Có lẽ, tất cả chúng ta đều mong muốn sự hạnh phúc trong công việc mà ta đang làm. Nhưng thật không may, bạn có thể đang mắc phải những sai lầm ảnh hưởng đến tâm lý khi làm việc của mình. Từ đó, bạn có thể trở nên buồn bã, chán nản hoặc thất vọng mỗi khi đi làm việc.
Nhưng bạn đừng lo! Những cảm xúc tiêu cực này mà có thể bạn đang cảm thấy là hoàn toàn bình thường. Thực tế là, bạn không phải là người duy nhất đâu.
Nói ở tầm vĩ mô, nhiều người cảm thấy thế giới này ngày càng trở nên bất ổn, với nhiều ý kiến phân cực và áp lực. Còn đối với trong thâm tâm, nhiều người lao động cho biết họ cảm thấy càng ngày bị giám sát bởi cấp trên, cũng như căng thẳng và cô đơn trong công việc.
Bạn có thể cảm thấy như thể mình đang leo lên một dốc cao để đến ‘chạm’ đến niềm vui và hạnh phúc trong công việc. Nhưng thực ra, chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ và hành động thì bạn có thể trở nên hạnh phúc hơn khi làm việc đấy.
5 suy nghĩ mà bạn nên xoá bỏ để có thể hạnh phúc hơn trong công việc
1. Đừng quá biến hạnh phúc của mình trở thành mục tiêu
Một trong những điều đầu tiên sẽ cản trở bạn đó là: chọn hạnh phúc là mục tiêu cuối cùng phải hướng đến.
Có một thực tế là, khi mọi người dành năng lượng và thời gian để tìm kiếm hạnh phúc, họ có xu hướng cảm thấy áp lực hơn và thiếu thời gian hơn, dẫn đến họ trở nên ít cảm thấy vui vẻ. Đó là chưa kể, khi ta càng tập trung vào hạnh phúc, ý ở đây là tìm kiếm hay theo đuổi nó, sẽ khiến bạn càng cảm thấy không hài lòng.
Có một vài lý do để giải thích cho nghịch lý này. Thứ nhất, nếu bạn đang dành thời gian để tìm kiếm hạnh phúc, bạn sẽ thường xuyên phải nhắc nhở bản thân về những gì bạn chưa có (bởi nếu không, bạn đâu có tìm kiếm nó!). Thay vậy, điều tốt nhất nên làm là hãy trân trọng và biết ơn những gì bạn đang có ở hiện tại.
Thứ hai, việc theo đuổi hạnh phúc thường khiến người ta tập trung vào bản thân, điều này có thể dẫn đến cảm giác cô đơn và mất kết nối. Thay vào đó, hạnh phúc thường gắn liền với việc tập trung nhiều hơn vào người khác và cách bạn cống hiến cho mọi người cũng như đóng góp cho cộng đồng của mình. Chính vì vậy, hạnh phúc của một người nên là sự biết ơn về tất cả những gì bạn có thể trân trọng, như: con người, công việc, và những trải nghiệm của mình.
Bạn có thể áp dụng vào trong môi trường làm việc bằng cách mang lại niềm vui cho các đồng nghiệp dự án mà bạn tham gia. Ngoài ra, hãy suy nghĩ xem có cách nào mà tài năng của bạn có thể đóng góp cho nhóm, hoặc tìm cách hỗ trợ cho người khác hay không.
2. Đừng kỳ vọng hạnh phúc phải luôn luôn ổn định, liên tục hoặc bền vững
Mong đợi hạnh phúc sẽ mãi mãi ở bên bạn là một trong những ý nghĩa gây hại lớn lên tinh thần của bạn. Thực tế là, cảm giác về hạnh phúc sẽ thay đổi theo thời gian. Bạn có thể có một tuần làm việc tuyệt vời, rồi sau đó gặp phải một dự án đặc biệt khó khăn hoặc các vấn đề rắc rối từ khách hàng và sự hạnh phúc của bạn có thể giảm sút.
Một nghiên cứu thú vị được công bố trên Journal of Experimental Psychology đã so sánh hơn 2.300 người ở 8 quốc gia. Kết quả đã cho thấy ở nhiều nền văn hóa phương Tây vẫn tin rằng hạnh phúc nên là một yếu tố ổn định trong đời sống con người. Nhưng điều này không đúng lắm. Hạnh phúc không phải là một cái danh sách mà bạn có thể đánh dấu là đạt được rồi để đó là xong.
Hãy nhớ rằng: sẽ luôn có những ngày mà ta sẽ tràn đầy hạnh phúc, và có những hôm không được như vậy. Nên là, hãy hít thở thật sâu và sau đó thực hiện các bước để giải quyết những vấn đề đang gây ra cho bạn sự không hạnh phúc hoặc căng thẳng đó đi nào.
3. Chọn con đường dễ dàng là điều sai lầm
Có một nghịch lý của hạnh phúc là: những điều khó khăn nhất cũng là những điều mang lại cho ta nhiều sự thỏa mãn nhất.
Bạn nghĩ thử đi! Ví dụ, hôn nhân hoặc mối quan hệ với bạn đời có thể khó khăn nhưng cũng rất ý nghĩa. Việc nuôi dạy con cái có thể là thử thách, nhưng cũng mang lại nhiều niềm vui. Và đôi khi, những công việc khó khăn nhất lại là những công việc đáng giá nhất, chẳng hạn như hoàn thành một dự án lớn hay nảy ra một sáng kiến mới quan trọng có ảnh hưởng đáng kể đến sự nghiệp hiện tại, cho công ty hoặc thị trường.
Ngoài ra, càng nỗ lực nhiều cho một điều gì đó, bạn sẽ càng cảm thấy tốt hơn khi đạt được nó. Điều này sẽ ngược với những lúc khi bạn chỉ làm qua loa. Bởi thế có thể nhận ra, một nỗ lực đáng kể có thể góp phần vào sự hạnh phúc.
Nếu bạn không có đủ thử thách, bạn sẽ cảm thấy thiếu động lực và chán nản, tương tự như khi bạn có quá nhiều căng thẳng. Và khi bạn có một lượng thử thách vừa phải, bạn sẽ cảm thấy tích cực. Chính những thử thách này sẽ mang lại cho bạn cảm giác có mục đích nào đó, và gợi là cho bạn rằng những đóng góp của mình đối với công việc là điều cần thiết và có ý nghĩa.
Nói đi cũng phải nói lại, bạn nên có sự cân bằng giữa 2 khía cạnh công việc và đời sống. Nhưng để có hạnh phúc ở môi trường công sở, hãy tìm kiếm cho mình những thử thách và cơ hội để học hỏi những điều mới để mở rộng khả năng của mình thêm. Hãy tình nguyện tham gia các dự án mới, chỉ ra và tự động giải quyết vấn đề, cũng như sẵn sàng đón nhận các ý kiến trái chiều để đạt được kết quả tốt hơn.
4. ‘So sánh là kẻ trộm niềm vui’
Trong tiếng Anh, câu này là ‘Comparison is a thief of joy’ và quả thật là đúng vậy. Một kiểu suy nghĩ mà khiến bạn không hạnh phúc là luôn so sánh bản thân mình với người khác.
Nhưng trong bối cảnh mạng xã hội trở thành công cụ giao tiếp chính, việc phán xét bản thân và cảm thấy thiếu thốn, khi so sánh từ những bài đăng của người khác sẽ càng trở nên trầm trọng hơn. Đối với điều này, chúng tôi hi vọng bạn biết rằng: hạnh phúc đích thực không phải là của chung, mà là mỗi người mỗi khác.
Bạn có thể đang so sánh ngày tồi tệ nhất của mình với ngày tuyệt vời nhất của người khác, hoặc bạn có thể đang so sánh thực tế của mình với sự hoàn hảo đã được chỉnh sửa của người kia. Chính vì vậy, hãy giảm bớt áp lực cho bản thân. Bởi có nhiều cách để sống một cuộc đời tốt đẹp, và cuộc sống của bạn có thể khác với người kia. Chỉ cần bạn làm tốt nhất có thể là đã có lý do để ‘ăn mừng’ rồi.
5. Không nên chờ đợi hoặc trì hoãn
Có một quan niệm sai lầm là bạn phải chờ đợi mọi thứ phải thật hoàn hảo để có thể hạnh phúc. Nhưng thực tế đâu phải như vậy, đúng không?
Ngoài đời, mọi thứ hiếm khi hoàn hảo. Đó là lý do tại sao bạn sẽ không cảm thấy hạnh phúc nếu chờ đợi niềm vui đến với bạn, thay vào đó, hãy đứng lên và tự tạo niềm vui của mình nào! Không có lựa chọn nghề nghiệp nào sẽ đưa bạn đến sự hoàn hảo. Mỗi công việc đều có những điều bạn sẽ thích và những điều bạn không thích. Mỗi dự án mới sẽ phát huy một số điểm mạnh của bạn và đòi hỏi những kỹ năng mà bạn có thể không có.
Ngay cả những lựa chọn cá nhân cũng sẽ bao gồm những ưu và nhược điểm: bạn có thể yêu khu phố của mình nhưng không thích việc đi lại, bạn có thể yêu bạn đời của mình ngoại trừ vài thói quen xấu của họ. Chính vì vậy, hãy định hình lại tư duy của mình. Đặt mục tiêu, lập kế hoạch và tự quyết cho bản thân những gì mà bạn tin là tốt nhất.
Hãy cố gắng chọn những vai trò mà bạn có cơ hội được làm nhiều điều bạn yêu thích và ít điều bạn không thích. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng không phải lúc nào bạn cũng sẽ nhận được trách nhiệm hoàn toàn phù hợp với đam mê của mình đâu.
Tóm lại là…
Chúng ta thường tin rằng hạnh phúc nên luôn luôn trên đà hướng lên, nhưng điều này lại không hề thực tế. Thay vì như thế, hãy chấp nhận đặc tính ‘nắng mưa’ của sự hạnh phúc, và trân trọng những khoảnh khắc tuyệt vời cũng như vượt qua những khoảnh khắc khó khăn.
Bạn hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng việc đôi khi cảm thấy buồn bã là điều tự nhiên. Nhưng hãy trao quyền cho bản thân để đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất với những gì bạn coi trọng và ưu tiên. Làm như vậy sẽ giúp bạn lan toả hạnh phúc trong cả công việc cũng như cuộc sống cá nhân.
Xem thêm: Thế hệ Millennials và Gen Z với 4 lưu ý để xây dựng sự nghiệp có ý nghĩa