Lifestyle

Vì sao chúng ta không nên né tránh những cảm xúc tiêu cực?

Nghe có vẻ đầy nghịch lý, nhưng việc chấp nhận những cảm xúc tiêu cực lại có thể khiến chúng ta hạnh phúc hơn về lâu dài.

“Đừng buồn nữa, hãy vui lên.” hoặc “Lạc quan lên đi chứ.” không phải là những lời khuyên bổ ích dành cho ai đó đang sầu đời, cho dù người nói có ý tốt đến đâu chăng nữa. Lý do thì đơn giản thôi, tâm trí con người không có nút bấm, không thể cứ tắt đi là buồn bật lại thì vui được.

‘Lời khuyên’ này không chỉ xuất hiện khi bạn trông buồn rầu, tức giận, lo lắng, thất vọng, mà còn có thể đến vào những lúc bạn trông trầm ngâm, không chắc chắn, hoặc đang thể hiện bất cứ trạng thái nào khác ngoài niềm vui. Theo Tiến sĩ tâm lý học Susan David – nhà sáng lập và đồng điều hành Viện Huấn luyện tại Bệnh viện McLean thuộc Trường Y khoa Harvard – thì “trạng thái tích cực đã trở thành một phẩm hạnh đúng đắn”.

Ảnh: Pioneering Minds

Thực tế, đè nén hoặc tìm cách chối bỏ những cảm xúc kém–tích–cực–hơn không phải là một việc làm đem lại lợi ích. Hành vi này làm suy yếu khả năng đối diện với khó khăn trong một cuộc sống vốn đầy khó khăn như trước giờ vẫn vậy, chứ không phải một cuộc sống diễn ra theo mong muốn của chúng ta. Từ chối đối diện còn là biểu hiện của một sức bật tinh thần thấp, mức độ hạnh phúc thấp, mức độ trầm cảm và lo lắng cao. Ngoài ra, nó cũng tác động đến các mối quan hệ và khả năng đạt được mục tiêu của chúng ta.

Nếu không né tránh cảm xúc tiêu cực, chúng ta nên làm gì?

Thay vì cố gắng gạt mọi cảm xúc tiêu cực sang một bên và ép buộc bản thân phải ‘cảm thấy’ tích cực, bạn có thể thử chấp nhận và học cách phân loại cảm xúc tiêu cực. Ví dụ, bạn cảm thấy mình đang rất căng thẳng. Trước khi vội vàng dán nhãn nó là tốt hay xấu, hãy chậm lại một chút để nhìn sâu hơn vào nguyên nhân. Stress vì thấy choáng ngợp, lúng túng trước biến cố, stress vì thất vọng, stress vì công việc, hay stress vì cứ mãi cãi nhau với người yêu đều là những cảm xúc rất khác biệt, cho dù bạn có gọi chúng chung chung là căng thẳng.

‘Dán nhãn’ cảm xúc một cách chính xác sẽ giúp bạn hiểu được nguyên nhân của cảm xúc đó, từ đó kích hoạt trạng thái sẵn sàng của cơ thể, đồng thời đưa ra những lựa chọn phù hợp hơn về cơ chế ứng phó.

Ảnh: Nicole Chan

Tiếp đó, hãy học cách từ tốn và nhẹ nhàng hơn với bản thân – tập trung vào cảm xúc của mình với lòng trắc ẩn. Chúng ta dễ dàng mủi lòng thương cảm một mảnh đời bất hạnh, nhưng cùng lúc đó lại đối xử vô cùng khắt khe với chính mình, không cần biết bản thân đang tột cùng đau khổ hay tràn đầy vui sướng.

Tự trắc ẩn, biết yêu thương chính mình không phải là cho phép bản thân yếu đuối, lười biếng, càng không phải cố gắng bao phủ lấy cái tôi bằng ngọt ngào giả tạo. Ngược lại, tự trắc ẩn cho phép bạn tạo ra một nơi đủ an toàn để bản thân có đủ không gian để phát triển và chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Khám phá thế giới, dấn thân trong đời sống hay hết mình với công việc, tất cả những thứ bạn làm sẽ trở nên hiệu quả hơn, bởi vì nếu chẳng may mọi chuyện không suôn sẻ, bạn biết rằng vẫn còn đó ‘một người’ luôn yêu thương, tử tế, và chấp nhận bạn.

Ảnh: Jan Buchczik

Cuối cùng, hãy để cảm xúc được yên. Nếu bạn khó chịu vì bị người khác khuyên vui lên lúc đang buồn, thì cảm xúc cũng sẽ ‘phản đối’ nếu bạn cố gắng nhìn nhận, diễn giải, bẻ lái chúng sai cách. Lúc xem phim hay đọc sách, cho dù có bức xúc với câu chuyện thế nào đi nữa, bạn cũng chẳng thể cứ thế hùng hổ xông vào để sửa chữa mọi thứ được. Tất nhiên bạn có thể tự mình viết lại theo ý riêng, nhưng câu chuyện đó là sản phẩm của bạn, không phải sản phẩm gốc nữa.

Để không trở thành một ‘khán giả cục súc’, hãy tạo một lớp màng chắn giữa bạn và những gì bạn đang cảm thấy. Nhìn nhận cảm xúc, chứ không đồng nhất chúng với chính mình. Thay vì nói ‘Tôi buồn’, hãy thử nói rằng ‘Tôi nhận thấy rằng tôi đang cảm thấy buồn.’, ‘Tôi nhận thấy rằng tôi đang cảm thấy suy sụp.’, hay ‘Tôi nhận thấy rằng tôi đang cảm thấy tức điên lên và muốn đi khỏi đây.’

Theo Tiến sĩ Susan David, việc làm này sẽ giúp những phần khác của bản thân – chẳng hạn như giá trị và ý định của bạn – không bị lu mờ trước những cảm xúc tiêu cực. Khi ấy, chính bạn mới là người có quyền quyết định, bạn sẽ là người dẫn dắt bản thân phải hành động như thế nào tiếp theo, chứ không phải là những cảm xúc bạn đang cảm thấy. Vì suy cho cùng, điều quan trọng không phải là có cảm xúc tiêu cực hay không, mà là bạn có để bản thân mình bị cuốn hút vào chúng và để mặc chúng thúc đẩy mọi hành vi và tương tác hay không mà thôi.

Xem thêm:
Nghiên cứu dài hơi nhất từng được thực hiện về con người cho chúng ta biết điều gì?
3 dạng tổn thương cảm xúc khó chữa lành
Làm gì khi ai đó xâm phạm ranh giới cá nhân của bạn?

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago