Khai mạc từ ngày 28.12.2024, sự kiện trưng bày các tác phẩm 100 Năm Sơn Mài tại phòng tranh Lotus Gallery không chỉ tôn vinh hành trình phát triển của thể loại vẽ tranh này; mà còn là dịp để đánh dấu 1 thế kỷ kể từ ngày Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập.
Được phối hợp tổ chức cùng bởi các đơn vị phòng tranh là Bảo tàng Nghệ thuật Quang San và Annam Gallery, sự kiện trưng bày100 Năm Sơn Mài là tập hợp của hơn 20 tác phẩm lớn nhỏ khác nhau từ những hoạ sĩ/nghệ sĩ bước ra từ trườngCao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân làtrường Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Những cái tên như Vũ Trung, Nguyễn Văn Hải, Phạm Lực, Lại Thanh Dũng, Lệ Dung, Nguyễn Xuân Quảng,… đã mang đến cho người xem những tác phẩm sơn mài (cũng như sơn khắc – một sự biến hoá của chất liệu này) về cái nhìn thân thuộc, bình dị của đời sống người Việt. Nhưng trên hơn cả, 100 Năm Sơn Mài là minh chứng cho sự phát triển, cải tiến kỹ thuật sơn mài của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương; để sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang đậm dấu ấn cá nhân nhưng vẫn giữ được tinh thần Á Đông.
Tổng quan về sự kiện trưng bày
Sơn mài Việt Nam từ lâu đã gắn bó với đời sống văn hóa tín ngưỡng, nhưng trước năm 1925, nó chủ yếu mang tính ứng dụng, tồn tại như một ngành thủ công truyền thống. Bước ngoặt lớn diễn ra khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, đánh dấu khởi đầu cho sự chuyển mình của sơn mài từ một chất liệu bình dân thành một loại hình nghệ thuật độc lập, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và tiếp cận được những giá trị hiện đại.
Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên tại trường, sơn mài không chỉ thoát khỏi khuôn khổ của các họa tiết truyền thống mà còn trở thành phương tiện thể hiện đời sống, phong cảnh và cảm xúc cá nhân. Quy trình sơn nhiều lớp và kỹ thuật mài độc đáo đã giúp tạo nên những hiệu ứng thị giác sâu thẳm, kết hợp khéo léo giữa lá vàng, lá bạc, vỏ trứng và sơn then, làm nên vẻ đẹp lộng lẫy nhưng đầy tinh tế của sơn mài.
Không dừng lại ở đó, nghệ thuật sơn khắc, một hình thức sáng tạo dựa trên nền tảng sơn mài, cũng được phát triển. Với kỹ thuật khắc chìm đầy tính chính xác và yêu cầu sự tỉ mỉ, sơn khắc mở ra một lối đi mới, bổ sung thêm chiều sâu và sự đa dạng cho nghệ thuật Việt Nam.
Qua mỗi thời kỳ, sơn mài không ngừng biến đổi, phản ánh sự chuyển biến của xã hội và văn hóa. Các nghệ sĩ liên tục thử nghiệm chất liệu, sáng tạo hình khối đa chiều và mở rộng chủ đề để phù hợp với dòng chảy nghệ thuật toàn cầu. Từ những giá trị dân gian lâu đời đến các vấn đề đương đại, sơn mài đã khẳng định vị thế của mình trong nền hội họa hiện đại Việt Nam.
Một số tác phẩm nổi bật tại 100 Năm Sơn Mài
1. Bộ tác phẩm The one who smokes và The one who doubts của Tào Tuấn Linh (2024)
Họa sĩ Tào Tuấn Linh vốn xuất thân từ chuyên ngành kiến trúc và mới bắt đầu nghiệp vẽ từ năm 2023. Ở những tác phẩm hội họa, anh chú trọng khai thác những tầng lớp cảm xúc phức tạp của thế nhân, những khoảnh khắc ngỡ chỉ thoáng qua nhưng kỳ thực mang khả năng ám ảnh khôn cùng.
Từ đấy mà chất liệu sơn mài được anh lựa chọn. Bởi, Tào Tuấn Linh tìm thấy sự tương đồng giữa tính ngẫu hứng, khó chi phối của sơn mài và những rung cảm ngắn, nhất thời và không ổn định thuộc cảm xúc con người.
Ta có thể thấy rõ điều này ở bộ đôi tác phẩm The one who smokes và The one who doubts. Cả 2 bức hoạ hiện lên cho người xem một ấn tượng mạnh mẽ bởi lối tạo hình độc đáo, với những khuôn mặt méo mó, biểu cảm căng thẳng và ánh mắt xa xăm. Đây là sự phơi bày trần trụi nhất của nội tâm con người trong cuộc vật lộn với những khủng hoảng hiện sinh. Những mảng màu rực rỡ tương phản trên bề mặt sơn mài không chỉ tăng thêm chiều sâu cho từng nhân vật, mà còn thể hiện sự xung đột nội tâm, sự giằng xé giữa hy vọng và tuyệt vọng.
Ở The one who smokes, ta cảm nhận được sự bất cần, một cái nhìn xa xăm đầy ám ảnh, như thể nhân vật đang chìm đắm trong sự hoài nghi về ý nghĩa của cuộc đời. Trong khi đó, The one who doubts thể hiện một sự mâu thuẫn nội tại rõ ràng, nơi sự do dự và nỗi sợ hãi đan xen, gợi lên cảm giác về một tâm hồn đang bị giằng xé giữa niềm tin và sự hoài nghi.
Bộ đôi tác phẩm này buộc người xem phải dừng lại, nhìn sâu vào từng chi tiết để cảm nhận và đối diện với những suy nghĩ ẩn giấu trong chính bản thân mình. Cả 2 như đang mời gọi sự chiêm nghiệm, giúp khơi dậy những cảm xúc nguyên sơ và những câu hỏi chưa lời đáp về bản chất con người trong một thế giới đầy bất định.
2. Phan Vũ – Hà Nội phố! của Bùi Ngọc Tư (2005)
Sinh thời, họa sĩ Bùi Ngọc Tư có niềm say mê rất lớn với ca trù. Sự gắn kết này càng vững chắc hơn khi vợ ông là một ca nương và bản thân ông cũng là người chơi đàn đáy, 1 trong 3 loại nhạc cụ của loại hình diễn xướng này. Có lẽ vì thế mà mỹ cảm sáng tác của ông được định hình khá rõ với tạo hình luyến láy, với những chuyển động của nét mảnh khảnh điệu đà.
Tuy nhiên, đến với Phan Vũ – Hà Nội phố!, âm sắc bổng trầm của ca trù được thay bằng vẻ trầm mặc của phố phường cùng nét hào sảng của một gã lãng du đa tài – nhà thơ Phan Vũ.
Được biết, họa sĩ Bùi Ngọc và nhà thơ Phan Vũ vốn có mối quan hệ bạn bè thân tình và còn là đồng nghiệp, dù Phan Vũ bắt đầu nghiệp vẽ muộn ở những năm sau cuối của cuộc đời. 2 người từng cùng tham gia triển lãm Đam mê tại Sài Gòn vào năm 2013. Ngoài những đồng điệu thuộc tâm tình riêng tư, điểm chung của họ có lẽ là biên độ rung cảm giữa 2 đầu hữu hạn của một kiếp người trước sự mênh mang của cõi dương gian.
Có thể thấy, bức tranh Phan Vũ – Hà Nội phố! của hoạ sĩ Bùi Ngọc Tư mang một vẻ đẹp trầm mặc, được khắc họa qua những sắc màu sơn mài đặc trưng. Tác phẩm gợi mở những hoài niệm về một Hà Nội cổ kính, vừa quen thuộc vừa xa xăm. Với gam màu trầm ấm, những đường nét luyến láy tinh tế cùng các chi tiết nhấn nhá bằng sắc vàng của lá, hoạ sĩ dường như đang tái hiện không chỉ vẻ đẹp vật chất mà còn là chiều sâu tinh thần của Hà Nội.
Chân dung nhà thơ Phan Vũ xuất hiện trong tranh như một biểu tượng của sự tự do và phóng khoáng, gắn liền với nhịp sống chậm rãi nhưng đầy suy tư. Những đường viền mờ nhòe và nét gãy rời rạc không chỉ phản ánh tâm hồn lãng du của nhà thơ mà còn khơi gợi một nỗi niềm bâng khuâng về sự phù du và vẻ đẹp bi tráng của thời gian đã qua.
Tác phẩm này không chỉ là một bức chân dung, mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa hình tượng con người và không gian phố thị, tạo nên một bản giao hưởng thị giác đầy mê hoặc, khơi dậy cảm xúc sâu lắng trong lòng người xem.
3. Nghinh Kiệu (1980s)
Khác với những tác phẩm khác trong sự kiện trưng bày, Nghinh Kiệu là bức hoạ duy nhất không biết tên tác giả là ai, duy chỉ phỏng đoán được là bức tranh sơn mài này được vẽ vào những năm 1980.
Nghinh Kiệu là một bức hoạ mang đậm dấu ấn truyền thống, tái hiện khung cảnh một đoàn rước kiệu trang nghiêm đi qua cổng đình làng. Trung tâm của bức tranh là đoàn người mặc trang phục cổ xưa, xếp hàng nối tiếp nhau, tạo nên một không khí sôi động nhưng vẫn giữ được vẻ tôn nghiêm. Những chi tiết như kiệu rước, người cầm lọng che, đội quân cầm giáo và cờ xí được khắc hoạ tỉ mỉ, cho thấy sự trang trọng của lễ rước.
Bối cảnh phía sau là một ngôi đình cổ, được vây quanh bởi tường gạch và cây cối xanh mát. Cây cổ thụ với tán lá rậm rạp trải dài, như đang ôm trọn cả không gian văn hóa làng quê Việt Nam. Màu nền đen bóng đặc trưng của sơn mài làm nổi bật các nhân vật, trang phục và các chi tiết trang trí, tạo nên sự tương phản độc đáo, cuốn hút ánh nhìn.
Nghinh Kiệu mang lại cảm giác hoài cổ và sâu lắng. Các nhân vật được khắc họa sống động, tạo cảm giác như bức tranh đang kể lại một câu chuyện lịch sử hoặc một phong tục đã ăn sâu vào đời sống làng quê.
Màu sắc chủ đạo của tranh là sự kết hợp giữa màu đen nền, màu vàng óng ánh của kiệu và phục trang, cùng màu xanh lam trên áo lính, tạo nên một bản hòa phối vừa giản dị, vừa quý phái. Bức tranh như một lát cắt của thời gian, đưa ta trở về với quá khứ, nơi những nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng và sự thiêng liêng trong đời sống cộng đồng được tôn vinh trọn vẹn.
Thông tin về sự kiện
- Địa điểm: Lotus Gallery (bên trong C.space – Integrated Design Complex), Số 12-13, đường N1, Phường Tân Thuận Đông, Quận 7.
- Thời gian trưng bày: 28.12.2024 – 26.01.2025.
- Giờ mở cửa: 09:00 – 18:00
- Vào cửa tự do
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- Triển lãm “Giấc Mơ Rực Rỡ” của Khổng Đỗ Duy: Cái nhìn về dân gian, tuổi thơ và sự hoài niệm
- 4 bước vận dụng triết lý sống Ikigai để tìm kiếm hạnh phúc và mục đích
- “Thâm cung bí sử” về trang phục đón tết Nguyên đán các nước