Nhắc đến lễ Giáng Sinh, ta không thể không nhắc đến những hình ảnh gắn liền với lễ hội này, như: Cây thông xanh mướt to đùng được khoác lên mình ánh đèn trang trí, ly eggnog béo ngậy hay nhánh cây tầm gửi – chỗ “trốn bí mật” của những cặp đôi. Nhưng, từ khi nào mà những món đồ này có sự liên kết với ngày lễ trọng đại cuối năm?
Lễ Giáng Sinh – một ngày tràn ngập niềm vui và hơi ấm, luôn gắn liền với những hình ảnh quen thuộc như cây thông xanh mát, kẹo gậy đỏ trắng ngọt ngào, cây tầm gửi đầy ý nghĩa, ly cocktail trứng sữa béo ngậy hay những chiếc tất treo bên lò sưởi đang chờ đợi phép màu từ ông già Noel.
Những món đồ này không chỉ là biểu tượng của mùa lễ mà còn chứa đựng những câu chuyện thú vị và phong phú về văn hóa, lịch sử và phong tục từ khắp nơi trên thế giới.
Thế nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao cứ nhắc đến lễ Giáng sinh là người ta lại nghĩ đến cây thông không? Hay nguồn gốc thực sự của kẹo gậy sọc đỏ trắng là gì? Và liệu ly eggnog quen thuộc trên bàn tiệc có xuất phát chỉ từ một ý tưởng tình cờ?
Trong bài viết này, The Millennials Life sẽ cùng bạn khám phá nguồn gốc và ý nghĩa đặc biệt của 5 món đồ thường thấy trong Giáng Sinh – để không chỉ hiểu hơn về truyền thống mà còn thêm yêu mùa lễ hội này.
Từ xa xưa, cây thường xanh (bao gồm cả cây thông) đã được sử dụng như một biểu tượng của sự sống vĩnh cửu trong nhiều nền văn hóa cổ đại, từ người Ai Cập, người La Mã đến các dân tộc Bắc Âu.
Trong các lễ hội mùa đông, như lễ hội Yule của người Viking hay Saturnalia của người La Mã, cây thường xanh được dùng để trang trí nhà cửa nhằm chào đón mùa xuân, tôn vinh sự trường tồn và đẩy lùi những điều xui rủi của mùa đông giá lạnh.
Việc cây thông trở thành một phần của lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ Đức vào thế kỷ 16. Người ta tin rằng Martin Luther, một nhà cải cách tôn giáo người Đức, là người đầu tiên trang trí cây thông bằng nến. Theo truyền thuyết, một đêm mùa đông, ông nhìn thấy ánh sao lấp lánh qua những cành cây thông và đã tái hiện cảnh tượng này bằng cách gắn nến lên một cây thông trong nhà để kỷ niệm Chúa giáng sinh.
Dần dần, việc trang trí cây thông trở thành một truyền thống trong các gia đình ở Đức, và nó lan rộng sang các nước khác ở châu Âu. Vào thế kỷ 19, cây thông Giáng Sinh trở nên phổ biến ở Anh nhờ Hoàng tử Albert – chồng của Nữ hoàng Victoria – người mang phong tục này từ quê hương Đức của mình đến cung điện Windsor. Những hình ảnh về gia đình hoàng gia tụ họp quanh cây thông đã xuất hiện trên báo chí, truyền cảm hứng cho nhiều gia đình Anh và Mỹ học theo.
Ở Mỹ, cây thông Giáng Sinh trở thành một biểu tượng phổ biến vào thế kỷ 19, đặc biệt trong cộng đồng người nhập cư Đức. Từ đó, truyền thống này lan rộng khắp các bang và trở thành một phần không thể thiếu của mùa lễ hội. Đến thế kỷ 20, cây thông Giáng Sinh không chỉ gắn liền với các lễ kỷ niệm tôn giáo mà còn trở thành một biểu tượng của sự ấm cúng, niềm vui và đoàn tụ gia đình trong dịp lễ cuối năm.
Kẹo gậy, một biểu tượng quen thuộc của lễ Giáng Sinh, mang trong mình lịch sử pha trộn giữa sự thật và truyền thuyết. Nguồn gốc chính xác của món kẹo này không hẳn là rõ ràng; nhưng được biết, phiên bản ban đầu của kẹo gậy là những que kẹo đường trắng, thẳng và cứng, phổ biến ở châu Âu vào thế kỷ 17. Những cây kẹo này thường được dùng làm phần thưởng cho trẻ em và đôi khi được treo lên cây thông Noel như một món trang trí.
Một giai thoại khác được truyền tai nhau rằng vào năm 1670, một nhạc trưởng tại thành phố Cologne, Đức, đã nhờ thợ làm kẹo tạo ra những cây kẹo hình gậy để tặng trẻ em trong buổi diễn tái hiện Chúa giáng sinh. Hình dạng uốn cong được cho là để tượng trưng cho cây gậy của người chăn cừu.
Đến thế kỷ 19, kẹo gậy bắt đầu gắn liền hơn với các truyền thống Giáng Sinh tại Mỹ. August Imgard, một người nhập cư gốc Đức sống tại Wooster, bang Ohio, được cho là người đầu tiên phổ biến việc treo kẹo gậy lên cây thông Noel vào năm 1847. Tuy nhiên, những chiếc kẹo gậy lúc này vẫn chỉ có màu trắng.
Đến đầu thế kỷ 20, các thợ làm kẹo đã thêm hương bạc hà và hoàn thiện kiểu dáng sọc. Năm 1919, Bob McCormick, một thợ làm kẹo tại bang Georgia, bắt đầu sản xuất hàng loạt kẹo gậy và trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất tại Mỹ. Sau đó, vào thập niên 1950, Gregory Keller, anh rể của McCormick, đã phát minh ra máy móc để tự động hóa quy trình sản xuất, giúp kẹo gậy trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong mùa lễ hội.
Tầm gửi là một loại thực vật ký sinh, phát triển trên các phần thân trên mặt đất của cây thân gỗ và cây bụi. Chúng có rễ đặc biệt có thể xâm nhập vào cây chủ để hút nước và chất dinh dưỡng.
Dù trong tự nhiên, cây tầm gửi thường mang tiếng xấu vì tính chất ký sinh của mình, nhưng trong văn hóa phương Tây, chúng lại là biểu tượng của tình yêu.
Truyền thống hôn nhau dưới cây tầm gửi có nguồn gốc từ người Hy Lạp, những người đã thực hành phong tục này trong các lễ hội Saturnalia và tại các đám cưới. Phong tục này có thể xuất phát từ niềm tin rằng cây tầm gửi giúp tăng khả năng sinh sản.
Người Scandinavia lại xem cây tầm gửi là biểu tượng của hòa bình. Những người đang mâu thuẫn có thể tạm thời đình chiến nếu đứng dưới cây tầm gửi.
Vào thế kỷ 18 tại Anh, cây tầm gửi được kết thành “quả cầu hôn.” Một người phụ nữ đứng dưới quả cầu này không thể từ chối nụ hôn từ người khác. Nếu được hôn, cô ấy phải kết hôn với người đó, hoặc ít nhất sẽ có một tình bạn trọn đời. Ngược lại, nếu không được hôn, cô ấy được cho là sẽ không kết hôn trong năm đó.
Trong văn hóa dân gian châu Âu, cây tầm gửi được coi là một loại thực vật kỳ diệu và thiêng liêng. Chúng được cho là mang lại sự sống, khả năng sinh sản và thậm chí bảo vệ con người khỏi chất độc.
Thức uống này được cho là có nguồn gốc từ Posset – một loại đồ uống của Anh từ thời Trung cổ, được làm từ sữa nóng, rượu mạnh (thường là rượu vang hoặc bia), và gia vị. Posset ban đầu không liên quan đến lễ Giáng Sinh mà thường được dùng như một phương thuốc hoặc đồ uống cao cấp trong tầng lớp quý tộc.
Vào thế kỷ 18, công thức của Posset được biến tấu lại, thay rượu vang bằng rượu mạnh như brandy hoặc rum và thêm lòng đỏ trứng gà, tạo ra thức uống có kết cấu mịn màng hơn; từ đấy mà eggnog ra đời. Tuy nhiên, chính sự du nhập của nó vào Mỹ đã giúp thức uống này trở thành một phần không thể thiếu của Giáng Sinh.
Tại các thuộc địa của Mỹ, eggnog trở nên phổ biến nhờ sự dồi dào của sữa, trứng, và rượu mạnh – những nguyên liệu chính của món đồ uống này. Với giá thành thấp hơn châu Âu, người Mỹ dễ dàng biến eggnog thành một thức uống phổ thông, đặc biệt trong các dịp lễ hội cuối năm.
Sự gắn kết giữa cocktail trứng sữa và Giáng Sinh bắt đầu từ thế kỷ 19, khi thức uống này thường xuất hiện trong các bữa tiệc gia đình và các dịp đoàn tụ vào mùa đông. Hương vị ấm áp, béo ngậy cùng với một chút hơi men của eggnog khiến nó trở thành lựa chọn hoàn hảo cho không khí lễ hội. Từ đó, eggnog được mặc định là “món uống của lễ Giáng Sinh,” xuất hiện không chỉ trong các bữa tiệc mà còn trong văn hóa đại chúng.
Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ 4, Thánh Nicholas, một giám mục nổi tiếng vì lòng tốt và sự hào phóng của mình, đã bí mật giúp đỡ một gia đình nghèo. Gia đình này gồm một người cha góa vợ và ba cô con gái. Người cha không có tiền để làm của hồi môn cho các con, điều này khiến các cô gái khó có thể kết hôn và đối mặt với viễn cảnh phải sống trong cảnh nghèo khó.
Thánh Nicholas, khi biết hoàn cảnh đáng thương của gia đình này, đã quyết định giúp đỡ một cách âm thầm. Một đêm, ông lẻn vào nhà qua ống khói (theo một số phiên bản khác, ông thả quà qua cửa sổ) và đặt những túi vàng vào những chiếc tất của các cô gái, được treo gần lò sưởi để phơi khô. Nhờ món quà bất ngờ này, các cô gái đã có đủ của hồi môn để kết hôn và bắt đầu cuộc sống mới.
Từ câu chuyện trên, phong tục treo tất vào lễ dần hình thành. Ban đầu, những chiếc tất thật được sử dụng và trẻ em hy vọng sẽ nhận được quà hoặc đồ ngọt từ Thánh Nicholas nếu chúng cư xử tốt. Qua thời gian, truyền thống này được phổ biến khắp châu Âu và du nhập vào Mỹ nhờ các cộng đồng nhập cư.
Đến thế kỷ 19, truyền thống này trở thành một phần chính thức của lễ Giáng Sinh khi những chiếc tất đặc biệt, thường được làm từ vải dày và trang trí rực rỡ, bắt đầu được sản xuất và bày bán khắp nơi.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
Những câu nói của chú mèo Cheshire tinh ranh với nụ cười thần bí trên…
Không phủ nhận việc nỗ lực đạt mục tiêu đề ra là điều tốt. Thế…
Ai mà chả có lúc muốn gục đầu xuống bàn làm việc sau một ngày…
Xưởng Phim Màu Hồng đã tái hiện lại xã hội Nam Kỳ nhộn nhịp, xa…
Trong lịch sử, các cuộc “đình công tình dục” đôi lúc lại trở thành công…
Một căn phòng bừa bộn vừa là nguồn cảm hứng kích thích sáng tạo, cũng…