Nói xin lỗi nhưng không thực sự hối lỗi, hoặc tệ hơn là đẩy trách nhiệm sang người vừa bị mình làm tổn thương, là việc không được khuyến khích chút nào. Những lời xin lỗi “thà người đừng nói” kiểu này chỉ khiến người nghe càng thêm mệt mỏi, tức giận, chứ chẳng thể làm họ thấy khá hơn.
1- Đừng có phản ứng thái quá như vậy!
“Tôi xin lỗi, nhưng mà cái thái độ đó …” là một cách để đổ tội cho người khác. Đối phương có thể xin lỗi bạn thật đấy, nhưng đó chỉ là hình thức thôi. Họ không cảm thấy buồn bã hay hối hận chút nào về hành vi của mình. Trái lại, họ đổ trách nhiệm lên đầu bạn, tất cả chỉ vì bạn đã tức giận – một phản ứng hết sức tự nhiên và bình thường khi ai đó làm điều gì sai với mình. Nói cách khác, những người này luôn cho rằng nếu họ “sai” thì đối phương cũng chẳng đúng.
2 – Rồi rồi, việc của bạn quan trọng hơn.
Kiểu xin lỗi này gián tiếp làm giảm giá trị những thứ liên quan đến bạn. Mặc dù thể hiện sự đồng tình nhưng thực chất đối phương đang thiếu tôn trọng và có ý mỉa mai. Đây cũng có thể xem là một hình thức thao túng cảm xúc, khi họ đang cố gắng chứng tỏ cho bạn thấy rằng thói quen, nhu cầu, và hành động của bạn chẳng là gì so với mong muốn của họ.
3 – Nói đùa chút thôi mà.
Hầu như ai trong chúng ta cũng từng rơi vào tình huống mặc dù bị xúc phạm nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì đối phương đã kèm vào câu “Nói chơi thôi nha, đừng có giận à.” Những “câu đùa” kiểu này ngụ ý rằng chuyện xúc phạm ai đó chẳng qua chỉ là chuyện vui cười cho qua thôi, nếu người nghe cảm thấy tức giận hay có phản ứng với “câu đùa”, tức là họ đang nhạy cảm quá rồi.
4 – Xin lỗi cho có
Sau khi nói hoặc làm điều đó khiến bạn tổn thương, đối phương sẽ xin lỗi. Nhưng nguyên nhân hoàn toàn không phải do họ thấy hối hận hay vì muốn bù đắp hay như thế nào, mà chỉ vì phản ứng của bạn thôi. Mặc dù nhận lỗi nhưng ý của họ là, “Ồ, tôi xin lỗi vì đã làm bạn khó chịu nhé. Nhưng nếu bạn không khó chịu thì tôi chẳng xin lỗi đâu.” Kiểu xin lỗi cho có này vô cùng gây ức chế, nó khiến bạn khó lòng thể hiện sự tức giận thêm nữa (vì người ta đã xin lỗi rồi!) trong khi cảm giác khó chịu thì vẫn còn nguyên.
5 – Xin lỗi rồi còn muốn gì nữa?
Kiểu nhận lỗi này cho thấy đối phương hầu như (hoặc cũng có khi là hoàn toàn) chẳng có chút xíu hối hận, ăn năn nào. “Tôi đã nhận lỗi rồi.” hoặc “Tôi đã nói xin lỗi cả trăm lần rồi.” thực chất đã xóa bỏ hết mọi thành ý (nếu có) của người làm lỗi. Họ ngầm nói rằng bản thân chẳng làm gì sai, rằng người đáng trách thực ra là người kia vì không chịu bỏ qua sai lầm trong khi họ đã “biết lỗi”.
6 – Ừ, đáng lẽ tôi nên…
Khi làm lỗi với ai đó, chúng ta cần phải lắng nghe và đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu được lời nói / hành động của mình đã làm tổn thương họ ra sao. “Đáng lẽ…”, “Chắc có lẽ…”, “Đáng ra…” và một số cụm từ tương tự đôi khi được nhiều người dùng như một cách xin lỗi hình thức nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc trò chuyện với đối phương.
7 – Đừng có giận nha!
“Tụi mình biết nhau lâu rồi, bạn biết tính mình mà.” nghe như một nỗ lực để thoát khỏi tình huống khó xử hơn là nhằm xoa dịu người vừa bị mình xúc phạm. Biết nhau lâu và Tính tôi vậy đó không phải tấm vé thông hành để chúng ta có thể thoải mái đùa giỡn quá trớn mà không để ý gì đến cảm xúc người khác, thế nhưng đáng buồn là rất nhiều người lại lấy đó ra làm cái cớ “hợp lý” cho hành vi của mình.
8 – Xin lỗi nhưng kèm điều kiện
Cách giải quyết vấn đề này hoàn toàn không thể được xem là một lời xin lỗi. Nó giống một cuộc bán chác trao đổi hơn, vì để nghe được lời xin lỗi từ đối phương thì bạn phải đáp ứng một yêu cầu gì đó của họ.
9 – Xin lỗi tại vì “Có người bảo tôi làm vậy”
“Xin lỗi nha, vì có người nói là tôi cần làm thế.” trông giống hệt tình huống ngày còn bé, khi chúng ta phụng phịu vòng tay xin lỗi ai đó chỉ vì bị ba mẹ bắt làm vậy, chứ trong lòng chẳng hề muốn chút nào. Trẻ con chưa thật sự hiểu về những lúc làm sai cũng như cảm giác hối hận, thế nên bước đầu mới cần cha mẹ khuyên bảo để dần học cách phân biệt đúng-sai. Thế nhưng khi người trưởng thành làm y như vậy, nó chỉ tạo ấn tượng rằng họ không hề có thành ý nhận lỗi, mà chỉ nói xin lỗi để “vừa lòng” người khác thôi.
10 – Xin lỗi nhưng do bạn hiểu sai ý tôi đó chứ.
Một câu nhận lỗi không có sự hối hận sẽ nghe kiểu “Tôi xin lỗi vì hình như bạn thấy bị tổn thương…” là cách để đối phương đẩy mọi trách nhiệm lên phía bạn, như thể chuyện bạn tức giận, buồn bã, đau khổ là “không hợp lý”. Ai là người có lỗi? Bạn chứ còn ai. Sao bạn lại hiểu nhầm ý của họ như vậy? Sao bạn lại dám cảm thấy tổn thương vì một thứ vô hại như vậy?
Mệt mỏi hết sức, thà đừng xin lỗi còn hơn.
(Nguồn: Bright Side)
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Chúng ta biết gì về những lời nói dối?
Vì sao có những người không bao giờ chịu nhận lỗi?
Hiệu ứng Pygmalion: Hiệu ứng tâm lý từ lời khen của một người
Thảo luận về bài viết