Nổi bật

Làm gì khi ai đó xâm phạm ranh giới cá nhân của bạn?

Nếu con người là một căn nhà, thì ranh giới cá nhân chính là lớp tường bao quanh bảo vệ.

Thiết lập và xác định ranh giới cá nhân là một quá trình cần sự kiên nhẫn rất lớn, bắt đầu từ lúc nhận ra rằng chúng ta cần đặt ra hàng rào phòng vệ dựa trên giới hạn của mình, kế đó là làm rõ chúng với người khác, và tiếp diễn bằng việc luôn luôn nhắc nhở mọi người cũng như bản thân rằng, “Đây là lằn ranh không ai có thể vượt qua mà chưa có sự cho phép của mình.”

Xây dựng ranh giới là một chuyện, bảo vệ nó lại là một chuyện khác. Những tấm biển báo chúng ta dựng lên phải thẳng thắn, rõ ràng, bên cạnh đó cũng cần không quá hung hăng hay thô bạo nhằm tránh gây ảnh hưởng đến mối quan hệ với đối phương, trong trường hợp đó là những mối quan hệ cần thiết, và đối phương chỉ hành xử vô tình.  

Vậy, chúng ta cần nói gì khi…

#1 – … cảm thấy không chắc chắn về yêu cầu / đề nghị của ai đó bất kỳ?

Trong giai đoạn ‘khởi động’ của quá trình thiết lập ranh giới cá nhân, thông thường chúng ta sẽ khá lúng túng với việc nhận biết đâu là những thứ mình muốn hoặc không.

Vì thế, cách tốt nhất khi cảm thấy không chắc chắn, đó là hãy dành thêm thời gian để đánh giá tình hình, sau đó mới đưa ra quyết định cho một yêu cầu hay đề nghị bất kỳ từ người khác. Bạn có thể thành thật về lý do, nếu nó không quá riêng tư, sau đó tùy tình huống cụ thể mà sẽ từ chối luôn hoặc đưa ra gợi ý bù đắp.

Ví dụ:

● Một người bạn rủ đi ăn, nhưng bạn cảm thấy không muốn cho lắm – vì thời gian không thích hợp, vì bạn có kế hoạch riêng, vì một số lý do khác, … Trường hợp này, bạn có thể hẹn trả lời sau, hoặc từ chối và gợi ý một thời gian / một hoạt động khác à “Mình không đi được hôm nay rồi. Lần tới đi trà sữa bù nha.”

● Đồng nghiệp yêu cầu giúp đỡ trong một dự án nằm ngoài phạm vi chuyên môn, sở thích, hoặc nhiệm vụ của bạn à “Cái này mình không giúp được rồi, xin lỗi nha.” hoặc “Đợi mình xong công việc rồi sẽ xem thử có hỗ trợ được không nhé.”

#2 – … ai đó tò mò về mình?

Ai đó đưa ra câu hỏi, tức là họ cần câu trả lời. Còn mục đích thắc mắc là gì thì… tùy vào người đặt câu hỏi. Có những người hỏi han vì quan tâm, nhưng cũng có những người làm thế chỉ vì thóc mách, cần chuyện để buôn. Bạn không có nghĩa vụ phải trả lời những câu hỏi tò mò của người khác về đời sống riêng tư của mình, ngay cả khi những câu hỏi đó trông không có vẻ gì xúc phạm.

Sắc thái của câu trả lời (hài hước, nghiêm túc, nửa đùa nửa thật, mạnh mẽ, dứt khoát, …) sẽ phụ thuộc vào độ thân quen của người hỏi, bối cảnh câu hỏi, và mức độ cá nhân của thông tin. Một số ví dụ:

● Câu hỏi về thu nhập cá nhân: “Cũng tàm tạm, đủ sống là tốt rồi.”, “Hm… cái này cậu đi hỏi trực tiếp sếp mình đi, sếp trả lương mà.”

● Câu hỏi về tình trạng mối quan hệ: “Mình không muốn nói về việc đó lúc này.”, “Yên tâm, có gì mới mình sẽ thông báo hẳn lên Facebook luôn nhé!”

● Câu hỏi về dự định, kế hoạch cho ngày nghỉ hoặc trong tương lai: “Làm gì hả, thì làm việc riêng tư thôi, cuối tuần là thời gian riêng tư mà.”, “Xin lỗi nha, mình không quen chia sẻ dự định cá nhân.”

Nếu đối phương vẫn chưa thôi, bạn sẽ cần phải thay đổi thái độ sang hướng dứt khoát hơn. Suy cho cùng, thì bạn hoàn toàn có quyền từ chối bất cứ ai hỏi han, thăm dò thông tin riêng tư của bạn để thỏa nỗi tò mò của cá nhân họ.

#3 – … ai đó cho lời khuyên nhưng rõ ràng mình hông–có–mượn–à–nha?

Lắng nghe là một việc khó. Nhiều người có xu hướng đưa ra nhận xét hoặc cho lời khuyên khi ai đó kể cho nghe về trải nghiệm hoặc khó khăn của họ. Trong đó, một số người làm thế vì vô tình, số khác lại là cố ý. Đưa ra ý kiến hay lời khuyên không cần thiết thật ra cũng là một biểu hiện của lòng tham – tham được bảo ban người khác, tham được người khác thấy biết ơn. Hành động ‘nhiệt tình không ai mượn’ này gây khó chịu cho không ít người, không cần biết lời khuyên được đưa ra hữu ích đến đâu.

Để tránh việc chia sẻ xong chẳng bớt buồn phiền mà còn thêm khó chịu, bạn nên nói thẳng rằng người kia chỉ cần nghe thôi, không cần phải đưa ra lời khuyên hay nhận xét tình hình gì cả. Những câu nói này có thể được nói trước hoặc trong, thậm chí sau quá trình trò chuyện.

“Mình có cái này muốn chia sẻ. Mình cần phải nói chuyện với ai đó thôi, cậu không cần phải cho ý kiến hay lời khuyên gì đâu.”

“Mình biết cậu có ý tốt, nhưng mình chỉ cần tâm sự với ai đó thôi. Mình sẽ tự tìm được câu trả lời mà bản thân cần, cậu đừng lo quá nhé.”

#4 – … ai đó phán xét hoặc chỉ trích mình?

“Không có gì đâu nhưng mà …”
“Nói thật nhé, …”
“Chỗ bạn bè nên mình mới thẳng thắn …”
“Mình nói có khó nghe nhưng vì muốn tốt thôi …”

… chỉ là một ít trong số rất nhiều vỏ bọc mà một người dùng để che giấu ác ý của họ. Phán xét hay chỉ trích lúc nào cũng khó chấp nhận. Chúng chỉ hữu ích trong trường hợp người nói thật lòng muốn góp ý xây dựng hay tạo động lực, giúp bạn hoàn thiện bản thân. Một số người khác phán xét chỉ vì muốn hạ thấp, khiến bạn mất niềm tin vào chính mình, hoặc để thỏa mãn nhu cầu được chứng tỏ của họ.

Cần cởi mở với góp ý để có thể tự nhìn nhận và trở nên tốt hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là thỏa hiệp với cảm giác ‘có gì đó sai sai’ trong lòng khi phải tiếp xúc với những chỉ trích, thóa mạ khéo léo ẩn nấp dưới cái bóng của sự quan tâm. Nếu thấy không ổn, hãy thẳng thắn:

“Mình không hỏi ý của cậu về chuyện này.”

“Cậu nói sự thật thì mất lòng, vậy sự thật thì những lời chỉ trích này được nói ra nhằm mục đích gì?”

Bạn sẽ khó khăn hơn trong việc tìm ra thái độ phù hợp để phản hồi nếu người đưa nhận xét là một người thân thiết như bạn bè hay thành viên trong gia định. Trong những trường hợp này, nếu ngại xung đột, cách tốt nhất là tránh tạo cớ để họ có cơ hội nói bất cứ điều gì.

Ví dụ, khi họ bảo rằng “Mới cắt tóc à?”, đừng trả lời dài dòng, chỉ cần “Ừ.” thôi là được. Nếu họ vẫn tiếp tục ‘nhận xét’ vu vơ kiểu “Sao lại cắt kiểu này? Trông xấu quá.” thì bạn nên thẳng thắn đáp lại rằng bạn không cần họ cho ý kiến, hoặc trả lời ‘lạc đề’ một chút (“Ừ, cảm ơn.”) để họ không còn cớ nói tiếp nữa.

Mỗi người trong chúng ta đều có quá khứ, trải nghiệm, và những câu chuyện riêng. Ranh giới cá nhân của mỗi người cũng theo đó mà có sự khác biệt. Bản thân mình cảm thấy thế này là ổn, không có nghĩa tất cả mọi người đều sẽ cảm thấy như thế (và ngược lại). Đừng ngại để cho người khác biết ranh giới của bạn, cũng đừng khó chịu vì ai đó cảm giác hay hành xử khác với bạn trong cùng một tình huống. Tôn trọng lựa chọn và cảm nhận cá nhân của người khác cũng là một cách chúng ta tôn trọng chính mình.

(Tham khảo: Boundary Boss: The Essential Guide to Talk True, Be Seen, and (Finally) Live Free – Terri Cole)

Xem thêm:
Những thói quen buổi sáng giúp bạn “lột xác” sau mùa dịch
Tâm sự ‘gối chăn’: Dọn giường hay không dọn giường?
Vì sao có những người không bao giờ chịu nhận lỗi?

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago