Rising Vietnam

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Nếu là một tín đồ “nghiện” trà sữa, chắc có lẽ bạn không thể không biết đến Yi He Tang – một trong những thương hiệu đồ uống nổi tiếng ở đất nước tỷ dân. Nhắc đến hãng trà sữa này, người ta chắc chắn sẽ mãi nhớ đến best seller của thương hiệu, đó chính là trà sữa nướng đã từng “làm mưa, làm gió” trong những năm gần đây.

Với bề dày kinh nghiệm cùng óc phán đoán kinh doanh nhạy bén, chị Nguyễn Viên An – Founder của VAG Holding, đã thuyết phục thành công và tiên phong mang thương hiệu trà sữa nướng Yi He Tang về Việt Nam. Trong hơn 3 năm có mặt tại đây, Yi He Tang Vietnam  đã khẳng định vị thế với hơn 30 cửa hàng trên khắp các tỉnh thành và tiếp tục mở rộng, với doanh thu mỗi tiệm trung bình lên đến 300 triệu Đồng

Trong tập tiếp theo của series podcast khởi nghiệp Chapter 0 được sản xuất bởi Rising Vietnam; chị Nguyễn Viên An đã có một buổi trò chuyện khá lý thú với host Hoàng Thu Thảo về xuất phát điểm của mình cũng như cơ hội bén duyên với Yi He Tang và những lần phải đối phó với khủng hoảng truyền thông. Ngoài ra, chị còn chia sẻ những bí quyết về cách mà chị cùng đội ngũ Yi He Tang Vietnam, đã nhượng quyền được thành công nhiều cơ sở trên toàn quốc.

Nguyễn Viên An chia sẻ về quy trình nhượng quyền “trà sữa nướng” Yi He Tang Vietnam

Từ một nữ du học sinh ngành xây dựng công trình, đến bà chủ của cửa hàng hãng trà sữa nổi tiếng tỷ dân đầu tiên Việt Nam

Có một câu nói rất được nhiều người hay truyền tai nhau, đó là “nghề chọn người, chứ không phải người chọn nghề”, và nó hoàn toàn đúng với trường hợp của cô nàng sinh viên du học Nguyễn Viên An. Chị chia sẻ rằng một ngày nọ, khi đang lướt các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc, chị vô tình thấy nhiều bài đăng về một món nước uống tên là “trà sữa nướng” của thương hiệu Yi He Tang:

Hồi năm 2019,  thương hiệu Yi He Tang rất là viral tại đất nước tỷ dân, và lúc đấy thì có một cái món là ‘trà sữa nướng’ rất là nổi tiếng. Nó có giá rất là bình dân nhưng lại có một khẩu vị và hương vị rất là đặc biệt. Lúc ấy Viên An mới thấy khá là tò mò. Thế thì cơ duyên nó bén từ đó.”

Kể từ thời điểm đó, chị Nguyễn Viên An bắt đầu kinh doanh những ly trà sữa này bằng hình thức xách tay. Với sự hưởng ứng từ nhiều khách hàng, có ngày chị đã nhận số lượng đặt hàng lên đến 1.000 hoặc 2.000 cốc. Hơn nữa, với cơ duyên kinh doanh trà sữa của Yi He Tang, chị Nguyễn Viên An còn chia sẻ đây là “bàn đạp” để chị có được một công việc ổn định, những mối quan hệ làm ăn lâu dài, và hơn cả là con đường lập nghiệp bằng phẳng suốt đến hiện tại. Thế nhưng, chị cũng nhận ra mô hình trà sữa xách tay không mấy bền vững:

Thứ nhất là mọi người rất mong muốn sẽ được uống lại thương hiệu trà sữa đấy nhiều hơn thế, đó là xuất phát điểm mà khách hàng mong muốn. Và cái thứ 2 là chính bản thân Viên An cũng nghĩ rằng, nếu mà cứ xách tay mãi thì sẽ không bền. Và mình ngay lập tức trong đầu hiện ra rất nhiều những câu hỏi. Ví dụ như là: làm thế nào để có thể mở một cửa hàng trà sữa ở Hà Nội? Làm thế nào để xin cấp phép được là mình sẽ nhượng quyền?

Và thế là, sau nhiều lần tìm cách để có được liên lạc với bên điều hành chiến lược của Yi He Tang, cùng với sự giúp đỡ của nhiều người quen; chị Nguyễn Viên An đã cuối cùng cũng gặp được chủ sở hữu của thương hiệu trà sữa và đề ra nguyện vọng mang hãng thức uống này về Việt Nam. May mắn thay, chị chia sẻ rằng chỉ trong một tháng thương lượng, cuối cùng chị đã được mời đến bên tổng bộ tập đoàn để đào tạo và sẵn sàng mở một cửa hàng đầu tiên.

Chị Nguyễn Viên An cũng nhớ lại về khoảng thời gian trước đây khi mới chỉ kinh doanh xách tay, chị nói rằng ước mơ của mình là được điều hành một quán trà sữa: “Hồi xưa ông xã cũng đã từng nhắc lại với Viên An rất là nhiều lần câu này, đấy là: Ước mơ của em là có được một quán trà sữa. Một cái ước mơ rất là nhỏ nhoi, nhưng thời điểm đấy mình lại nghĩ rằng nó là một cái việc rất là khó để có thể đạt được.”

Có thể thấy đến tận bây giờ, với những thành tựu đạt được, có vẻ chị đã vượt xa ước mơ ban đầu đấy rồi.

Mô hình nhượng quyền của Yi He Tang Vietnam sẽ trông như thế nào?

Khi thương hiệu trà sữa đến từ Trung Quốc bắt đầu bước vào thị trường Việt Nam, cũng giống như với kế hoạch mở rộng ở nhiều nước khác, họ sẽ sử dụng mô hình nhượng quyền. Đây là một chủ đề “tốn nhiều mực giấy” nhất khi thảo luận trong cộng đồng F&B, bởi vì nó sẽ luôn có những điều bất cập và những mặt lợi hay hại mà cả người đi đầu tư và chủ đi nhượng quyền cần phải lưu ý. Chuyện này dưới góc nhìn của chị Nguyễn Viên An:

Khi nhắc đến 2 chữ ‘nhượng quyền’ ở thời điểm này, thì có vẻ như gây ra luồng tranh luận 2 chiều. Chúng ta có thể kể đến rất nhiều những brand làm nhượng quyền rất tốt. Tuy nhiên, cũng có một số những thương hiệu với chiến lược của họ phát triển rất nhanh trong một thời gian rất là ngắn, và nhượng quyền ồ ạt.”

Đứng về phía của Yi He Tang và lý do chọn mô hình nhượng quyền, chị Nguyễn Viên An chia sẻ rằng, điều này hoàn toàn hợp lý bởi vì bề dày lịch sử hiện hữu trên thị trường của thương hiệu, và đây là phong cách kinh doanh đã có từ rất lâu rồi. Nhưng còn một yếu tố khác, đó là đối với Yi He Tang, quy cách để nhượng quyền sẽ đi kèm với nhiều quy trình và không hề đơn giản như nhiều người nghĩ:

Đứng sau 2 chữ ‘nhượng quyền’ là một cái bệ phóng cực kỳ phức tạp, với nhiều phòng ban,  rất nhiều nguồn lực: nguồn lực về con người, nguồn lực về tài chính, nguồn lực về quy trình. Như thế chúng ta mới tạo ra nhượng quyền được. Còn nếu bạn chưa có cái bệ phòng đấy, thì An nghĩ rằng trước sau gì bạn cũng sẽ gặp những thất bại như mình thôi”, founder của Yi He Tang Vietnam chia sẻ.

Điều này sẽ đến từ nguồn nhân lực, cách tổ chức phòng ban một cách chặt chẽ và mật thiết với nhau. Chị Nguyễn Viên An chia sẻ, đối với các cộng sự của mình, chị luôn xem họ là những con người quan trọng trong sự phát triển của Yi He Tang Vietnam: “Những con người cộng sự hiện tại rất là nhiệt huyết, rất là tuyệt vời, các bạn có một sức trẻ. Có thể các bạn không phải là những chuyên gia, top này top kia, nhưng Viên An rất tự hào khi có các bạn trong đội ngũ của mình.

Theo chị, xuất phát điểm của mình cũng là từ con người mà ra: “Chỉ có khi đội ngũ ổn thì thương hiệu mới ổn. Chỉ có khi đội ngũ happy, có sự hài lòng cao, thì khách hàng mới hài lòng tương tự.”

Còn đối với cách vận hành của thương hiệu nhượng quyền ‘trà sữa nướng’ Yi He Tang Vietnam, hiện tại công ty đang được chia thành 2 nhánh, mà chị Nguyễn Viên An gọi là “tiền tuyến” và “hậu cần”; và đương nhiên, các khu vực phòng bạn ở tiền tuyến sẽ trực tiếp tác động đến kết quả kinh doanh của các cơ sở thương hiệu. 

Tại khu vực tiền tuyến sẽ chia thành 4 phòng ban: phòng nhượng quyền, phòng thiết kế và thi công công trình, phòng đào tạo và cuối cùng là phòng vận hành. Khi đó, founder của Yi He Tang Vietnam, chị Nguyễn Viên An cũng là người quản lý và giải thích thật chi tiết về nhiệm vụ, vai trò của từng bộ phận, cũng như chỉ ra mối quan hệ với nhau không chỉ nội bộ mà còn cho cả những yếu tố bên ngoài nữa.

Đối với phòng nhượng quyền, nơi đây sẽ cần làm 2 đầu việc chính, đó là chọn đối tác phù hợp và chọn vị trí: “Bởi vì nếu như người và vị trí không được lựa chọn cùng thời điểm, thì hợp đồng nhượng quyền đấy cũng sẽ không thể chốt được. Nếu Yi He Tang chỉ có người (là các nhà đầu tư), mà không có những vị trí phù hợp với tiêu chuẩn thì cũng không được.

Sang đến phòng thứ 2 là ban thiết kế và thi công công trình. Chị Nguyễn Viên An nói rằng họ cũng sẽ có tác động lớn đến hiệu suất và khả năng kinh doanh của địa điểm nhượng quyền đó: “Làm thế nào để sau này team vận hành đi vào (team vận hành của đối tác nhượng quyền), họ có thể khai thác tối đa được công suất vận hành. Điều đó cũng là một trong những yếu tố, giúp cho đối tác nhượng quyền có thể kiếm được nhiều tiền hơn.”

Chị Nguyễn Viên An cũng chia sẻ rằng, thương hiệu Yi He Tang Vietnam rất chú ý đến quá trình đào tạo con người của mình. Hiện tại, hãng trà sữa đang có quy trình đào tạo tên là “2+12” (nghĩa là 12 ngày lý thuyết và 2 ngày thực hành, với một kỳ thi sát hạch). Chị nói là: “Nó sẽ tác động đến nhân sự, cũng như là chủ cơ sở nhượng quyền, và quản lý của họ sau khi kết thúc quá trình đào tạo. Bởi vì, nếu đào tạo không ổn thì sau này vận hành sẽ rất là mệt và vất vả.” 

Và cuối cùng là phòng vận hành, một ban làm việc mà chị Nguyễn Viên An xem là thiết yếu nhất: “ Trách nhiệm và giá trị của vị trí các bạn trong phòng vận hành rất là cao. Từ set-up điểm (bao gồm cài đặt máy móc, nhận phần việc bàn giao từ ban thiết kế), đến kiểm tra mọi yếu tố để vận hành, và follow doanh thu của đối tác trong ngày/tuần/tháng có tốt không.

Còn những phòng ban thuộc nhánh “hậu cần” thì sao? Đó sẽ là những bộ phận hỗ trợ nhà đầu tư nhượng quyền những vấn đề khác ngoài việc quản lý cơ sở: “Như phòng cung ứng chuỗi và phòng kho vận hành Logistic, cũng như là các phòng như là pháp lý tài chính.” Và cuối cùng là ban truyền thông và Marketing/Sales, những thành viên mà chị chia sẻ là: “Giúp cho cơ sở nhượng quyền của đối tác vừa mới mở ra, trong một thời gian ngắn nhất với một chi phí thấp nhất, nhưng lại được nhiều người biết đến.”

Có thể thấy, với quy trình nhượng quyền cho một nhà đầu tư tại một điểm, mà phải trải qua nhiều bước với sự tham gia của nhiều phòng ban, Yi He Tang Vietnam đang chọn hướng đi “chậm nhưng mà chắc”. Hay như chị Nguyễn Viên An chốt lại là: “Nếu không đi nhanh thì bạn đi chắc, mà bạn đi chắc thì sẽ đi chầm chậm. Nhưng mà sẽ ít rủi ro, bởi vì đi nhanh mà ngã thì rất là đau.

Chị Nguyễn Viên An chia sẻ bài học sau sự cố khủng hoảng truyền thông

Để xem thêm thông tin chi tiết về câu chuyện từ chị Nguyễn Viên An cũng như của thương hiệu trà sữa Yi He Tang Vietnam, các bạn có thể theo dõi tập podcast Chapter 0 ở đây; hiện đã phát sóng trên trang Youtube của Rising Vietnam.

Kinh doanh trong ngành F&B thì chắc chắn một thương hiệu không ít lần phải “hứng chịu búa rìu” từ dư luận về chất lượng sản phẩm hay thái độ nhân viên, hoặc bất cứ yếu tố nào đó ngoài vòng kiểm soát. Yi He Tang Vietnam cũng không phải là ngoại lệ, và trong bối cảnh mạnh mẽ của các không gian mạng, hãng trà sữa cũng đã nhiều lần phải xử lý những ca “lùm xùm” từ khách hàng của mình trên những nền tảng mạng xã hội.

Chị Nguyễn Viên An có kể lại một lần rằng, một đơn vị khác đã cạnh tranh không lành mạnh khi thuê một TikToker và quay những video clip, nhằm vu khống bôi nhọ danh dự của công ty và đội ngũ. Sau này nhìn nhận lại thời điểm đó, chị tự thấy team Marketing của mình đã có cách xử lý truyền thống rất thông minh. Đây cũng là một bài học về sự nhìn nhận vấn đề cho cả đội ngũ cũng như chính bản thân của người founder Yi He Tang Vietnam:

Vàng không sợ lửa. Mình hãy khoan mà tiêu cực, bởi vì bạn sẽ không biết được rằng ngay sau một biến cố, là một điều đang tốt đẹp đang chờ đợi đâu. Bởi vì có khi do cái sự cố đấy, lại giúp cho mình nhìn thấy được cơ hội mới. Và đó cũng là cơ hội để thử thách mình xem, là ta có vượt qua được cái khủng hoảng đó không. Hãy tỉnh táo lên, bởi vì mọi việc đến với mình đều có nguyên do”, chị Nguyễn Viên An chia sẻ.

Dao Thomas

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

9 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

2 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago