này. Thông thường, người ta sẽ tự thuyết phục mình rằng, sự thật đó sẽ không xảy ra, hoặc nếu có thì cũng sẽ không ảnh hưởng mấy đến mình. Họ sẽ cố sức từ chối, tránh né nói về nó và vờ như bản thân vẫn ổn trước những biến cố đang ập đến.

Nếu gặp ai đó đang ở giai đoạn này, điều bạn có thể làm là trò chuyện cùng họ. Hãy phân tích cho họ những gì đang và sắp sửa diễn ra, đồng thời trấn an và luôn ở bên họ.

Phẫn nộ

Ảnh: The Minds Journal

Một khi bản thân đã bắt đầu chấp nhận những điều mới mẻ trong cuộc sống, bạn sẽ chuyển đến giai đoạn 2 của đường cong Kübler-Ross: Phẫn nộ.

Vì chưa sẵn sàng để những cảm xúc mãnh liệt đó nhấn chìm mình, tự mỗi cá nhân sẽ chuyển sang giận dữ và sự tức giận này có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Khi những biến cố thay đổi trong cuộc sống quá nghiêm trọng, cơn tức giận cho phép chúng ta khơi nguồn cảm xúc chân thật nhất của mình.

Chúng ta có thể đổ lỗi cho mình hoặc bất kỳ ai khác vì những thay đổi này – hay thậm chí đập phá đồ vật để có thể nguôi ngoai cơn giận. Ta sẽ nhìn nhận bất kỳ điều gì đã xảy ra đều là sự bất công và cho rằng mình không đáng bị như vậy.

Dần dần, cảm giác hoài nghi về bản thân – nghĩ về mình chẳng khác gì sự thất bại, sẽ bao trùm lấy tâm trí ta. Nếu bạn nhìn vào đường cong Kübler-Ross, bạn sẽ thấy được rằng điểm thấp nhất là khi bản thân đã giận dữ đến kiệt quệ, tinh thần sẽ lao dốc xuống đáy vực – nguy cơ trầm cảm tăng cao. Đây cũng là giai đoạn bạn mất lí trí nhất, thường sẽ ngó lơ công việc và cuộc sống của mình.

Để hỗ trợ ai đó ở giai đoạn này, bạn có thể trải lòng về những gì mình trải qua và cho họ lời khuyên như một người đi trước (nếu có). Đồng thời, hãy giúp họ quên đi những mất mát họ đang trải qua bằng những hoạt động tích cực, giải trí hơn.

Thỏa hiệp

Ảnh: Verywell Mind

Khi những cảm xúc dần trở nên phức tạp hơn, tâm trạng tuột dốc không phanh, và bản thân bắt đầu nhận ra cơn phẫn nộ không phải là giải pháp cho sự đau buồn, chúng ta sẽ lựa chọn thỏa hiệp với những thay đổi. Đây là giai đoạn tự nhiên và không thể tránh khỏi trong mô hình Kubler-Ross.

Lúc này, ta sẽ cố gắng đưa ra nhiều tình huống thay thế khác nhau trong tâm trí, bắt đầu từ những cái “nếu như”, “giá mà”,… Thỏa hiệp cho phép con người trì hoãn cảm xúc đau đớn, bối rối và buồn bã. Những hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn cũng sẽ bắt đầu nảy mầm.

Thất vọng

Khi chấp nhận mọi nỗ lực chống lại thay đổi đều vô ích hoặc những cố gắng quay trở lại hoàn cảnh hiện tại đã thất bại, chúng ta trở nên chán nản và tuyệt vọng. Có thể bạn sẽ rơi vào trạng thái cô lập, đánh mất hy vọng và chỉ muốn từ bỏ. Ở những khoảnh khắc này, chúng ta bỏ mặc cho nỗi buồn lớn lên từng ngày và không muốn chia sẻ cho bất kỳ ai.

Chấp nhận và hòa hợp

Ảnh: Sưu tầm

Chấp nhận chính là giai đoạn cuối khi chúng ta vượt qua được quá trình này. Cá nhân sẽ nhận rằng thay đổi là không thể tránh khỏi, và bắt đầu sống tiếp với những thay đổi đó chứ không đầu hàng trước nó. Đây là con đường duy nhất để tiến lên phía trước và khám phá những cơ hội mới cho bất kỳ ai.

Phát triển với đường cong thay đổi

Đường cong thay đổi Kubler-Ross là một công cụ tuyệt vời trong việc ứng phó với sự thay đổi và nhận thức được bạn đang ở giai đoạn nào. Mô hình này cho phép con người đi từ sự kết thúc của thực tại cũ đến sự tái sinh của thực tại mới.

Đồng thời, nhờ đường cong này mà chúng ta biết được rằng những cảm xúc, phản ứng, hành vi của mình qua các giai đoạn là những điều hoàn toàn tự nhiên và làm thế nào để đối phó với những thay đổi trong tương lai.

Hy vọng bạn sẽ luôn sẵn sàng tâm thế để đối mặt với mọi thay đổi trong cuộc sống. Bởi vì, sau cơn mưa trời sẽ lại sáng mà thôi!

Nguồn: The Minds Journal
Tham khảo: Elle Việt Nam

Xem thêm:
#Nghĩ: Hội chứng Paradise – Thiên đường trước mắt nhưng vẫn mải mê kiếm tìm
#Nghĩ: Bóc trần cái tôi bằng biểu tượng Ogham
#Nghĩ: Hiệu ứng Zeigarnik: Vì sao “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”?

Nghi To

Recent Posts

10 luật bất thành văn dành cho những cặp đôi có mối quan hệ mập mờ

Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…

16 giờ ago

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

2 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

3 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

4 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

4 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

4 ngày ago