Trong một chừng mực nào đó, thì quá khứ có tác động không ngừng lên hiện tại và cả tương lai của chúng ta. Ngày hôm nay của bạn diễn ra như thế này, đó là vì bạn đã làm những việc nọ hay đã gặp những người kia vào hôm qua. Cho dù bạn có cố gắng loại bỏ ý thức của mình về một số thứ thì ảnh hưởng của nó lên con người của bạn sẽ vẫn còn. Đó là lý do vì sao chúng ta cần dành nhiều sự quan tâm hơn cho việc chữa lành những tổn thương, đặc biệt là tổn thương về tinh thần và cảm xúc, trong quá khứ.
Tổn thương tinh thần cũng không khác xây xát thể chất là bao. Khi vết thương trên cơ thể lành, chúng có thể để lại sẹo, nhưng chúng sẽ không mang nhiều nguy cơ nhiễm trùng hay khiến bạn đau đớn nữa. Nhưng nếu không được chữa trị đừng cách, thì cho dù bề mặt có vẻ đã lành, nhưng những tổn thương sâu bên trong vẫn sẽ tiếp tục đem phiền phức đến cho bạn.
Chuyện gì đã xảy ra tức là nó đã qua. Không ít người tin rằng họ chỉ cần quên đi những thứ đó là được – không nghĩ về nó, không nhắc đến nó, hoặc xem như nó chưa từng xảy ra bao giờ. Nhưng thực tế không dễ dàng như vậy. Những tổn thương về tinh thần và cảm xúc sẽ luôn ở đó, bám dính lấy tâm trí vô thức của bạn, cho dù bạn có chủ động lựa chọn cách ‘quên mất’ nó đi.
#1 – Những tổn thương cảm xúc liên quan đến lòng tự tôn
Yêu bản thân là việc nên làm, nhưng đồng thời nó cũng là việc khó để làm, đặc biệt khi bạn chưa thể nhìn ra được giá trị của chính mình. Lòng tự tôn thấp có thể khiến một người cảm thấy bản thân mình chưa đủ tốt, luôn có cảm giác bi quan trước thử thách, và hay đổ lỗi cho chính mình trong mọi trường hợp.
Lòng tự tôn thấp là kết quả của một quá khứ từng bị chối bỏ hoặc bị người khác phủ nhận. Chế nhạo, sỉ nhục, xem thường, chỉ trích không ngừng, hay đổ lỗi vô lý đều là những hành vi gây tổn thương tinh thần cho người chịu đựng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng một người bị hắt hủi, nhưng nếu sự chối bỏ này là một sự kiện có tính nhất quán, xảy ra từ khi còn bé, hoặc đến từ những người gần gũi thân cận nhất, thì vết thương mà họ phải đối mặt là một vết thương cảm xúc khó lành.
#2 – Những tổn thương cảm xúc liên quan đến tính tự chủ cá nhân
Tổn thương dạng này thường xuất hiện trong những tình huống bị kiểm soát quá mức – một người nào đó với ưu thế quyền lực hoặc địa vị đã chuyên quyền quá đáng trong việc kiềm chế, kiểm soát, khiến cho nạn nhân phải thực hiện mọi thứ theo sự điều khiển của họ. Về lâu dài, những hành vi đó sẽ gây ra tổn thương cho cảm giác tự chủ và tính độc lập của nạn nhân, khiến họ trở nên bị động, có xu hướng phục tùng, hoặc trở nên cực kỳ nổi loạn.
Nếu bạn mang trong người những tổn thương cảm xúc liên quan đến tính tự chủ cá nhân, có thể trong quá khứ, bạn đã phải chịu sự kiểm soát của người khác trong một thời gian dài. Quyền tự do và khả năng tự đưa ra quyết định của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn có thể thường bị trách mắng hay trừng phạt vì những lý do không rõ ràng; hoặc có thể luôn bị soi mói, chê bai, chỉ trích từ những điều nhỏ nhặt nhất; hoặc do bị đối xử như thể một người vô dụng và kém cỏi, ‘chẳng làm gì nên hồn’.
#3 – Những tổn thương cảm xúc liên quan đến sự thiếu thốn tình cảm
Khi một người bị bỏ rơi, bị chối từ hoặc bị cô lập về mặt cảm xúc, họ dễ hình thành nên những tổn thương do thiếu thốn tình cảm – một trong những dạng tổn thương tâm lý nặng nề nhất. Đáng buồn thay, tổn thương này lại rất hay bắt gặp trong quá trình nuôi dạy con cái.
Những người bị thiếu thốn tình cảm thường có cảm giác trơ trọi, đơn độc, vì cho rằng không ai xem trọng họ, không ai hiểu hay chấp nhận họ, đặc biệt là những khi họ đang trong trạng thái dễ bị tổn thương. Ngoài ra, do có nhu cầu khỏa lấp khoảng trống cảm xúc mà họ cũng trở nên dễ phụ thuộc, có xu hướng tìm kiếm sự chấp thuận của người khác, luôn tìm cách làm hài lòng mọi người.
Và cuối cùng, vì thiếu thốn tình cảm từ bé, nên họ sẽ vô tình trở thành những ông bố bà mẹ không biết yêu thương, hoặc thể hiện sự quan tâm chăm sóc nhưng sai cách, dẫn đến việc ‘đào tạo’ ra một thế hệ sau là những đứa trẻ tiếp tục sinh ra và lớn lên với gánh nặng tâm lý khó chữa lành. Tổn thương cảm xúc khi này kéo dài qua nhiều thế hệ, để lại những nỗi đau dai dẳng.
Những tổn thương cảm xúc trong quá khứ này là nguyên nhân khiến bạn khó có thể có được một sức khỏe tinh thần lành mạnh, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cá nhân và xã hội của bạn. Đó là lý do vì sao những tổn thương tâm lý đã và đang trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm hơn.
Không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Nhìn nhận rằng ‘Mình có vấn đề.’ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Ngược lại, đó là một hành động dũng cảm, cho thấy bạn đã sẵn sàng đối mặt để tìm cách giải quyết dứt điểm những vướng mắc quá khứ nhằm tránh những ảnh hưởng của chúng trong tương lai.
Xem thêm:
Đau khổ hay hạnh phúc đều không phải phép tính 1+1=2
Làm gì khi ai đó xâm phạm ranh giới cá nhân của bạn?
Thảo luận về bài viết