Đối với bạn, tình yêu là gì? Có người bảo tình yêu là phản ứng hóa học, có người lại nói tình yêu là sự lựa chọn. Có người tin rằng tình yêu là kết quả của một quá trình bên nhau, có người lại khẳng định yêu từ cái nhìn đầu tiên mới là chân ái.
Yêu là một trong những cảm xúc cơ bản của con người, nhưng câu hỏi ‘làm sao định nghĩa được tình yêu’ lại khiến nhân loại đau đầu không ít. Trong một thời gian khá dài, tình yêu được biết đến như một cảm xúc vô cùng nguyên thủy, bí ẩn, mang đậm màu sắc… tâm linh huyền bí.
Để biết được vì sao nhân loại có tình yêu, hay vì sao có những cuộc tình có kéo dài nhiều thập kỷ trong khi có những mối tình chớp nhoáng sáng yêu chiều hết, đó là một việc không dễ dàng. Dùng khoa học ‘khô khan’ để lý giải một phạm trù thiên biến vạn hóa như tình yêu lại là điều không tưởng.
Nhưng, trong trường hợp khoa học lên tiếng, thì câu trả lời sẽ là gì? Thử ‘nghía’ qua một số học thuyết mà các nhà nghiên cứu và tâm lý học đã dùng để lý giải thứ cảm xúc phức tạp này nhé.
Thích và Yêu
Theo nhà tâm lý học Zick Rubin, tình yêu lãng mạn được hình thành từ 3 yếu tố:
– Sự gắn bó (attachment)
– Sự chăm sóc (caring)
– Sự thân mật (intimacy)
Trong đời, bạn sẽ gặp được những người làm bạn cảm mến và ngưỡng mộ. Bạn tận hưởng những lúc được ở cạnh họ. Bạn muốn dành thời gian với họ. Nhưng theo Rubin, thế vẫn chưa đủ để gọi là yêu, mà chỉ mới là thích (liking).
Yêu (loving) là một trạng thái cảm xúc sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn, và chứa đựng ham muốn được trở nên gần gũi hơn với đối phương về mặt vật lý. Bạn sẽ thích ai đó nếu sự hiện diện của họ đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu. Nhưng khi yêu, ngoài việc tận hưởng thời gian cạnh nhau, chúng ta còn quan tâm đến những thứ khác thuộc về đối phương như cách chúng ta ưu tiên chính bản thân vậy.
Trong tình yêu, gắn bó là nhu cầu nhận được sự quan tâm, đồng tình, và những tiếp xúc cơ thể từ đối phương. Chăm sóc được hiểu là trạng thái xem trọng nhu cầu và hạnh phúc của đối phương không kém gì của mình. Cuối cùng, thân mật (hay gần gũi) mô tả hành động sẻ chia những ý nghĩ, khao khát, và cảm xúc của mình cho người kia.
Tình yêu đồng cảm và Tình yêu đam mê
Theo nhà tâm lý học Elaine Hatfield và cộng sự, tình yêu được chia thành 2 kiểu:
– Tình yêu đồng cảm (compassionate love)
– Tình yêu đam mê (passionate love)
Tình yêu đồng cảm hình thành dựa trên sự gắn bó, lòng yêu thương, tính thấu hiểu, sự tin tưởng, và sự tôn trọng của hai bên dành cho nhau. Trong khi đó, tình yêu đam mê được định nghĩa bởi lòng yêu thương, những cảm xúc mãnh liệt, sự hấp dẫn tình dục, cùng với nỗi lo âu. Khi những cảm xúc mãnh liệt này được hồi đáp, chúng ta sẽ cảm thấy phấn chấn và thỏa mãn hơn. Ngược lại, những mối tình đơn phương câm lặng thường đưa con người ta đến chỗ suy sụp, chán nản, tuyệt vọng. Hatfield cho rằng, dạng tình yêu đam mê thường chỉ ‘sống thọ’ từ 6 đến 30 tháng.
Tình yêu đam mê được xem là kết quả của một xã hội khuyến khích khái niệm ‘rơi vào lưới tình’ khi một người gặp được anh chàng / cô nàng đáp ứng được hình mẫu ‘người yêu lý tưởng’ của mình và cảm thấy ‘rạo rực’ cả người mỗi lúc ở cạnh họ.
Theo thời gian, tình yêu đam mê sẽ trở nên bền chặt hơn, dần chuyển đổi thành tình yêu đồng cản. Lý thuyết là thế. Còn thực tế, không phải tất cả mọi mối quan hệ lãng mạn giữa mọi con người trên đời đều diễn ra theo cách này. Trong thế giới lý tưởng, chúng ta sẽ có được những mối quan hệ vừa ổn định vững chắc như tình yêu đồng cảm vừa mãnh liệt rực lửa như tình yêu đam mê, nhưng nhà tâm lý học Elaine Hatfield tin rằng đây là một sự kết hợp hiếm gặp.
Bánh xe tình yêu đầy màu sắc
Trong quyển The Colors of Love (1973), nhà tâm lý học John Lee đã so sánh tình yêu cũng như một bánh xe màu sắc (color wheel), với 3 màu cơ bản đại diện cho 3 kiểu tình yêu chính:
– Tình yêu nồng cháy (eros)
Từ eros trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘đam mê’, ‘khao khát’, ‘gợi tình’. Trong thần thoại Hy Lạp, Eros là vị thần của tình yêu, con của Aphrodite và Ares. Nhưng trong một số dị bản khác, Eros lại là một trong những vị thần xuất hiện sớm nhất, từ khi thế giới còn là cõi hỗn mang. Tình yêu eros được John Lee định nghĩa là tình yêu nồng cháy, gắn liền với những đam mê cả về thể xác lẫn cảm xúc – ‘yêu không còn biết gì nữa’, cứ như một người bị trúng mũi tên của Eros
– Tình yêu bỡn cợt (ludus / ludos)
Ludus có nguồn gốc từ một từ tiếng Hy Lạp mang nghĩa ‘trò chơi’. Tình yêu ludus được hiểu là một dạng cảm xúc vui đùa, bỡn cợt, không mang tính chất nghiêm túc. Những người trải nghiệm tình yêu ludus thường là người không sẵn sàng cam kết hoặc là người không muốn mối quan hệ trở nên gần gũi, thân thiết hơn.
– Tình yêu trong sáng (storage)
Trong tiếng Hy Lạp, storage mang nghĩa ‘tình yêu thương tự nhiên’. Tình yêu storage ý chỉ những dạng tình thân gia đình giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, và giữa các thành viên trong gia đình nói chung. Dạng tình yêu này còn có thể là tiến triển cảm xúc giữa những người bạn – những người có cùng mối quan tâm và một mức độ cam kết nhất định dần nảy sinh tình cảm lãng mạn với nhau.
Từ 3 ‘màu cơ bản’ này trên bánh xe tình yêu, chúng ta tiếp tục có được các kiểu tình yêu thứ cấp khác nữa:
– Tình yêu chiếm hữu (mania): mối quan hệ mất cân bằng, dẫn đến sự chi phối, chiếm hữu, ám ảnh, do eros và ludus tạo nên
– Tình yêu lý trí (pragma): tình cảm mang màu sắc thực dụng, thực tế, lý trí, nghĩa vụ, do ludus và storage tạo nên
– Tình yêu vị tha (agape): tình yêu vô điều kiện, không màng đến bản thân, do eros và storage tạo nên
Tam giác tình yêu
Cuối cùng là học thuyết Tam giác tình yêu của nhà tâm lý học Robert Sternberg. Theo đó, tình yêu có 3 thành tố:
– Thân mật (intimacy)
–Đam mê (passion)
– Cam kết (commitment)
Những sự kết hợp khác nhau từ 3 thành tố này sẽ hình thành nên những dạng thức khác nhau của tình yêu, ví dụ như tình yêu đồng hành (companionate love) sẽ bao gồm thân mật và cam kết, còn tình yêu lãng mạn (romantic love) là kết quả của thân mật và đam mê. Những mối quan hệ xây dựng từ 2 thành tố trở lên sẽ lâu bền hơn những mối quan hệ chỉ dựa trên 1 thành tố. Theo đó, thì tình yêu trọn vẹn (consummate love) là sự kết hợp hoàn hảo của thân mật, đam mê, và cam kết. Đây là dạng tình yêu mạnh mẽ và bền chặt nhất, nhưng cũng vô cùng hiếm gặp.
Xem thêm:
8 kho báu tình yêu mà chúng ta đều sở hữu
“Yêu hay không yêu, không yêu hay yêu…” cứ để cơ thể nói hộ ta
Trước lạ sau yêu với 36 câu hỏi giúp ta gần nhau hơn
“Khoảng cách” – Ngôn ngữ thứ sáu của tình yêu
Những chương trình hẹn hò thực tế cho chúng ta biết điều gì về tình yêu?
Vén màn bí mật “tình yêu sét đánh”
Thảo luận về bài viết