“TRÊN THẾ GIỚI NÀY, BỆNH NHÂN KHÔNG MẶC ĐỒ BỆNH NHÂN NHIỀU HƠN RẤT NHIỀU”
Điên Thì Có Sao (tựa tiếng Anh: It’s Okay to Not Be Okay) là một trong những bộ phim có nội dung khá mới lạ, khi có một hướng đi rất khác so với nhiều bộ phim K-dramas đình đám khác. Bộ phim nhanh chóng thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả bởi phim khai thác rất sâu và khoa học về vấn đề tâm lý học – hay cụ thể hơn là cho người xem thấy được góc nhìn chân thực về những rối loạn tâm lý của bệnh nhân mắc bệnh tâm thần.
Điên Thì Có Sao là một bức tranh tương đối toàn cảnh về những người mắc bệnh tâm lý khi phần lớn câu chuyện được xây dựng ở viện tâm thần OK. Tại đây chúng ta có thể bắt gặp Moon Sang Tae (Oh Jung Se) – anh trai nhân vật chính, người mắc chứng tự kỷ, Go Moon Young (Seo Ye Ji) – một tác giả truyện thiếu nhi nổi tiếng mắc chứng rối loạn nhân cách phản xã hội, cùng hàng loạt các nhân vật khác với các chứng bệnh hưng cảm, nghiện rượu, ám ảnh hoang tưởng v.v…
Thông qua những câu chuyện của ba nhân vật chính cũng như từng bệnh nhân tại bệnh viện tâm thần OK, Điên Thì Có Sao còn có những thông điệp gửi gắm đến khán giả những bài học chữa lành đầy ý nghĩa.
1. Biết thêm về các bệnh tâm lý – “Mỗi người đều có một câu chuyện của riêng mình”
Mặc dù nhân vật Go Moon Young luôn tỏ vẻ lạnh lùng và thiếu tinh tế trong nửa đầu của bộ phim, nhưng càng về sau phim, người xem đã phần nào thấu hiểu câu chuyện Moon Young đã trải qua khiến cô hình thành tính cách kiêu kỳ của mình. Moon Young có một tuổi thơ đau thương và mối quan hệ không mấy êm đềm với mẹ của mình. Với sự giúp đỡ của hai anh em Kang Tae, cô đã can đảm để vượt qua nỗi sợ hãi gây ra bởi tổn thương trong quá khứ, và dần học được cách kiểm soát những cảm xúc bốc đồng của mình.
Chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality disorder – ASPD) là một trạng thái không bình thường của nhân cách, biểu hiện chủ yếu bằng thái độ thờ ơ, không quan tâm đến hậu quả và quyền lợi của người khác. Những người mắc bệnh này rất ít hoặc thậm chí không quan tâm đến đúng sai trái phải, thường có xu hướng chống đối và rất dửng dưng trước nỗi đau của người khác. (theo mayoclinic.org)
Tương tự, cuộc sống của Kang Tae dường như rất “hoàn hảo” khi anh đạt được mọi thứ mình mong muốn – chăm sóc tốt cho anh trai và tìm được một công việc ổn định. Cho đến khi anh phải đối diện với những tổn thương lúc bé bị mẹ ghẻ lạnh, và nỗi đau quá khứ khi người anh trai Sang Tae nhắc về tai nạn suýt chết của hai anh em tại một hồ nước bị đóng băng.
Hay như trong tập 3, khi xuất hiện một nhân vật mới là con trai của thị trưởng – người mắc bệnh hưng cảm có biểu hiện phô dâm. Trong cuộc sống thật chúng ta thường lên án những kẻ thích phô dâm là bệnh hoạn, biến thái. Nhưng dưới góc độ tâm lý học, đây cũng là một loại bệnh có thể được điều trị.
Lệch lạc tình dục kiểu phô dâm là hành vi lệch lạc tĩnh, nghĩa là đối tượng không có ý tấn công, chiếm đoạt tình dục để thỏa mãn. Tuy nhiên, những người mắc bệnh này thường có triệu chứng lo lắng, căng thẳng và che giấu hành vi của mình. Những hành động bệnh hoạn của họ thường nhận nhiều ánh mắt kỳ thị, soi mói từ xã hội. Bên cạnh sách báo đồi truỵ, nguyên nhân dẫn đến phô dâm chủ yếu do nội tiết, những tổn thương về hành vi tình dục trong quá khứ hoặc tổn thương hệ thần kinh trung ương. Hầu hết những người mắc chứng phô dâm không được điều trị cho đến khi họ bị người thân phát hiện hoặc cộng đồng lên án. Giống như nhân vật trong phim, thay vì được điều trị và nhận được sự quan tâm của gia đình, anh bị những người thân xem là nỗi ô nhục của gia cần phải được giấu nhẹm đi.
Hành vi phô dâm ở nam giới xuất hiện từng đợt, có lúc chỉ 10 – 15 phút, có người xuất hiện nhiều cơn trong ngày, nên thường lầm tưởng bị tâm thần. Sau khi qua cơn bệnh, họ lại bình thường, và cảm nhận được chuyện họ làm là sai trái nhưng thường không được ai thông cảm và hướng dẫn phương pháp điều trị.
Phim đã mở ra những câu chuyện rất “thầm kín” về cuộc đời của mỗi nhân vật và những “vết nứt” khó nói ra, cho ta thấy rằng không nên đánh giá một cuốn sách chỉ qua phần bìa của nó.
2. Phương pháp điều trị tâm lý đặc hiệu nhất – “Cách duy nhất để vượt qua tổn thương chính là đối diện với nó”
Mỗi nhân vật trong Điên Thì Có Sao đều nuôi giữ những tổn thương trong lòng, và cách họ phản ứng với các vết thương vô hình ấy lại vô cùng “giống nhau.” Họ đều liên tục né tránh, “nuông chiều” những tổn thương của bản thân cho đến một ngày chính điều đó khiến họ và những người xung quanh thêm phần đau đớn.
Ví dụ như trường hợp nhân vật con trai thị trưởng, Kwon Ki Do. Mọi thứ thực sự chỉ tích cực lên đối với anh Khi anh quyết tâm đối diện với nỗi sợ hãi của bản thân bằng màn “gây rối” nhảy nhót ngay tại sự kiện cộng đồng của bố mình. Vì có thể giãi bày lòng mình, anh đã rút ngắn hơn khoảng cách với gia đình và nhận được sự thông cảm, thấu hiểu của những người xung quanh.
Câu nói “Bươm bướm có nghĩa là psyche (tâm thần hoặc linh hồn). Psyche tượng trưng cho sự chữa lành. Bướm có khả năng chữa bệnh” luôn được Sang Tae tự nhủ trong đầu sau cuộc gặp gỡ của anh với giám đốc bệnh viện tâm thần OK, Tiến sĩ Oh Ji Wang (Kim Chang Wan). Nỗi ám ảnh thường trực về đàn bướm giết chết mẹ mình năm xưa đã trói buộc cả hai anh em Sang Tae trong nỗi sợ hãi và lẩn tránh.
Khi hình ảnh bươm bướm được nhân vật phản diện gợi ra để nhằm làm tổn thương người khác, nhân vật Go Moon Young đã nói “Nếu nỗi đau không thể xóa đi thì chỉ cần tô thêm hạnh phúc vào là được” và Sang Tae đã dùng một lớp màu khác để tô chồng lên nó. Có thể đến cuối cùng cảm giác bất hạnh sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta, thế nhưng tất cả mọi người vẫn có thể hạnh phúc nếu dám đối diện với quá khứ và phủ lên nó bằng sự lạc quan, tình thương với chính mình và những người xung quanh.
Hay như một “mẹo” rất nhỏ có thể được áp dụng trong chính cuộc sống hằng ngày mà thường được các vị diễn giả sử dụng cũng đã được đưa vào ngay trong tập 2 của bộ phim. Cứ mỗi khi cảm thấy mất bình tĩnh, bạn có thể bắt chéo tay qua hai vai. Đây còn được gọi là phương pháp ôm kiểu bướm, một liệu pháp trị liệu cho những bệnh nhân bị trấn thương tâm lý nhằm giúp họ bình tĩnh lại khi rơi vào tình huống mất kiểm soát”
3. Việc chữa lành sẽ đi kèm với thời gian và nỗ lực
Xuyên suốt bộ phim, người xem hiểu được rằng các vấn đề về sức khỏe tâm thần – như rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý (PTSD), mất trí nhớ, trầm cảm – không thể biến mất trong một sớm một chiều. Thông qua một thời gian dài với nhiều sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh, cùng những nỗ lực đấu tranh để vượt qua vô số trở ngại, các nhân vật trong phim phải đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình và cuối cùng họ đã có thể tận hưởng niềm vui.
Kang Eun Ja (Bae Hae Sun), một bệnh nhân tại bệnh viện OK, đã phải vật lộn với chứng trầm cảm sau khi mất con gái trong một vụ tai nạn xe hơi thảm khốc. Việc mất đi người thân dẫn đến nỗi ám ảnh đeo bám cô về chiếc khăn choàng lông mà con gái đã tặng ngay trước khi qua đời. Trải qua nhiều sự việc, cuối cùng Kang Eun Ja cũng chịu đưa chiếc khăn choàng cho Moon Young, như muốn nói rằng cô sẽ bỏ lại mặc cảm tội lỗi vì đã la mắng con gái mình, cũng như sẽ chấp nhận sự thật rằng con gái đã không còn ở bên cạnh.
4. Bạn khác biệt không có nghĩa là thế giới đối xử khác biệt với bạn
Được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, Sang Tae gặp nhiều khó khăn để nhận ra cảm xúc của người khác, và thích đọc sách trẻ em, xem phim hoạt hình Dooly the Little Dinosaur những năm 1980 của Hàn Quốc.
Tự kỷ hay còn gọi là rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) là một rối loạn bao gồm các biểu hiện lâm sàng đặc trưng với khả năng thiếu hụt về kỹ năng xã hội, các hành vi lặp lại và thiếu hụt hay thậm chí không có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ. Ngoài các biểu hiện trên, người mắc chứng tự kỷ còn có thể có những biểu hiện lâm sàng khác như co giật, động kinh, rối loạn vị giác, âm thanh, giấc ngủ, tăng động giảm chú ý, có vấn đề về hệ tiêu hóa, thường xuyên lo lắng, bồn chồn…vv. (theo vinmec.com)
Kang Tae đã chăm sóc anh trai mình cả đời và luôn đảm bảo rằng anh trai sẽ không bao giờ bị người khác đối xử khác biệt. Vào cuối phim, Sang Tae học được cách sống độc lập hơn khi anh đã mời em trai mình một bữa ăn và bắt đầu sự nghiệp vẽ tranh minh họa của mình.
Chi tiết này là một trong nhiều điểm nhân văn nổi bật của bộ phim, bởi việc thăm khám bác sĩ tâm lý và có những thảo luận cởi mở về sức khỏe tâm thần là điều trước giờ (và cho đến nay) luôn bị xem là điều cấm kỵ ở Hàn Quốc, nên người Hàn Quốc có cái nhìn “phân biệt” đối với bệnh nhân mắc bệnh tâm thần. Phim đã khai thác rất tinh tế về những diễn biến tâm lí của một bệnh nhân có bệnh tâm lý, cho người xem một góc nhìn tích cực và thông cảm hơn về họ.
Tại Việt Nam, theo ước tính của chuyên gia, có khoảng một triệu trẻ tự kỷ và 8 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp (nguồn: vnexpress.net). Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng này, rất nhiều đơn vị, tổ chức đã thực hiện rất nhiều hoạt động tuyên truyền, ý nghĩa. Ví dụ như ngay trong tháng 4 năm 2020, chương trình AAA đã được cư dân mạng Việt Nam chia sẻ rất nhiều và kêu gọi chung tay tìm 100.000 chữ A giúp trẻ tự kỷ đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm, chú ý từ cộng đồng.
5. “Điên thì có sao”
Tiêu đề của bộ phim đã nói lên tất cả! Câu chuyện của mỗi nhân vật trong phim Điên Thì Có Sao đã nhấn mạnh một sự thật rằng mọi người đều có những tổn thương, những dồn nén của riêng mình. Nói cách khác, trong lòng mỗi người đều như có một “vết nứt” hình thành từ những ức chế bị dồn nén. Và rằng đôi lúc chúng ta cũng cần một lúc được… điên, được sống thật với cảm xúc của mình. Những vết thương đấy được chữa lành thông qua giao tiếp và sự giúp đỡ lẫn nhau. Như được tượng trưng bởi những con bướm trong suốt các tập phim, việc hàn gắn tình cảm sẽ đi kèm với thời gian và nỗ lực.
Bài viết được tham khảo từ nguồn hypebae.com
Nguồn ảnh bìa korea.net
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Squid Game – Trò chơi sinh tồn kinh dị với gam màu… tươi sáng bất ngờ từ Netflix
Spider–Man: No Way Home – Cánh cổng bước vào kỷ nguyên đa vũ trụ của MCU
Hôm Qua Ăn Gì? – Một câu chuyện tình nhẹ nhàng và… ngon miệng