Nhắc đến ikigai, nhiều người hay nghĩ rằng đây là bí quyết cho một cuộc sống dài lâu và hạnh phúc, hoặc chỉ dẫn để tìm ra công việc thật sự phù hợp với mình. Để có được ikigai, tất cả những gì chúng ta cần làm là tuần tự giải quyết từng phần trong sơ đồ dưới đây:
… đây không phải là ikigai.
Ikigai không phải một cái biểu đồ Venn, không phải là bộ 4 câu hỏi chúng ta cần phải hỏi chính mình, càng không phải là bí quyết cho một cuộc sống dài lâu và hạnh phúc.
Biểu đồ mà mọi người hay chia sẻ, từ các blogger về thể dục thể thao cho đến các chuyên gia về nhân sự, chỉ là sản phẩm được tạo ra bởi một người không mang quốc tịch Nhật Bản. Tất cả những gì anh ấy biết về ikigai chỉ thông qua một show Ted Talk.
Thế tức là không có cuộc sống trường thọ và công việc mang lại hạnh phúc nào cả à?
Không hẳn, vì ikigai thậm chí vượt xa những gì được thể hiện trong biểu đồ Venn kia. Hơn nữa, chắc chắn rằng ikigai có khả năng giúp bạn tìm thấy mục đích và ý nghĩa thật sự cho cuộc sống của mình chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nghề nghiệp.
Iki xuất phát từ động từ ikiru, mang ý nghĩa sống và những thứ liên quan đến cuộc sống hằng ngày.
Gai, bắt nguồn từ chữ kai, ý chỉ cái vỏ sò (shell). Thời xưa, vỏ sò / vỏ ốc xà cừ là những thứ cực kỳ quý giá, chỉ dùng để trang hoàng trong nhà của giới quý tộc. Do đó, gai có nghĩa là những vật quý, vật có giá trị.
Gai còn xuất hiện trong vai trò hậu tố của những từ ghép khác, như: yarigai (giá trị của việc cần làm), hatarakigai (giá trị của lao động), asobigai (giá trị của việc nghỉ ngơi, chơi bời), hay shinigai (giá trị của cái chết).
Thế nên, ikigai kỳ thực là một từ tiếng Nhật của cái mà chúng ta hay gọi là lẽ sống / lý do tồn tại trong tiếng Việt (a reason for being hoặc true calling trong tiếng Anh, và raison d’être trong tiếng Pháp). Trong tiếng Nhật, dịch sát thì ikigai nghĩa là giá trị được tìm thấy trong cuộc sống hằng ngày.
Đối với người Nhật, ikigai là một từ mang sắc thái bình thường, xuất hiện phổ biến trong các cuộc trò chuyện mỗi ngày chứ không phải điều gì huyền bí hay kì diệu (và có phần cường điệu) như hình ảnh những người không-phải-người-Nhật dựng nên. Khái niệm và tinh thần ikigai mới là cái đáng quan tâm, chứ không phải bản thân từ ngữ đó.
Đưa biểu đồ ikigai cho bất cứ người Nhật nào xem, chắc chắn bạn sẽ nhận về một bầu trời dấu chấm hỏi (vì người Nhật có minh họa ikigai bằng biểu đồ đâu). Chính sơ đồ này là cái khiến rất nhiều người hiểu nhầm về ikigai, rằng nó là điểm hội tụ của 4 yếu tố:
– Những gì bạn thích làm
– Những gì thế giới cần bạn làm
– Những gì bạn làm giỏi
– Những gì bạn sẽ được trả công để làm
Nếu để biểu đồ này đứng riêng lẻ, bạn sẽ thấy nó hữu ích ở nhiều khía cạnh. Vấn đề duy nhất ở đây là người ta hay lấy biểu đồ này để minh họa cho ikigai, mặc dù cả hai không liên quan gì đến nhau cả.
Thực chất, đây là tác phẩm của nhà chiêm tinh học Andrés Zuzunaga, xuất hiện lần đầu trong quyển Qué Harías Si No Tuvieras Miedo (Bạn sẽ làm gì nếu bạn không sợ?) phát hành năm 2012. Trong một cuộc phỏng vấn, tác giả Zuzunaga đã trả lời rằng cảm hứng của ông đến từ những vì sao chứ không phải từ khái niệm ikigai của Nhật Bản.
Thiếu sót duy nhất của Zuzunaga là ông đã không đặt tên cho sơ đồ này, nhưng chúng ta có thể tạm gọi nó là Bí quyết tìm ra mục tiêu trong cuộc sống.
Marc Winn mới chính là “thủ phạm” của việc nhập nhằng giữa ikigai và biểu đồ Zuzunaga. Anh đã nảy ra ý tưởng kết hợp hai thứ lại với nhau sau khi nghe bài chia sẻ của Dan Buettner trên Ted Talk về việc làm thế nào để có thể sống thọ hơn 100 tuổi.
Marc đã post một bài đăng lên blog, kèm theo hình ảnh bên dưới và dòng chú thích: “Tôi đã dành phần lớn thời gian trong nhiều năm qua để giúp hàng trăm doanh nhân tìm thấy ikigai của họ, trong lúc chính tôi cũng đang đau đầu đi tìm ikigai của mình. Giờ thì tôi đã có thể hình dung rõ ràng hơn về nó rồi. […] Như các bạn thấy bên dưới, ikigai chính là phần giao thoa của những vòng tròn này. Thiếu sót bất cứ điều nào cũng xem như là bạn đang bỏ lỡ mất những tiềm năng để tạo dựng một cuộc sống dài lâu và hạnh phúc.”
Ba ví dụ mà Dan Buettner đưa ra trong bài TedTalk của ông về những người thực hành lối sống ikigai, tất cả đều là những người sống vô cùng thọ (hơn trăm tuổi) vì đã tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong đời sống. Điều trớ trêu là cả 3 trường hợp này đều làm ngược lại những gì mà biểu đồ diễn-giải-ikiga-kiểu-phương-Tây của Marc mô tả – một biểu đồ có ý nghĩa trong lĩnh vực kinh doanh và nhấn mạnh vào khía cạnh tạo ra lợi nhuận.
Đây chính là điểm khác biệt mấu chốt, vì ikigai của người Nhật hoàn toàn không liên quan đến việc kiếm tiền.
Ikigai theo cách hiểu của người Nhật, là những điều khiến cuộc sống này đáng sống. Nói cách khác, ikigai là những gì bạn trân quý trong cuộc sống, từ những niềm vui nho nhỏ thường ngày đến việc theo đuổi những mục tiêu to lớn có thể định hình cả cuộc đời bạn. Bạn có thể nhìn nhận ikigai như một cách để trau dồi tiềm năng bên trong, từ đó biến cuộc sống trở nên đáng sống (một trải nghiệm mà hầu hết chúng ta đều ao ước đạt được).
Ăn một miếng bánh ngon cũng là hạnh phúc
Biểu đồ Venn không còn hữu ích trong việc giúp bạn thực hành ikigai nữa, nhưng trong trường hợp muốn tìm hiểu, bạn có thể cân nhắc khái niệm 5 trụ cột, được trình bày trong quyển The Little Book of Ikigai của Ken Mogi.
#1: Khởi đầu nhỏ
#2: Học cách giải phóng bản thân
#3: Hướng đến sự hài hòa và bền vững
#4: Tìm niềm vui từ những điều nhỏ bé
#5: Thực hành chánh niệm (để tâm đến sự hiện diện của bản thân ngay tại đây và vào lúc này)
Theo tác giả Ken Mogi, bạn có thể sử dụng 5 trụ cột trên để làm nền tảng phát triển cho ikigai của mình. Việc nuôi dưỡng đứa trẻ bên trong, bên cạnh đó là sự chủ động chấp nhận chính bản thân là cách chúng ta có thể tìm thấy ikigai của mình.
Điều quan trọng cần nhớ ở đây, đó là người Nhật tìm thấy ikigai trong nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống chứ không chỉ đối với công việc. Nó không phải là điểm giao thoa giữa những thứ bạn thích, những thứ bạn giỏi, những thứ thế giới cần, và những thứ bạn được trả công. Ngược lại, ikigai có mặt ở khắp mọi nơi ngay cả ở những chỗ không ngờ đến nhất: những sở thích, những mối quan hệ, và mỗi ngày bạn thức dậy, sống một cuộc đời theo cách bạn muốn.
Chúng ta có thể nói dối dễ dàng, nhưng cảm xúc của ta thì không. Hãy học cách kiên nhẫn lắng nghe cảm xúc của chính mình. Hãy học cách biết ơn mỗi buổi sáng thức dậy, vì điều đó có nghĩa chúng ta có thêm 24h để làm tiếp những gì còn dang dở hôm qua. Kết nối với một người bạn cũ. Giúp đỡ một người đang gặp khó khăn. Bắt đầu một sở thích bạn mãi dự định nhưng chưa bao giờ làm. Thử thách bản thân với một dự án mới. Theo đuổi những gì bạn tin là bạn được sinh ra để thực hiện.
Điều cuối cùng quan trọng cần ghi nhớ, rằng ikigai không ở mãi với bạn. Nó đến rồi lại đi. Tuy nhiên, bạn sẽ lại tìm được ikigai của đời mình, trong một thời điểm khác, ở một dạng thức khác, phù hợp với con người của bạn khi ấy hơn.
Xem thêm:
#Nghĩ: Hội chứng sợ thân mật và cảm giác “mình không xứng đáng được yêu”
Con gái nên đi đâu, làm gì để có người yêu?
Quá khứ vốn sẵn hồng hay là mình tự vẽ?
Bạn yêu một người hay yêu hình ảnh mình tự tạo về đối phương?
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…