Lifestyle

7 câu nói chữa lành thì ít, gây tổn thương thì nhiều

Trong một mối quan hệ thân thiết, chúng ta thường dễ rơi vào hoàn cảnh nói mà không nghĩ. Nếu xét theo khía cạnh tích cực, điều này cho thấy một tín hiệu tốt: mối quan hệ giữa bạn và người còn lại đã thoải mái đến mức hai người có thể chia sẻ bất cứ điều gì trong tâm trí. Tuy vậy, sự thân mật này cũng có thể đem đến một vài rắc rối, nhất là khi những “câu nói chữa lành” có thể bị hiểu sai, hoặc vô tình gây nên những tổn thương sâu sắc cho người còn lại. 

Nhà trị liệu hôn nhân Becky Whetstone cho biết, “Nhiều cặp vợ chồng muốn giao tiếp và thấu hiểu nhau, thế nhưng cuộc nói chuyện lại không mang lại kết quả như kì vọng. Lý do có thể là do sự vô tư thái quá trong cách diễn đạt. Người nói có thể nghĩ họ nói X, nhưng đối phương lại nghe thành Y và từ đó mọi thứ lại càng tồi tệ thêm.” 

Theo Whetstone, sau đây là những câu nói chữa lành thì ít, gây tổn thương và khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng hơn thì nhiều. 

1. “Không phải chuyện lớn lao gì đâu” / “Anh/Em sẽ vượt qua được thôi”

Lời nói này có thể mang hàm ý tốt, nhất là khi bạn đang cố giúp đối phương bình tĩnh và suy nghĩ tích cực hơn. Tuy nhiên thông điệp này sẽ vô nghĩa với một người đang phải đối mặt với những căng thẳng về cảm xúc. Khi một người chỉ tập trung vào việc thúc đẩy người khác vượt qua khó khăn thay vì thật sự thấu hiểu cảm xúc của họ, người nghe sẽ càng cảm thấy chán nản và bất lực.

Theo Amanda Baquero, chuyên gia tư vấn hôn nhân, cho biết, “Nếu bạn muốn thể hiện sự giúp đỡ tới người mình yêu, hãy nói những câu như ‘Nghe thật khó khăn, nhưng anh hiểu vì sao em lại cảm thấy như vậy. Liệu anh có thể làm gì để mọi chuyện tốt hơn không?’”

Minh họa: Trim Possible

2. “Anh giống hệt như cha/mẹ anh vậy”

Trong một số trường hợp, cách so sánh này sẽ khiến người nghe cảm thấy bản thân đang mang lại những trải nghiệm xấu cho người nói. Dù người bạn yêu có những khuyết điểm tương đồng với ai đó hay không, thì những lời nó có phần đụng chạm như vậy cũng không khiến họ cư xử hợp ý bạn hơn. Thay vào đó, đoạn hội thoại sẽ biến thành cuộc chỉ trích, khi ta chỉ tập trung vào điểm xấu của người kia.  

Theo các chuyên gia tư vấn, việc nói về người yêu dựa trên những vấn đề gia đình mà họ từng chia sẻ với riêng bạn, hay về những quan sát bạn có về gia đình là việc làm vô trách nhiệm cũng như thiếu cảm thông. Những bình luận như vậy có thể gợi ra những phẩm chất mà đối phương biết rằng họ không thích về cha mẹ của họ và khiến sự tổn thương càng trở nên sâu sắc hơn.

3. “Anh/Em luôn thế” hoặc “Anh/Em không bao giờ…”

Chúng ta thường nói ra những câu tương tự như trên khi cảm thấy thất vọng về đối phương. Tuy nhiên phát ngôn này thường là những đánh giá thiếu chính xác về hành vi của người nghe. Sự chỉ trích sẽ xuất phát dưới những câu văn mẫu như: “anh/em luôn như này…” hoặc “không bao giờ như kia…” Từ đó, ta có thể đoán trước kết quả. Người nghe sẽ lập tức bị đặt vào trạng thái tự vệ, sẵn sàng tấn công lại bạn để bảo vệ bản thân.

Dựa trên kinh nghiệm của mình, Whetstone nói rằng “Trong suốt quá trình làm việc với các cặp đôi, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp mà có một người tuyệt đối không lắng nghe, 100% không quan tâm đến người kia, hoặc chả bao giờ cảm thấy có lỗi trong suốt mối quan hệ. Đó là một đánh giá thiếu chính xác. Và hậu quả là gì? Nó khiến cho tất cả những gì ta nói về sau cũng không còn hợp lý, bởi cáo buộc đầu tiên bạn đưa ra đã sai sự thật.”

Minh họa: Trim Possible

Nếu muốn đạt được kết quả tốt khi nói chuyện, bạn cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề. Hãy trình bày cụ thể hành động đối phương làm khiến bạn thấy khó chịu cũng như cảm xúc của bạn về toàn bộ vấn đề. Ví dụ như thay vì nói “lúc nào anh/em cũng cắm mặt vào cái điện thoại thôi!”, hãy nói rằng bạn đang thấy bị phớt lờ và không được kết nối với họ. 

Whetstone nói: “Khi bạn chọn được từ ngữ chính xác cũng như có cách diễn đạt hợp lý, họ sẽ lắng nghe và hành động để đáp ứng nhu cầu của bạn.”

4. “Lại làm sai rồi! Tại sao nói mãi mà không sửa?”

Chúng ta dễ cảm thấy thất vọng khi đối phương làm một điều gì đấy “sai cách” hoặc nói chính xác hơn là khác với mong đợi hoặc cách làm của chúng ta. Sự không hài lòng có thể đến từ những điều nhỏ nhặt nhất như: cách họ rửa bát, đóng gói đồ đạc hay cách hành xử trong gia đình. 

Baquero nhấn mạnh rằng, “Việc đưa ra lời khuyên của bạn theo hướng này có thể khiến đối phương rơi vào trạng thái đề phòng và thấy như bị coi thường. Lần sau bạn có thể nói rằng, lHình như anh/em đang gặp khó khăn. Thực ra có một cách như thế này, không biết anh/em có muốn nghe nó không?‘”. Từ cách tiếp cận này, người ấy sẽ thấy được rằng thực chất cả hai đang cố gắng cùng giải quyết một vấn đề chứ không phải đối đầu với nhau.”

5. “Tôi chịu đựng đủ rồi!”

Đẩy mọi chuyện đi xa hơn bằng những câu nói như “Anh/Em chịu hết nồi rồi”, hay “Ly hôn đi” hoặc thậm chí là “Anh/Em ghét em/anh” – sẽ càng làm chuyện tệ thêm, dù cho bạn không có ý như vậy. Giận nhau là chuyện hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, nói ra những đả kích nặng nề như vậy trong thời điểm căng thẳng là điều đặc biệt phải hạn chế.

Whetstone chia sẻ: “ Khoảnh khắc mà một người đạt đến đỉnh điểm của sự căng thẳng cũng chính là thời điểm tệ nhất để nói về cảm xúc của mình. Trong trạng thái kích động, người ta thường có xu hướng phóng đại vấn đề và nói ra những điều không thực sự là cảm xúc của mình. Dù vậy, những phát ngôn này vẫn có thể gây tổn thương sâu sắc cho người nghe. Cách xử lý đúng đắn nhất chính là hít thở sâu và nói với nửa kia: “Thật sự bây giờ anh/em đang rất giận, đến nỗi cảm thấy mối quan hệ của cả hai có thể ngừng ở đây. Tuy nhưng thực tế chúng ta đều không muốn như vậy, Do đó để ngăn mọi chuyện trở nên căng thẳng hơn, mình nên tạm ngừng nói chuyện.”

Minh họa: Trim Possible

6. “Anh/Em quá nhạy cảm rồi đấy”

Khi đối phương đang cảm thấy khó chịu nhưng vẫn phải nghe người khác nói rằng:”anh/ em đang nhạy cảm quá rồi đấy,” họ có thể cảm thấy cảm xúc của mình đang bị gạt qua một bên.

Tuy vậy, ta cần nhớ rằng mình không có quyền quyết định cảm xúc của một người là có hợp lý hay không, càng không thể nhận xét chính xác xem liệu họ có đang thực sự phản ứng “thái quá” trước một vấn đề? Nếu không thể đồng ý với quan điểm của đối phương, hãy đưa ra một lời nói chân thành như: “Dù không thật sự hiểu được cảm xúc của anh/ em, nhưng hãy cùng nhau thảo luận và giải quyết vấn đề này nhé.” Bằng cách đó, đối phương sẽ cảm thấy mình được quan tâm và lắng nghe.

7. Không nói gì cả

Sự im lặng thường sẽ ngấm ngầm giết chết mối quan hệ, nhất là với những ai “đơ như đá” mỗi khi người mình yêu đang cố gắng bắt đầu một cuộc trò chuyện nghiêm túc. Sẽ thật là tệ nếu ai đó đóng cửa và rời khỏi phòng, từ chối nói tiếp về vấn đề của cả hai. Cách hành xử này sẽ khiến người còn lại cảm thấy bị từ chối vào thời điểm cần kết nối tình cảm nhất.  

Nhà trị liệu tâm lý Brittany Bouffard cho biết,“Từ chối gắn bó trong hay sau mỗi lần xung đột giống như một quả bom. Hành động này làm cả hai xa cách nhau hơn cũng như khiến việc hàn gắn mối quan hệ trở nên bế tắc.”

Bouffard cũng lưu ý rằng cách hành xử này thường thấy ở những người có phong cách né tránh sự gắn bó. Họ cảm thấy không thoải mái khi gần gũi quá mức với người khác. Yêu cầu thời gian để suy nghĩ và làm dịu tinh thần là điều cần thiết, nhưng hoàn toàn phớt lờ người còn lại hay từ chối trò chuyện sẽ càng khiến tình hình tệ thêm. 

Minh họa: Trim Possible

Bouffard nói: “Nếu cần một chút không gian riêng, bạn có thể nói với đối tác rằng bản thân muốn ở một mình trong giây lát. Tuy nhiên sau đó, hãy sẵn sàng quay lại để giải quyết vấn đề. Nếu có yêu cầu gì về cuộc trò chuyện như: được nói mà không bị gián đoạn, hoặc tập trung vào hướng giải quyết thay vì tiếp tục gây tranh cãi, hãy cứ thoải mái đề xuất trước khi bắt đầu đoạn hội thoại.”

Theo Huff Post

Có thể bạn quan tâm:
10 dấu hiệu cho thấy đã đến lúc từ bỏ một mối quan hệ
Thoát khỏi ‘người yêu’ trong một mối quan hệ độc hại
10 dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong một mối quan hệ độc hại

Van Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

19 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

4 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago