Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm cùng chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.
Tập trung cho công việc là điều quan trọng. Thế nhưng biết cách làm thế nào để lấy lại sự tập trung một khi đã lỡ xao nhãng còn quan trọng hơn, vì không phải lúc nào cũng có thể tránh gặp phải các tình huống gây phân tâm được.
Check tin nhắn một tí, ra ngoài nghe điện thoại, liên tục đứng lên ngồi xuống để đồng nghiệp tiện ra vào do văn phòng bố trí chỗ ngồi không hợp lý,… có vô số nguyên nhân gây gián đoạn sự tập trung của bạn. Nghiên cứu do Viện Đại học California tại Irvine (University of California, Irvine) công bố cho thấy những lần phân tâm hoàn toàn không phải ‘vài phút vô hại’. Ngược lại, chúng gây lãng phí rất nhiều thời gian – chúng ta cần trung bình 23 phút và 15 giây để lấy lại sự tập trung một khi đã… trót lỡ phân tâm, vì bất cứ lý do nào.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuy nhiên, trong trường hợp này, học cách ‘chữa trị’ cho những lần mất tập trung nghe có phần khả thi hơn, vì không phải mọi nỗ lực phòng tránh xao nhãng đều sẽ có hiệu quả.
Xác định ‘nguồn’ gây mất tập trung
Trước hết, bạn cần nhận thức được mình đang xao nhãng, và xác định đâu là thứ làm mình mất tập trung. Đây là bước đầu tiên trong quá trình ‘quay về’ của bạn. Ngoài ra, hãy dùng ‘cái giá phải trả’ của sự gián đoạn này để làm động lực thúc đẩy bản thân tập trung trở lại. Ví dụ, hôm nay bạn cần kết thúc công việc lúc 6h để còn tham dự một buổi tiệc, mất tập trung đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ không thể hoàn thành trước 6h, và phải thức khuya hơn sau khi đi tiệc về để làm nốt mọi thứ.
Đừng ‘đa nhiệm’
Bạn nghĩ rằng mình đang làm việc cực kỳ hiệu suất khi vừa nghe podcast vừa check email vừa brainstorm ý tưởng cho chiến dịch sắp ra mắt… nhưng sự thật không phải vậy.
Thực chất, bạn không phải đang thực hiện nhiều thứ cùng-một-lúc, mà chỉ là đang chuyển hướng sự tập trung từ việc này sang việc khác mà thôi. Quá trình ‘đa nhiệm’ podcast-email-idea này vừa làm mất nhiều thời gian hơn vừa làm hiệu quả mỗi công việc kém đi so với khi tập trung làm một việc một lúc. Vì thế, đừng ôm đồm, mà hãy cố gắng hoàn thành đầu việc này trước khi chuyển sang đầu việc kế tiếp.
‘Đổi gió’ với task dễ
Đôi khi lý do bạn phân tâm là để né tránh một đầu việc đang gặp vấn đề, hoặc đơn giản là vì công việc đó khiến bạn mất hứng thú (vì quá khó, quá quen thuộc,…). Nói cách khác, bạn đang trì hoãn. Ngay bản thân việc lấy lại sự tập trung cũng thế. Nếu đã nhiều lần thất bại trước đây thì bạn sẽ nhìn nhận trong vô thức rằng đây là một ‘task khó’, và né tránh luôn cả nó.
Một bí quyết để lấy lại sự tập trung khi đã cố tình xao nhãng để né tránh công việc, đó là hãy thử đổi sang những task dễ hoặc có thể tạo cho bạn nhiều hứng khởi hơn (mặc dù độ ưu tiên không cao). Mục đích của việc này là để ‘lấy đà’, giúp bạn nhanh chóng trở lại trạng thái tập trung để còn giải quyết nốt công việc.
Nghĩ về những gì bạn đang làm
Thỉnh thoảng chúng ta không tránh khỏi tình trạng tâm hồn treo ngược cành cây dù cho đang làm việc. Mơ mộng, tìm cảm hứng, lên kế hoạch cho tương lai, vân vân và vân vân, nghe cũng thú vị và cần thiết đấy, nhưng nó cũng được tính là xao nhãng nếu diễn ra không đúng lúc đúng nơi.
Thay vì mất thời gian để tâm trí đi chơi xa, hãy cam kết với nhiệm vụ trước mắt bằng cách nghĩ về những gì bạn đang làm trong thời điểm hiện tại cũng như lý do bạn cần hoàn thành nó.
“Chỉ 5 phút thôi”
Nếu cứ liên tục mất tập trung và cũng không có đủ thời gian để chuyển đổi qua lại giữa các đầu việc, để nghỉ giải lao, hay để tạo đà với những task dễ, thì bạn có thể thử câu thần chú “Chỉ 5 phút thôi.”
Ví dụ, bạn cần làm xong báo cáo để nộp vào chiều nay, nhưng vì nhiều lý do nên mãi vẫn không thể chú tâm vào công việc. Nếu thế, hãy tự nhủ rằng “Mình chỉ cần tập trung vào nó trong vòng 5 phút thôi.” Mẹo nhỏ này sẽ giúp bạn nhìn nhận công việc phải làm theo cách bớt đáng sợ hơn. Một khi đã tập trung được 5 phút, thì việc duy trì trạng thái tập trung cho đến khi hoàn thành mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết