Lifestyle

Làm sao để chuyện tiền bạc không còn là “nguồn cơn” của những lần cãi vã giữa các cặp đôi?

Câu chuyện tiền bạc luôn là vấn đề gây nên những cuộc cãi vã giữa các cặp đôi. Thế lý do sâu xa đằng sau của những cuộc cãi vã đó là gì? Và làm thế nào để cả 2 có thể giải quyết?

Nhiều cặp đôi – dù mới cưới hay đã ở bên nhau nhiều năm, vẫn thường hay gặp khó khăn khi nói về chuyện tiền bạc. Khi đó, sẽ có 2 trường hợp xảy ra: Nếu có thẳng thắn mà cố gắng trao đổi, thì hầu như luôn dẫn đến tranh cãi; trong khi những người khác sẽ từ bỏ hoặc tránh hoàn toàn luôn chủ đề này, nhưng điều đó đương nhiên cũng đâu giúp giải quyết vấn đề?

Chuyện tiền bạc là một trong những chủ đề thường xuyên được nhắc đến trong các mối quan hệ, và điều này không phải không có lý do. Nếu không được quản lý tốt hoặc nếu bạn và nửa kia có quan điểm khác nhau về cách chi tiêu, tiền bạc sẽ rất dễ trở thành “nguồn cơn” của nhiều lần cãi vã.

Chính vì thế trong bài viết này, The Millennials Life sẽ chỉ ra những lý do vì sao các cặp đôi dường như không thể “tâm đầu ý hợp” trong chuyện tiền bạc, cũng như những giải pháp để khắc phục sau này. Hy vọng thông qua đây, bạn sẽ tìm được câu trả lời hợp lý nhất cho việc quản lý chi tiêu cho cả bạn và người ấy.

Đâu là “nguồn cơn” của những xung đột trong chuyện tiền bạc?

Có 3 lý do khiến các cặp đôi khó giao tiếp khi nói về tài chính:

1. Trải nghiệm sống liên quan đến vấn đề tiền bạc khác nhau

Cách mà các vấn đề tài chính được thảo luận và xử lý sẽ bị ảnh hưởng từ cái nhìn của cả 2 về tiền bạc trong quá khứ. Những yếu tố như môi trường gia đình, hoàn cảnh kinh tế khi lớn lên, hoặc những mối quan hệ tình cảm trước đây đều góp phần hình thành tư duy tài chính của họ.

Ví dụ, 1 người lớn lên trong gia đình luôn phải lo lắng về tiền bạc có thể ưu tiên việc tiết kiệm để tránh những khó khăn tài chính trong tương lai. Ngược lại, người xuất thân từ gia đình không phải lo về tiền bạc có thể thiếu kinh nghiệm trong việc đưa ra các quyết định chi tiêu khôn ngoan.

Sự khác biệt này thường dẫn đến xung đột trong mối quan hệ, vì mỗi người có cách tiếp cận khác nhau đối với việc kiếm tiền, chi tiêu, hoặc tiết kiệm.

2. Những lần bí mật tiêu xài mà không nói cho nửa kia

Những bí mật về chi tiêu, tiết kiệm hay nợ nần sẽ cản trở sự giao tiếp cởi mở và trung thực; dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ của 2 bạn.

Và điều trớ trêu là những bí mật sẽ không bao giờ được “chôn vùi mãi mãi” đâu, nó sẽ thường bại lộ vào lúc ta ít ngờ nhất: Như khi người kia cố giấu khoản nợ thẻ tín dụng cho đến khi nó xuất hiện trên báo cáo tín dụng hoặc trong một lần vay tiền chung; họ có thể mua sắm mà không thông báo cho đối phương, dẫn đến sự ngờ vực khi bị phát hiện..

Việc giấu giếm này không chỉ ảnh hưởng đến tài chính mà còn khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng vì thiếu sự minh bạch và thấu hiểu lẫn nhau.

3. Cái nhìn về giá trị tiền bạc khác nhau

Sự khác biệt về cái nhìn của cả 2 về giá trị mà họ đăt lên những đồng tiền có thể khiến việc giao tiếp về vấn đề này giữa các cặp đôi trở nên khó khăn, vì mỗi người có quan niệm riêng về điều gì là quan trọng và cách họ muốn sử dụng tiền bạc như thế nào.

Để lấy ví dụ, như một người coi trọng sự an toàn tài chính có thể muốn tiết kiệm nhiều hơn và tránh rủi ro; trong khi nửa kia của họ lại muốn có sự tự do và trải nghiệm, từ đấy sẽ chi tiêu thoải mái hơn cho những chuyến đi hoặc những thú vui nhất thời.

Đơn giản mà nói, giá trị là những gì chúng ta coi trọng. Vì vậy, khi các cặp đôi tranh cãi về tiền bạc, vấn đề thực sự thường sâu xa hơn và khó nhìn thấy.

Những giá trị này cũng thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh, chẳng hạn như khi có con cái hoặc thay đổi nghề nghiệp. Khi đấy, các cuộc tranh cãi về chuyện tiền bạc thường không chỉ là về con số không thôi, mà còn xoay quanh những điều sâu xa hơn; như cảm giác được tôn trọng và thấu hiểu trong mối quan hệ.

Nếu 2 người đang yêu có cái nhìn về tiền khác nhau, thì điều đấy lâu ngày sẽ trở thành vấn đề. Nguồn ảnh: Getty Images.

Khi đấy các cặp đôi nên làm gì?

1. Giao tiếp thẳng thắn về chuyện tiền bạc

Nếu bạn và người đấy đang gặp vấn đề về tiền bạc, điều quan trọng đầu tiên là phải thẳng thắn nói chuyện với họ về những cảm xúc và mối lo ngại mà nửa kia có thể có. Từ đấy, cả 2 mới có thể tìm ra cách giải quyết cùng nhau.

Chẳng hạn, nếu một người muốn chi tiêu nhiều hơn người kia hoặc gặp khó khăn trong việc kiểm soát thói quen tiêu tiền vì cảm thấy buồn chán sau giờ làm việc, hãy thử tìm hiểu số tiền họ thường chi tiêu mỗi tháng bằng cách xem các bản sao kê ngân hàng hoặc hóa đơn thẻ tín dụng trong vài tháng. Sau đó, hãy thảo luận xem mỗi người có thể từ bỏ những gì để không phải liên tục thoả hiệp.

Các bạn cũng cần phải nhớ, khi bàn bạc về những mối quan ngại này, ta nên thấu hiểu và tử tế với nhau. Hãy tránh phán xét hay đưa ra những lựa chọn khó khăn để cả 2 có thể cùng nhau đưa ra giải pháp.

2. Cùng nhau phối hợp vượt qua

Nếu một người trong mối quan hệ là người tiêu hoang, còn người kia thì thường có xu hướng tiết kiệm, họ sẽ cần phải tìm điểm chung về mức chi tiêu cho các khoản khác nhau. Một cách để làm điều này là cùng nhau thảo luận rõ ràng, hoặc thỏa thuận trước về một khoản chi tiêu mà cả 2 đều đồng ý trước khi đi mua sắm để không ai phải cảm thấy bị áp lực.

Ngoài ra, bạn và người đó cũng nên xác định xem cả 2 có muốn chi tiền vào cùng một loại mặt hàng hay không. Ví dụ, người luôn tiết kiệm có thể không thích đi mua sắm với người có “niềm đam mê” với quần áo hoặc thích “chốt đơn” online; hoặc một người có thể đi mua thực phẩm, trong khi người kia mua quần áo tại cửa hàng đồ cũ thay vì chi tiêu nhiều hơn cho đồ mới.

Nghe thì có vẻ hơi kỳ khi điều này có thể tác động đến quãng thời gian chất lượng bên nhau, nhưng đây lại là 1 cách hiệu quả để cả 2 bạn có thể thỏa hiệp, giúp bạn và người đấy có thể tận hưởng cách chi tiêu tiền mà không cảm thấy áy náy.

Sau khi đạt được sự đồng thuận về tài chính, để sáng tạo hơn, mỗi người có thể tự mở cho mình tài khoản ngân hàng riêng dành cho các khoản chi tiêu cá nhân. Khi đấy, các bạn có thể chủ động kiểm tra tài chính mà không phải cứ cuối tháng gặng hỏi người kia những câu như: “Chúng mình còn bao nhiêu tiền trong tài khoản ấy nhỉ?

3. Kế hoạch hóa lại ngân sách chi tiêu cho cả 2

Để giải quyết các vấn đề tài chính trong mối quan hệ, việc lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng là điều cần thiết. Cả 2 nên cùng thảo luận và đưa ra cách chia sẻ chi phí sao cho hợp lý, đảm bảo rằng những người có thu nhập thấp hơn cảm thấy thoải mái khi yêu cầu hỗ trợ. Điều này giúp họ tránh phải duy trì mức chi tiêu không phù hợp với khả năng tài chính của mình hoặc tích lũy nợ không cần thiết.

Tỷ lệ chia sẻ chi phí có thể là 50/50 hoặc 60/40, tùy thuộc vào thu nhập của từng người, nhưng điều quan trọng là các bạn cần cảm thấy mình đang đóng góp một cách công bằng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Nếu một trong hai người cảm thấy bị kiểm soát toàn bộ về tài chính, hãy cùng thảo luận cách thay đổi điều đó, ví dụ như lập ngân sách chung mà 2 người cùng đóng góp. Đồng thời, cần có kế hoạch rõ ràng về việc xử lý các tình huống khi không có đủ tiền tiết kiệm để giải quyết những vấn đề phát sinh.

Trừ khi các bạn muốn “tiền ai nấy giữ”, thì hãy bắt đầu lập ra kế hoạch tài chính cho cả 2. Nguồn ảnh: KMPZZZ/Adobe Stock.

Một lưu ý nhỏ nữa…

Khi xảy ra bất đồng về chuyện tiền bạc, kiềm chế sự tức giận rất là quan trọng. Nó không chỉ làm vấn đề trở nên tồi tệ hơn mà còn khiến các bạn mắc kẹt trong những cảm xúc tiêu cực, làm tổn hại mối quan hệ. Nếu cảm thấy điều gì đó không đúng, bạn cần tin tưởng vào trực giác của mình và đừng ngần ngại nói “không” khi gặp tình huống không thoải mái hoặc không phù hợp.

Trước khi thực hiện những giao dịch lớn, các cặp đôi nên ngồi lại với nhau, xây dựng ngân sách bao gồm các mục tiêu tiết kiệm, thanh toán nợ và các hóa đơn hàng tháng, đồng thời thống nhất cách đạt được những mục tiêu đó. Quan trọng hơn, hãy duy trì một đường dây giao tiếp cởi mở về tài chính để cả 2 đều biết rõ tình hình kinh tế của nhau.

Việc nắm bắt chính xác số nợ mà đối phương đang gánh có thể giúp tránh những sai lầm tài chính trong tương lai. Ví dụ, nếu đối tác có nợ thẻ tín dụng, họ nên ưu tiên trả hết khoản nợ đó thay vì tiếp tục tạo ra các khoản nợ mới, điều này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn sau này.

Hãy thường xuyên kiểm tra số nợ hiện tại bằng cách thanh toán trực tuyến hoặc đặt câu hỏi khi thấy điều gì đó không hợp lý, chẳng hạn như sao kê ngân hàng không đúng. Điều này giúp đảm bảo rằng đôi bên đều minh bạch về tài chính và tránh những hiểu lầm không đáng có trong mối quan hệ.

Xem thêm những bài viết khác dưới đây:

TML Editor

Recent Posts

#Nghĩ: Hội chứng Paradise: Thiên đường trước mắt nhưng vẫn mải mê kiếm tìm

Bạn có bao giờ cảm thấy không hạnh phúc – ngay cả khi đạt được…

3 ngày ago

Triển lãm “Thẩm/Thấu, Thưởng” khắc hoạ bức tranh ngày Tết Ất Tỵ qua mỹ thuật

Triển lãm là nơi nghệ thuật đương đại và di sản văn hóa Việt hòa…

4 ngày ago

#Thoáng: Giấc mơ nhạy cảm – Não bộ muốn nói gì khi không ai nhờ mà tự “vẽ”?

#Thoáng là series những bài viết thuộc chủ đề tình dục dưới lăng kính cởi…

5 ngày ago

Bạn biết gì về âm thanh trắng, hồng, và nâu trong cuộc sống?

Bạn có biết rằng những tiếng ồn này có sự khác nhu rõ rệt không?

5 ngày ago

Mối quan hệ yêu xa và 5 lời khuyên để duy trì (cũng như 5 dấu hiệu để từ bỏ)

Nếu muốn tiếp tục cùng họ xây dựng mối quan hệ tình cảm ngay cả…

7 ngày ago

6 kiểu người độc hại cần được “xanh lá”

Lỡ kết thân với những người độc hại là điều không thể tránh khỏi. Vậy,…

1 tuần ago