Lifestyle

WorkHoursLove: Những thách thức về nhân sự trong và sau đại dịch toàn cầu COVID-19

#WorkHoursLove là series các câu chuyện thú vị về mọi ngành nghề, thể hiện tinh thần tích cực, tiến bộ của người Việt Nam do The Millennials Life hợp tác sản xuất nội dung với cộng đồng Digikigai

COVID-19 gần như đã thay đổi thế giới triệt để trên nhiều phương diện từ quy mô xã hội cho đến những lĩnh vực mang tính cá nhân hơn như đời sống và hành vi của mỗi người. Cơn khủng hoảng toàn cầu đã, đang, và sẽ tiếp tục gây ra các cuộc tranh luận sâu rộng về vấn đề bình thường mới cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Việc quản lý nhân tài và chăm sóc nhân viên thời COVID-19 đã trở thành một trong những bài toán quan trọng cần giải quyết không chỉ của những người làm nhân sự mà còn của các cấp quản lý. Tình trạng cách ly liên tiếp xảy ra trên nhiều khu vực khác nhau. Giao tiếp thông thường bị cản trở. Mối liên kết giữa nhân viên và doanh nghiệp trở nên mong manh. Làm sao để nhân viên nhanh chóng thích nghi, duy trì động lực làm việc cũng như nhận được những hỗ trợ thỏa đáng trong giai đoan trong và sau COVID-19 là các trọng tâm chiến lược mà doanh nghiệp cần phải chú ý.

“Chạy đua” với thay đổi

Để ngăn chặn lây nhiễm, đa số các tổ chức và doanh nghiệp đã phải nhanh chóng triển khai mô hình làm việc từ xa (remote working) với một tốc độ và quy mô chưa từng diễn ra trước đây. Từ chỗ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, chúng ta phải chuyển sang giao tiếp qua chat, email, và các cuộc họp online.

Đây là một sự chuyển dịch phức tạp. Làm việc và quản trị từ xa cần một quy trình khác hẳn với khi làm việc trực tiếp. Theo các chuyên gia, hiệu suất của nhân sự khi làm việc từ xa sẽ chịu tác động từ 4 yếu tố chính: hệ thống quy trình / quy định và công nghệ, năng lực nhân viên, văn hóa doanh nghiệp, và ảnh hưởng từ lãnh đạo.

Chuyên gia về nhân sự Phan Sơn, Giám đốc chuyên môn tại Học viện quản trị HRD Academy, đã chỉ ra rằng: “Bên cạnh những ảnh hưởng của môi trường xung quanh, chúng ta còn gặp rào cản từ việc không có hệ thống quy trình, quy định, văn hóa doanh nghiệp và công cụ quản lý từ xa. Bởi trước COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa có thói quen làm việc từ xa hay tương tác hoàn toàn trên môi trường trực tuyến.” (Hội thảo trực tuyến chủ đề Quản trị nhân sự – Duy trì hiệu suất làm việc từ xa tổ chức ngày 18/8)

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp để nhân viên có thể duy trì hoạt động, kết nối, đảm bảo công việc vẫn vận hành trôi chảy. Cũng trong hội thảo trực tuyến ngày 18/8, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hanoisme (Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội) – cho biết: “Kể cả giai đoạn chưa có dịch bệnh cũng có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp vấn đề trong quản trị nhân sự. Nhìn ở khía cạnh tích cực, dịch COVID-19 đang tạo ra một bối cảnh mới, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp thực hiện quản trị quy trình và và ứng dụng công nghệ để đổi mới tổ chức, tối ưu hiệu quả hoạt động.”

Có thể thấy, để việc quản lý nhân sự đạt hiệu quả trong mùa dịch, các doanh nghiệp chẳng những cần làm việc lại về hệ thống quy định, quy trình, mà còn phải quan tâm đến vấn đề công cụ, tư duy nhân viên, thậm chí tái định hình văn hóa doanh nghiệp nếu cần thiết. Qua thời gian gần 2 năm kể từ khi COVID-19 xuất hiện, đây là lúc chúng ta nghiêm túc suy nghĩ đến những giải pháp trong dài hạn.

Thu phục nhân tài và gắn kết mọi người trong thời gian khó khăn

Các phúc lợi việc làm và chế độ đãi ngộ luôn là một phần trong chiến dịch thu hút và giữ chân nhân viên của các doanh nghiệp. Nếu trước thời điểm dịch bệnh xảy ra, mục “đãi ngộ” luôn nằm trong danh sách yếu tố cần cân nhắc của người lao động, thì ở giai đoạn hiện tại, nó lại càng trở nên quan trọng hơn.

“Đề bài” được đặt ra bao gồm: xây dựng “văn phòng ảo” để duy trì kết nối, tìm kiếm công cụ và lập kế hoạch nhằm đảm bảo toàn thể nhân viên duy trì được động lực và năng suất khi làm việc từ xa. Nếu như trước kia, việc gắn kết có thể dễ dàng thực hiện thông qua những cuộc họp hoặc sự kiện nội bộ, thì giờ đây, chúng ta bắt buộc phải “sáng tạo” hơn với nhiều hình thức chăm sóc sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Làm việc tại nhà là một trong những biện pháp đảm bảo an toàn đang được áp dụng trên quy mô lớn. Ngoài ra, với những trường hợp không thể làm việc từ xa 100% như doanh nghiệp / cơ sở sản xuất, thì người lao động vẫn được hưởng một số chế độ chăm sóc sức khỏe nhất định, ví dụ như đo thân nhiệt hằng ngày, yêu cầu nhân viên cung cấp thông tin y tế, lịch trình di chuyển, cung cấp khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, thực phẩm tăng sức đề kháng, hoặc đảm bảo nhân viên làm việc tại nhà vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ lương thưởng bình thường.

Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa được áp dụng triệt để và rộng khắp. Theo báo cáo Thị trường lao động trong làn sóng COVID-19 thứ 4: Thực trạng và hướng đi” do Tập đoàn Navigos công bố, chỉ có khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra. 7,3% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự, nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi trước khi đại dịch xảy ra. 18,9% doanh nghiệp chọn cắt giảm lương và phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hằng tháng, cũng như thu nhỏ lại quy mô doanh nghiệp.

Thực trạng trên kéo theo rất nhiều những hệ lụy khác nhau, mà rõ ràng nhất là làn sóng người lao động rời thành phố về quê do không còn sức lực chống chịu với những khó khăn về sức khỏe và tài chính. Không chỉ gây quá tải cho hệ thống y tế địa phương và công tác an sinh, mà việc này còn đặt thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào bài toán khó về nguồn nhân lực trong lộ trình tái khởi động sau đại dịch.

“Bình thường mới” làm sao để hiệu quả?

Không thể phủ nhận những thay đổi và mất mát mà đại dịch COVID-19 đã gây ra. Tuy nhiên, cơn khủng hoảng toàn cầu này lại vô tình trở thành động lực mạnh mẽ để thay đổi, đồng thời mở ra những cơ hội mới mẻ. Theo báo cáo của Navigos, có 56,7% doanh nghiệp sẽ tuyển dụng sau khi trở lại hoạt động bình thường. Đáng chú ý, có 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới. Các vị trí được tuyển dụng nhiều nhất thuộc các lĩnh vực là kinh doanh, bán hàng, công nghệ thông tin (CNTT), marketing, chăm sóc khách hàng, tài chính kế toán.

Sau đại dịch, nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trình độ cao, chuyên môn tốt để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục của công việc. Vì vậy, thị trường việc làm và tuyển dụng trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng viên.

“Bình thường cũ” là thứ chúng ta không thể trở về được nữa. Trong bối cảnh này, những giải pháp tạm thời mà chúng ta đã được trải nghiệm trong vài tháng gần đây có khả năng kéo dài và tồn tại ngay cả khi cuộc khủng hoảng này kết thúc. Sự thay đổi trong tâm lý, hành vi của từng cá nhân đã trở thành bài toán khó cho những người làm nhân sự, đòi hỏi một chiến lược toàn diện để quản lý nhân sự hiệu quả và đưa doanh nghiệp vượt ải hậu COVID-19 thành công.

Với vô vàn thử thách đang đón đầu, một người quản lý nhân sự nên làm gì để chăm sóc cho nhân viên của mình? Để trả lời câu hỏi này, hãy cùng host Trang Đinh (Academy Director JobHopin) gặp gỡ chị Thảo Trần (Head Of People & Culture Pizza Hut Digital Ventures) trong số Fireside Chat sắp tới: Post-COVID-19 and People Management from the view of HR Manager.

Không chỉ sở hữu bề dày kinh nghiệm quản trị nhân sự tại nhiều tập đoàn lớn, chị Thảo còn là gương mặt diễn giả quen thuộc tại những chuỗi chương trình về Xây dựng thương hiệu cá nhân. Với phương châm nuôi dưỡng yếu tố con người và phát triển doanh nghiệp, chị đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực nhân sự.

Đôi nét về chị Thảo Trần:
– Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhân sự, đã từng làm việc tại các công ty lớn như Control Union, Mantu, v.v
– Cựu Head of HRBP and Talent Acquisition tại Hitachi Consulting Vietnam (GCS Vietnam)
– Hiện đang là Head Of People & Culture tại Pizza Hut Digital Ventures

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
WorkHoursLove: COO Hạnh Lê và triết lý công việc trên đường đua Triathlon
WorkHoursLove: Tăng Gia Hải Lam – Hãy trở thành người dẫn dắt, dù ở cấp độ nào
WorkHoursLove: Avram Miller – Chú vịt hoang trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm

VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin

Mi Nguyen

Recent Posts

#Thoáng: Đàn ông thường có nhiều bạn tình. Sự thật là gì?

Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…

1 ngày ago

Giải mã 8 mô-típ tình yêu kinh điển trong các tác phẩm lãng mạn

Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…

2 ngày ago

4 dấu hiệu burnout trong công việc và cách để lấy lại niềm đam mê

Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…

3 ngày ago

#Nghĩ: Tương lai của sự lãnh đạo thuộc về nữ giới hay phải linh hoạt?

Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…

3 ngày ago

7 phong cách sống hạnh phúc – Bạn là người chơi hệ nào?

Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…

3 ngày ago

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh và Mifa chia sẻ góc nhìn về triển lãm tranh “Những địa hạt phù du”

"Những địa hạt phù du" đã mang đến góc nhìn mới mẻ và đầy triết…

5 ngày ago