Đi tàu điện ngầm có thể là một trải nghiệm tốt đẹp hoặc tồi tệ, và phần lớn điều đó phụ thuộc vào cách chúng ta đối xử với nhau. Vì vậy, hãy đừng là người thiếu văn minh.
Vậy là sau 17 năm “chờ mòn mỏi”, vào ngày 22.12 vừa qua, người dân Sài Gòn đã được chính thức trải nghiệm tuyến tàu Metro số 1 (đi Bến Thành – Suối Tiên). Vào đúng 10h sáng, hàng ngàn bà con đã đứng xếp hàng dài tại ga tàu gần chợ Bến Thành để được có dịp đi chuyến tàu điện ngầm đầu tiên trong đời mình.
Thế nhưng mặc dù cũng hoà chung không khí dịp khánh thành này, The Millennials Life không thể không nói đến những trường hợp không được mấy vui đã xảy ra vào 2 ngày chạy chính thức đầu tiên của tuyến Metro.
Lượng khách ồ ạt đến (đặc biệt ở ga trung tâm quận 1) đã làm quá tải ban quản lý để giữ trật tự, khiến cho nhiều chuyến đi của tàu điện ngầm bị trễ từ 5 đến 10 phút. Tình trạng hành khách ăn uống trên tàu đã gây ảnh hưởng đến vệ sinh và mỹ quan, làm giảm trải nghiệm của các hành khách khác. Hơn nữa, còn có trường hợp lượng khách đông đến mức lái tàu không thể đóng được cửa.
Nếu chúng ta có học được bất cứ bài học gì từ những câu chuyện hi hữu xảy ra ở Hà Nội với chuyến tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông, thì những quy tắc ứng xử văn minh khi sử dụng phương tiện công cộng luôn luôn có giá trị và không bao giờ lỗi thời được.
Chính vì thế sau đây, trước khi lên kế hoạch cùng gia đình đến trải nghiệm,The Millennials Life xin gửi bạn những “luật bất thành văn” khi đi tàu điện ngầm để không bị người khác nói: “Khó coi quá hai ơi!“
12 quy tắc đi tàu điện ngầm cần nắm
Dù có là đi ở bất cứ hệ thống tàu điện ngầm nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn cần nên có văn hoá sử dụng văn mình và tôn trọng – cả thiết bị trên khoang tàu cũng như những người xung quanh. Để hiểu cụ thể hơn, dưới đây sẽ là 13 quy tắc để đi tàu điện ngầm một cách an toàn và lịch sự:
1. Đừng chen lấn ở cửa tàu
Phần lớn các chuyến tàu điện ngầm trở nên rất đông đúc vào giờ cao điểm, và việc chen lấn tại cửa để lên tàu sẽ không giúp ích gì cho ai cả. Hành khách phải xuống tàu trước khi người mới có thể lên tàu; đó là nguyên tắc cơ bản.
Khi tàu đến, hãy đứng ở 2 bên cửa bạn muốn đi qua, không đứng trực diện trước cửa. Nếu bạn đang ở trên tàu và bị mắc kẹt gần cửa, khiến người khác phải lách qua bạn để xuống, hãy bước ra khỏi tàu và đứng ở đầu hàng ở một trong 2 bên cửa. Một hành động nhỏ như thế thôi cũng đã giúp ích mọi người kịp đến nơi nhanh hơn rất nhiều rồi.
2. Nhạc mình, mình nghe
Đừng hát theo (quá lớn) bài hát yêu thích của bạn. Đừng bật nhạc quá to nơi công cộng. Hãy sử dụng tai nghe và tôn trọng đôi tai của người khác. Không ai muốn nghe nhạc của bạn, đặc biệt là trong giờ cao điểm, và nếu bạn bật nhạc to đến mức người khác có thể nghe thấy, bạn đang cư xử một cách thiếu tôn trọng đấy. Đừng hành xử thiếu ý thức.
3. Nhường chỗ ngồi cho người già/người khuyết tật/phụ nữ mang thai
Cái này thì không phải bàn rồi! Các chuyến tàu điện ngầm đều có ghế được chỉ định dành cho người già, người khuyết tật và phụ nữ mang thai. Vì lòng tốt, hãy để họ ngồi vào những ghế đó.
Hãy xem thử xem họ có thật sự cần chiếc ghế đó không, hoặc ta cũng có thể chủ động nhường luôn cũng được. Ngoài ra, nếu bạn đang ngồi ở ghế thường và có người cần chỗ ngồi gần đó, hãy nhường ghế cho họ. Đây là hành vi tốt, tạo nghiệp lành, vì sớm muộn bạn cũng sẽ trở thành một trong những người cần sự nhường nhịn như vậy. Cho nên, đứng một chút xíu cũng chả đáng là bao nhiêu cả.
4. Chú ý chân của mình
Tàu điện ngầm thường giật lắc và thay đổi chuyển động liên tục. Điều này khiến mọi người phải di chuyển để giữ thăng bằng nếu họ đang đứng. Nếu chẳng may ở trong tình huống đó, hãy lịch sự quan sát nơi bạn đặt chân. Không ai muốn bị dẫm phải, và việc giẫm lên người khác có thể gây ra xung đột. Khi không chắc chắn, hãy đứng theo góc chéo với hướng tàu di chuyển để tạo điểm tựa.
5. Bám vào 1 nơi vững chắc khi đứng
Lý do là vì tàu điện ngầm thường di chuyển rất nhiều, có những cú rung lắc mạnh hoặc thay đổi tốc độ đột ngột. Nếu bạn không giữ tay vào một tay vịn, bạn sẽ bị lắc lư hoặc ngã, đặc biệt khi tàu phanh gấp hoặc tăng tốc.
Vì thế để an toàn, một tay của bạn nên bám vào tay vịn hoặc cột để không bị ngã; tay còn lại bạn có thể sử dụng cho các hoạt động khác như giữ túi xách, kiểm tra điện thoại, hoặc làm gì đó miễn là bạn vẫn an toàn.
6. Kiểm tra mình có lên đúng tuyến tàu không
Bởi vì hiện tai, tuyến Metro số 1 mới chỉ là tuyến duy nhất đi vào vận hành thương mại, nên trường hợp lên/xuống nhầm trạm là điều ít xảy ra. Nhưng ta vẫn nên hình thành thói quen kiểm tra kỹ tuyến tàu mà mình đi trước khi lên toa.
Ở nhiều nước khác, hầu hết các hệ thống tàu điện ngầm vận hành nhiều tuyến khác nhau và đi qua cùng 1 nhà ga, và số lần bạn sẽ bước nhầm lên tàu vì không để ý là nhiều vô kể. Thế nên, hãy luôn kiểm tra kỹ để đảm bảo bạn lên đúng chuyến tàu nhé.
7. Chú ý khoảng cách
Hãy đứng cách xa mép sân ga trừ khi bạn có lý do thực sự chính đáng để ở đó (hầu như là không đâu). Tàu là những khối kim loại khổng lồ và hoàn toàn có khả năng… nói nhẹ là “gây tác động lớn đến cơ thể” bạn ngay cả khi đang di chuyển với tốc độ chậm. Cho nên đừng đứng chắn đường chúng.
8. Trông chừng trẻ nhỏ/thú cưng
Hãy để mắt đến con bạn. Tàu điện ngầm không phải là sân chơi, và trẻ em có thể bị thương nghiêm trọng hoặc ít nhất gây khó chịu cho những người lớn khác nếu không được giám sát. Trẻ em không nên được phép đu bám trên tay vịn hay chơi đuổi bắt trong lối đi. Và tuyệt đối không nên cho trẻ ăn uống trên tàu.
Còn đối với thú cưng của bạn, trừ khi nó là động vật hỗ trợ đặc biệt (như chó dẫn đường cho người mù chẳng hạn), làm ơn đừng mang chúng lên tàu điện ngầm. The Millennials Life tin rằng chú Shiba đáng yêu của bạn rất ngoan ngoãn, nhưng ngay cả những chú chó ngoan nhất cũng có xu hướng “đi bậy” ở những nơi bất ngờ.
Không ai mong muốn phải đối mặt với “chất thải” của thú cưng bạn cả. Chúng sẽ chắc chắn “giải toả nỗi buồn” trên tàu điện ngầm, không sớm thì muộn, và đống“chất thải” đấy sẽ trở thành thứ kinh khủng nhất đối với mọi người trên chuyến tàu đó. Đó là còn chưa kể đến mèo, chồn hay chim cảnh nữa – đừng đưa chúng nó lên tàu.
9. Chú ý hành lý của mình
Tàu điện ngầm thường đông đúc, đặc biệt vào giờ cao điểm. Hãy để mắt đến hành lý của bạn và giữ chúng không cản trở người khác. Ba lô nên được tháo xuống và đặt dưới chân trong những tình huống đông đúc; nếu không, bạn sẽ dễ dàng vô tình quẹt túi vào mặt người khác.
10. Tôn trọng không gian chung
Bạn đang ở nơi công cộng, và không sở hữu bất kỳ thứ gì xung quanh mình. Điều đó có nghĩa là bạn không có quyền vứt rác bừa bãi, dán kẹo cao su lên ghế, làm đổ thức ăn, hay gây ra bất kỳ sự bừa bộn nào. Khi ta lên tàu với tâm thế “đừng hành xử thiếu ý thức,” bạn sẽ khiến mọi người đỡ phải bực dọc vào sáng sớm.
11. Không chèo kéo
The Millennials Life có thể nói hộ nỗi lòng của mọi người khi mà không một ai muốn nghe bạn nói về giáo phái, quan điểm chính trị, hay nhu cầu khẩn cấp cần tiền xe buýt của bạn khi họ đang đi tàu điện ngầm. Hãy giữ chuyện của mình cho riêng mình. Ngoài ra, đừng tán tỉnh người khác (trừ khi họ rõ ràng cũng có hứng thú; biết đâu ta gặp được nửa kia của đời mình trên tàu điện ngầm thì sao?)
12. Đi tàu điện ngầm với tâm thế vui vẻ
Mọi người trên tàu điện ngầm đều đang cùng nhau chia sẻ không gian đó. Hãy cố gắng cư xử dễ chịu, bởi càng nhiều người dễ chịu trên tàu, không khí sẽ càng vui vẻ và thoải mái. Mọi người kịp đến nơi mình đến nhanh hơn.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- Lade trái thơm – Loại bia quốc dân một thời của người Sài Gòn
- #LocalZine: Xin chào, tớ là Phở, Bánh mì và Bún bò Huế, chúng mình nói chuyện được không?
- #LocalZine: Hơn 100 năm lịch sử tiền giấy Việt Nam