Những gợi ý dưới đây từ các diễn giả TED sẽ giúp bạn thực hành lòng biết ơn và thêm trân trọng cuộc sống của mình. Các “challenge” này có thể được thực hiện theo bất cứ cách nào bạn thấy phù hợp với mình: làm lần lượt trong 5 ngày, hoặc dành cho mỗi thử thách một quãng thời gian liên tục nhất định.
Thử thách #1 – Chụp ảnh những thứ khiến bạn cảm thấy biết ơn
Trong phần chia sẻ trên TEDxQUT vào năm 2014, Hailey Bartholomew đã trải lòng về quá khứ của mình. “Hai đứa con khỏe mạnh, một người bạn đời đáng yêu, nhưng tôi vẫn thấy cuộc đời mình vô vị.” Hailey tìm đến chuyên gia tư vấn, và vị chuyên gia này đã giao cho cô một bài tập: Dành ra 10 phút cuối ngày trong vòng 10 ngày, nghĩ về những thứ làm cô thấy biết ơn, sau đó viết chúng ra.
Bài tập này đã giúp Hailey có cơ hội chú ý nhiều hơn đến những con người và những khoảnh khắc mà trước đây cô không quan tâm đến. Kết thúc 10 ngày, Hailey – vốn là một nhiếp ảnh gia – quyết định sẽ tiếp tục làm điều này trong vòng 1 năm.
Hailey lần lượt đưa vào ảnh những thứ khơi gợi lên trong cô cảm giác biết ơn: màu xanh lá cây, chiếc ô ưa thích, những lá cỏ bay trong gió, con bọ trang trí trông như một viên ngọc trên áo con gái, … Quá trình tìm kiếm những vật thể cũng như sự cảm kích của bản thân đối với chúng còn giúp thay đổi góc nhìn và những định kiến trước đây của cô.
Hailey lấy chồng mình ra để làm ví dụ cho trường hợp này. “Anh ấy không phải mẫu người lãng mạn – không hẹn hò, không mua hoa, không làm những trò yêu đương lãng mạn khác. Nhưng một ngày nọ, khi đang cố gắng tìm kiếm chủ đề cho các bức ảnh, tôi bất chợt trông thấy chồng đang dọn bữa tối – anh ấy đặt lên đĩa của tôi miếng bánh to nhất. Lúc đó, tôi mới nhớ lại rằng anh ấy làm thế mỗi ngày. Nhưng tôi đã không nhận ra, bởi vì tôi chỉ nhìn, chứ không chịu ‘thấy’.”
Còn bạn thì sao? Bạn có thấy được những điều làm mình hạnh phúc, khiến mình thấy biết ơn?
Ảnh: Unsplash / Leon Li
Thử thách #2 – Khi thanh toán dịch vụ, hãy nhìn vào mắt của nhân viên thu ngân, pha chế, hoặc bất kỳ ai đối diện với mình và nói cảm ơn họ.
AJ Jacobs, tác giả sách Thanks A Thousand, cho biết bản thân “là người khá cộc cằn”. Với anh, lòng biết ơn không phải là thứ “tự nhiên mà có được”. Vài năm trước, AJ quyết định sẽ cảm ơn tất cả những con người đứng sau thứ anh không thể nào thiếu trong đời: những cốc cà phê hằng ngày. Đó là những nông dân, những người đã phát minh ra loại cốc dùng một lần, những tài xế xe tải giúp vận chuyển hàng hóa, và rất nhiều những con người khác nữa.
Trên chuyến hành trình đó, AJ ghé lại quán cà phê mình hay đến để nói lời cảm ơn với Chung – người đã pha chế hầu hết những thức uống của anh. AJ chia sẻ trong một buổi TED: “Nhiều người thoải mái la hét – kể cả một vị khách hàng 9 tuổi không vừa ý với họa tiết được vẽ trên thức uống của mình – đến mức Chung phải khóc. Nhưng điều làm Chung buồn nhất đó là cách mọi người đối xử với cô ấy. Họ xem Chung giống một cái máy bán hàng hơn một con người. Nghe cô ấy nói vậy, tôi cũng chợt nhận ra rằng mình cũng từng cư xử tồi tệ như thế.”
AJ cho biết, vào giây phút ấy, anh tự hứa rằng sau này, cho dù chỉ có được 2 giây, anh cũng sẽ tận dụng chúng để nhìn vào mắt người đối diện trong khi giao tiếp với họ. Khoảnh khắc kết nối nhỏ bé đó mang ý nghĩa rất lớn về hạnh phúc và nhân văn cho cả bạn và đối phương.
Thử thách #3 – Đặt ra những “biển báo dừng”
Nhiều người dùng cả đời để theo đuổi hạnh phúc, hay nói đúng hơn là theo đuổi những con người, công việc, tài sản, và triết lý có thể mang đến cảm giác hạnh phúc. Dù sao đi nữa thì để có cảm–giác–biết–ơn, trước tiên ta phải có thứ khiến mình thấy biết ơn đã chứ?
Ừm… không hẳn như thế. Trong bài diễn thuyết của mình, David Steindl-Rast – đồng sáng lập A Network for Grateful Living – chia sẻ: “Có rất nhiều người có cho mình một gia sản khổng lồ… nhưng họ vẫn không thấy hạnh phúc. Họ muốn thêm những thứ khác nữa. Và chúng ta lại biết những người bất hạnh – thảm thương đến độ chúng ta không bao giờ muốn lâm vào tình cảnh tương tự. Nhưng họ vẫn rất hạnh phúc. Lý do vì họ thấy biết ơn. Hạnh phúc không phải là thứ khiến chúng ta thấy biết ơn, mà chính sự biết ơn mới làm chúng ta thấy hạnh phúc.”
Biết ơn cũng giống như chuyện sang đường. Trước tiên cần dừng lại, nhìn đường, sau đó mới đi. Nhưng khi nào thì chúng ta nên dừng lại?
Sau khi trở về từ chuyến đi châu Phi, David cảm nhận lòng biết ơn to lớn với những thứ trước đây ông chưa từng nghĩ mình sẽ cảm kích chúng: nước uống và đèn điện. “Mỗi khi tôi mở vòi nước hay bật công tắc đèn, tôi đều cảm thấy choáng ngợp với hạnh phúc. Nhưng điều này dần dần cũng biến mất. Vì vậy, tôi bắt đầu dán những mảnh giấy notes nhỏ lên công tắc đèn và vòi nước… Bạn có thể làm cách nào phù hợp để đặt ra cho mình những ‘biển báo dừng’ như thế.”
Chúng ta có thể làm như David, hoặc “dừng lại” chụp ảnh như Hailey, hoặc có cho mình ít phút tĩnh tâm mỗi ngày để nghĩ về những thứ làm ta thêm trân trọng cuộc sống này hơn nữa.
Thử thách #4 – Gửi những lời yêu thương cho người thân trong lúc họ vẫn còn hiện diện trên đời
Năm Keka DasGupta 17 tuổi, cha cô gặp tai nạn. Ông qua đời 2 tuần sau đó, và Keka vĩnh viễn mất đi cơ hội nói với cha mình rằng ông có ý nghĩa như thế nào với cô. Để không lặp lại sự hối tiếc này một lần nữa, Keka đã quyết định một điều… khá điên rồ.
“Tôi viết cho mẹ mình một bài điếu văn trong khi bà vẫn còn sống. Trong đó, tôi nói về tất cả những điểm tôi ngưỡng mộ ở bà, cách bà tác động đến cuộc sống của tôi, cũng như những bài học mà tôi có được từ mẹ.”
Mẹ Keka đã vô cùng hạnh phúc. Bà “mụ mẫm cả người vì niềm vui này”. Bạn có muốn khiến ai đó vui vẻ và hạnh phúc hay không, đặc biệt là những người thân nhất của mình? Đừng chần chừ nữa mà hãy nói với họ những lời yêu thương.
Thử thách #5 – Hãy thành thật về những lời cảm ơn mà bạn muốn nhận được
Chuyên gia trị liệu tâm lý Laura Trice hầu như không gặp khó khăn gì trong việc đưa ra yêu cầu về những thứ mình muốn trong đời, ngoại trừ những lời cảm ơn – cô chấp nhận bất cứ thứ gì mình nhận được, đôi khi chấp nhận luôn cả việc chẳng nhận được gì.
Laura không phải trường hợp đặc biệt. Rất nhiều người trong số chúng ta cũng dễ dàng chấp nhận điều này. Tâm lý hy sinh và lối suy nghĩ “làm ơn không cần trả lại” khiến chúng ta e ngại việc cho người khác biết rõ về giá trị bản thân hay những gì mình xứng đáng được nhận. Nhưng sẽ là một thiếu sót rất lớn khi thực hành lòng biết ơn mà lại bỏ qua chính mình. Nếu việc thể hiện cảm kích và bày tỏ lời yêu thương có thể khiến người khác thấy hạnh phúc, vậy lý do gì bạn lại không thể nhận lấy điều tương tự?
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
8 việc nhỏ để nuôi lớn tình yêu bản thân mỗi ngày
7 thử thách “siêu nhỏ” giúp bạn yêu thương bản thân “siêu nhiều”
Công nghệ đã thay đổi cách con người yêu nhau như thế nào?
Thảo luận về bài viết