Cine

#KhungHìnhKểChuyện: Chúng ta tồn tại vì điều gì?

Mỗi chúng ta hẳn đều đã từng đặt câu hỏi rằng: Rốt cuộc chúng ta tồn tại vì điều gì?

Trong tiếng anh có một thuật ngữ mang tên là “Kafkaesque” để chỉ những việc tồi tệ bất ngờ xảy ra, không có lý do, không có lời giải, diễn ra không theo bất cứ nguyên nhân hay logic nào. Điều tồi tệ đó nhấn chìm chúng ta, đẩy chúng ta rơi vào khổ sở, bế tắc. Vậy nhưng ta vẫn chiến đấu, rồi kiệt sức, rồi lại vật vã chống trả. Nhưng đến cả khi đã thất bại, cơn ác mộng kia vẫn không kết thúc. Đó chính là Kafkaesque và cũng là một phần của Alice in Borderland.

Chúng ta tồn tại vì điều gì ? Nguồn: barnesandnoble.com

Cách đây không lâu, tại Trung Quốc có một câu chuyện rất kỳ lạ liên quan đến một cô bé học lớp 2 bất ngờ mang một món nợ lên đến hàng trăm tỷ. Điều này bắt nguồn từ việc bố cô bé đầu tư kinh doanh bị thua lỗ. Ông bèn một bên bán nhà, một bên tiếp tục đem ngôi nhà vốn đã được viết giấy chuyển nhượng làm tài sản thế chấp vay tiền ngân hàng. Chi tiết vụ gian lận tài chính đó diễn ra thế nào báo chí không nêu rõ. Chỉ biết sau đó món nợ vẫn không có cách nào thu hẹp lại, người cha bèn giết vợ và con gái sau đó tự sát. Trong vụ án thương tâm đó, chỉ có cô bé được may mắn cứu sống. Thế nhưng dù người đã đi thì món nợ vẫn còn đó. Toà án phán quyết số tiền nợ hàng trăm tỷ sẽ do cô bé bảy tuổi này chịu trách nhiệm chi trả. Bắt đầu từ thời khắc được cứu sống trong bệnh viện, em sẽ bị toà án giám sát chi tiêu, thắt chặt những khoản tiêu dùng hàng ngày, tiền học phí, tiền sinh hoạt phí để đến năm mười tám tuổi cô bé sẽ bắt đầu phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ chi trả cho số nợ còn lại. May rằng sau đó đã có rất nhiều người đã phản đối. Người dân Trung Quốc viết văn bản kiến nghị, biểu tình vì bất bình trước phán quyết này. Kết quả là toà án đã phải đưa ra lời xin lỗi và vô hiệu hoá toàn bộ những tuyên bố trước đây.

Mặc dù không rõ tính xác thực trong câu chuyện là bao nhiêu phần trăm, nhưng giả như thông tin trên có thật, nếu phán quyết không được sửa đổi thì cuộc sống của cô bé kia sẽ bị bẻ vụn thành từng mảnh như thế nào? Mọi nhận thức, mọi kế hoạch trong cuộc sống đều sẽ bị xáo trộn. Em có thể chọn chạy trốn, cũng có thể phải è lưng ra làm lụng để trả nợ. Nhưng dù dưới phương thức nào, cô bé đấy vẫn sẽ không bao giờ hiểu được tại sao mình phải gánh chịu hình phạt này. Việc phải trả một cái giá quá đắt cho hậu quả không phải do mình gây nên là hoàn toàn trái với logic. Chưa kể dù có cố gắng thế nào, món nợ hàng trăm tỷ cũng là quá lớn. Cô bé đó không có lựa chọn, không có giải pháp càng không có sự lý giải cho việc tại sao những bất hạnh kia lại đến với mình. Và khi quá với sức chịu đựng, có lẽ em sẽ trở nên căm ghét cuộc đời này tột cùng.

Chúng ta tồn tại vì điều gì? – Nguồn: Davide Bonazzi


Cuộc sống của con người sẽ có lúc giống như cơn ác mộng Kafkaesque đó. Chúng ta cảm thấy bản thân như bị chi phối bởi một thế lực vô hình nào đó, buộc mình phải lặp lại những vòng lặp vô tận nhàm chán. Ta đi làm, về nhà nấu ăn trong sự mệt mỏi, ể oải giải trí và đi ngủ với cảm giác trống rỗng hoặc bộn bề lo lắng. Mọi thứ cứ tuần hoàn tẻ nhạt như vậy. Thật kì lạ khi người ta không biết tại sao mình phải làm một công việc không mấy vui vẻ, gặp gỡ cười đùa với những người mình không hề thích thú chỉ vì họ mang lại lợi ích nào đấy. Và rồi, để cho những người xa lạ đó có cảm tình với mình, người ta phải liên tục đắp lên bản thân lớp vỏ bọc hào nhoáng bằng cách nâng cấp những chiếc túi xách đắt tiền, xe hơi đời mới… Thế nhưng sự sắp đặt chưa dừng ở đó. Ta còn phải cưới vội cho bằng bạn bằng bè, đẻ sớm cho bố mẹ an lòng, cho con đi học trường quốc tế để từ vạch xuất phát đã không kém ai… Tóm lại ta thấy đời người như bị điều khiển, kiểm soát ngặt nghèo bởi một sức mạnh nào đó. Buộc con người phải làm những điều trái ý mình nếu không muốn bị xã hội đào thải. Ta vừa muốn vùng lên chống trả, vừa thấy chán ghét cuộc sống, vừa muốn bỏ đi thật xa, vừa muốn ở lại tranh đấu. Khi đó trong đầu ta chỉ có một thắc mắc: rốt cuộc con người tồn tại vì điều gì ?

Câu chuyện hư cấu của Alice in Borderland thật ra cũng có rất nhiều nét tương đồng với cuộc sống hiện thực. Có chăng những khó khăn, thử thách đã được cường điệu hoá lên mức độ cao nhất. Chúng ta phải đăng ký những trò chơi mình không muốn tham gia, mắc kẹt trong thế giới mình không mong muốn tồn tại, đối đầu với những quy tắc phi lý mà không có cách phản kháng. Việc duy nhất người ta có thể làm là góp mặt trong các trò chơi sinh tồn tàn khốc để bảo vệ cuộc sống của mình – thứ mà trước đó nam chính Arisu từng coi là vô nghĩa.

Chúng ta tồn tại vì điều gì? – Alice in Borderland – nguồn Netflix

Nếu trong cuộc sống thật con người vẫn phải cạnh tranh, chiến đấu với nhau để tìm được chỗ đứng của mình thì trong Alice in Borderland, tất cả mọi âm mưu, kế hoạch, những thủ đoạn chơi xấu, cô lập nhau đều chỉ gói gọn trong một mục đích có hai chữ: “sinh tồn.”

Lúc này người xem cũng như từng nhân vật sẽ có chung một câu hỏi rằng, nếu quyền sinh sát đều nằm trong tay mỗi cá nhân thì sự tồn tại của ai sẽ có ý nghĩa hơn? Giá trị của mỗi người là do chính họ quyết định hay người khác định đoạt? Và tại sao chúng ta phải đánh đổi tất cả sinh mạng, đức tin, tình yêu để tử chiến cho một trò chơi mà không ai có thể là kẻ chiến thắng lành lặn. Từ những băn khoăn đó, bộ phim đã đánh lên những nốt nhạc trong tâm hồn từng nhân vật. Trong khuôn nhạc đó là tất cả cảm xúc của sự ích kỷ, vị tha, dũng cảm, và mơ ước…

Chúng ta tồn tại vì điều gì? – Alice in Borderland – Nguồn: Netflix

Nhân vật chính Arisu cũng là một chàng trai bình thường như mỗi chúng ta. Cậu không phải siêu anh hùng hay người được chọn mà đơn thuần chỉ là một gã trai trẻ chán đời, không nghề ngỗng, không khát vọng sống. Cậu ta ghét bỏ thế giới đến độ chỉ mong rằng mình có thể thoát ly khỏi xã hội đó. Và thế rồi bất ngờ ập đến – như một cú búng tay của Thanos, chàng trai này rơi vào một không gian còn tàn khốc hơn nữa.  Chứng kiến những người bạn thân chết trước mắt mình, phải đạp lên sinh mạng của người khác để tồn tại, cố gắng tìm kiếm niềm tin và hy vọng sống để tiếp tục chiến đấu như một con cá trong lưới bị người đi câu đùa bỡn… Tất cả khía cạnh đó được miêu tả rất chân thực và đi sâu vào cảm xúc của người xem.

Nếu theo dõi Alice in Borderland chúng ta sẽ thấy khi lá bài cơ xuất hiện, các trò chơi sẽ thiên về yếu tố tâm lý. Khi đó những mảng tối, sự tham sống sợ chết của con người sẽ được bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Người ta bắt đầu suy nghĩ, đong đếm xem ai sẽ là vật tế phù hợp cho sự tồn tại của mình. Khi đứng trước cái chết, cuộc sống dù vô nghĩa mấy cũng trở nên có giá trị hơn. Cái chết xuất hiện chính là để thổi năng lượng vào sự sống, khiến cho khát khao tồn tại bỗng nhiên cháy bùng và nhảy múa. Trong khoảnh khắc phải giết chóc để duy trì sinh mệnh, con người ta bắt đầu hiểu ra rằng sự tồn tại của mình là vô giá. Dẫu có phải đạp lên bao nhiêu hoài nghi, sợ hãi, chúng ta vẫn nhất định phải tranh đấu đến cùng, vượt qua tất cả để viết tiếp cuộc đời của mình.

Thật tuyệt vời khi trong vài tích tắc khép lại manga hoặc phần một trong live action của Alice in Borderland, chúng ta có thể thở phào nhẹ nhõm vì nhận ra đây rốt cuộc chỉ sản phẩm hư cấu. Sự căng thẳng của não bộ khi theo dõi các bộ phim kinh dị, giật gân giúp con người tạm quên đi những vấn đề vốn có của cuộc sống, đồng thời giải phóng hormone stress (cortisol) và các chất dẫn truyền thần kinh khác như dopamine và serotonin. Sau sự căng thẳng đó, bộ não có thể thả lỏng, thư giãn khi biết rằng mình vẫn đang trong trạng thái an toàn. Bên cạnh đó, khi chứng kiến sự gian khổ, nguy hiểm của người khác ta bỗng cảm thấy hài lòng hơn về sự tồn tại của chính mình.

Chúng ta tồn tại vì điều gì? – Nguồn: Netflix

Trong chương cuối cùng của bộ truyện tranh Alice in Borderland, tác giả đã thực hiện một cuộc phỏng vấn ngẫu nhiên trên đường phố với câu hỏi: “Bạn tồn tại vì điều gì?”

Đã có 52 người trả lời với 52 khung tranh đặc tả từng nhân vật. Họ đã nói rằng:
– Tôi tồn tại để giết thời gian.
– Để nhắc nhở bản thân rằng sinh mạng tôi không phải điều gì quá to tát.
– Tôi tự sát nhưng tôi không chết, tôi cũng không có lý do gì để chết nên tôi sống tiếp.
– Tôi sống vì bản thân tôi, tiền tài, phụ nữ, danh vọng… Có vấn đề gì không?
– Không biết!!! Vì ngày nào ta cũng cắm đầu vào các trò cá cược.
– Tôi tồn tại để cười.
– Làm sao ta biết được, ta cũng đang muốn chết lắm đây. Có khi lúc gần chết rồi ta sẽ thắc mắc sao nó không đến sớm hơn.
– Trong trận đấu thứ bảy này, cháu sẽ được chọn vào đội hình chính nên cháu sẽ làm một đường bóng thật đẹp. Cháu đã hứa với Haru Kun rồi.
– Tôi tồn tại để thấy được con trai mình trưởng thành.
– Để mỗi ngày trôi qua tôi đều có thể nói với con gái mình rằng: “mẹ rất hạnh phúc vì đã sinh ra con.”
– Chà, câu hỏi vui thật, nhưng bà chưa bao giờ nghĩ đến điều đấy, tại sao bà vẫn còn tồn tại nhỉ?

Và khi Arisu – nam chính của chúng ta nhận được câu hỏi bạn tồn tại vì điều gì? anh đã trả lời là: “vì tôi.”

Còn bạn, các độc giả của The Millennials, bạn sẽ tồn tại vì điều gì?

Với mình thì sẽ là: “Cũng không rõ nữa, nhưng mình biết rằng nếu chết đi, mình sẽ chả bao giờ còn cơ hội để được hạnh phúc cả.”

#KhungHìnhKểChuyện không phải một chuyên đề review, đây là những cảm xúc tản mản, những câu chuyện ngắn được liên tưởng ngẫu nhiên theo từng bộ phim.

Có thể bạn quan tâm:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Quyền được giám hộ và “I care a lot” – gáo nước lạnh tạt thẳng vào nhận thức
Nạn nhân không hoàn hảo
Sự thật có phải là điều đẹp đẽ nhất
Nếu chúng ta có thể gọi về quá khứ

Linh Nguyen

Viết những điều mình muốn đọc.

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

18 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago