Lang thang trên mạng, không ít lần bạn gặp phải những bài viết có tiêu đề dạng “Đừng click vào link này …”. Tại sao lại thế? Nếu đã không muốn người khác đọc thì còn đưa lên làm gì?
Thật ra, đây là một trong những thủ thuật ‘dẫn dắt’ kinh điển – khiến người khác làm một việc bất kỳ bằng cách ngăn cản họ làm điều đó. Bạn có thể áp dụng hiệu ứng tâm lý học nghịch đảo dưới nhiều dạng khác nhau. Ví dụ, nếu muốn ai đó làm hành động A, bạn có thể cấm họ làm việc A, nghi ngờ khả năng làm việc A của họ, hoặc khuyến khích những hành vi trái ngược với A.
Tâm lý học nghịch đảo xuất hiện trong khá nhiều các lĩnh vực đời sống khác nhau. Cá là bạn chưa biết cách sử dụng nó sao cho hiệu quả đâu.
Một số ví dụ của tâm lý học nghịch đảo
(1) Ngầm thách thức đối phương bằng cách tỏ ra nghi ngờ về mức độ thành công của họ – ‘Nghe nói học bổng này khó đậu lắm, toàn dành cho mấy người profile khủng thôi. Chắc nộp cái khác đi cho yên tâm.’
(2) Khuyến khích thực hiện một hành vi tiêu cực nào đó với mong muốn đối phương sẽ thôi không làm như thế nữa hoặc sẽ chuyển sang làm hành vi tích cực hơn – Bực mình vì người đối diện mãi nhịp tay hay rung đùi làm mất tập trung, bạn quyết định ‘tình cờ’ làm theo y như vậy.
(3) Đưa ra nhận xét tiêu cực về thứ mình quan tâm, mong muốn nhận được sự khích lệ / tán dương khi mọi người phản bác nhận xét tiêu cực đó – Chọn ra một tấm thật đẹp trong 7749 kiểu ảnh đã chụp và chỉnh sửa cẩn thận, đăng lên mạng, ghi caption ‘Thức khuya một hôm mà đã xơ xác quá!!!’
(4) Tâm lý học nghịch đảo cũng thường được sử dụng như một chiến thuật tiếp thị và bán hàng. Nghiên cứu của tác giả Fatima Hajjat về chủ đề này đã đưa ra một số ví dụ:
– Quảng bá sản phẩm cho toàn bộ thị trường mà không chủ ý loại trừ một phân khúc nào cụ thể (chiến dịch Do Not Call của chuỗi nhà hàng pizza Little Caesars)
– Quảng bá sản phẩm cho một phân khúc nhất định bằng cách loại trừ có chủ đích một phân khúc khác (chiến dịch Not for Women của thương hiệu nước giải khát Dr. Pepper)
– Quảng bá một công ty hoặc một hình ảnh thương hiệu cụ thể (chiến dịch Don’t buy this jacket của thương hiệu quần áo và thiết bị thể thao Patagonia)
Tại sao tâm lý học nghịch đảo lại xảy ra?
Khi con người bị áp lực phải thực hiện một hành động nào đó, họ có xu hướng làm ngược lại nhằm khẳng định sự tự do và quyền tự chủ của mình. Điều này được đúc kết dựa trên lý thuyết về phản kháng trong tâm lý (psychological reactance) của nhà tâm lý học Jack Brehm.
“… sự khó chịu xuất phát từ việc tự do cá nhân bị đe dọa sẽ là động lực để một người tiến đến tái thiết lập quyền tự do đó. Trạng thái phản kháng này làm tăng khả năng họ làm khác đi so với những gì đang được trông đợi bởi người ra yêu cầu. Trong trường hợp này, bên ra yêu cầu có thể thành công nếu trình bày sai mong muốn thật, với giả định rằng xu hướng chống lại của đối phương sẽ dẫn đến việc thực hiện điều mà người ra yêu cầu thầm mong muốn.”
Dựa trên lý thuyết này, có thể thấy tâm lý học nghịch đảo sẽ hoạt động đặc biệt hiệu quả với những người có khuynh hướng chống đối khi được yêu cầu. Tuy nhiên, vì có nhiều dạng phản kháng khác nhau – có người chống đối mọi lúc, có người chỉ làm vậy trong các bối cảnh hoặc với những đối tượng cụ thể (như lực lượng hành pháp hoặc người có quyền hành) – nên hiệu lực của tâm lý học nghịch đảo trong trường hợp này cũng chỉ ở mức tương đối.
Ngoài ra, tâm lý học nghịch đảo có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nữa, ví dụ như mối quan hệ giữa hai người – nếu bạn không thích người ra yêu cầu, bạn có nhiều khả năng làm trái với điều họ nói chỉ để cho bõ ghét.
Một lý giải khác của Paul Nail – giáo sư, chuyên gia tâm lý học của Đại học Central Arkansas – cho biết, nhiều người trở thành ‘người đi ngược dòng’ hay ‘cái gai trong mắt mọi người’ vì muốn nâng cao vị thế xã hội của mình. Sự hòa hợp cố hữu của một nhóm sẽ bị phá vỡ tức thì nếu tồn tại kẻ phá rối – đặc biệt khi kẻ ấy đang nằm trong những giai tầng thấp hơn của nhóm đó. Bằng việc biến bản thân thành trường hợp cá biệt, họ sẽ nhanh chóng thu hút sự chú ý và sự phục tùng của người khác, từ đó nâng cao vị trí hoặc thay thế luôn người đứng đầu.
Ai sẽ là ‘nạn nhân’?
Trẻ em
Trẻ em là ứng cử viên đầu tiên trong danh sách những ‘nạn nhân’ của hiệu ứng tâm lý học nghịch đảo, một phần vì trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên, thường thể hiện khuynh hướng phản kháng rất mạnh – và thực chất thì điều này cần thiết cho quá trình học hỏi và phát triển của các em.
Nhà phân tâm học, triết gia người Áo Otto Rank là người đầu tiên giới thiệu về ý chí phản kháng với cảm giác bị ép buộc (counterwill – tiếng Anh) / gegenwille – tiếng Đức) ở trẻ em. Ông cho rằng, ý chí phản kháng có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành nhận thức của trẻ về bản sắc và tính cá nhân, giúp các em có thể phát triển thành một cá thể riêng biệt, độc lập với cha mẹ.
Tùy thuộc vào độ tuổi và tính cách của đứa trẻ mà cha mẹ có thể lợi dụng tâm lý học nghịch đảo để tìm cách uốn nắn hành vi của các em. Một số ví dụ: khuyến khích trẻ làm việc nhà bằng chiêu khích tướng ‘Quét nhà mệt lắm đấy nhé, chỉ có người lớn khỏe thật khỏe mới làm được thôi.’; hoặc trẻ ham chơi lười ăn, cha mẹ sẽ ‘dọa’ rằng nếu không ăn thì phải đi ngủ, để các em có cảm giác mình được trao quyền quyết định (trong khi thực chất không phải).
Tuy nhiên, cách dạy con này nhìn chung không được khuyến khích vì nhiều lý do. Nó dễ phản tác dụng – trẻ làm theo thay vì chống lại như ý định ban đầu. Hơn nữa, nó còn có thể dẫn đến những hệ quả không hay, như:
– Ảnh hưởng đến nhận thức và lòng tự tôn vì cha mẹ hạ thấp tài năng, giá trị của trẻ để khích tướng
– Khuyến khích trẻ không nghe lời vì các em nhận thấy rằng mình không hề bị phạt khi làm trái yêu cầu của cha mẹ
– Khiến trẻ nhìn nhận cha mẹ là những người chuyên dối gạt và thao túng
Người trưởng thành
Không riêng gì trẻ em, người trưởng thành vẫn có thể ‘dính bẫy’ tâm lý học nghịch đảo như thường. Nghiên cứu do nhà tâm lý học Paul Nail đồng tác giả đã thực hiện khảo sát 200 sinh viên về việc sử dụng tâm lý học nghịch đảo và những chiến thuật gây ảnh hưởng khác. Có 2/3 người tham gia cho biết họ áp dụng kỹ thuật thuyết phục này trong đời sống hàng ngày với tần suất khá thường xuyên.
Câu trả lời này thực chất không quá bất ngờ, vì tâm lý học nghịch đảo có thể được áp dụng với hầu hết mọi đối tượng, trong mọi tình huống đời sống khác nhau. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là hiện tượng sử dụng tâm lý nghịch đảo lên chính mình như một cách để tìm kiếm, kêu gọi phản ứng trấn an, tán thành, chấp nhận từ người khác. Nhiều người xem đây là một cách nhanh chóng và hiệu quả để xây dựng giá trị bản thân.
Thực tế, đúng là rất nhanh, nhưng đây là cách không bền vững, và cũng không được khuyến khích. Khi làm thế, chúng ta vô tình đang đi ngược lại chính ý chí phản kháng thuở bé – thứ giúp ta có thể trở thành một cá thể độc lập và duy nhất, tấm khiên chắn hữu hiệu giữa nội tại của một con người với sự đe dọa xâm lấn từ những yếu tố bên ngoài.
Một lưu ý nữa khi áp dụng tâm lý học nghịch đảo, đó là mức độ hòa nhã và sự cần thiết của tình huống sẽ gây tác động khác nhau đến người chịu ảnh hưởng. Năm 1976, nhà tâm lý học xã hội James W. Pennebaker cùng đồng sự Deborah Yates Sanders (Viện Đại học Texas–Austin) đã thực hiện một thí nghiệm. Họ treo lên các bức tường toilet những tấm biển với nội dung ‘Cấm tuyệt đối viết lên tường’ và ‘Xin đừng viết lên tường’. Sau 2 tuần, những bức tường treo biển ‘Cấm tuyệt đối’ bị vẽ graffiti nhiều hẳn những bức tường treo tấm biển còn lại.
Cuối cùng, hiệu ứng tâm lý học nghịch đảo hoàn toàn có thể được áp dụng trong những tình huống có quy mô lớn hơn so với đời sống cá nhân. Kết quả từ nghiên cứu của Tiến sĩ Tâm lý học Stephen Worchel cùng các đồng sự về tác động của kiểm duyệt (censorship) lên hành vi cho thấy, ngoại trừ một trường hợp cá biệt, thì sự kiểm duyệt trong các trường hợp còn lại đều dẫn đến hành vi phản kháng – mong muốn được biết về những thứ ‘bị loại bỏ’ tăng lên, đồng thời thái độ của người tham gia đối với sự việc cũng theo đó mà thay đổi từ ủng hộ sang không ủng hộ hoặc ngược lại.
Kết
Nếu muốn có được thứ mình muốn, bạn có thể thử nói với người khác rằng đừng cho bạn cái mà bạn muốn. Như trường hợp của Lady Gaga và đợt phát hành đĩa đơn Applause cùng đoạn quảng cáo gây sốc ‘Lady Gaga hết thời rồi’. Sau khi album ARTPOP phát hành, cô tiếp tục đăng một tweet ‘gây phẫn nộ’ khi thẳng thừng tuyên bố ‘Tôi còn chẳng nhớ ARTPOP là cái gì.’ Tương tự như vậy khi nhóm Queen quảng bá cho Bohemian Rhapsody, họ nói với các DJ rằng đừng nên chơi bài hát đó bởi vì độ dài 6 phút của nó ‘thật sự không phù hợp’.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử cách đưa ra phương án thay thế là cái mà mình muốn. Ví dụ, bạn và một người bạn nữa đang chọn phim để xem. Bạn muốn xem phim B. Thay vì đề nghị rằng ‘Tụi mình xem phim B đi.’ và nhận lời từ chối (có thể vì người kia không thích B hoặc muốn xem C hơn), trước tiên hãy đưa gợi ý là một bộ phim A nào đó mà bạn biết chắc chắn người kia sẽ từ chối. Sau đó, tiếp tục đưa phương án thay thế là phim B. Đây được xem là tình huống đôi bên cùng có lợi, khi bạn được xem phim B còn người kia thì cảm thấy có quyền quyết định trong tình huống này.
Nhưng, lời khuyên tốt nhất vẫn sẽ là không nên lạm dụng chiêu thức thao túng này để gây ảnh hưởng lên người khác, vì suy cho cùng, nó là một hành vi có tính xảo quyệt và dối trá. Nguy cơ thất bại của tâm lý học nghịch đảo khá cao. Một khi các yếu tố như tính tự chủ cá nhân bị bỏ qua, hay nếu đối phương ‘đột nhiên’ cảm thấy việc phản kháng mang tính rủi ro cao, thì họ sẽ có xu hướng chấp thuận lời yêu cầu, đồng nghĩa với việc làm trái mong muốn thật sự của ‘người điều khiển.
Chưa kể, đây còn là một chiêu thức thao túng khó áp dụng vì nó yêu cầu người thực hiện phải thật sự tinh tế, khéo léo, giỏi nắm bắt và điều hướng cảm xúc của người khác – hay nói khác hơn là đòi hỏi trình thao túng ở một mức độ nhất định để có thể dẫn dắt đối phương mà không làm họ nghi ngờ. Bạn có sẵn sàng trở thành một người nói dối điêu luyện không?
Bài viết tham khảo từ các nội dung:
Reverse Psychology: Getting People to Do Something By Asking for the Opposite | Effectiviology
Don’t Click This | Gizmodo
Using Reverse Psychology With Children | HowStuffWorks
The Surprising Secret Behind Kids’ Resistance and Opposition | Neufeld Institute
Xem thêm:
Hiệu ứng Benjamin Franklin – Tranh thủ cảm tình của người khác bằng cách nhờ họ giúp đỡ
Pygmalion Effect: Hiệu ứng tâm lý từ lời khen của một người
Hiệu ứng Người ngoài cuộc – Cha chung mà sao không ai khóc?
Thảo luận về bài viết