Destination Review

#LocalZine: Đảo Thạnh An – Trạm bơm bình yên và những lời nhắn nhủ yêu đến lụi tim

Ngồi 3 chuyến bus, 1 chuyến xe ôm rồi lên tiếp một chuyến đò, tiếng máy nổ nhỏ dần rồi tắt hẳn cũng là lúc vẻ thanh bình xanh tươi của hòn đảo Thạnh An hiện rõ. Thạnh An, “an” nhờ 2 thứ: cảnh sắc và lòng người.

Xem thêm:
#Localzine: Việt Nam xưa nơi góc nhà của ngoại
#LocalZine: Cà phê vỉa hè –
uống một ngụm thôi là nhớ thương cả đời
#Localzine: Hà Nội và câu chuyện về những đôi bàn chân

“Ngoài đây có gì đâu mà bây ra chi miết, ngộ hen”

Cô Năm vừa cười nói vừa lanh lẹ trộn bánh tráng trong thau, tay múc dầu, tay vớt hành phi, tỏi phi, tay bốc khô mực, vắt chanh.

Dập điếu thuốc trên tay, một chú xe ôm vắt vẻo trên chiếc cub 50 nói với sang “Tụi nó ghiền mấy thứ yên bình, yên bình là xu hướng hen con hen”. Thế rồi tất cả mọi người đều cười khà khà sảng khoái.

Thạnh An có gì mà một bộ phận người trẻ Sài Gòn tuần nào cũng dắt díu nhau ra thăm? Thật lòng Thạnh An chẳng có gì ngoài vẻ bình yên, mộc mạc quyện trong từng thớ đất, bởi thế nên tôi mới dùng từ thăm, chứ chẳng phải “chơi” như khi viết về một điểm đến du lịch.

Khi sắp bị nuốt chửng bởi những tòa nhà bê tông sừng sững, người ta mê mẩn vẻ bình dị của những mái ngói đơn sơ

Khi tôi rời nhà lên thành phố, mấy người hàng xóm trêu tôi đi xa thấy được khang trang của cuộc đời sẽ sớm quên xóm nhỏ nghèo xác xơ, chỉ có mẹ nhìn tôi với ánh nhìn vô tư lự “rồi con sẽ thấy rằng, không phải giàu hay nghèo, sung túc hay hèn khó, bình yên thực sự mới là điểm đến của đời người.

Và có vẻ như ngày càng nhiều người hiểu ra điều đó, thế nên Thạnh An mới trở thành trạm bơm bình yên của những “người trẻ từ thành phố” – cách người Thạnh An gọi những người ra thăm đảo.

Những ngôi nhà ở Thạnh An là kiểu nhà ống dài và hẹp chiều ngang, trước nhà có một cái hiên nhỏ để chòm xóm tụ tập chuyện trò, nước nôi những buổi trưa hè. Mùa biển động, người dân không đi đánh cá được hiên nhà trở thành bện lưới, làm lồng (ngư cụ) để chuẩn bị cho một mùa đánh bắt đầy hứa hẹn, mùa bội thu thì hiên nhà trở thành nơi phơi tôm cá. Tôm cá được làm sạch, bóc bỏ, róc xương rồi xếp đều trên mặt lưới phơi khô.

Giữa muôn ngàn tiếng còi xe hú nhau inh ỏi, người ta đem lòng say tiếng sóng vỗ rì rào

Thạnh An là một hòn đảo nhỏ lọt thỏm giữa biển với diện tích vỏn vẹn 131km. Đảo được một bờ kè chắn sóng xây từ đá tảng ôm trọn xung quanh, đây cũng là nơi mỗi chiều bà con ra hóng gió, tụi con nít dắt chó vờn quanh, cũng là nơi các đôi uyên ương tâm tình hò hẹn mỗi đêm.

Đứng trên bờ kè có thể nghe rất rõ tiếng gió quét qua hàng đước già và cả tiếng sóng đánh rì rào vào bờ đá. “Muốn ngắm hoàng hôn thì qua cầu cảng, muốn đón mặt trời thì ra bờ đá” là câu chỉ đường quen thuộc của mấy cô chú địa phương.

Hoàng hôn trên cầu cảng mang lại cảm giác nhớ nhà da diết. Bạn có thể hình dung đang đứng giữa mênh mông nước, bên tai là tiếng sóng vỗ, tiếng nước đánh vào đá sủi bọt tanh tách còn trước mặt là một vùng trời cam đỏ đổ sáng xuống mặt nước tròng trành, bên tai còn văng vẳng tiếng thơ Nôm:

“ Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn
Gác mái, ngư ông về viễn phố
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn”

Bà Huyện Thanh Quan

Thạnh An vắng lặng và yên ả đến mức người ta dễ rơi vào cảm giác trần trụi với lòng mình. Phải chăng trước những điều bình dị, chẳng hề se sua, con người ta cũng dễ sống thật thà?

Khi sống giữa hối hả đèn xe, người ta thèm ánh sáng leo lắt của bóng đèn trên xe bánh tráng

Tụi trẻ con trên đảo có rất nhiều niềm vui: chơi cướp cờ với chúng bạn, xây ốc đảo trên ụ đất người ta mới đổ để làm nhà, lội bùn bắt cá thòi lòi,… nhưng thích nhất chắc là được ăn bánh tráng nướng giá 5 ngàn của cô Thuận.

Độ 6 giờ tối, người ta lại thấy bàn bánh tráng nướng của cô sáng đèn. Mùi trứng, mắm, hành phi quyện vào nhau trên bếp than hồng thơm nức mũi, thế là tụi trẻ con đua nhau ngồi đợi.

Ở Sài Gòn tôi cũng hay đợi bánh tráng nướng nhưng không ngồi trên ghế, mà là trên yên xe máy mỗi chiều tan làm. Khói bụi làm tôi không còn nghe ra mùi thơm của bánh tráng, tiếng còi xe át mất tiếng lửa than hồng lách tách. Có lẽ vì thế mà bánh tráng ở Thạnh An với tôi ngon hơn hẳn. Cái thú xếp hàng ăn bánh tráng giữa một đàn con nít cũng góp phần làm miếng bánh tráng nướng đậm đà hơn, thơm ngon hơn.

Và người ta cũng dễ ngẩn ngơ trước những cô dì làng biển đội nón đạp từng vòng xe quanh xóm nhỏ

Vì đảo bé quá, nhà cạnh nhà, xóm cạnh xóm, nên người trên đảo đi bộ và đi xe đạp là chủ yếu. Trong cái sân nhỏ của mỗi nhà đều có xe đạp, nhà ít người thì 1 chiếc, đông người hơn thì 2, 3 chiếc. Con nít đạp xe đi học, người lớn đạp xe đi làm, đi chợ, đi thăm chòm xóm. Xe đạp bon bon trên đường, xe đạp để trước sân, dựng vào bờ đá, gốc cây, xe đạp để ngoài cầu cảng đâu đâu cũng thấy bóng dáng xe đẹp nhiều kiểu dáng, màu sắc khác hẳn chốn thị thành vốn là vương quốc của xe máy, xe hơi.

“Người trên này sống thiệt tình với nhau, ốm đau không có gì phải sợ”

Đứng trước xe thịt nướng của cô Tư vừa nhai vừa hít hà vừa hỏi cô về người dân trên đảo. Cô kể trên này không trộm không cắp, người ta sống với nhau thiệt tình, bán buôn không nói thách làm chi, thuận mua vừa bán. Hàng xóm đau ốm, tắt đèn sớm tối có nhau.

“Tụi bây như cháu gái tao vậy đó, tao dặn nè”

Đảo bình yên là thế nên cũng là chốn rừng thiêng nước độc với những điều cần kiêng kị. Thế nhưng không phải điểm đến du lịch nào dân bản địa cũng nhiệt tình nhắc nhở như ở Thạnh An. Khi thấy tôi rẽ qua con đường mòn dẫn ra bờ đá, một người cô lớn tuổi gọi với theo dặn dò. “Con gái chưa chồng không nên ra bờ đá một mình lúc trời chập tối, ở đây người ta kiêng con ơi, nghe cô, sáng mai rồi ra chơi ngắm bình minh đẹp lắm”.

“Cô chơi cướp cờ với tụi con không”

Người ta nói trẻ con là phản chiếu của người lớn, được nuôi dưỡng ở một nơi mà người lớn dễ thương, thân thiện, bọn trẻ con ngoan ngoãn và hiếu khách cũng không có gì ngạc nhiên. Đảo tuy bé xíu nhưng giáo dục cực kì được chú trọng. Trên đảo có trường mẫu giáo, tiểu học và cấp 2 vô cùng khang trang. Ngoài giờ học, loanh quanh trên đảo sẽ thấy trẻ con xuất hiện khắp mọi nơi, lúc nào cũng trong dáng vẻ hào hứng, tươi cười.

“Con chó này tên là Nị, con kia em không biết tên”

Cũng giống như xe đạp và trẻ con, những chú cún đáng yêu cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp yên bình, dung dị của hòn đảo này.

“Lần sau ra nhà cô ở lại, cô không lấy tiền”

Ở lại đảo mấy ngày “đóng đô” ở quán thịt nướng cô Tư liền tù tì được cô nhiệt tình mời gọi có ra thăm thì ghé nhà cô ở lại “phờ-ri” nghe sao mà quý hóa. Năm 2016, Thạnh An bắt đầu nổi lên như một chốn bình yên xanh ngát để nghỉ ngơi cuối tuần, nhiều người dân trên đảo cố gắng thu xếp một gian trong nhà cho du khách thuê để kiếm thêm thu nhập. Cô Tư “sộp” không cho thuê phòng nhưng nhà cô có dư phòng của đứa con gái lớn đi học trên huyện Cần Thạnh, thế là cô rủ rê tôi về ở chung nếu lần tới ra chơi.

hadangkhoi

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

11 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

2 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago