Có thể nói, các quán bar nói riêng và cơ sở phục vụ đồ uống có cồn nói chung có một loạt thuật ngữ rất phong phú, đến nỗi người ta đủ sức tuyển tập lại thành một cuốn từ điển cũng nên!
Phần lớn các từ này là biệt ngữ chỉ được sử dụng trong ngành và ít có giá trị thực tiễn đối với khách hàng. Tuy nhiên, một số thuật ngữ dưới đây sẽ đâu đó hữu ích cho những “tấm chiếu mới”; dù là để gọi món đồ uống đúng cách, hiểu rõ hơn các câu hỏi từ bartender hay làm theo công thức khi pha chế cocktail tại nhà.
Bởi vì thuật ngữ thì nhiều vô kể, cho nên dưới đây sẽ chỉ là danh sách những thuật ngữ thường hay được dùng nhiều nhất. Hi vọng sẽ giúp bạn bớt lóng ngóng khi lần đầu đặt chân đến các quán bar nhé.
Những thuật ngữ dùng cho đồ uống
1. Neat
Đây là cách phục vụ rượu nguyên chất, không pha loãng với nước, không thêm đá hoặc bất kỳ thành phần nào khác. Rượu được rót trực tiếp vào ly mà không qua bất kỳ bước làm lạnh nào. Thường dùng cho các loại rượu mạnh như whisky và brandy.
2. On the rocks
Thuật ngữ này ám chỉ cách phục vụ rượu với đá. Thức uống được rót lên trên một vài viên đá trong ly, giúp làm lạnh nhưng không làm loãng rượu ngay lập tức.
4. Sour
Thuật ngữ này có thể ám chỉ một dòng đồ uống bao gồm tất cả các loại cocktail được pha chế với nước chanh hoặc nước cốt chanh. Cụ thể, khi đi kèm với một loại rượu (ví dụ: whiskey sour, gin sour), nó là sự kết hợp của rượu + nước chanh + siro đường/đường. Trong những năm của thập niên 1990, và ở một số quán bar bình dân ngày nay, từ này cũng có thể ám chỉ loại đồ uống chứa “sour mix,” một hỗn hợp làm từ chanh và/hoặc nước cốt chanh với tỷ lệ xấp xỉ bằng nhau cùng với xi-rô.
3. Shaken/Stirred
Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu nói “Shaken, not stirred” (“Lắc, chứ không khuấy“) được nói bởi điệp viên 007 mỗi khi anh gọi ly Martini. Đối với cách đầu tiên, “shaken” là phương pháp pha trộn các thành phần trong một cocktail bằng cách lắc mạnh trong bình lắc (shaker) với đá. Cách lắc này giúp các thành phần hòa quyện đều, tạo bọt và làm lạnh nhanh. Thường áp dụng những ly Martini như trên hoặc là Margarita.
Còn ngược lại, cách pha chế này ám chỉ việc khuấy nhẹ nhàng các thành phần với đá trong ly hoặc bình trộn để hòa tan và làm lạnh, từ đó ít làm thay đổi cấu trúc của đồ uống hơn so với cách lắc. Stirred thường dùng cho các cocktail như Manhattan hay Negroni.
4. Aperitif
Đây là loại đồ uống thường được phục vụ trước bữa ăn để kích thích khẩu vị. Các loại aperitif thường nhẹ nhàng, có vị khô hoặc hơi đắng, nhằm chuẩn bị cho bữa ăn mà không làm người uống cảm thấy quá no hoặc lấn át hương vị của các món ăn sắp tới. Aperitif có thể là rượu vang, cocktail, hoặc rượu mạnh, tùy thuộc vào sở thích và văn hóa ẩm thực.
5. Vermouth
Vermouth là một trong những loại aperitif phổ biến nhất. Là một loại rượu vang pha chế thêm thảo mộc và gia vị, thường được sử dụng trong các loại cocktail như Martini hoặc Negroni. Vermouth có thể khô (dry) hoặc ngọt (sweet), và nó thường được dùng để làm mềm hương vị mạnh của rượu.
6. Dry/Wet
“Dry” thường dùng để chỉ loại cocktail ít ngọt, đặc biệt khi nói về Martini. Một ly Dry Martini có nghĩa là lượng vermouth được dùng rất ít, tạo nên hương vị khô hơn, ít ngọt hơn. Trái ngược với “dry”, “wet” dùng để chỉ loại cocktail có nhiều vermouth hơn. Ví dụ, một Wet Martini sẽ chứa nhiều vermouth hơn, khiến đồ uống có hương vị mượt mà và đậm hơn so với ly Dry Martini.
7. Dirty
Đây là thuật ngữ thường dùng khi gọi ly Martini, có nghĩa là thêm nước oliu hoặc nước muối từ oliu vào ly cocktail. Từ đó, Dirty Martini sẽ có vị mặn và hơi đắng từ oliu, làm cho nó có hương vị mạnh và độc đáo.
8. Shot
Là một lượng nhỏ rượu mạnh hoặc cocktail được uống hết trong một lần. Shot thường được dùng để uống nhanh tại các quán bar, ví dụ như dải ly tequila shot chẳng hạn.
9. Bitters
Là loại hương liệu có vị rất đắng được làm từ thảo mộc, cây cỏ, và vỏ cây, dùng để thêm vào cocktail nhằm tăng hương vị. Bitters thường có trong các loại cocktail cổ điển như Old Fashioned hay Manhattan.
10. Virgin
Dùng để chỉ những loại cocktail không chứa cồn. Ví dụ, Virgin Mojito là phiên bản không có rượu rum của Mojito, giữ nguyên các thành phần khác như chanh, bạc hà, và soda.
11. Malt
Thường liên quan đến rượu whisky, malt whisky được làm chủ yếu từ lúa mạch mạch nha (malted barley). Nó có hương vị đậm đà và đặc trưng, phổ biến ở whisky Scotland.
12. Short hoặc long drink
Đối với “short drink”, đây là loại cocktail được phục vụ trong ly nhỏ và chứa ít nước hơn, thường dùng các loại rượu mạnh với nồng độ cao như Martini hoặc Manhattan. Trái ngược lại, “long drink” chứa nhiều nước hoặc nước ngọt, được phục vụ trong ly lớn, ví dụ như Gin Tonic hoặc Mojito. Long drink thường có nồng độ cồn thấp hơn và được thưởng thức chậm rãi hơn.
13. Mocktail
Thuật ngữ này là sự kết hợp giữa 2 từ: “mock” (giả) và “cocktail,” dùng để chỉ các loại đồ uống có hình thức và hương vị tương tự như một ly cocktail nhưng dành cho những người không muốn hoặc không thể uống rượu. Các thành phần thường bao gồm nước trái cây, soda, siro và các loại thảo mộc. Ví dụ: Ly Virgin Mojito như đã kể ở trên là một loại mocktail, nó có tất cả các thành phần của Mojito ngoại trừ rượu rum.
14. Twist
Đây là một kỹ thuật trang trí trong pha chế cocktail, khi bartender sử dụng một dải vỏ chanh hoặc cam, xoắn nhẹ để tạo ra dầu từ vỏ, sau đó đặt lên trên bề mặt ly hoặc tráng quanh miệng ly để tăng thêm hương vị và mùi thơm của trái cây cho đồ uống. Twist không chỉ mang tính trang trí mà còn làm tăng sự hấp dẫn của cocktail bằng hương thơm tự nhiên.
15. Straight-up
Thuật ngữ này dùng để chỉ một loại đồ uống đã được làm lạnh (thường là bằng cách lắc hoặc khuấy với đá) và sau đó được rót vào ly mà không có đá. Nhưng thông thường để dễ hiểu hơn, người ta sẽ order ngắn gọn thành từ “up”.
Những thuật ngữ dùng tại các quán bar
1. Happy hour
Đây là khoảng thời gian cụ thể trong ngày (thường là vào buổi chiều hoặc tối sớm) khi các quán bar và nhà hàng cung cấp đồ uống và thức ăn với giá ưu đãi. Khách hàng có thể tận hưởng đồ uống với mức giá giảm, thường là nhằm thu hút khách hàng vào những giờ ít người.
2. Mixology
Mixology là nghệ thuật và khoa học pha chế đồ uống, đặc biệt là các loại cocktail. Thuật ngữ này ám chỉ việc tìm hiểu sâu về cách kết hợp các thành phần khác nhau để tạo ra những thức uống độc đáo, hương vị hài hòa, và trải nghiệm ấn tượng cho người thưởng thức. Mixologists (ý chỉ những người chuyên về mixology) thường sẽ có kiến thức sâu rộng về rượu mạnh, nguyên liệu, kỹ thuật pha chế, cũng như cách trình bày đồ uống.
Vậy nó khác gì so với bartending?
- Mixology thường nhấn mạnh vào việc sáng tạo và nghiên cứu đồ uống, tập trung vào sự cân bằng và phức tạp của hương vị. Một mixologist có thể tìm hiểu kỹ lưỡng về lịch sử của các loại cocktail, thí nghiệm với nguyên liệu mới hoặc sáng tạo ra các công thức riêng.
- Bartending thì bao hàm cả kỹ năng phục vụ đồ uống, quản lý quầy bar, tương tác với khách hàng, và thường không chỉ giới hạn trong việc pha chế cocktail mà còn bao gồm việc rót bia, rượu vang, và các loại đồ uống khác.
3. Ladies’ Night
Đây là một sự kiện phổ biến trong các quán bar và hộp đêm, thường tổ chức vào những ngày nhất định (thường là giữa tuần) nhằm thu hút khách hàng nữ. Vào Ladies’ Night, phụ nữ thường được hưởng các ưu đãi đặc biệt như đồ uống miễn phí hoặc giảm giá. Mục đích của chương trình này là thu hút nhiều hơn đối tượng khách hàng này, cũng từ đó cũng tạo không khí sôi động và hấp dẫn cho cả nam giới.
4. Well và Top-shelf
“Well” là loại rượu mạnh cơ bản được quán bar sử dụng để pha chế những đồ uống thông thường. Thức uống well thường được phục vụ khi khách hàng không yêu cầu một nhãn hiệu rượu cụ thể mà chỉ gọi một loại cocktail, ví dụ như Rum & Coke (rum và coca). Rượu well thường có giá rẻ hơn và được đặt ngay tại tầm với của bartender trong quầy pha chế, nên còn được gọi là “well spirits” hoặc “house spirits.”
Trong khi đó, “top-shelf” là những loại rượu chất lượng cao, đắt tiền, được trưng bày ở kệ cao trong quán bar (vị trí dễ thấy và tầm với cao). Những loại rượu top-shelf thường là các nhãn hiệu danh tiếng, có hương vị tốt hơn và được dùng cho các loại cocktail yêu cầu cao về chất lượng rượu. Khi khách gọi một loại đồ uống top-shelf, bartender sẽ dùng rượu hảo hạng để pha chế.
Như vậy có thể thấy, sự khác biệt chính giữa well và top-shelf chủ yếu nằm ở chất lượng rượu và giá thành của đồ uống. Tuy nhiên trong nhiều năm gần đây, phong cách kinh doanh này đã bị loại bỏ. Thay vào đấy, hầu hết các quán bar sẽ sắp xếp các kệ rượu theo chức năng và tần suất sử dụng, thay vì dựa trên giá cả.
5. Last call
Đây là thông báo cuối cùng của quán bar cho khách hàng biết rằng họ sắp ngừng phục vụ đồ uống. Last call thường xảy ra khoảng 15-30 phút trước khi quán đóng cửa hoặc khi pháp luật yêu cầu ngừng phục vụ rượu. Khi nghe thông báo đó, khách hàng sẽ có cơ hội gọi đồ uống cuối cùng trước khi quầy bar đóng dịch vụ.
Xem thêm những bài viết khác dưới đây:
- Một số hidden bar thú vị ở Sài Gòn (P1)
- Các hidden bar độc đáo ở Hồ Chí Minh (P.2)
- #Good9: Bóc tem các khái niệm Bar, Pub, Club và Lounge