Đã bao giờ bạn phát hiện rằng mình đang ‘mắc kẹt’ trong một mối quan hệ?
Một mối quan hệ cần trải qua những giai đoạn khác nhau – có bắt đầu, tất nhiên sẽ có kết thúc. Nếu may mắn (cộng thêm rất nhiều nỗ lực), thì những mối quan hệ sẽ không hết hạn trước khi đời bạn kết thúc. Nhưng cũng như thức ăn, đôi khi chúng ta ăn nhầm đồ hỏng mà không hay biết, chỉ đến khi trúng thực rồi mới nhận ra.
Có thể, mỗi người trong chúng ta đều ít nhất một lần ‘ăn đồ quá date’ như vậy – những mối quan hệ tình cảm mập mờ, những đối tác lãng mạn độc hại, những ngôi nhà không thể gọi là tổ ấm, những công việc nơi ta đến ngồi hết 8 tiếng rồi về, những người bạn bằng mặt nhưng không bằng lòng. Chúng ta chịu đựng rất nhiều, vì đủ thứ lý do, có thể vì kiếm tiền, vì sợ cô đơn, vì không muốn bị xem là ngoài lề xã hội, … Nhưng dù cho lý do có là gì đi nữa, thì người duy nhất chịu tổn thương chỉ là chúng ta mà thôi.
Cố gắng níu kéo hay tự trấn an bản thân rằng ‘Mọi chuyện vẫn ổn’ nghe có vẻ là một phương án dễ chịu hơn là đối mặt với nỗi sợ. Nhưng đây không phải điều nên làm, cũng chẳng là hành động dũng cảm. Thay vào đó, học cách đối diện, từ bỏ một mối quan hệ đã không còn phù hợp để tiếp tục cuộc sống của mình mới là thứ giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ và hạnh phúc hơn, bất kể đây là mối quan hệ bạn bè, tình cảm, gia đình, hay công việc.
#1 – Bạn phải trở thành một người không phải mình
Bất cứ mối quan hệ nào cũng yêu cầu sự thỏa hiệp. Những điều chỉnh và thay đổi hợp lý sẽ giúp phát triển bản thân, giúp ta được tiếp cận những góc nhìn mới, khai phá những tiềm năng còn ẩn khuất của chính mình. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đặt ra những ranh giới nhất định để những nỗ lực thay đổi đó không đi quá mức cho phép.
Thay đổi là cần thiết, nhưng thay đổi chỉ thật sự hữu ích nếu đó là điều bạn thật sự muốn làm. Ngừng thành thật với bản thân hay trở thành người không phải mình chỉ để người khác hài lòng chưa bao giờ là một cái cớ hợp lý. Mối quan hệ đòi hỏi một trong hai (hoặc cả hai) phải thay đổi quá mức đến độ đánh mất con người thật chưa bao giờ là một mối quan hệ lành mạnh.
Cũng vậy, quyết định từ bỏ một mối quan hệ chưa bao giờ là việc dễ dàng. Nhưng một trái tim bị tổn thương, dù sao đi nữa vẫn dễ chữa lành hơn một bản thể vụn vỡ.
#2 – Đối phương nói một đằng, làm một nẻo
Nếu nửa còn lại trong mối quan hệ luôn làm bạn thất vọng hay bất an vì lời nói của họ không đi đôi với hành động, thì có lẽ bạn nên nghiêm túc nhìn nhận lại mối quan hệ này. Chúng ta là những sinh vật có tập tính xã hội cao. Chúng ta cần sự kết nối. Chúng ta cần những mối quan hệ trong đời, cũng như cần phát triển bản thân thông qua những mối quan hệ đó.
Tuy nhiên, ở một mình vẫn tốt hơn là ở cạnh những con người chẳng giúp gì ngoài việc kéo chúng ta đi lùi lại bằng những lần thất vọng và những sự nghi ngờ. Nói thì dễ rồi, làm được như những gì mình nói mới khó. Vì thế, đừng chỉ tin vào lời nói mà hãy nhìn vào hành động của đối phương.
#3 – Bạn hy vọng rồi đây mình sẽ được tôn trọng hơn hoặc được yêu thương hơn
Bởi vì đây không phải là những gì xảy ra trong hiện tại.
Nhưng sự thật đáng buồn là có những người sẽ mãi mãi không thể học được cách để trân trọng, biết ơn, yêu thương người khác, cũng như không bao giờ sẵn sàng thỏa hiệp ở bất cứ mức độ nào trong một mối quan hệ. Trong khi đó, bạn vẫn quyết định ở lại. Có thể vì bạn muốn giúp đối phương chữa lành, hoặc cũng có thể đơn giản vì bạn chọn việc hy sinh vô điều kiện. Hm… hẳn nhiên chẳng ai có thể ngăn cản bạn làm điều mình tự lựa chọn. Nhưng đừng quên rằng bạn cũng chẳng thể miễn cưỡng người khác phải yêu thương hay tôn trọng mình hơn nếu đó không phải là điều họ tự lựa chọn.
Từ bỏ một mối quan hệ sẽ khiến bạn đau đớn, nhưng cuộc sống rồi sẽ tiếp diễn thôi. Một mối quan hệ kết thúc có khi không vì lý do gì cụ thể, nhưng bao giờ nó cũng để lại những bài học nhất định. Mỗi ngày, chúng ta có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người. Bất cứ ai cũng có thể đến và nói rằng họ yêu quý bạn thật nhiều, nhưng không phải tất cả đều sẽ ở lại. Đôi khi, chúng ta cần phải đợi rất lâu để ‘người đặc biệt’ xuất hiện, nhưng họ xứng đáng để chờ đợi mà!
#4 – Mối quan hệ hiện tại chủ yếu dựa trên những giá trị bên ngoài
Những mối quan hệ tồn tại dựa trên những giá trị bên ngoài, như sự hấp dẫn thể xác hay lợi ích thu được từ đối phương không nhất thiết là những mối quan hệ độc hại. Chúng đơn giản chỉ là không lâu bền, vì giá trị bên ngoài là những thứ có độ biến động rất lớn.
Chúng ta yêu thích một người vì họ xinh đẹp, vậy điều gì sẽ xảy ra khi ta gặp ai đó xinh đẹp hơn? Chúng ta giao thiệp với một người vì những giá trị vật chất mà họ mang lại, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu họ không còn khả năng đó nữa, hoặc khi nhu cầu của chính chúng ta thay đổi?
#5 – Đối phương phản bội lòng tin của bạn
Quan tâm, yêu thương ai đó đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận khả năng bị họ tổn thương (nhưng đồng thời vẫn hy vọng rằng đối phương sẽ không làm thế).
Hoàn toàn tin tưởng một người sẽ đem đến một trong hai khả năng, hoặc chúng ta có một người đồng hành lâu dài, hoặc chúng ta được một bài học đời này không (dám) quên. Nhưng đừng vội bi quan, vì khả năng nào cũng có những mặt lợi nhất định cả.
#6 – Đối phương xem thường bạn
Nếu không biết được giá trị bản thân thì chúng ta cũng không thể mong đợi người khác nhìn nhận hay xem trọng nó. Vì thế, tạo giá trị và công nhận chúng là điều bạn cần làm trước tiên. Khi đó, bạn mới có thể nhận ra những tình huống khi mà bạn đang vứt bỏ hết những giá trị của mình cho một người không xứng đáng.
Sẽ đến lúc, chúng ta cần phải ngừng đuổi theo ai đó và bước tiếp với cuộc sống của mình. Sẽ đến lúc, chúng ta cần phải từ bỏ một mối quan hệ và chấp nhận rằng đối phương không quan tâm đến ta như cách ta quan tâm đến họ. Buông tay cần sự dũng cảm, cũng không dễ dàng, nhưng bạn sẽ biết ơn chính mình vì điều này trong tương lai đấy.
#7 – Bạn không có cơ hội lên tiếng
Nếu bạn không được lắng nghe hay không có cơ hội bày tỏ bản thân trong mối quan hệ, đây cũng là một dấu hiệu cần lưu tâm.
Không ít người sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng một mối quan hệ lành mạnh là một mối quan hệ không yên ả mọi lúc. Bất đồng hay tranh cãi không phải là vấn đề, quan trọng là tất cả các bên trong mối quan hệ đều có thể giao tiếp cởi mở và tôn trọng những khác biệt của nhau. Đôi khi, chính một cuộc tranh luận mới là điều mà mối quan hệ của bạn đang cần, chứ không phải là những cái gật đầu miễn cưỡng.
#8 – Bạn hy sinh hạnh phúc của chính mình
Hồ chứa cảm xúc của mỗi người không phải là nguồn cung vô tận. Nếu chỉ cho đi mà không hề được nhận lại, không sớm thì muộn, hồ chứa cảm xúc của bạn sẽ cạn kiệt, và bạn sẽ chẳng còn sức lực để tiếp tục hy sinh nữa cho dù có muốn đến đâu.
#9 – Bạn ghét tình trạng hiện tại
Thất bại trong lĩnh vực yêu thích dù sao vẫn tốt hơn nhiều chuyện thành công với những gì mình… ghét. Vì thế, đừng nhắm mắt cho qua nếu đã cảm thấy ‘lấn cấn’ với mối quan hệ hiện tại. Phương án dễ hơn là bỏ qua mọi thứ và ở lại với những gì đã không còn phù hợp nữa, thế nhưng đây hoàn toàn không phải là biện pháp tối ưu nhất. Dù sao đi nữa, bạn chỉ sống một lần mà thôi, vì sao lại phí phạm cơ hội này cho những thứ mình ghét?
#10 – Bạn níu kéo những gì đã qua
Vì quá khứ đẹp đẽ chính là thứ cho bạn sức mạnh, là cái phao cứu sinh bạn đang bấu víu vào để khỏi ‘chết chìm’ trong một mối quan hệ đã trở nên vô cùng ngột ngạt. Thế nhưng, chính bạn cũng biết đây không phải là cách, đúng chứ? Ngoái nhìn quá khứ chỉ khiến bạn thêm xa rời hiện tại mà thôi. Chuyện đã xảy ra là chuyện đã qua. Chúng ta không thể quay về, cũng không thể khiến nó xảy ra một lần nữa.
Vì thế, nếu hiện tại đang gặp vấn đề, điều bạn cần là nhìn nhận và tìm cách giải quyết, kể cả chuyện từ bỏ một mối quan hệ nếu cần thiết.
(Tham khảo: Medium)
Xem thêm:
Những đặc điểm trên khuôn mặt tác động đến ấn tượng của người khác với bạn thế nào?
Nếu đã cẩn trọng với ‘tình yêu’, xin hãy làm tương tự với ‘thù ghét’
Xử lý những tình huống lúng túng bất ngờ xảy đến
Thảo luận về bài viết