Nổi bật

#LocalZine: Nghe tò he kể chuyện dân gian

#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt
Tò he cụ bán mấy đồng,
Con mua một chiếc cho chồng con chơi.
Chồng con đánh hỏng thì thôi.
Con mua chiếc khác con chơi một mình

CON GIỐNG BỘT – Hoài niệm ngày cũ

Tò he là tên gọi món đồ chơi dân gian độc đáo làm từ bột gạo vô cùng thân thuộc với người Việt Nam, đặc biệt là với người dân Bắc bộ.
Ảnh: KMM Film Studio
Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đang trưng bày ảnh tư liệu Tết Trung thu Hà Nội đầu thế kỷ 20, trong đó con giống bột là đồ chơi phổ biến của trẻ em thời đó.
(Ảnh tư liệu của Viện Khoa học xã hội Việt Nam)

Trước đây, tò he không được gọi là tò he, mà tên là con giống bột. Con giống bột ngày xưa có 2 dòng. Một loại là con giống Ta có xuất xứ từ Đồng Xuân, Đồng Lạc.

Con giống Đồng Xuân thường được tạo hình những con vật nuôi gần gũi với con người thời xưa như trâu, ngựa, dê, chó, gà, lợn (gọi chung là bộ lục súc). Bên cạnh đó, còn có một số con vật, đồ vật thân quen với đời sống thường ngày như con cua, con cá vàng, đôi hài, mâm ngũ quả…
/ Con giống Đồng Xuân được phục chế bởi nghệ nhân Đặng Văn Hậu – Ảnh: Nam Trần /

Loại thứ hai là con giống Khách (hay còn gọi là con giống Phố Khách) du nhập từ Trung Quốc, thường có ở Mã Mây, Hàng Buồm – nơi sinh sống của người Hoa tại Hà Nội.

Những con giống Phố Khách được tạo hình cầu kỳ hơn với kỹ thuật làm cốt, tạo vẩy rất tinh xảo (còn gọi là con giống vẩy). Đề tài con giống Phố Khách chủ yếu là các nhân vật thần thoại như lân, nghê, sư tử, thiềm thừ,…
/ Con giống Phố Khách được phục chế bởi nghệ nhân Đặng Văn Hậu – Ảnh: Nam Trần /

Hai loại con giống trên được nặn bằng bột hoành tinh trộn bột nếp, sau khi đã thành hình thì được phết thêm một lớp dầu quang bóng để bảo quản được lâu. Đến đầu những năm 90 thì con giống Phố Khách và Đồng Xuân đã gần như thất truyền, chỉ còn lại con giống Phú Xuyên.

“Thứ nhất bánh đa, thứ nhì bánh cuốn, thứ ba chim cò”. Con giống Phú Xuyên (còn gọi là bánh chim cò) mang dáng vẻ hồn nhiên, thô mộc, đề tài và kiểu dáng không bị bó buộc. Con giống được nặn bằng bột hấp, sau khi chơi xong có thể ăn được.
Ảnh: Nam Trần
Khoảng những năm 60, người ta “cải tiến” con giống Phú Xuyên bằng cách gắn thêm que tre để tiện phơi và tiết kiệm diện tích trưng bày. Đây cũng chính là tiền thân của những con tò he ngày nay.
Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Tò he vốn là tên gọi của những con giống bằng gốm – sản phẩm của làng gốm Thanh Hà (Hội An) – do những con giống này khi thổi vào sẽ phát ra tiếng “tò te”. Năm 1994, một bài báo viết về nghề làm con giống bột đã nhầm lẫn gọi con giống bột thành tò he.

Để làm tò he, người làng Xuân La phải chọn gạo khá kỹ. Nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo tẻ có trộn ít nếp, tỉ lệ 10 gạo : 1 nếp. Công đoạn quan trọng nhất là luộc bột để có độ dẻo phù hợp. Tiếp đó, người ta pha bột với đường rồi phơi khô, đồ chín thành bột nặn. Bột được nắm lại thành từng vắt và nhuộm màu. Bốn màu cơ bản của tò he là:

  • Màu vàng: làm từ hoa hòe hoặc củ nghệ;
  • Màu đỏ: làm từ quả gấc hoặc quả dành dành;
  • Màu đen: làm từ cây nhọ nồi hoặc tro rơm, rạ;
  • Màu xanh: làm từ lá chàm hoặc lá riềng
Các màu sắc khác của bột nặn sẽ được phối trộn từ 4 màu cơ bản.
Ảnh: Nghệ nhân Lê Xuân Tung

TÒ HE VIỆT – Tái hiện ký ức

Nghệ nhân Đặng Văn Hậu sinh ra tại làng nghề nặn con giống bột Xuân La (Phú Xuyên). Theo ông mình là nghệ nhân Đặng Văn Hạ đi nặn con giống từ năm 2001, đến nay đã gần 20 năm anh Hậu theo đuổi nghề này. Người làng Xuân La hầu như ai cũng biết nặn con giống, nhưng còn theo nghề thì rất ít người. Trong quá trình gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, anh Hậu gặp không ít khó khăn.

Năm 2012, do cơ duyên mà anh Hậu có dịp gặp gỡ nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách – một người cũng luôn đau đáu trong lòng nỗi niềm “thấy thương trẻ con ngày nay không biết được nhiều cái hay, đẹp của nền văn hóa truyền thống Việt”.

Cùng nhau, hai người một già một trẻ đã từng bước đưa con giống bột trở lại với người Việt Nam.

Ngoài việc thực hiện những dự án phục dựng cùng nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân Đặng Văn Hậu còn nặn và bán con giống bột tại các hội chợ, Trung tâm thương mại, biểu diễn và hướng dẫn nặn tại các trường học, sự kiện văn hóa. Vào cuối tuần, anh Hậu mở thêm lớp dạy nghề tại nhà. Bên cạnh đó anh còn phát triển Tò He Việt.

Tò He Việt là nơi anh Hậu hướng dẫn nặn và chia sẻ về các dự án phục hồi mẫu con giống cổ cũng như giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam đến gần với các bạn trẻ trong và ngoài nước.
Ảnh: Tò He Việt

TÍCH TRUNG THU – Tò he hôm nay

Trong những câu chuyện dân gian về Trung thu, chúng ta đã “quen mặt” 3 nhân vật là chú Cuội, chị Hằng, và Thỏ Ngọc. Thế nhưng bạn có biết còn 3 nhân vật nữa là vợ chú Cuội, Thiềm Thừ, và Trâu?

Bộ sưu tập con giống Tích Trung Thu
Ảnh: Tò He Việt

Không muốn quá khứ bị quên lãng, dự án Tích Trung Thu đã ra đời. Dựa trên 6 tích Trung thu cổ được cô đọng trong 6 bài thơ của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, với phong cách thiết kế hiện đại và phóng khoáng, họa sĩ minh họa Cẩm Anh (CamAnh Ng Illustration) đã cùng nghệ nhân Đặng Văn Hậu (Tò He Việt) nhào nặn nên 6 nhân vật đặc trưng cho mùa Trung thu: chị Hằng, chú Cuội, vợ chú Cuội, Thỏ Ngọc, Thiềm Thừ và Trâu.

“Đa thần xưa mọc ven đê
Một hôm vợ Cuội lỡ tè gốc cây
Hoảng kinh hồn vía lên mây
Mặc Cuội níu rễ đa bay về trời
Cung Trăng thoáng chốc đến nơi
Chị Hằng, Thỏ Ngọc vui mời nghỉ chân
Từ đây người cõi dương trần
Trông lên thấy bóng đa thần trong trăng”
(Vợ Cuội – Tác giả: Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách)
Ảnh: Tò He Việt
“Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Ngoảnh trông xuống thế nhớ nhà thở than
Chăn trâu đỡ việc chị Hằng
Sáng đi đốn củi tối giăng lưới chài
Trên trăng ngày vắn đêm dài
Thiềm Thừ, Thỏ Ngọc đôi người bạn thân
Bón chăm cây quế ngoài sân
Ra chợ bán quế đỡ đần gạo cơm”
(Chú Cuội – Tác giả: Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách)
Ảnh: Tò He Việt
“Hằng Nga là chủ cung Trăng
Vợ vua Hậu Nghệ tài năng hơn người
Vua diệt quạ lửa cứu đời
Nhưng sau chết trận dứt dời mối duyên
Hằng Nga nhờ uống thuốc tiên
Cùng con Thỏ Ngọc bay lên cung Hàn
Trăng thu rực rỡ sắc vàng
Ấy là từ ánh hào quang chị Hằng
(Hằng Nga – Tác giả: Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách)
Ảnh: Tò He Việt
“Thỏ Ngọc nhà dưới gốc đa
Lá đa cung Quảng là toa thuốc trời
Chiều chiều thỏ nhặt lá rơi
Nửa ăn lót dạ nửa phơi để dành
Đêm thu dưới bóng trăng thanh
Tỏ cho vào cối giã thành tiên đan
Những ai cảm mạo thương hàn
Xin con thỏ ngọc một thang thuốc thần”
(Thỏ Ngọc – Tác giả: Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách)
Ảnh: Tò He Việt
“Thiềm Thừ là cóc ba chân
Sống trên cung Quảng bạn thân chị Hằng
Thiềm Thừ hay bỡn cợt trăng
Ngậm trăng vào miệng tung tăng xuống trần
Cho vầng trăng chiếu thêm gần
Ánh trăng soi tỏ đến từng cánh hoa
Đêm Thu đợi lúc trăng tà
Trong trăng thấy lão cóc già ba chân
(Thiềm Thừ – Tác giả: Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách)
Ảnh: Tò He Việt
“Trâu xanh nhà Cuội béo tròn
Cỏ trăng vàng bạc căng lườn mướt đuôi
Ăn no Cuội dẫn đi chơi
Ngủ nghê tắm mát rồi xuôi ra đồng
Cấy cầy trên Nguyệt thong dong
Một quan mạ vốn trăm công lúa lời
Ngắm trăng vàng chiếu lưng trời
Thấy trâu ăn cỏ Cuội ngồi gốc đa”
(Trâu – Tác giả: Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách)
Ảnh: Tò He Việt

Cẩm Anh – họa sĩ minh họa của dự án Tích Trung Thu

“Mình rất vui vì khi đọc câu chuyện về từng nhân vật, khán giả lại bảo mình: “Ôi hoá ra là như vậy à? Trước giờ không biết đến Thiềm Thừ!”; “ Cuội có vợ cơ à?”; “Hóa ra Thỏ Ngọc có nghề nghiệp là thầy lang!”. Sự hào hứng của mọi người chứng tỏ BST đã đạt được mong muốn của những người thực hiện nó.”
“Mình cũng nghĩ nhiều về việc: làm thế nào để “làm mới” hơn một số hình ảnh đã đi sâu vào tâm trí của mọi người về Tò He? – những con giống bột dễ thương, ngây ngô và nhiều màu mà ta thấy trong các lễ hội khi còn thơ bé. Mình muốn làm mới hình ảnh nhưng cũng không muốn đi quá xa khỏi những hình dạng thân thương này. Điểm khác biệt giữa Tò He so với những sản phẩm thủ công được chế tạo tinh xảo của các nghệ sĩ nước ngoài, chính là việc nó có một sự thoải mái, ngô nghê, vui vui, mắt to mắt bé,… buồn cười và thân thuộc, nhất là với trẻ nhỏ.”

Để cho ra đời 6 nhân vật trong Tích Trung Thu, anh Hậu và Cẩm Anh còn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè cũng như các đối tác tham gia khác: chị Thuỷ – trợ lý của anh Hậu, cửa hàng thủ công Ra Riêng, các bạn ở KMM Film Studio, Nga và Xu – 2 bạn trợ lý dự án, Nghĩa – làm AR cho các nhân vật và Minh – viết nhạc.

Ảnh: Tò He Việt

KẾT

Tò he, hay con giống bột, là một nét văn hóa gắn liền với người dân Việt Nam đã từ rất lâu đời. Có giai đoạn, những con giống bột này tưởng chừng đã mãi mãi ở lại trong hoài niệm, vì không cạnh tranh nổi với những món đồ chơi hiện đại, cũng như không còn mấy ai giữ nghề nữa.

Sự trở lại của tò he trong những năm gần đây là một điều đáng mừng. Cùng với “màn comeback” ngoạn mục của mình, con giống bột đã thay đổi nhiều so với thời xưa. Con đường hồi sinh con giống bột hiện nay đã không còn là chặng đường riêng của những người như nhà nghiên cứu Trịnh Bách, như nghệ nhân Đặng Văn Hậu, mà đã có sự tham gia của các thế hệ trẻ Việt.

Cẩm Anh chia sẻ, “Mình hi vọng là các bạn trẻ, những người đang được tiếp xúc với các nền tảng công nghệ hiện đại, nơi mọi thứ đều rất nhanh và ấn tượng, sẽ không quên các giá trị truyền thống. Chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng thế mạnh của giới trẻ để kể lại câu chuyện văn hoá thú vị của chính mình, dưới một hình thức khác, để cho nó sống mãi.”

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

17 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

2 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

3 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

5 ngày ago