Nổi bật

#LocalZine: Tiệm tạp hóa Việt Nam – gian hàng nhỏ đầy thân thương

#LocalZine là tập hợp những câu chuyện và trải nghiệm về đời sống, văn hóa Việt

“Chạy ra đầu hẻm mua cho mẹ chai nước tương đi.”, “Nhà hết gạo rồi, chiều nay ghé tiệm bà Ba mua đỡ 5 kí nghen.”,… Chỉ cần nghe những lời này, tự nhiên người nghe sẽ biết chạy ra đầu hẻm chỗ nào để mua nước tương, cũng biết bà Ba là bà nào để chiều về ghé mua gạo.

Người Việt Nam có lẽ không ai không biết đến những cửa hàng tạp hóa. Tiệm tạp hóa (hay chạp phô – theo cách gọi xưa, đọc theo âm Quảng Đông của “tạp hóa”) là những cửa hàng nhỏ, phỏng theo mô hình cửa hàng bách hóa, bày bán các loại hàng hóa khác nhau, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân một trong một khu vực dân cư nhất định. Ra tiệm tạp hóa mua được đủ thứ, từ lụn vụn như cây kim, cọng chỉ, tương chao, hành ngò, đến những mặt hàng “cao cấp” và đắt tiền hơn hẳn như vải vóc, sữa bột, kẹo bánh ngoại nhập.

Ở Việt Nam, tiệm tạp hóa hiện diện khắp mọi nơi. Trung bình mỗi con hẻm, mỗi khu dân cư đều có ít nhất một cửa hàng be bé – “tụ điểm” mua sắm quen thuộc của mọi nhà. Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu cửa hàng tạp hóa, 9000 chợ truyền thống. Doanh thu từ kênh bán lẻ trên dưới 10 tỉ USD mỗi năm, chiếm 75% thị phần. Hiện tại, mặc dù tiệm tạp hóa có vẻ đang mất dần thế thượng phong vì hệ thống siêu thị mini, chuỗi cửa hàng bán lẻ của các tập đoàn trong và ngoài nước đang xuất hiện khá nhiều, nhưng có 9/10 người (92%) cho biết vẫn thích mua nhu yếu phẩm tại chợ và tiệm tạp hóa hơn. Kênh bán lẻ truyền thống này vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam (theo Kantar WorldPanel).

Vì đâu mà tiệm tạp hóa Việt Nam vẫn “sống khỏe” trước làn sóng hiện đại hóa?

Tính tiện lợi

Siêu thị to có máy lạnh “xài ké” thoải mái, hàng hóa phong phú, giá cả niêm yết rõ ràng, thế nhưng siêu thị vẫn chịu thua tiệm tạp hóa ở khoản… gửi xe. Tiệm có rất nhiều trong các khu dân cư, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận để mua hàng. Ở nhà hết đồ lặt vặt, đi bộ mấy bước ra đầu hẻm là có. Trên đường đi làm về, dừng lại trước tiệm tạp hóa (thậm chí không cần tắt máy gạt chống xe) là mua được ít đồ ăn cho bữa chiều. Không phải gửi xe, không mất tiền gửi, đặc biệt không sợ tốn thời gian la cà ngắm đồ cả tiếng cuối cùng lại chẳng mua được thứ định mua như khi đi siêu thị.

Một ưu điểm của tiệm tạp hóa so với siêu thị và chuỗi cửa hàng bán lẻ nữa, đó là khách hàng có thể ghi sổ. Do khách mua chủ yếu là người dân xung quanh, ai cũng quen mặt nhau, nên chuyện cuối tháng trả một lượt là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Hơn nữa, ra tiệm tạp hóa mua đồ không bao giờ có chuyện nhận cái kéo hay gói đường thay cho tiền lẻ thối lại.

Dịch vụ tốt

Đi siêu thị phải tự đẩy xe, tự xách giỏ đồ, tự đi tìm hàng, rồi tự mang ra thu ngân tính tiền. Trong khi đó, ghé tiệm tạp hóa gần nhà, chỉ cần “Bà Ba ơi chiều nay con nấu canh chua.” là sẽ được bà Ba trao tận tay đầy đủ nguyên liệu cho nồi canh chua định nấu. “Thần kỳ” hơn nữa, bà Ba còn giúp khách hàng lựa chọn hàng hóa phù hợp với mục đích sử dụng. Bạn có thể không biết khóm để ăn và khóm để kho cá có gì khác nhau, nhưng bà Ba thì biết đấy.

Sự thân quen

Văn hóa làng xã và tính kết nối cộng đồng cao là một trong những nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam. Nói cách khác, dân Việt Nam thích đi “hóng chuyện”. Thêm vào đó, theo số liệu thống kê thì ngoài việc giải quyết nhu cầu bổ sung nhu yếu phẩm, người Việt Nam còn đi mua sắm với mục đích giải trí. Mà còn chỗ nào để “hóng” tốt hơn tiệm tạp hóa đầu đường, nơi người bán quen mặt hết mọi nhà trong khu?

Yếu tố thân quen là một trong những thứ “níu chân” người tiêu dùng Việt Nam ở lại với tiệm tạp hóa. Mua hàng để ủng hộ chú Tư, hay để lát ra ngoải mua sẵn hỏi coi hồi trưa vụ gì rần rần ngoài đường, đều là những lý do tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại rất có ý nghĩa với đời sống tinh thần người Việt. Đó là chưa kể đến sự đa dạng và phong phú của những mặt hàng trong tiệm tạp hóa. Mỗi một cửa hàng be bé cũng là sở hữu của từng gia đình, nên mặc dù tên chung là “tạp hóa” nhưng sẽ chẳng có tiệm nào giống tiệm nào. Một nhà 4 người có khi mỗi người sẽ có một “địa chỉ mua sắm” yêu thích riêng. Mẹ sẽ hay mua dầu gội của tiệm chị Tư, vì tiệm khác không thấy có hiệu đó. Ba hay mua thuốc lá ngoài bà Sáu, vì chỉ cần mỗi lần dừng xe chưa kịp lên tiếng là bà Sáu đã đưa ra đúng loại ba hay hút. Còn lại hai đứa con nít trong nhà thích chạy ra ông Năm mua kẹo vì chỉ có ông Năm mới biết tụi nó thích ăn cái gì.

Ra siêu thị tự nhiên kêu “Chị lấy giùm em cái chai sữa rửa mặt hôm bữa đi chị.” thì chắc… hơi kỳ.

Chi phí thấp

Các tiệm tạp hóa thường sử dụng mặt bằng của gia đình, chủ tiệm cũng là người bán hàng, ít chịu sức ép từ tiền mặt bằng và chi phí thuê mướn nhân viên, nên có thể đưa ra mức giá tốt hơn cho người mua. Ngoài ra, mặc dù không chạy ưu đãi hay khuyến mãi như trong siêu thị, thế nhưng mua hàng ngoài tiệm tạp hóa lâu lâu vẫn được “bớt chút đỉnh”, mua bó rau tặng mớ hành, mua mấy miếng gà cho luôn bịch sả ớt về xào cho ngon.

“… 52 ngàn tất cả, mà thôi tao lấy chẵn mày năm chục.” – câu nói làm ấm lòng biết bao thế hệ người Việt Nam

Tiệm tạp hóa mềm dẻo, linh hoạt, đặc biệt còn mang lại giá trị tinh thần rất lớn với người mua hàng, điều mà siêu thị và các chuỗi bán lẻ khó có thể đáp ứng được. Ngay cả ở nước ngoài, khi mà Metro, Carrefour hay Auchan, 7-11… phát triển khá hoàn thiện thì vẫn còn rất nhiều các chủ cửa hàng nhỏ sở hữu tư nhân tại các khu phố, trạm cao tốc, khu dân cư… Tiệm tạp hóa bây giờ cũng không còn giới hạn ở quy mô buôn bán nhỏ lẻ nữa mà đã được “nâng cấp” làm đầu mối sỉ hoặc đại lý cung cấp của những nhà sản xuất lớn, kéo theo là nhu cầu quản lý bán hàng, kho vận… không khác gì những doanh nghiệp bán lẻ hiện đại cả. “Trăm người bán, vạn người mua.” Dù có bao nhiêu siêu thị hiện đại thì tiệm tạp hóa vẫn có thể sống khỏe với những lợi thế và giá trị rất riêng của mình, vì chỉ có đi ra tiệm mua đồ mới nghe được câu:

“Lâu lâu nhớ ghé mua ủng hộ tui à nghen!”

Mi Nguyen

Recent Posts

#Nghĩ: Những ngày không dùng mạng xã hội sẽ dạy ta được điều gì?

Ngày càng nhiều người lựa chọn việc giảm tần suất sử dụng hay bỏ hẳn…

12 giờ ago

Á hậu Phạm Hồng Thuý Vân gia tăng thu nhập bằng cách tạo ra giá trị cho xã hội

Trong tập 5 của podcast Extra Money, chúng ta đã được nghe những chia sẻ…

1 ngày ago

Lễ hội âm nhạc Waterbomb Việt Nam sẽ diễn ra vào 2025

Cùng chúng tôi cập nhật về lễ hội âm nhạc Waterbomb sắp đến mảnh đất…

2 ngày ago

Chuyện tình nhà Trần (P.5): Chiêu Minh Đại Vương – Trần Quang Khải và mối nhân duyên với Phụng Dương công chúa

Thời Trần không những nổi tiếng với các chiến công hiển hách trong việc chống…

2 ngày ago

MAYonair: Để trở thành phiên bản tốt hơn nhưng không đánh mất bản sắc vốn có

Nữ ca sĩ/rapper MAYonair (tên thật là Hoàng Hương Quỳnh Mai), là một cái tên…

3 ngày ago

Giữa cơn bão Yagi, tình người vẫn sáng ngời

Cơn bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam đã để lại nhiều hậu quả, tổn…

4 ngày ago