Xin lưu ý rằng thú cưng được sử dụng trong phạm vi bài viết này là các bé chó mèo. Nếu bạn muốn biết có nên ngủ cùng các ‘em’ trăn, kỳ nhông, vẹt đuôi dài, rùa, thỏ,… hay không, câu trả lời đầu tiên chắc chắn sẽ là Không, nhưng chúng ta cứ xem đến cuối bài đã.
Khảo sát năm 2019 của American Pet Product cho biết có 41% các em chó size trung bình và 62% em mèo ngủ cùng với chủ. Thú nuôi size càng to thì càng ít ‘chung chăn gối’ với chủ.
Tuy nhiên, đừng vội cảm thấy bản thân tốt hơn hay tệ hơn khi chỉ nhìn vào những số liệu này. Gần phân nửa số lượng người nuôi thú cưng ngủ cùng với các em pets của mình không có nghĩa rằng đây là việc nên làm.
Nuôi thú cưng là trải nghiệm khác nhau với tất cả mọi người. Điều này phụ thuộc cả vào em nhà bạn – loại động vật, độ tuổi, kích thước, tính tình – lẫn bản thân bạn – phong cách sống, tâm lý, tính cách, và quan trọng nhất là liệu bạn có bị dị ứng hay không.
Tuy thế, nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích về sức khỏe tổng thể đáng kể với những người nuôi chó mèo. Cụ thể, họ có cơ hội vận động nhiều hơn, đặc biệt với những người nuôi chó. Ngoài ra, họ cũng có thái độ cởi mở và tích cực hơn với khu vực mình đang sinh sống, đồng thời có nhiều kết nối xã hội đa dạng hơn.
Báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch Bệnh (Center for Disease Control and Prevention) cũng cho thấy việc nuôi thú cưng có liên quan đến những lợi ích như giảm huyết áp, giảm cholesterol, giảm triệu chứng căng thẳng và cô đơn. Đây cũng là lý do khiến chó và mèo còn được huấn luyện để trở thành động vật trị liệu (therapy animals) hoặc động vật trợ giúp (service animals).
Chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người thực sự tìm thấy sự thoải mái và cảm giác an toàn khi ngủ với thú cưng của họ.” –
Bác sĩ Lois Krahn (Mayo Clinic)
Nghiên cứu của Đại học Alberta cho biết, với người mắc chứng đau mãn tính, ngủ cùng các em chó sẽ giúp:
– Điều chỉnh giấc ngủ vì mức độ căng thẳng của người bệnh giảm xuống
– Giúp người bệnh có cơ hội tiếp xúc với nắng sớm khi dắt thú cưng ra ngoài
– Tạo cảm giác thoải mái mỗi khi bị cơn đau tấn công
Trong một nghiên cứu khác của Mayo Clinic, những người ở độ tuổi trưởng thành (adults) cho biết giấc ngủ của họ hiệu quả hơn khi có thú cưng ngủ cùng trong phòng. Nếu để thú cưng ngủ cùng giường, tỉ lệ phần trăm độ hài lòng có thấp hơn một chút, nhưng vẫn đảm bảo ở mức ổn định.
Việc để thú cưng ngủ cùng có thể giúp củng cố mối quan hệ giữa bạn và các em ấy. Kết quả nghiên cứu cho thấy chó có cảm giác gắn bó với chủ nhân giống cách một đứa trẻ gắn bó với cha mẹ nó. Với một số loài chó, sự xa cách – kể cả vào ban đêm để đi ngủ – cũng có thể làm chúng lo lắng. Nếu được chủ cho phép vào phòng, hoặc ngủ cùng giường, chúng sẽ yên tâm hơn khi biết chủ nhân đang ở gần.
Nếu bạn bị dị ứng, ngủ chung giường với thú cưng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn. Một số chứng dị ứng có thể đối phó bằng thuốc, tuy nhiên việc dùng thuốc liên tục không có lợi cho sức khỏe, và ngủ cùng với thú cưng làm tăng nguy cơ dị ứng khiến bạn phải tăng liều dùng hoặc khiến thuốc bị giảm tác dụng.
Ngoài ra, ngủ chung với thú cưng còn là hành động tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm từ vật nuôi sang người thông qua những vết cào, cắn,… do thú cưng gây ra.
Chó là đối tượng được nghiên cứu rộng rãi nhất khi tìm hiểu về tác động của việc ngủ cùng thú cưng. Kết quả hầu hết đều tích cực. Tuy nhiên, trải nghiệm cá nhân sẽ còn tùy thuộc vào tính cách, kích thước, và sở thích của em cún nhà bạn.
Theo báo cáo của tổ chức Động vật Dịch vụ Hoa Kỳ (US Service Animals), chó có thể được huấn luyện đặc biệt để giữ an toàn cho chủ nhân, đặc biệt là những người mắc chứng ngủ rũ (narcolepsy). Ngoài ra, chó còn giúp những người mộng du tỉnh giấc. Ngoài ra, những em cún còn vô cùng hữu ích trong quá trình giúp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, khi gặp ác mộng, và các rối loạn về giấc ngủ khác.
Tuy nhiên, các em chó size trung bình và to có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn khi chúng liên tục di chuyển hoặc gây tiếng động. Trong trường hợp này, hãy để các em ấy ngủ tại giường / chỗ riêng trong phòng.
Một nghiên cứu về sự khác biệt trong giấc ngủ của phụ nữ khi ngủ cùng chó, mèo, và đối tác (bạn trai / bạn gái / bạn đời / bạn tình / …) cho thấy ngủ cùng mèo khiến giấc ngủ bị gián đoạn nhiều hơn, đồng thời cảm giác an toàn giảm. Nếu bạn từng bị mèo cào, bị mèo ngồi lên đầu, hoặc bị mèo liếm ướt mặt lúc 4h sáng, bạn sẽ không thấy lạ với kết quả này.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là kết quả từ một nghiên cứu. Nếu em nhà bạn không trèo lên đầu lên cổ (theo nghĩa đen) khi bạn ngủ, không làm bạn bị dị ứng, không lôi trái banh chút chít ra chơi lúc nửa đêm, cũng như bạn hoàn toàn không ngại việc đang ngủ giật mình dậy thấy ẻm đang nhìn chằm chằm vào hư không, thì việc ôm một cái-gối-ấm-áp-mịn-màng hoàn toàn không thành vấn đề.
Nếu bạn định ngủ cùng em trăn, rắn, thỏ, vẹt, hamster, kỳ nhông,… của mình, trước tiên hãy tính đến những rủi ro có thể xảy ra với bạn và cả với em ấy. Rắn và một số loài động vật nhỏ khác có xương mỏng. Việc bạn vô tình… đè chết ‘em iu’ trong lúc ngủ lăn lộn là hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn nữa, nguy cơ gặp tổn thương hoặc bị truyền bệnh bởi những loài vật này lớn hơn chó mèo.
Không có gì sai khi bạn yêu quý thú cưng của mình đến mức muốn ngủ cùng chúng. Tuy nhiên, thận trọng là trên hết. Với những loài động vật này, ôm ấp cưng nựng một tí rồi để chúng ngủ trong không gian riêng là lựa chọn an toàn nhất cho cả bạn và cả thú cưng của mình.
Để thú cưng ngủ cùng với trẻ em và trẻ sơ sinh làm tăng nguy cơ ngạt thở và đột tử ở trẻ (SIDS). Cần cẩn thận nếu nhà bạn nuôi mèo và có trẻ nhỏ. Tốt nhất đừng để những em mèo tự do ra vào chỗ em bé đang ngủ. Mèo có xu hướng nằm lên mặt hoặc lên ngực, dễ làm bé bị ngạt thở.
Sức đề kháng của trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện, thế nên để thú cưng ngủ cùng sẽ làm tăng nguy cơ bị các bệnh như khuẩn tụ cầu và dịch hạch. Tóm lại, bạn có thể để thú cưng chơi cùng các em bé dưới sự giám sát của bạn. Hạn chế hết mức việc để các em bé một mình với thú cưng, đặc biệt là các em bé đang ngủ.
Với những em chó mèo size bé hoặc còn nhỏ tuổi, bị rơi khỏi giường cao hay bị đè khi ngủ có thể gây tử vong vì gãy xương, ngạt thở. Ngoài ra, việc ngủ cùng thú cưng còn có thể gây nguy hiểm cho chúng khi mắc các bệnh do con người lây nhiễm.
Một việc quan trọng cần cân nhắc, nếu bạn ngủ cùng thú cưng từ khi chúng còn nhỏ, lâu dần chúng sẽ hình thành thói quen này và dễ gặp các vấn đề về tâm lý, cụ thể là rối loạn lo âu xa cách (separation anxiety) nếu việc này chấm dứt (khi bạn không có ở nhà, khi bạn không nuôi chúng nữa,…).
Lời khuyên tốt nhất để phát triển một mối quan hệ lành mạnh, là đừng để chúng quá phụ thuộc vào bạn. Hãy huấn luyện chúng ngủ riêng từ bé (hoặc ngủ cùng phòng nhưng trên ổ riêng) ngay cả khi điều đó có nghĩa là bạn không thể ôm ấp cục bông ấm áp của mình mỗi tối. Không sao cả, em nhà vẫn yêu bạn nhiều mà thôi.
Nguồn: SleepAdvisor
Xem thêm:
#Nghĩ: Nuôi thú cưng – Tưởng vô bổ nhưng bổ không tưởng
Hỏi thế gian tình ái là chi mà động vật cũng có thể là chuyên gia ái tình
Ai sẽ là người cùng bạn lạc ở đảo hoang?
Millennials và ám ảnh về “khởi đầu mới”
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…