Chúng ta hay mặc định hễ ai thông minh thì người đó sẽ thành công. Sự thành công ở đây thường được biểu hiện qua trạng thái siêu giỏi hoặc siêu giàu. Trong các tác phẩm hư cấu, nhân vật IQ cao cũng thường được khắc họa với vai trò “bộ não” cho những nhân vật còn lại, như Hermione trong Harry Potter, hoặc như Jay Gatsby (The Great Gatsby), Lex Luthor (loạt truyện tranh về Superman) – là những người sở hữu rất nhiều tài sản.
Ngoài ra, người thông minh còn được cho rằng dễ gây thiện cảm với người khác hơn. Nhận định này có thể do người thông minh sẽ khiến cuộc nói chuyện trở nên thú vị.
Photo: Fajrul
Tuy nhiên, sự thật thì sao? Chỉ số IQ cao nói lên điều gì về khả năng thành công và mức độ đáng mến của một người?
Những bài kiểm tra trí thông minh đầu tiên được tạo ra bởi nhà tâm lý học Alfred Binet, theo “đơn đặt hàng” của chính phủ Pháp vào đầu những năm 1900. Mục đích ban đầu của chúng là để tìm ra những học sinh cần sự trợ giúp trong học tập.
Theo thời gian, những bài test IQ dần biến thành công cụ xác định những cá nhân có trí thông minh cao hơn mức trung bình là 100 điểm. Nếu đạt điểm số từ 140 trở lên, bạn được công nhận là có IQ ở mức thiên tài. Ước tính, chỉ có khoảng 0,25 – 1% dân số thế giới lọt vào danh sách ưu tú này.
Cùng với sự phổ biến của các bài test IQ, các nhà khoa học cũng bắt đầu xem xét liệu một bài test cao điểm còn nói lên điều gì về người thực hiện chúng ngoài năng lực học vấn của họ.
Vào đầu những năm 1920s, nhà tâm lý học Lewis Terman thực hiện một loạt các nghiên cứu về kỹ năng phát triển cảm xúc và xã hội của những đứa trẻ có IQ ở mức thiên tài. Ông chọn ra 1.500 trẻ em độ tuổi 8-12 với chỉ số IQ trung bình là 150. Trong số đó, có 80 em được 170 điểm.
Quá trình theo dõi trong những năm sau đó của Terman cho thấy rằng, hầu hết những đứa trẻ này đều phát triển tốt cả về mặt thể chất lẫn xã hội. Không chỉ đạt thành tích học tập tốt, các em còn có xu hướng khỏe khoắn, mạnh mẽ, cao lớn, và ít bị tai nạn hơn những trẻ em có IQ bình thường.
Năm 1956, Terman qua đời. Nghiên cứu vẫn được tiếp tục bởi các nhà tâm lý học khác, kéo dài đến tận ngày nay, trở thành một nghiên cứu theo chiều dọc(*) dài nhất trong lịch sử.
(*) Nghiên cứu theo chiều dọc / khảo sát dọc là nghiên cứu với các quan sát lặp đi lặp lại về các biến giống nhau (VD như con người) trong một quãng thời gian ngắn hoặc dài. Khác với nghiên cứu cắt ngang (các cá nhân khác nhau và có cùng đặc điểm được so sánh), nghiên cứu dọc tập trung quan sát những cá nhân giống nhau, cho ra kết quả từ việc quan sát các thay đổi chính xác hơn, được áp dụng trong nhiều lĩnh vực.
Trong số nhóm trẻ em được quan sát, có những cái tên nổi tiếng như: nhà tâm lý học giáo dục người Mỹ Lee Cronbach, Jess Oppenheimer – tác giả của sitcom I Love Lucy, nhà tâm lý học trẻ em Robert Sears, nhà khoa học Ancel Keys, và hơn 50 người khác đã trở thành giảng viên tại các trường Cao đẳng và Đại học.
Một số kết quả quan sát thú vị khác như:
– Thu nhập trung bình của nhóm này vào năm 1955 là 33.000 USD, trong khi bình quân thu nhập của toàn nước Mỹ khi đó là 5.000 USD.
– ⅔ trong số đó hoàn thành Cử nhân. Một số lượng đáng kể đạt được bằng cấp sau Đại học và tiếp tục theo học lên chuyên ngành. Nhiều người trong số này đã trở thành bác sĩ, luật sư, giám đốc điều hành, và nhà khoa học.
Tuy nhiên, phần lớn các đối tượng nghiên cứu lại chọn theo đuổi những nghề nghiệp “khiêm tốn” hơn, như cảnh sát, thủy thủ, nhân viên đánh máy, và nhân viên văn thư. Trong nghiên cứu, Terman kết luận rằng “không có mối tương quan hoàn hảo giữa trí thông minh và thành tựu”.
Melita Oden – người tiếp tục thực hiện nghiên cứu của Terman sau khi ông qua đời – đã phân loại và so sánh 100 người thành công nhất (nhóm A) với 100 người kém thành công nhất (nhóm C). Mặc dù có chỉ số IQ như nhau nhưng những người thuộc nhóm C chỉ kiếm được hơn mức thu nhập trung bình thời điểm đó một ít. Tỉ lệ nghiện rượu và ly hôn của họ cũng cao hơn so với người nhóm A.
Theo Oden, khác biệt này được giải thích bởi đặc điểm tâm lý khác nhau giữa các nhóm. Những đối tượng thuộc nhóm A có xu hướng“cẩn trọng, kiên trì, có ý chí, và mong muốn được thành công”. Hơn nữa, khi trưởng thành, họ còn thể hiện sự tự tin, bền chí, định hướng hoàn thành mục tiêu cao – đây đều là những thứ mà hầu hết người ở nhóm C không có.
Điều này cho thấy rằng, chỉ số IQ cao có thể có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến thành công, nhưng chính những đặc điểm tính cách mới đóng vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa thành công đó.
Mặc dù các phát hiện của nghiên cứu Terman rất thuyết phục, nhưng chúng cũng bị chỉ trích vì đã loại trừ những yếu tố tham gia vào quá trình thành công hay thất bại của một người.
Ví dụ điển hình là tác động của Đại Khủng Hoảng (The Great Depression – bắt đầu từ 1929 và kéo dài đến cuối những năm 1930s) và Thế chiến thứ 2 (1939 – 1945) đến khả năng tiếp nhận giáo dục của một người, cũng như việc phụ nữ khó có triển vọng phát triển nghề nghiệp do định kiến giới và những chính sách thịnh hành trong giai đoạn đó.
Một số nhà nghiên cứu khác còn nhận định rằng, bất cứ nhóm trẻ em ngẫu nhiên nào được chọn cũng sẽ cho ra những kết quả tương tự như nhóm trẻ có IQ cao, chỉ cần những đối tượng này có sự tương đồng về xuất thân hoặc bối cảnh.
Một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí khoa học Personality and Individual Differences đã đưa ra câu trả lời cho thắc mắc “Liệu một người thông minh có được nhiều người yêu thích hơn hay không?”
Maria Flakus và đồng nghiệp đã tiến hành phân tích dữ liệu thu thập từ một nhóm học sinh Trung học tại Ba Lan. Những học sinh này được cho thực hiện bài kiểm tra IQ và được yêu cầu chỉ ra những học sinh khác trong lớp mà các em quý mến. Dữ liệu được thu thập 3 lần: vào tháng đầu nhập học – khi các học sinh chưa biết nhau nhiều, sau 3 tháng đến trường – khi các học sinh đã làm quen với nhau, và sau 12 tháng đi học – khi các em đã biết rõ về bạn học của mình.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trí thông minh ảnh hưởng đến việc chúng ta yêu quý và được yêu quý bởi người khác, mặc dù theo những cách khác nhau. Những học sinh có điểm IQ cao đồng thời cũng được nhiều bạn cùng lớp quý mến. Tuy nhiên, các em có xu hướng thích ít người hơn những học sinh kém thông minh. Cụ thể hơn, các em chỉ thích những bạn thông minh như mình chứ không phải những bạn có điểm IQ thấp.
Tuy nhiên, hiệu ứng quý mến ai đó vì họ thông minh chỉ thể hiện rõ ràng nhất trong lần thu thập dữ liệu đầu tiên – tháng đầu đi học – sau đó dần biến mất. Điều này cho thấy rằng theo thời gian, tầm quan trọng của trí thông minh đối với việc xây dựng các mối quan hệ xã hội có xu hướng giảm, trong khi các yếu tố khác trở nên quan trọng hơn.
Cũng theo Maria Flakus, hiện tượng những học sinh thông minh chỉ thích những bạn thông minh tương đương không có nhiều biến đổi trong suốt cả một năm thực hiện nghiên cứu. Điều này có thể dẫn đến việc người có IQ cao dễ bị đánh giá là kiêu ngạo. Từ đó, họ có xu hướng bị xã hội cô lập hoặc xem thường. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã chứng minh được sự tương quan giữa chỉ số IQ cao với các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người thông minh có xu hướng sử dụng cần sa và các loại chất kích thích bất hợp pháp. Điều này được cho là do sự ảnh hưởng của đặc điểm tích cách cởi mở với trải nghiệm ở những người IQ cao. Đây là một trong những khía cạnh tính cách quan trọng được mô tả trong mô hình 5 tính cách lớn.
Tâm thế cởi mở là con dao hai lưỡi. Một mặt, nó hỗ trợ cho sự sáng tạo, giúp ta không bị giới hạn bởi định kiến và quy luật. Tuy nhiên, nó cũng vô tình giúp loại bỏ những hàng rào vô thức có tác dụng ngăn chúng ta làm những việc mà xã hội cho rằng “sai trái” hoặc “không thể chấp nhận”.
Một trong những dạng câu hỏi khiến nhiều thí sinh “rớt mồ hôi” nhất của IELTS Reading là dạng True / False / Not Given. Cái khó ở đây là chúng ta rất dễ đi đến kết luận chủ quan rằng một cái gì đó sai hoặc đúng mà quên mất rằng bài đọc không cung cấp thông tin này.
Những bài kiểm tra trí thông minh cũng vậy. Điều chắc chắn duy nhất chúng ta có sau khi hoàn thành bài test, đó là IQ của chúng ta “được” đánh giá bao nhiêu điểm. Từ kết quả này, có thể dự đoán (một cách đáng tin cậy) rằng thành tích học tập của một người như thế nào.
Người có IQ cao có xu hướng tiến xa hơn trong công việc. Tuy nhiên, trạng thái thành công, dù xét về khía cạnh tài chính hay xã hội, là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố như kỹ năng, tính cách, và những sự hỗ trợ khác mà không có bài kiểm tra trí thông minh nào có thể đo lường hay dự đoán được.
Tham khảo:
Is There a Connection Between Being Smart and Being Liked? – Sebastian Ocklenburg, Ph.D.
Are People With High IQs More Successful? – Kendra Cherry
Xem thêm:
Ai sẽ là người cùng bạn lạc ở đảo hoang?
Millennials liệu có phải là “Thế hệ lo âu”?
Chiêm tinh, tử vi: Lí do giới trẻ đặt quá nhiều niềm tin vào những vì sao
Đừng để 3 bẫy tâm lý này chiếm lấy tâm trí bạn
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…
"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…