Culture

“Giải ngố” một vài phương ngữ phổ biến của người miền Tây

Phương ngữ của người miền Tây Nam Bộ là nhiều vô kể, với cách sử dụng và nhiều biến thể khác nhau. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn, như bao ngôn ngữ khác được hình thành qua nhiều năm, ta sẽ thấy sự đa dạng và đặc biệt này là vì văn hoá và con người ở đây cũng như vậy

Khi giao tiếp với bà con đến từ các tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long (hay còn được gọi là Tây Nam Bộ), ta sẽ thường có cảm giác lạ lẫm vì cách nói chuyện của họ sẽ khác xa với những người Việt đến từ các tỉnh thành khác. Chưa bàn đến việc phát âm, nội nói đến sự đồ sộ của phương ngữ miền Tây đã đủ để khiến cho người ngoài cảm thấy choáng ngợp và khó hiểu. Thế nhưng, chính điều đó đã tạo nên một nét văn hoá rất riêng của những người sinh sống tại đây.

Phương ngữ “độc lạ” đến từ đức tính và môi trường của con người miền Tây Nam Bộ

Trước khi đề cập đến những từ ngữ được dùng phổ biến, ta cần phải hiểu được nguồn gốc và sự hình thành của những phương ngữ này đến từ đâu.

Vùng đất Nam Bộ bắt đầu được khai phá một cách có tổ chức vào cuối thế kỷ 17, cụ thể là từ khoảng năm 1698 dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Như vậy có thể nói đây là một vùng đất mới thành lập.

Cùng với việc Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tổ chức hành chính và chính thức sáp nhập vùng đất này vào Đại Việt bằng cách lưu dân vào đây, miền Tây Nam Bộ từ đó có sự xuất hiện của những người từ chủ yếu là dân các xứ Thanh – Nghệ và Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Ngày nay, dân cư chủ yếu bao gồm ba nhóm dân tộc chính: người Kinh, người Khmer, và người Hoa, cùng với một số nhóm dân tộc thiểu số khác nhưng với số lượng nhỏ hơn.

Như vậy, cư dân chủ yếu ở đây là dân miệt ngoài. Cùng với những dân tộc khác đã ở đây trước, để có thể cùng nhau sinh sống trong hoà thuận, họ cần phải tin tưởng, yêu thương, gạt bỏ hiềm khích, hiềm nghi và mâu thuẫn để gắn bó với nhau. Theo thời gian, điều này đã trở thành bản chất của những con người vùng sông nước

Khi giao tiếp với người miền Tây Nam Bộ, chúng ta phải thừa nhận rằng họ có gì đó rất phóng khoáng, rất nhẹ nhàng. Người miền Tây Nam Bộ được đánh giá sống rất rộng rãi; họ nổi tiếng không câu chấp, không bắt bẻ, lý sự; cũng không ưa “giữ kẽ” nếu không cần thiết. Cho nên, khi tiếp xúc với cư dân vùng đất này chúng ta thấy toát lên ở họ sự dễ chịu, lòng vị tha, nhân ái và bao dung. 

Môi trường xung quanh cũng là một yếu tố tác động lên cách mà bà con nơi đây giao tiếp với nhau. Tất cả các nhà ngôn ngữ học đều có chung một nhận xét là lớp từ vựng của cộng đồng Tây Nam Bộ nói riêng mang đậm dấu ấn miền sông nước. Điều đó khá là hiển nhiên, bởi sinh sống ở một vùng toàn sông nước, lớp từ ngữ được sáng tạo để sử dụng không thể không mang dấu ấn của môi trường. Cho nên, không ngạc nhiên khi hơn hai phần ba số lượng từ ngữ nơi đây gắn liền với nước, có nguồn gốc từ nước.

Miền Tây có một lớp từ, ngữ phản ánh các thể loại địa hình nơi đây, như: sông, rạch, xẻo, kinh, mương, rãnh, láng, lung, đâm, ao,… Chưa hết, ấn tượng sáng tạo riêng của dân vùng sông nước là lối diễn đạt mang đậm màu sắc sông nước: chìm xuông, ngâm tôm, cù lao, râu cá chốt,…Phương ngữ Nam Bộ còn góp vào kho tàng ngôn ngữ chung một khối lượng tử ngữ chỉ tên gọi các phương tiện di chuyển trên sông nước: bắc, ghe, xuống, trẹt,…

Như vậy để tóm lại, phương ngữ miền Tây Nam Bộ không chỉ phản ánh nét đặc trưng về địa hình sông nước mà còn thể hiện tâm hồn phóng khoáng, giản dị, và tính cách hiền hòa của người dân nơi đây. Chính sự hòa quyện giữa môi trường sống và phẩm chất con người đã tạo nên một nét văn hóa giao tiếp “độc lạ,” mang đậm bản sắc vùng miền, đầy sức hút và sự thân thiện.

Sự hình thành của phương ngữ miền Tây có sự độc đáo như vậy là vì môi trường quanh họ, cũng như chính tính cách chất phác của bà con nơi đây. Nguồn ảnh: hadynyah/Getty Images

Giải nghĩa một số trường từ vựng phổ biến mà người miền Tây hay dùng

1. Những từ xưng hô ở miền Tây Nam Bộ

Ngôn ngữ nào cũng có từ xưng hô. Từ ngữ xưng hô của một ngôn ngữ có thể xếp thành hai lớp: ngoài lớp từ xưng hô toàn dân, mỗi vùng/miền lại có riêng một lớp từ xưng hô, rất riêng biệt. Từ xưng hô của người Việt nói chung và với cư dân miền Tây Nam Bộ nói riêng cũng thế. Nhưng bởi vì phạm vị của đối tượng đang nói là quá rộng, cho nên, chúng tôi sẽ gói gọn trong những từ phổ biến nhất. Cụ thể, đó là bây-mầy, chị-chế, anh-hia, Tía/Cha -Má, và Bồ/Ný

Cách dùng như sau:

  • Bây không nghe lời qua thì bây giờ bây phải chịu
  • Chế nói chuyện này cho cưng nghe…
  • Hia mua dùm em đi, sáng giờ ế quá!
  • Lúc đó, tía mới vô Nam lập nghiệp nên hổng có quen biết ai.
  • Bữa nay ný lại nhà mình chơi nghen!

Nhưng trên đây chỉ là sơ lược về cách dùng những đại từ xưng hô này trong đời sống hằng ngày. Thực tế ra, sự tôn ti trong cách gọi nhau của người miền Tây khá là phức tạp, với cách áp dụng tuỳ vào trường hợp. Ví dụ, “bây” và “mầy”, “chị” và “anh” là những từ toàn dân. Khi đi vào đời sống của cư dân vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, những từ này thể hiện những giá trị, ý nghĩa riêng của mình và đôi khi rất khác so với cách sử dụng toàn dân

Đặc điểm chung của hai từ bây và mầy là thân mật, suồng sã, gần gũi và thể hiện tính ngang bằng. Tuy nhiên, trong văn hóa Tây Nam Bộ, đặc điểm trên chỉ đúng khi họ sử dụng để giao tiếp với người bên ngoài. Còn với quan hệ em vợ – anh rể, chị dâu – em chồng, chị chồng – em dâu và chị vợ – em rể thì cách xưng hô yêu cầu sự tế nhị, lịch sự, và  văn hóa nhất. Sự lựa chọn “bây” và “mầy” là ngẫu nhiên, đó là thói quen trong ứng xử bởi đó là văn hóa của người miền Tây Nam Bộ và không có sự gượng ép

“Chế” và “hia” đều là những từ vay mượn của cộng đồng người Hoa nhưng được sử dụng rộng rãi trong cộng đồng các dân tộc khác ở Tây Nam Bộ, và ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Trong khi đó, người miền Tây Nam Bộ ý thức rất rõ khi nào sử dụng “chị-chế”, “anh-hia” và “bây-mầy”. Cách sử dụng này không phải là cách ứng xử lâm thời mà là thói quen, là văn hóa của cộng đồng người ở đây – trước hết là văn hóa phân biệt trong ứng xử – một thứ văn hóa có từ nhiều đời, làm thành văn hóa Nam Bộ của cư dân vùng sông nước.

2. Lớp từ vay mượn từ nhiều nơi

Người Việt Tây Nam Bộ nói riêng, bắt buộc phải vay mượn từ ngữ của những cộng đồng khác. Cho nên, trong kho tàng từ vựng tiếng Việt Nam Bộ có rất nhiều từ của người Hoa và người Khmer, trong đó số lượng từ vựng của người Khmer nhiều nhất: Sa Đéc, Cần Lố, Cần Giuộc, Cần Thơ, Cần Đước, Cà Mau, giá rai, Trà Vinh, Bà Om, Sóc Trăng, Tri Tôn, Trà Ôn, Trà Kha, Trà Quýt, Trà Men, Trà Cú, Trà Nóc, Tà Lơn, Tà Pét, ông Tà, cần xé, xè neng, xà búp, cần chon, Dù Kê, …

Vay mượn của người Hoa có A Mùi/A Muối/ Muội/ Mụi/ tía, hia, chế, mén,… riêng lớp từ vay mượn của người Chăm ở đây gần như không có. Lý do là quan hệ tộc người giữa hai cộng đồng, đặc điểm sinh sống của người Chăm và người Việt cũng như tôn giáo giữa các tộc người này có quá nhiều khác biệt nên việc giao tiếp rất hạn chế.

Người miền Tây cũng có quá trình tiếp xúc khá lâu dài với tiếng Pháp. Bởi đó, có sự tiếp nhận qua lại vay mượn lẫn nhau. Để diễn đạt những thực tại mới, người Nam Bộ tiếp nhận, vay mượn một số yếu tố của tiếng Pháp, tiếng nước ngoài. Cách vay mượn của người Nam Bộ vừa giống, vừa khác với cách vay mượn của người Bắc Bộ. Cụ thể như sau: xà lách (salade), xà bông (savon), ronéo (máy in/rô-nê-ô).

3. Những từ chỉ mức độ rất chi là riêng

Khi giao tiếp với người Nam Bộ, chắc chắn chúng ta sẽ thường xuyên nghe những cách nói như rủi một cái, rủi đanh, thẳng bon, y bon, y chang, ngay bốc/chốc/ trân/chát, méo xẹo, xéo xẹo, lé xẹ, tréo quẹo, tréo ngoe cẳng ngỗng, dở bẹc/khẹc/ẹc/òm, số dách, trớt mánh, vô mánh, xíu xiu, cái éc, chút éc, trớt huớt, tổ chảng, chà bá, bá chấy, dữ dằn, khỏe re, xuôi xị, bí xị, bí rị, bành ki’,trớt lớt/ trợt lớt, trật lất, chút tẹo, í ẹ, rị mọ, cà rị cà mọ, lãng nhách, vô duyên một cái…, v.v.. Những tổ hợp này góp phần tạo ra tính chính xác, cụ thể và giàu hình ảnh.

Nếu quan sát kỹ chúng ta sẽ thấy một điều thú vị là hầu hết những từ chỉ mức độ trong những tổ hợp trên đều không có nghĩa; rất ít những trường hợp như vậy mà có nghĩa. Ví dụ, các yếu tố chảng trong tổ chảng, bành chảng ; dằn trong dữ dằn; re trong khỏe re, êm re; xị trong xuôi xị, bí xị; rị trong bí rị; lớt/huớt trong trớt lớt (huớt)/ trợt lớt, lất trong trật lất, tẹo trong chút tẹo, tí tẹo;…đều là những yếu tố không có nghĩa. Thế nhưng, khi đứng vào tổ hợp, thì trở nên có nghĩa và thể hiện mức độ của từ đứng trước nó.

Hơn nữa, những từ chỉ mức độ, đều là từ thuần Việt. Quan sát kỹ, chúng ta thấy không có yếu tố chỉ mức độ nào trong những tổ hợp trên là từ Hán – Việt.  Điều này cho thấy đặc điểm sử dụng từ chỉ mức độ của người Nam Bộ là rất cao, thường xuyên, và đều khắp, rất khác với cộng đồng người miền Bắc và người miền Trung.

4. Số “chục” ở miền Tây

Đi chợ miền Tây có thể xem là một điều kỳ lạ đối với nhiều du khách, bởi vì đơn vị đo lường của người dân nơi này không mấy rạch ròi và thống nhất. Cụ thể là, một chục ở đây không phải là 10, mà có thể lên con số 12, 14; có nơi còn có thể được hiểu là 16 hoặc 18. Theo những nhà nghiên cứu về văn hóa Nam bộ, đây là một nét văn hóa thể hiện tính cách hào phóng của người dân phương Nam đi khai hoang mở cõi và được lưu truyền đến ngày nay.

Đương nhiên, điều này sẽ còn tuỳ thuộc vào mặt hàng và nơi bán nữa. Ví dụ,  một chục dừa ở Bến Tre là 12 trái, kể cả dừa tươi lẫn dừa khô; trong khi đó, chục cam, quýt, xoài, cau…, có nơi bán 16 trái, nơi 18 trái. Thường trái cây rẻ tiền, con số chục càng lớn. Số chục ở miền Tây còn được định nghĩa là chục có đầu và chục trơn. Chục trơn là chục đủ 10, chục có đầu là từ 10 trở lên. Nguyên nhân hình thành chục có đầu là do tính cạnh tranh, tính hào phóng của người miền Tây và hoàn cảnh sản xuất. 

Dao Thomas

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

16 giờ ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

1 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

2 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

2 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

4 ngày ago