Hiệu ứng phản tác dụng là một thiên kiến nhận thức làm chúng ta thêm ghi nhớ và tin tưởng vào những quan điểm sẵn có khi quan điểm đó bị thách thức hoặc khi gặp phải những quan điểm khác mâu thuẫn với nó.
Hiện tượng này xuất hiện trong nhiều lĩnh vực đời sống, đặc biệt là trong việc bác bỏ những lý thuyết giả khoa học (pseudoscience) và các loại thuyết âm mưu khác nhau. Tác giả David McRaney từng viết về lỗi nhận thức này trong quyển You Are Not So Smart như sau:
“Khi một điều gì đó được bổ sung vào bộ sưu tập niềm tin của bạn, bạn sẽ bảo vệ nó khỏi mọi sự đe dọa một cách bản năng và vô thức mỗi khi đối mặt với những luồng thông tin không nhất quán. Tương tự như cách mà thiên kiến xác nhận (confirmation bias) cản trở hành trình tìm kiếm thông tin, hiệu ứng phản tác dụng (backfire effect) cũng đóng vai trò “che chắn” trong trận chiến với thông tin, trước khi chúng kịp tấn công những phần mù quáng bên trong bạn.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, thay vì chất vấn, bạn lại càng thêm bám giữ những niềm tin của mình. Nỗ lực chỉnh sửa, phá tan những quan niệm sai lầm sẽ phản tác dụng và giúp củng cố chính những quan niệm sai lầm đó. Hiệu ứng tâm lý này khiến bạn ngày càng ít cảnh giác trước những thứ cho phép bạn tiếp tục tin rằng cách mình tư duy và hành động là đúng đắn.”
Hiệu ứng phản tác dụng có thể được bắt gặp khá nhiều trong đời sống. Ví dụ, có nhiều người một mực tin vào những lý thuyết giả khoa học, cho dù đã nghe nhiều cảnh báo và tiếp xúc với nhiều thông tin chứng minh điều ngược lại, họ vẫn “quên đi” những lời cảnh báo và khăng khăng giữ vững quan điểm của mình.
Nghiên cứu xuất bản trên tờ Journal of Consumer Research cho biết, hành động bóc mẽ những lý thuyết sai lệch về sức khỏe có thể giúp người khác biết rằng những lý thuyết đó là sai. Song, họ không chỉ rất nhanh chóng quên đi những thông tin đúng đắn mà còn có khả năng thêm tin tưởng vào những lý thuyết sai lệch ban đầu.
Một nghiên cứu khác thực hiện vào năm 2008 chỉ ra rằng, đôi khi khuyên nhủ ai đó nên tránh làm một số việc cụ thể nhằm bảo vệ sức khỏe sẽ chỉ khiến họ ghi nhớ nhầm rằng những cảnh báo kia là những thứ nên làm chứ không phải những thứ nên tránh.
Hiệu ứng phản tác dụng được xem là một trong những nhân tố chính góp phần hình thành nên khuynh hướng kiên trì với niềm tin (belief perseverance) và ảnh hưởng liên tục của những thông tin sai lệch, khiến chúng ta tiếp tục tin tưởng vào những thứ không chính xác ngay cả khi chúng bị bác bỏ bởi những lập luận hoặc bằng chứng đúng đắn và đáng tin cậy hơn.
Trong quá trình cố gắng chứng minh hoặc giảng giải cho ai đó hiểu rằng một thông tin hay một nhận định là sai, thông tin sai lệch kia cũng theo đó mà xuất hiện. Càng tiếp xúc với thông tin này, chúng ta càng có nhiều khả năng ghi nhớ nó hơn – chỉ ghi nhớ thôi, không nhất thiết phải nhớ rằng nó là đúng hay sai, đặc biệt nếu nó được trình bày trong nhiều bối cảnh khác nhau và không được nhấn mạnh về tính sai lầm. Theo thời gian, tất cả những gì còn đọng lại trong đầu người “được giải ngố” chỉ là mẩu thông tin sai lệch này.
Ngoài ra, khi tiếp xúc với một thông tin bất kỳ nhiều chừng nào, chúng ta càng dễ có cảm giác quen thuộc “có vẻ mình đã nghe biết đến điều này trước đây” chừng ấy. Cộng với khuynh hướng cho rằng xác suất xuất hiện của sự thật lúc nào cũng cao hơn, việc nghe nhiều lần những thông tin sai lệch sẽ khiến ta tin rằng đó mới là điều đúng đắn.
Thiên kiến nhận thức này là nguồn nuôi dưỡng tuyệt vời của thuyết âm mưu. Theo Steven Novella, nhà thần kinh học kiêm chuyên gia lật tẩy thuyết âm mưu, dưới góc nhìn của nhóm người ủng hộ thì “bằng chứng chống lại” chính là “một phần của âm mưu”, còn “sự thiếu vắng những luận điểm ủng hộ đủ vững chắc” chẳng qua chỉ là “nỗ lực che giấu sự thật” mà thôi. Vì vậy, càng tiếp xúc nhiều những ý kiến trái chiều thì họ lại càng lún sâu vào các quan điểm sẵn có của mình.
Internet là một “nồi lẩu” khổng lồ chứa đựng rất nhiều những thông tin, ý kiến từ vô số những con người khác nhau từ khắp mọi ngõ ngách địa cầu. Tại một nơi cái–gì–cũng–có thế này, không khó để bắt gặp những thứ dù khó hiểu nhưng vẫn tồn tại và phát triển không ngừng, ví dụ như hội nhóm những người tin vào Trái đất phẳng, cho rằng biến đổi khí hậu không có thật, hay phản đối việc tiêm ngừa. Những quan niệm sai lầm này đã lan rộng với tốc độ và quy mô không tưởng, và hậu quả mà chúng đem đến cũng tồi tệ không kém. Đơn cử như phản đối vắc xin và việc tiêm ngừa đã khiến loài người một lần nữa phải đối mặt với những căn bệnh từng bị xóa bỏ trước đây.
Nếu là người chịu trách nhiệm “giải ngố”, trước tiên, bạn cần tránh việc để người kia tiếp xúc quá nhiều với những thông tin sai lệch, bằng cách (1) tập trung vào phần thông tin đúng đắn và (2) tránh nhắc đến những thông tin sai khi không cần thiết, bao gồm nhắc nguyên văn trực tiếp hoặc gián tiếp làm đối phương nghĩ đến bằng những từ ngữ có liên quan (ví dụ, nên nói rằng “Trái đất có dạng hình cầu.” chứ đừng nói “Trái đất không phẳng.”)
Ngoài ra, cần ghi nhớ:
– Đừng mở đầu bằng thông tin sai,
– Trước khi nhắc đến thông tin sai, hãy thẳng thắn xác định rằng nó sai, sau đó có thể giải thích thêm rằng vì sao thông tin này lại gây hiểu lầm và vì sao người ta lại dễ dàng tin vào nó từ đầu.
– Sau khi giới thiệu thông tin sai, ngay lập tức quay về trình bày thông tin đúng để giúp đối phương có thể ghi nhớ nó rõ hơn.
(Tham khảo: BrainPickings, Effectiviology)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bi quan chưa hẳn là xấu, lạc quan chưa chắc đã tốt
Chúng ta biết gì về những lời nói dối?
Tâm lý học nghịch đảo – Cấm cản để càng làm
Mối quan hệ mập mờ nghe có vẻ lý tưởng. Nhưng điều đó không có…
Liệu điều này có phải chỉ là kết quả của sự nhàm chán trong đời…
Những "công thức" sau đây đã khiến cho hàng thế hệ độc giả và khán…
Không ai mong muốn bản thân bị burnout vì công việc cả. Thế thì làm…
Khi càng ngày nhiều phụ nữ giữ vị trí dẫn dắt ở các tổ chức,…
Mặc dù khác biệt, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo, chọn lọc…