Nói đến gia vị quen thuộc của người Việt Nam từ trước đến nay, thì không thể thiếu những tuýp tương ớt thơm nồng. Sở dĩ tương ớt được nhiều người Việt ưa chuộng, bởi vì nó làm dậy mùi cho món ăn cũng như tạo một chút cay nhẹ khi thưởng thức. Thế nhưng Love & Spice – hãng tương ớt mới thành lập do chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ đồng sáng lập với chồng lại có một hướng đi khác.
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ (biệt danh là Thị Hến), người đồng sáng lập của Love & Spice, đã dành thời gian chia sẻ quá trình hình thành thương hiệu tương ớt siêu cay với host Hoàng Thu Thảo trong series podcast Chapter 0, do Rising Vietnam sản xuất. Chị nói về góc nhìn kinh doanh cũng như định hướng quảng bá sản phẩm của Love & Spice và những bài học mà chị nhận thấy được sau khi trải qua nhiều khó khăn để khởi nghiệp trong ngành F&B.
Nguyên cớ để khởi nghiệpLove & Spice là từ… sở thích ăn cay của chồng!
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ và người chồng lai ngoại quốc của của mình Michael Phan là 2 con người đến với nhau vì tình yêu của mảnh đất Việt Nam, vì tình yêu dành cho nền nông nghiệp quê nhà. Vốn là một người thích ăn cay, anh Michael Phan đã tìm khắp nơi trên thị trường một hãng tương ớt có thể thỏa mãn khẩu vị của mình, xong mọi thứ không như ý.
Chính vì thế, Love & Spice được thành lập như một món quà từ người vợ dành cho anh: “Mình quyết định là trồng ớt, sản xuất, rồi tạo sản phẩm. Tại vì chị nghĩ là chị phải tạo ra một sản phẩm đi theo đam mê của ảnh; thế nhưng về lâu về dài thì mình cần tạo ra một sản phẩm để anh ghiền luôn, thì ảnh khỏi có ghiền cái khác!“, chị vừa nói vừa cười.
Thế nhưng “mình tính không bằng trời tính”. Kể từ khi thành lập thương hiệu Love & Spice, chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ và người chồng của mình đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, cả từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nhưng dần dần, từ một thú vui tưởng chừng như ngây thơ đó, hai anh chị đã biến thành niềm đam mê kinh doanh khởi nghiệp.
Đầu tiên phải kể đến là loại giống ớt được dùng trong hầu hết các sản phẩm của Love & Spice, đó là Carolina Reaper – được mệnh danh là loại ớt cay nhất thế giới theo kỷ lục Guiness. Để giải thích cho lý do vì sao thương hiệu của chị lại sử dụng loại ớt này, chị cho rằng đây là một nước đi đường dài và đã có sự tính toán từ trước:
“Chị biết rằng người Việt của mình có một cái khả năng thích nghi rất là tốt. Còn đối với giống ớtCarolina Reaper, từ từ nó mới bắt đầu thích nghi, nhưng những cái cây giống ban đầu đã mang cái gen trội nhất, tốt nhất, cay nhất nữa. Điều quan trọng nhất là Việt Nam mình là một cái đất nước xích đạo, thế thì nắng gió nó lại rất rất tốt cho cây ớt”, chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ giải thích.
Nhưng không phải nơi nào tại Việt Nam cũng trồng được loại ớt này, mặc cho điều kiện kể trên. Thế là sau một khoảng thời gian trồng thử ở nhiều nơi và nhiều địa hình khác nhau, chị đã lựa chọn đặt cánh đồng ớt của mình ở Đồng Nai: “Nó cũng gần thành phố Hồ Chí Minh; đi cao tốc chỉ có 1 giờ thôi, nên việc vận chuyển sẽ dễ hơn. Nói chung là cũng tính toán rồi.”
Cái khó tiếp theo ở thời điểm mới thành lập Love & Spice, đó chính là quá trình sản xuất nên một chai tương ớt siêu cay. Tại thời điểm vào năm 2020, chị và người chồng đã tìm được một mối làm ăn, sau đó bắt đầu bắt tay vào trồng và thu hoạch những mẻ ớt đầu tiên. Nhưng không may khi đó, đại dịch COVID-19 đã nổ ra và khiến cho hai anh chị bị kẹt lại ở trang trại với những trái ớt cần được xử lý:
“Lúc đó cũng muốn siêu lòng rồi. Em nghĩ thử đi, 1 tấn ớt mà lúc đó chỉ có hai vợ chồng ở nhà, cũng không có ai để thuê nhân công. Thế là mình phải tự thu hoạch, mà thậm chí cái bao tay đúng chuẩn để lăt ớt cũng không có nữa. Cũng không có giao ớt đi được, thế nên là mình phải lên mạng search Google để tự làm, nhưng mà nó cũng không có giống với hoàn cảnh mình phải đối mặt lắm”, chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ trải lòng.
Không những thế, chị còn kể về những lần khó khăn đó, đã ảnh hưởng đến cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng như thế nào. Nhưng theo chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ, nếu không nhờ những khó khăn đó, chị và chồng mình sẽ không hề có nhưng kinh nghiệm và bài học để truyền cảm hứng lại cho nhân viên củaLove & Spice. Và hành trình tự nghiên cứu đó, giờ đây chị đã nhận lại được thành quả mà bất cứ thương hiệu trong ngành F&B nên có – đó là một công thức sản phẩm đáng giá.
Những định hướng kinh doanh tương ớt siêu cay của thương hiệu Love & Spice
Ra đời chỉ vì để thoả mãn khẩu vị của người chồng mình, nhưng đến một lúc nào đó,hai vợ chồng đã bắt đầu biến niềm đam mê trồng trọt giống ớt cay nhất thế giới, thành một thương hiệu để kinh doanh. Theo chị Nguyễn Thị Thuỳ My, thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ có chỗ cho thương hiệu ớt siêu cayLove & Spice:
“Anh ấy tin rằng nó sẽ tạo nên một làn sóng mới, một trải nghiệm mới. Tụi mình biết rằng là có thể những khách hàng ban đầu sẽ mua sản phẩm, giống như những loại tương ớt mà các thương hiệu khác đang làm, mọi người sẽ tò mò khi nghe đến một giống ớt cay nhất thế giới về Việt Nam. Đất nước mình có 100 triệu dân, thì chỉ cần một người tò mò mua một chai tương ớt thôi; thì đó sẽ là tệp khách hàng ban đầu của mình”, chị chia sẻ.
Là một người yêu thể thao nói chung và chạy bộ/marathon nói riêng, chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ lúc đó còn đề ra những chính sách khá “kỳ lạ” khi yêu cầu người mua phải hoàn thành một đường chạy cố định để mua tương ớt của mình. Để lý giải cho điều này, chị nói rằng bởi vì sản lượng ít và không muốn xảy ra trường hợp cung ít hơn cầu; nhà sáng lập đã duy trì 2 nguyên tắc khi đưa sản phẩm ra thị trường: một là chỉ tặng, không bán, còn thứ 2 là phải bán nguyên giá với số tiền đắt hơn nhiều.
Trong một chia sẻ gần đây, chị nói rằng: “Thể thao giúp cuộc sống của mình vui vẻ, lạc quan hơn và thêm niềm tin vào tình yêu. Tôi không chỉ muốn bán sản phẩm, mà còn muốn lan tỏa lối sống tích cực nhờ thói quen chạy – bơi – đạp xe tới mọi người.”
Thế nhưng cũng có tình huống “dở khóc, dở cười” khi cuối cùng cũng có lần Love & Spice bị nợ đơn hàng lên đến hơn 1.000 chai. Chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ cười khi nhớ lại: “Sau khi mà mình nợ không có trả được, đến cái mùa mà mình bội thu thì mình xin lỗi và không có tính tiền. Cái đó thật sự là mình phải đi tặng lại. Cũng là một phần mình PR thì mình cũng phải có điều kiện thế này thế kia.”
Nói đến mức giá được cho là ngoài khuôn khổ của một chai tương ớt bình thường. Hiện tại, sản phẩm tương ớt Love & Spice (không tính minisize) được bán với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo cấp độ cay, thấp nhất là gần 100.000 đồng/chai 120 gram và cao nhất là 300.000 đồng/chai. Mức giá này thấp hơn so với mốc 400.000 đồng/chai ở thời điểm sản phẩm mới ra mắt.
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ cho hay, những sản phẩm được định giá như thế này một phần là vì định hướng chính sách riêng cho sản phẩm, nhưng cũng là vì mong muốn nâng tầm của sản phẩm Việt trong mắt bạn bè thế giới:
“Chị hơi bị tổn thương vì câu nói này: ‘Tương ớt làm ở Việt Nam sản xuất ở Việt Nam sao bắn mắc dữ vậy!’. Nhưng chị biết sẽ đến một ngày người ta sẽ thay đổi cách nói đó. Bởi vì sẽ đến một ngày, mình chứng minh được rằng địa lý gần xích đạo của mình sẽ cho ra giống ớt cay nhất thế giới, chứ không chỉ riêng điều kiện thời tiết của mình”, chị nói.
Tuy vậy cả 2 vợ chồng cũng đều biết rằng không phải khách hàng nào cũng sẽ giống nhau. Và việc phát triển thương hiệu cũng phải đi đôi với việc mở rộng danh mục sản phẩm của mình. Chính vì thế trong những năm gần đây, Love & Spice đã cho ra mắt những sản phẩm ít cay hơn hoặc có sự pha trộn của các loại ớt ngọt Việt Nam. Một phần là để nới rộng tệp khách hàng, nhưng cũng một phần là để giảm gánh nặng của những bên trồng trọt chưa sẵn sàng để hoàn toàn đổi qua canh tác giống ớt Carolina Reaper.
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ nói đó là một hướng phát triển mà người chồng của mình đang hướng tới, đó là ngoài những sản phẩm chính với giá thành cao; sẽ có những phiên bản “nhẹ đô” hơn, cả về khẩu vị và túi tiền: “Tụi chị sẽ đi ngược lại chút xíu. Người ta sẽ đi từ cấp này tăng lên những cái sản phẩm cao cấp hơn, còn anh chị lại đi hướng khác đi. Trong dòng cao cấp sẽ có những dòng thấp hơn chút xíu, nhưng chất lượng vẫn đảm bảo.”
Lời nhắn nhủ của founder Love & Spice đến người trẻ khởi nghiệp
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Mỵ tự nhận mình là một thành viên nằm trong nhóm những người “đủ tuổi để về hưu”, chị không cần phải lo đến chuyện tiền bạc hay khởi nghiệp để thoát nghèo. Thế nên, hành trình của chị sẽ khác so với những câu chuyện trước đó trên các số của Chapter 0. Tuy vậy, chị vẫn muốn gửi gắm một điều duy nhất đến các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp, đó chính là phải quyết tâm:
“Mình chỉ muốn nói rằng bạn cần phải đủ nhiệt huyết, hoặc là bạn phải cần một cái động lực thiệt là mạnh để startup. Startup cái gì cũng được, nhưng mà nó cần phải có lửa, cần phải có nhiệt thì mới đi xa hơn. Nói chung chỉ cần đủ lửa, là em có thể chọn bất cứ cái gì. Miễn sao em để tâm em vô là em startup được thôi.”