Với nhiều người, chia tay một tình bạn đôi khi còn đau đớn hơn việc đặt dấu chấm hết cho một tình yêu. Nhưng đây lại là một thứ không thể phủ nhận, một phần không thể tách rời trong cuộc sống của bất cứ ai.
Khác với tình yêu, thời điểm bước vào mối quan hệ bạn bè với ai đó, chúng ta không mảy may nghĩ đến sự kết thúc. Khi gặp một đối tác tiềm năng, ta thường tự hỏi lòng rằng “Liệu mối quan hệ này có thành công không? Liệu đây có phải người-dành-cho-mình hay không?”. Hầu như chúng ta không thắc mắc điều tương tự với một người bạn, bởi lẽ ta mặc định họ là người-dành-cho-mình vào giây phút tình bạn bắt đầu, kiểu “Tụi tui hợp nhau mới chơi chung được chứ?!”
Với cách nhìn đó, khi tình bạn chấm dứt, không ít người sẽ ngỡ ngàng, hoang mang, không biết nguyên nhân vì ai, vì cái gì, và vào lúc nào. Thế nhưng, chúng ta cần can đảm chấp nhận sự thật rằng giống như tình yêu, hay đúng hơn là cũng như tất cả các loại mối quan hệ giữa người với người, tình bạn cũng có thể kết thúc.
Hơn thế nữa, điều đó đôi khi là việc cần phải xảy ra. Có những tình bạn dần phai nhạt khi chúng ta và bạn bè mình hiện không còn nhiều điểm chung với nhau nữa. Đó là lẽ tự nhiên, bởi mỗi người đã chọn cho mình một con đường phát triển khác nhau. Cũng có những tình bạn độc hại, chỉ toàn mang đến căng thẳng, mệt mỏi, và hàng tá những điều tiêu cực khác. Càng ở lâu trong một mối quan hệ không lành mạnh (bất kể đó là tình gì) thì càng có hại cho chính mình.
Vậy nên, có những tình bạn không sớm hay muộn cũng sẽ biến mất. Nhưng những mối quan hệ đi đến hồi kết luôn để lại dư âm buồn bã. Làm cách nào để vượt qua?
Cho phép bản thân được đau buồn
Bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất, đó là cần chấp nhận sự thật, sau đó để yên cho chính mình được buồn bã. Một số người sẽ thấy việc thừa nhận rằng mình thấy buồn khi một tình bạn kết thúc là biểu hiện của sự yếu đuối, ủy mị, thậm chí trẻ con. Nhưng với bộ não của chúng ta, chia tay là chia tay, không cần biết đối phương là ai.
Cảm giác buồn bã, trống vắng, hụt hẫng mà bạn cảm thấy khi mất đi một tình bạn cũng không mấy khác biệt với khi mất đi một tình yêu. Một điều hơi ‘thú vị’, là khi trải nghiệm trạng thái này, nhiều người sẽ bắt đầu hoang mang, không biết có phải mình đã nảy sinh tình cảm hay một kiểu gắn bó không lành mạnh nào đó với người bạn kia hay không.
Điều này phụ thuộc, nhưng nếu bạn thấy buồn khi chia tay một mối quan hệ bạn bè, điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn có tình cảm lãng mạn với người kia. Tình bạn cũng quan trọng như tình yêu. Buồn bã là chuyện bình thường – hoặc đôi khi còn đau khổ hơn nữa kìa, vì chúng ta thường cho rằng tình bạn sẽ kéo dài lâu hơn tình yêu.
Tóm lại, chấp nhận rằng mình và người này đã không còn là bạn, buồn bã đau khổ hoang mang tuyệt vọng trống vắng hụt hẫng,… nếu cần, và đừng phán xét bản thân một khi đã cảm thấy thế.
‘Nói lời cuối cùng’ nếu được
Thông thường, khi muốn kết thúc một mối quan hệ tình cảm lãng mạn, người ta nói chia tay. Dù ngắn hay dài, gặp mặt trực tiếp qua nhắn tin điện thoại, thì lời chia tay là thứ giúp chúng ta xác nhận rõ một điều rằng “Từ giờ mình sẽ không duy trì mối quan hệ này với người này như trước nay nữa.”
Đó là những gì số đông sẽ làm. Một ít người chọn cách im lặng hoặc đột ngột biến mất, để đối phương ‘tự hiểu ra mọi chuyện’. Đây là hành vi không-được-khuyến-khích (xin đừng làm theo), tuy nhiên trường hợp này xảy ra khá nhiều với tình bạn.
Nói đúng hơn, thì mối quan hệ bạn bè thường không có điểm bắt đầu và kết thúc rõ ràng như một mối quan hệ tình cảm. Qua thời gian, nếu hợp nhau ở một số điểm nhất định, hai người bất kỳ có thể trở thành bạn bè, không cần ai lên tiếng với đối phương rằng “Làm bạn mình nhé?”. Khi nó kết thúc cũng thế. Không phải 10/10 tình bạn đều chấm dứt bằng câu “Nghỉ chơi đi.”. Người trong cuộc chỉ nhận ra mọi thứ đã không còn như xưa vào một thời gian sau đó.
Trạng thái không rõ ràng này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình ‘vượt qua’ của bạn. Nếu được, hãy tìm cách để xác nhận. Thực tế, có những tình bạn không hẳn chấm dứt, nó chỉ ‘tạm ngừng’ (do gián đoạn liên lạc, do bận rộn,…) mà thôi. Hãy thử ‘chẩn đoán’ bản thân, “Điều gì đã xảy ra?” và “Nó ảnh hưởng đến mình như thế nào?”. Sau đó, bạn có thể thử liên lạc lại với bạn mình – tất nhiên chỉ khi bạn cảm thấy thoải mái nếu làm vậy.
Nhưng nếu tình bạn ấy đã chấm dứt theo cách không tốt đẹp gì cho lắm, bạn nên chấp nhận rằng rất có thể sẽ không có cái gì gọi là ‘cuộc trò chuyện cuối cùng’ cả. Trường hợp này, đừng cố gắng diễn lại tình huống tồi tệ đã xảy ra, cũng như đừng mãi nghĩ về những việc hay những thứ mà đáng-lẽ-lúc-đó-nên-làm.
Nếu bạn thấy một lời xin lỗi, giải thích, trình bày,… là cần thiết và sẽ giúp ích cho quá trình vượt qua của chính mình, thì cứ thẳng thắn với người kia. Nhưng nhớ rằng họ có quyền không chấp nhận và không phản hồi.
Nhìn nhận lại những mối quan hệ bạn bè khác
Khi kết thúc một mối quan hệ bạn bè, một trong những điều khiến người ta lo lắng nhất là nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những người bạn còn lại, đặc biệt là bạn chung của cả hai.
Cách tốt nhất, là cứ tin tưởng và thành thật. Cứ nói thẳng (và cũng không cần giải thích nếu không thật sự cần thiết) rằng bạn và người kia đã không còn là bạn bè nữa. Tạm bỏ qua những tình bạn kết thúc theo kiểu ‘không còn liên lạc nên không còn làm bạn’, thì với một số trường hợp, nếu có 2 người trong nhóm cãi vã nghỉ chơi, cả nhóm cũng sẽ theo đó mà tan rã. Mất một người bạn đồng nghĩa với việc mất thêm nhiều người bạn khác.
Vì vậy nhiều người cảm thấy ngại khi phải thừa nhận rằng mình và ai đó đã ‘cạch’ nhau rồi. Tuy nhiên, nếu kết cục là thế, thì có lẽ bạn cũng chẳng cần phải tiếc hay sợ hãi những mất mát cộng thêm đó làm gì. Một trong những ranh giới lành mạnh của tình bạn, đó là việc một người sẽ thân thiết ở những mức độ khác nhau với những người khác trong cùng một nhóm.
Nhưng chính vì thế, chúng ta cũng cần cẩn trọng và quan tâm hơn đến việc nỗ lực để duy trì những mối quan hệ bạn bè thật sự xứng đáng. Bởi không nghĩ rằng tình bạn có thể kết thúc, ta cũng hay mặc định rằng người bạn thân thiết hôm nay đến 10 năm sau sẽ vẫn là như thế. Điều đó có thể xảy ra, nếu cả hai đều muốn giữ vững tình bạn này. Bằng không, 10 năm sau thì đây cũng chỉ là một tình bạn nữa đã chấm dứt.
Mặt tốt của việc mất đi một người bạn chính là nó trở thành một động lực để chúng ta nhìn lại những mối quan hệ xung quanh. Tất nhiên chúng ta không cần phải trò chuyện hay đi chơi cùng nhau suốt ngày thì mới giữ được tình bạn. Cái cần là sự chân thành – thứ đôi khi còn khó hơn cả vài câu xã giao hay những buổi đi chơi nhạt thếch.
(Tham khảo: TED / Mary Halton)
Xem thêm:
Thói quen “tạo lập thói quen” – Vòng lặp không bao giờ kết thúc
Thói quen mua sắm ngẫu hứng: Vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng nhanh
Ai sẽ là người cùng bạn lạc ở đảo hoang?
Đừng đánh đổi bản thân lấy cái gật đầu của đám đông
Thảo luận về bài viết