Culture

Nguồn gốc của 5 món đồ thường thấy trong lễ Giáng Sinh (Phần 2)

The Millennials Life sẽ giới thiệu đến bạn thêm những món đồ khác thường xuất hiện mỗi khi lễ Giáng Sinh đến.

Trong phần 1, nếu như cây thông, kẹo gậy, cây tầm gửi, cocktail trứng sữa hay những chiếc tất treo lò sưởi đã trở thành những hình ảnh quen thuộc khi nhắc đến Giáng Sinh, thì vẫn còn rất nhiều biểu tượng khác gắn liền với mùa lễ hội này, mỗi biểu tượng lại mang theo một câu chuyện đầy thú vị và ý nghĩa.

Từ những chiếc bánh quy gừng với hình dáng ngộ nghĩnh, đến cây nhựa ruồi với sắc đỏ xanh biểu trưng cho mùa đông lạnh giá, hay ngôi sao lấp lánh trên đỉnh cây thông gợi nhớ về câu chuyện Chúa giáng sinh – tất cả đều là những mảnh ghép làm nên không khí Giáng Sinh ấm áp và kỳ diệu.

Thêm vào đó, vòng hoa treo cửa tượng trưng cho sự trọn vẹn, và những chú búp bê kẹp hạt dẻ với hình dáng dũng mãnh lại mang theo sự bảo vệ và may mắn trong mùa lễ.

Trong phần tiếp theo, The Millennials Life sẽ cùng bạn khám phá nguồn gốc và ý nghĩa của 5 biểu tượng đặc sắc này, để hiểu thêm về cách mà mỗi hình ảnh đã vượt qua thời gian, không gian và văn hoá để trở thành một phần không thể thiếu của mùa lễ hội.

1. Bánh quy gừng

Bánh gừng xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ 11, khi các hiệp sĩ trở về từ vùng Trung Đông mang theo loại gia vị này.  Ban đầu, bánh gừng được làm thành các khối lớn hoặc được cắt nhỏ, chủ yếu dùng trong các dịp lễ hội hoặc sự kiện đặc biệt.

Món snack này bắt đầu gắn liền với Giáng Sinh từ thời kỳ Phục Hưng ở châu Âu, đặc biệt tại Đức và Anh.

Ở Đức, việc làm bánh gừng trong các dịp lễ hội đã trở thành một truyền thống phổ biến, trong đó dễ nhận thấy nhất là các “ngôi nhà” làm bằng bánh gừng (gingerbread house). Truyền thống này được cho là lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Hansel and Gretel của anh em nhà Grimm, bởi trong truyện có ngôi nhà của mụ phù thuỷ được làm hoàn toàn bằng bánh ngọt và kẹo.

Còn ở Anh vào thế kỷ 16, Nữ hoàng Elizabeth I được cho là người đã phổ biến bánh quy gừng với hình dáng con người. Bà từng cho làm loại bánh này mô phỏng hình dáng các quan khách đến dự tiệc tại cung điện, điều này khiến hình tượng của những bánh quy gừng hình người trở nên nổi tiếng.

Việc làm bánh gừng vào dịp Giáng Sinh được phổ biến rộng rãi trong các gia đình châu Âu từ thế kỷ 17, khi những hội chợ Giáng Sinh bắt đầu bán các loại bánh quy gừng với đủ hình dáng, màu sắc. Đến thế kỷ 19, khi truyền thống Giáng Sinh lan rộng sang Mỹ và các nơi khác, bánh quy gừng trở thành món ăn không thể thiếu trong mùa lễ hội.

Anh chàng bánh quy gừng trong bộ phim “Sherk”. Nguồn ảnh: Slashfilm

2. Cây nhựa ruồi

Cây nhựa ruồi đã gắn liền với Giáng Sinh từ thời cổ đại, với nguồn gốc xuất phát từ các nền văn hóa châu Âu – nơi nó được coi là biểu tượng của sự bảo vệ, trường tồn và niềm hy vọng trong mùa đông khắc nghiệt. 

Trước khi Kitô giáo lan rộng, loài cây này đã là một phần quan trọng trong các lễ hội mùa đông của người Celt, La Mã, và Bắc Âu. Với lá xanh quanh năm và quả đỏ tươi rực rỡ vào mùa đông, cây nhựa ruồi được xem như một biểu tượng của sự sống bất diệt và sức mạnh trong mùa đông lạnh giá.

Cụ thể, trong lễ hội Saturnalia của người La Mã, cây nhựa ruồi được dùng để trang trí nhà cửa nhằm bảo vệ gia đình khỏi tà ma và mang lại may mắn. Còn đối với người Celt và Druids, họ xem cây nhựa ruồi là một loài cây linh thiêng, mang tính chất thần thánh, có khả năng xua đuổi tà ma và bảo vệ sự sống. Họ thường sử dụng nhựa ruồi trong các nghi lễ mùa đông, đặc biệt là vào ngày Đông chí để tượng trưng cho hy vọng và ánh sáng.

Khi Kitô giáo lan rộng, cây nhựa ruồi được gắn thêm các ý nghĩa mới liên quan đến câu chuyện Chúa giáng sinh. Nhiều nhà thờ đã tiếp nhận nhựa ruồi như một biểu tượng Kitô giáo, nhấn mạnh đến ý nghĩa tôn giáo của nó, như: lá xanh nhọn tượng trưng cho vương miện gai của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn; quả đỏ đại diện cho những giọt máu của Chúa, thể hiện sự hy sinh và cứu rỗi nhân loại; và màu lá xanh biểu tượng cho sự sống vĩnh hằng và niềm hy vọng vào sự cứu chuộc.

Đến thế kỷ 19, với sự phổ biến của Giáng Sinh, cây nhựa ruồi đã xuất hiện trong các trang trí mùa lễ hội ở khắp nơi trên thế giới. Giờ đây, loài cây này thường được sử dụng để trang trí vòng hoa, cây thông Giáng Sinh, hoặc làm điểm nhấn trên bàn tiệc.

3. Vòng hoa

Vòng hoa đã xuất hiện từ thế kỷ 16, và người La Mã cổ đại sử dụng chúng như một biểu tượng của sự chiến thắng. Từ “wreath” ngày nay (vòng hoa) được cho là bắt nguồn từ từ tiếng Anh cổ “writhen,” có nghĩa là xoắn, như trong hình tròn hoặc bánh xe. Hình dạng tròn của món đồ này tượng trưng cho sự vĩnh cửu, vì nó không có điểm bắt đầu hay kết thúc.

Theo truyền thống, vòng hoa thường được làm từ cây thường xanh. Khi các loại cây khác đã lụi tàn trong mùa đông, cây thường xanh vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên, vì vậy đây là lựa chọn hiển nhiên nhất để sử dụng. Về mặt biểu tượng, cây thường xanh đại diện cho sự liên tục của sự sống và thiên nhiên. Chúng nhắc nhở con người rằng mùa xuân và sự sinh trưởng mới sẽ sớm trở lại, trong khi những quả mọng đỏ tượng trưng cho sự sinh sôi.

Sau đó, vòng hoa được Kitô giáo tiếp nhận và sử dụng để kỷ niệm mùa Vọng (Advent). Nó được trang trí với bốn ngọn nến (ba tím, một hồng) đại diện cho các tuần lễ của Mùa Vọng. Nến được thắp sáng dần qua từng tuần, tượng trưng cho sự xuất hiện của ánh sáng cứu độ trong bóng tối.

Từ thế kỷ 19, vòng hoa trở thành món đồ trang trí phổ biến trong các gia đình ở châu Âu và Mỹ. Đồ vật này được treo trước cửa nhà như một lời chào mừng và lời cầu chúc bình an đến những vị khách; hoặc đặt trên bàn thường được gắn nến, mang lại không khí ấm áp và trang trọng cho gia đình trong bữa ăn Giáng Sinh.

4. Búp bê kẹp hạt dẻ

Búp bê kẹp hạt dẻ hình dáng lính gỗ đứng – biểu tượng nổi tiếng mà chúng ta biết ngày nay – lần đầu tiên được chế tác tại các vùng Sonneberg và Erzgebirge ở miền đông nước Đức vào đầu thế kỷ 19. Đến năm 1872, Wilhelm Fuchtner đã sản xuất thương mại đầu tiên cho những chiếc búp bê kẹp hạt dẻ bằng gỗ này.

Tương tự như những chiếc kẹp hạt dẻ kiểu đòn bẩy, chúng hoạt động nhờ vào một cần gạt ở phía sau. Khi cần gạt được nhấn xuống, hàm của búp bê sẽ di chuyển lên và nghiền nát hạt được đặt trong miệng.

Những con búp bê dùng để trang trí bắt đầu trở nên phổ biến ngoài châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi nhiều binh sĩ Mỹ đóng quân tại Đức mang các búp bê kẹp hạt dẻ của Đức về Hoa Kỳ như những món quà lưu niệm.

Nó còn phổ biến hơn nữa đến từ vở ballet The Nutcracker của Pyotr Ilyich Tchaikovsky, một tác phẩm chuyển thể năm 1892 từ câu chuyện The Nutcracker and the Mouse King của E.T.A. Hoffmann (1816), trong đó có nhân vật búp bê kẹp hạt dẻ hình lính đồ chơi.

Vở ballet này được giới thiệu tại Mỹ vào giữa thế kỷ 20 và nhanh chóng trở thành một truyền thống yêu thích trong mùa lễ hội trên khắp Hoa Kỳ. Điều này đã góp phần biến những con búp bê kẹp hạt dẻ thành một món đồ trang trí Giáng Sinh và biểu tượng mùa lễ hội trong văn hóa phương Tây.

Những chú lính kẹp hạt dẻ được bày bán. Nguồn ảnh: Alyssa B. Young/Getty Images.

5. Ngôi sao vàng

Việc treo ngôi sao vàng trên đỉnh cây thông Giáng Sinh có mối liên hệ sâu sắc với câu chuyện về sự ra đời của Chúa Giêsu trong Kinh Thánh. Truyền thống này bắt nguồn từ việc tái hiện hình ảnh Ngôi sao Bethlehem – 1 ngôi sao đã dẫn đường cho 3 nhà thông thái (3 vua) đến nơi Chúa Giáng Sinh.

Ngôi sao Bethlehem được nhắc đến trong Phúc Âm Matthêu, nơi kể rằng các nhà thông thái từ phương Đông đã nhìn thấy một ngôi sao sáng trên bầu trời. Họ tin rằng đây là dấu hiệu của một vị vua mới được sinh ra, và ngôi sao đã dẫn đường họ đến Bethlehem, nơi Chúa Giêsu hạ sinh.

Hình ảnh ngôi sao nhanh chóng trở thành biểu tượng quan trọng trong Kitô giáo vào thế kỷ 19, đại diện cho ánh sáng, hy vọng, và sự chỉ dẫn thiêng liêng. Trong thời kỳ trị vì của Nữ hoàng Victoria, cây thông Giáng Sinh và ngôi sao trang trí trên đỉnh trở thành biểu tượng của gia đình và lễ hội nhờ ảnh hưởng từ Hoàng thân Albert, người mang truyền thống này từ Đức sang Anh. Từ đây, ngôi sao vàng trên cây thông lan rộng đến Mỹ và các quốc gia khác.

Ngày nay, ngôi sao trên đỉnh cây thông có thể được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như kim loại, nhựa, hoặc đèn LED, thường có màu vàng hoặc bạc để tạo hiệu ứng lấp lánh. Ngoài ngôi sao, một số người cũng thay thế bằng hình thiên thần để trang trí, nhưng ngôi sao vẫn được ưa chuộng hơn cả nhờ ý nghĩa cổ xưa.

Xem thêm những bài viết khác dưới đây:

TML Editor

Recent Posts

Triển lãm “Đồng Chìm Đáy Nước” của Ca Lê Thắng: Những cống hiến cho nghệ thuật trừu tượng

Triển lãm "Đồng Chìm Đáy Nước" là hiện thân cho sự bền bỉ âm thầm…

11 giờ ago

5 thay đổi nhỏ nhưng có võ để năm mới trở nên khoẻ mạnh hơn

Bạn hoàn toàn có thể trở nên khỏe mạnh, rạng rỡ hơn bằng cách thực…

2 ngày ago

#LocalZine: Xin chào, tớ là Phở, Bánh mì và Bún bò Huế, chúng mình nói chuyện được không?

Cùng tìm hiểu về lịch sử của những món ăn quen thuộc, như: Phở, bánh…

2 ngày ago

Ở tuổi đôi mươi, điều gì là quan trọng nhất?

Gửi cho những ai sớm bắt đầu tuổi 20, đang trong độ tuổi đôi mươi,…

4 ngày ago

“Mèo thông thái” Cheshire và 6 sự thật sâu sắc trong cuộc sống

Những câu nói của chú mèo Cheshire tinh ranh với nụ cười thần bí trên…

5 ngày ago

#Nghĩ: Cố gắng quá sức để thành công vượt mức – Lợi ở đâu, hại chỗ nào?

Không phủ nhận việc nỗ lực đạt mục tiêu đề ra là điều tốt. Thế…

5 ngày ago