Một số nghịch lý sẽ tiết lộ cách mà thế giới vận hành qua những ví dụ có vẻ phi lý, trong khi những nghịch lý khác phơi bày những khuyết điểm trong cách lý luận thông thường của con người. Dưới đây là 10 nghịch lý để thách thức cách suy nghĩ thông thường của bạn về thế gian muôn màu muôn vẻ này.
Tâm trí của chúng ta thường thích sự quen thuộc. Nhưng quá nhiều sự quen thuộc có thể dẫn đến sự tự mãn. Đó là lý do tại sao thỉnh thoảng chúng ta cần thử thách lý trí của mình. Một cách để làm điều đó là suy nghĩ về những nghịch lý xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày.
Nghịch lý là một mệnh đề hoặc vấn đề mà dẫn đến 2 kết quả hoàn toàn mâu thuẫn (nhưng vẫn có thể xảy ra), hoặc chứng minh điều gì đó trái ngược với những gì ta mong đợi.
Những nghịch lý như thế đã trở thành một phần quan trọng trong tư duy triết học qua nhiều thế kỷ, và luôn thách thức cách chúng ta giải thích những tình huống tưởng chừng đơn giản, lật ngược những gì chúng ta nghĩ là đúng và đưa ra những tình huống có vẻ hợp lý nhưng thực tế lại không thể xảy ra.
Suy cho cùng, não bộ nhân loại được lập trình để suy nghĩ theo những cách nhất định. Dù cho người đời có nói nó là một công cụ mạnh mẽ và là thứ đã góp phần kiến tạo nên thế giới quanh ta, trí óc vẫn bị giới hạn bởi cách thức hoạt động của chính nó. Vì thế, để nhắc nhở bản thân hãy luôn khiêm tốn trước khả năng nhận thức của mình, sau đây là 10 nghịch lý mà bạn có thể thử thách tư duy của mình.
1. Nghịch lý kẻ nói dối
Đây là một nghịch lý cổ điển trong triết học và logic, đề cập đến một phát biểu tự mâu thuẫn. Nghịch lý này được phát minh bởi nhà triết học Hy Lạp cổ đại Eubulides vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên. Ví dụ cơ bản của nghịch lý là: “Câu này là sai.”
Nếu câu này là đúng, thì câu phát biểu nó chứa đựng sẽ phải đúng, có nghĩa là nó thực sự sai. Nhưng nếu nó sai, điều đó lại có nghĩa là câu phát biểu ban đầu là đúng. Điều này tạo ra một vòng lặp vô tận mà không thể phân định rõ ràng liệu câu này đúng hay sai.
Hay một ví dụ khác, đó là câu: “Tôi luôn nói dối.” Nếu người này thực sự luôn nói dối, thì phát biểu này phải là sai. Nhưng nếu phát biểu này sai, thì điều đó có nghĩa là người này nói sự thật, mâu thuẫn với tuyên bố rằng họ luôn nói dối.
Nghịch lý kẻ nói dối minh họa sự mâu thuẫn trong việc định nghĩa sự thật và sai lầm, khiến chúng ta không thể quyết định dứt khoát về tính đúng hoặc sai của câu phát biểu.
2. Nghịch lý con tàu của Theseus
Tương truyền rằng, Theseus là một hoàng tử trẻ của Athens trong thời Hy Lạp cổ đại, người muốn chứng minh mình xứng đáng kế vị ngai vàng. Để làm điều đó, anh quyết định ra khơi đến đảo Crete, nơi có sinh vật thần thoại Minotaur đang giam giữ những đứa trẻ Athens và chiến đấu với nó.
Anh đã thành công trong việc giải cứu 7 chàng trai và 7 cô gái, đồng thời giết chết Minotaur. Khi trở về Athens, Theseus được chào đón với sự ca ngợi và tôn vinh.
Người Athens quyết định giữ lại con tàu mà Theseus đã sử dụng như một báu vật quốc gia trong hàng trăm năm. Tuy nhiên, khi con tàu bắt đầu trở nên cũ và mục rữa đi, các bộ phận bị hư hỏng dần dần được thay thế bằng các bộ phận mới.
Theo thời gian, mọi phần của con tàu đều được thay thế. Lúc này, một nghịch lý đã nảy sinh: Nó có còn là con tàu ban đầu không? Nó còn có thể được gọi là tàu của Theseus không? Nếu không, thì vào thời điểm nào nó ngừng là tàu của Theseus?
Nghịch lý này được tạo ra bởi nhà triết học và sử gia Hy Lạp Plutarch, và đặt ra câu hỏi về bản chất của danh tính, thách thức sự hiểu biết của chúng ta về điều gì làm cho một thứ “vẫn là chính nó” theo thời gian.
3. Nghịch lý của sự khoái lạc
Trong triết học vị lợi, thuyết khoái lạc là trường phái cho rằng theo đuổi niềm vui là cách tốt nhất để tối đa hóa hạnh phúc.
Tuy nhiên, nhà tâm lý học Viktor Frankl đã viết: “Hạnh phúc không thể theo đuổi; nó phải tự đến, và nó chỉ đến như một hệ quả không cố ý của sự cống hiến của mỗi người cho một mục tiêu lớn hơn bản thân, hoặc như một sản phẩm phụ của sự cống hiến cho một người khác ngoài chính mình.”
Hãy tưởng tượng bạn đang chơi một trò chơi rất vui vẻ với những người bạn của mình. Khi ta cố gắng hết sức để thắng trò chơi, có thể bản thân mình sẽ cảm thấy có một áp lực vô hình đang đè nặng và cảm thấy không thoải mái. Nhưng nếu bạn chỉ tập trung vào việc chơi và vui vẻ với bạn bè, không lo lắng về việc thắng hay thua, ta sẽ cảm thấy rất hạnh phúc.
Câu này của Viktor Frankl cũng giống như vậy. Ông nói rằng bạn không nên chạy đuổi theo hạnh phúc như khi bạn chạy đuổi một quả bóng. Thay vào đó, hãy làm những điều tốt cho người khác hoặc cố gắng làm điều gì đó lớn lao. Khi bạn làm điều đấy, hạnh phúc sẽ đến với bạn một cách tự nhiên, như một món quà bất ngờ.
Việc liên tục theo đuổi niềm vui và hạnh phúc không thể mang lại niềm vui, cũng không có khả năng đem lại hạnh phúc; do đó, cách tốt nhất để trở nên hạnh phúc là quên đi việc cố gắng tìm nó và hãy để “ý trời tự sắp đặt”.
4. Nghịch lý về sự khoan dung
Nếu một xã hội hoàn toàn khoan dung với mọi thứ, nghĩa là nó cũng sẽ khoan dung với những kẻ không khoang nhượng. Rồi cuối cùng, những kẻ được khoan dung trong xã hội đó sẽ nắm quyền kiểm soát, khiến xã hội trở nên không khoan dung. Vì vậy, để duy trì một xã hội khoan dung, điều này không nên được để xảy ra.
5. Nghịch lý khách sạn lớn của Hilbert
Đây là một thí nghiệm tư duy nổi tiếng do nhà toán học người Đức David Hilbert đề xuất, nhằm minh họa những đặc điểm lạ lùng của khái niệm vô hạn trong toán học.
Hãy tưởng tượng một khách sạn với vô hạn phòng, được đánh số từ 1, 2, 3,… đến vô tận. Mặc dù khách sạn này đã đầy kín khách (tức là mỗi phòng đều có một người đang ở), nhưng điều bất ngờ là khách sạn vẫn có thể tiếp nhận thêm khách mà không cần xây thêm phòng. Đây chính là nghịch lý được đề cập đến
Ta sẽ giải bài toán này sau đây:
- Trường hợp 1: Thêm 1 khách
Nếu có thêm 1 khách mới đến, ta có thể bảo người khách hiện đang ở phòng số 1 chuyển sang phòng số 2, khách ở phòng 2 chuyển sang phòng 3, và cứ thế tiếp tục. Khi đó, phòng số 1 sẽ trống để đón người khách mới. Vậy dù khách sạn đã đầy, nhưng nó vẫn có thể chứa thêm một người nữa.
- Trường hợp 2: Thêm vô hạn khách
Nếu có một nhóm vô hạn khách mới đến và mỗi người trong nhóm đều muốn ở một phòng, khách sạn cũng có thể đón họ. Ta có thể bảo khách hiện tại ở phòng số 1 chuyển sang phòng số 2, khách ở phòng số 2 chuyển sang phòng số 4, khách ở phòng số 3 chuyển sang phòng số 6, và cứ thế tiếp tục. Bằng cách này, tất cả những người đang ở trong khách sạn đều chuyển sang các phòng có số chẵn, để lại tất cả các phòng số lẻ cho nhóm khách mới (vô hạn người) mà vẫn không cần xây thêm phòng.
Nghịch lý này của ông Hilbert thách thức cách suy nghĩ của chúng ta về khái niệm vô hạn. Nó thường được sử dụng để minh họa sự khác biệt giữa vô hạn và hữu hạn, cũng như giúp hiểu rõ hơn về các khái niệm trong toán học liên quan đến vô hạn.
6. Bài toán Monty Hall
Nghịch lý này nằm ở cách bộ não con người tiếp cận các vấn đề liên quan đến con số và thống kê.
Trong tình huống này, ta sẽ có 3 cánh cửa. Phía sau một cánh cửa là một chiếc xe hơi, và 2 cánh cửa còn lại ẩn giấu những con dê. Bạn chọn một cánh cửa, nhưng người kia lại mở một cánh cửa khác chứa một con dê, và hỏi liệu bạn có muốn đổi lựa chọn sang cánh cửa còn lại hay không.
Hầu hết mọi người nghĩ rằng việc đổi sang cánh cửa còn lại là vô nghĩa, bởi vì chỉ với 2 cánh cửa thì cơ hội nhận được chiếc xe hơi giờ đây sẽ là 50/50. Nhưng như thế có đúng không?
Không hẳn. Bởi vì thực tế là, việc đổi cửa sẽ tăng khả năng chọn được chiếc xe lên 66%. Vì người kia phải mở cánh cửa chứa dê, họ cũng đã vô tình tạo điều kiện cho bạn Nếu lần đầu bạn chọn nhầm dê (xác suất xảy ra là 2/3), thì việc đổi cửa sẽ giúp bạn thắng xe. Nếu bạn chọn đúng xe (xác suất là 1/3), đổi cửa sẽ khiến bạn thua.
7. Nghịch lý ông nội
Nghịch lý đặt giả định rằng, nếu một người du hành ngược thời gian và giết ông nội của mình trước khi cha mẹ họ được thụ thai, họ sẽ không tồn tại. Tuy nhiên, nếu họ không tồn tại, họ sẽ không thể quay về quá khứ để giết ông nội, từ đó tạo ra một vòng tròn phi logic. Nghịch lý này đã là chủ đề của nhiều tranh luận giữa các nhà khoa học và triết gia, dẫn đến nhiều giả thuyết khác nhau về du hành thời gian và các thực tại song song.
8. Con mèo của Schrödinger
Đây là một thí nghiệm tư duy nổi tiếng do nhà vật lý học người Áo, Erwin Schrödinger, đề xuất vào năm 1935. Mục đích của thí nghiệm này là minh họa cho sự kỳ lạ của cơ học lượng tử, đặc biệt là về khái niệm “chồng chập” (superposition).
Trong thí nghiệm này, bạn hãy tưởng tượng có một con mèo được đặt vào một chiếc hộp kín cùng với một nguyên tử phóng xạ, một máy đếm Geiger (máy phát hiện phóng xạ) và một lọ thuốc độc. Nếu máy đếm Geiger phát hiện ra sự phóng xạ (do nguyên tử phóng xạ phân rã), lọ thuốc độc sẽ bị vỡ, giết chết con mèo. Tuy nhiên, vì chúng ta không biết khi nào nguyên tử phân rã (do phân rã là một quá trình ngẫu nhiên), ta sẽ không thể biết con mèo còn sống hay đã chết cho đến khi mở hộp ra.
Theo cơ học lượng tử, cho đến khi hộp được mở và con mèo được quan sát, thì bây giờ nó đang trong trạng thái vừa sống vừa chết cùng một lúc, tồn tại trong sự chồng chập giữa 2 khả năng. Điều này thách thức cách chúng ta nghĩ về thực tế, vì trong thế giới vật lý bình thường, một vật thể chỉ có thể ở một trạng thái tại một thời điểm.
9. Nghịch lý người thợ cạo
Trong một thị trấn với chỉ có 1 thợ cạo, có luật định rằng:
- Người thợ cạo đó được cạo râu cho tất cả những người đàn ông trong thị trấn không thể tự cạo râu, và chỉ những người đó thôi.
- Mọi cư dân đều phải được cạo râu.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: Người thợ cạo có tự cạo râu cho mình không?
Nếu người thợ cạo tự cạo râu, ông ta phải ngừng lại vì luật nói rằng ông không được cạo râu cho người tự cạo râu. Tuy nhiên, luật cũng nói rằng ông ấy phải cạo râu cho mình, vì người thợ cạo phải cạo râu cho tất cả những người không tự cạo râu.
10. Nghịch lý phòng ngừa
Đây là một khái niệm trong lĩnh vực y tế công cộng và dịch tễ học, mô tả tình huống mà các biện pháp phòng ngừa có thể mang lại lợi ích lớn cho cả cộng đồng nhưng lại có vẻ không cần thiết hoặc không đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho từng cá nhân.
Để hiểu rõ hơn, ta hãy xem xét một ví dụ:
Trong bối cảnh tiêm vắc-xin ngừa bệnh truyền nhiễm, nếu mọi người đều được tiêm phòng, thì tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng sẽ giảm rất mạnh. Đây là lợi ích chung, giúp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, với từng cá nhân, nếu họ đã ít có nguy cơ nhiễm bệnh (do môi trường sống an toàn, sức khỏe tốt, hoặc những yếu tố khác), việc tiêm vắc-xin có thể không đem lại hiệu quả rõ ràng hoặc lợi ích lớn ngay lập tức.
Nghịch lý nằm ở chỗ này: Khi các biện pháp phòng ngừa (như tiêm chủng, đeo khẩu trang, ăn uống lành mạnh,…) được áp dụng rộng rãi và thành công trong việc phòng ngừa bệnh tật, sự nguy hiểm của vấn đề gốc (như bệnh dịch) trở nên nhỏ bé đến mức một số cá nhân có thể nghĩ rằng biện pháp phòng ngừa đó không thực sự cần thiết. Điều này có thể làm giảm sự sẵn lòng tuân theo các biện pháp phòng ngừa.
Tóm lại, nghịch lý phòng ngừa cho thấy rằng các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiệu quả sẽ có thể làm giảm nhận thức của cá nhân về sự cần thiết của những biện pháp đó, dẫn đến khả năng bị lơ là, dù chính những biện pháp này giúp giảm thiểu nguy cơ cho toàn xã hội.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- 7 mẩu truyện cổ tích và dị bản nhuốm màu kinh dị khiến người đọc “sởn gai ốc”
- Số 7 và các quan niệm trong dân gian, tâm linh
- 7 lý do nửa kia hay mập mờ trong một mối quan hệ