Chúng ta hay nghĩ rằng: tuổi già là giới hạn, và người lớn tuổi là những “người thừa”. Thế nhưng đâu đó vẫn còn những người tuy tuổi cao nhưng tâm hồn vẫn trẻ trung và cuộc đời vẫn hạnh phúc không kém (hoặc có khi hơn) cả chúng ta – những người trẻ tuổi.
Hãy để trái tim được đập một cách mạnh mẽ nhất
Năm 2001, chồng ta qua đời. Ta đã mất rất nhiều thời gian để cân bằng lại cuộc sống sau những năm tháng dài chăm sóc ông ấy. Một ngày nọ, ta thức dậy với ý nghĩ: “Nào! Đến lúc phải sống cho mình rồi.”
Ta cần phải tận dụng hết mức quãng thời gian còn lại của mình. Ta học một khóa tin học, đi nhảy dù. Ta còn thử tham gia đua xe drag race(*) nữa. Thằng con ta, cũng sáu mươi mấy tuổi rồi, đi cùng ta đến chỗ đua, sau đó nó nhường cho ta cầm lái. “Đau tim” dữ lắm à, nhưng mà chưa bao giờ ta đua dưới vận tốc 100 dặm/giờ hết. Vậy thì còn gì vui đâu.
Mấy đứa con ta đều có lương hưu, tụi nó không cần ta như hồi trước nữa. Ta hoàn toàn không hối hận khi đã dành phần lớn thời gian chăm sóc gia đình và làm việc cật lực để nuôi nấng các con, nhưng công việc đó bây giờ chấm dứt rồi. Nếu ngày mai ta chết thì thế giới cũng chẳng sứt mẻ gì, vậy nên nếu hôm nay ta tận hưởng bản thân thì cũng không ảnh hưởng đến ai. Còn thở là còn sống, và hãy để trái tim đập thật mạnh mẽ để tiếp tục sống vui. Ta vẫn chưa sắp xếp được giờ trống để đi bơi với cá mập ở Thủy cung London nữa đấy nhé.
(*) drag racing: Thể loại đua đường thẳng với 2 xe tham gia, cùng xuất phát và chạy trên 2 làn song song với độ dài tiêu chuẩn ¼ dặm, xe nào cán đích trước thì thắng cuộc. Mặc dù thể thức đơn giản hơn hầu hết các môn thể thao tốc độ khác nhưng drag race lại được xem là một trong những môn thể thao gay cấn nhất thế giới. Mục đích chính của những cuộc đua loại này là kiểm tra gia tốc giới hạn, tốc độ cực đại của xe cũng như khả năng tập trung và trình độ của các tay đua.
— Bà Irene Lewington, 92 tuổi, London —
Làm gì đó thật quyến rũ vào
Ta đã làm tình nguyện viên của phòng tập Age UK này được vài năm rồi, từ khi mới chuyển đến đây. Thế nên ta cũng không nghĩ gì nhiều khi họ nhờ giám sát một số lớp mới mở, cho đến khi ta biết đó là lớp dạy múa cột và nhảy burlesque(*)!
Ta đã vô cùng hào hứng! Ta chưa bao giờ thử, nhưng ta đã chìm đắm trong những bước nhảy đó. Ta nhảy một bài chair dance(**) theo điệu Santa Baby và mặc một chiếc quần đùi bằng nhung rất dễ thương.
Ta đã từng là một người hay xấu hổ và lo sợ người khác đánh giá không tốt về mình. Giờ ta nhận ra rằng điều đó không còn quan trọng nữa. Nếu có ai đó không hài lòng khi ta đang tận hưởng niềm vui của bản thân, thì kệ họ chứ. Đó là vấn đề của họ, không phải của chúng ta. Nếu muốn trẻ trung thì hãy làm gì đó thật quyến rũ vào! Các con ta không có ý kiến gì về chuyện này, nhưng mà dù sao đây cũng có phải việc của chúng nó đâu nào.
(*) burlesque dance: trình diễn thoát y nghệ thuật
(**) chair dance: một nhánh của cabaret dance, người trình diễn sẽ thực hiện những động tác nhảy múa với đạo cụ là ghế
— Bà Jeni Coombs, 73 tuổi, Bognor Regis —
Hãy ngớ ngẩn một chút
Lúc bắt đầu cách ly, tụi nhỏ lo lắng lắm. Người ta vẫn nói mấy người già trên 70 tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương trong dịch bệnh ấy mà. Thế là ta gửi cho tụi nó mấy cái video. Cái đầu là cảnh ta đang nhảy trên sô-pha hệt như một đứa con nít. Cái nữa quay lại hôm ta đang sơn nhà. Ta đã mặc một bộ đồ vô cùng ngớ ngẩn, cầm chổi sơn rồi nhảy theo bài Uptown Girl của Billy Joel, còn bà vợ ta thì cũng nhún nhảy theo nhạc với cái chổi quét bụi trên tay.
Ta đã có nhiều năm làm chức vụ quản đốc trong một nhà máy điện. Tính hài hước lúc nào cũng có ích. Nếu hôm ấy là một ngày đẹp trời thì mọi người sẽ vui vẻ hơn, còn nếu có sự cố hay sai sót thì nó cũng giúp mọi người không lâm vào cảnh chán nản. Thay vì dùng “nắm đấm thép” thì hãy giải quyết mọi chuyện theo cách tinh tế, nhẹ nhàng, bạn sẽ thấy sự khác biệt.
Ta luôn tin rằng tất cả chúng ta hãy cứ trẻ con một chút, ngớ ngẩn một chút. Đánh mất điều đó rồi thì tất cả những gì còn lại chỉ là một tâm hồn già nua cằn cỗi, không cần biết lúc đó ta bao nhiêu tuổi. Điều đó không chỉ giúp bản thân ta hạnh phúc mà còn cho những người xung quanh ta nữa.
— Ông Kevan Gee, 75 tuổi, Rugeley —
Lắng nghe con tim mình
Vài năm trước, trên chuyến tàu về nhà ta đã gặp và trò chuyện với một người đàn ông. Ông ta khoảng 50 tuổi, trông có vẻ giàu có và đang gặp chuyện không vui. Ông ấy hỏi vì sao ta cứ cười toe toét thế. Hôm ấy ta vừa hoàn thành vai diễn trong một tập của xê-ri Doctors. Vai nhỏ thôi, nhưng ta đã kể cho ông ấy nghe về ngày làm việc tuyệt vời của mình.
Ước mơ của ông ấy là làm phát thanh viên dự báo thời tiết, nhưng đồng thời cũng muốn có một ngôi nhà to rồi đồ trang trí nọ kia. Ta không hỏi thêm về công việc ông ấy đang làm, nhìn thì thấy có vẻ như hiện tại ước mơ nhà to đã hoàn thành rồi. Ông ấy nói rằng mình ghét tất cả những công việc từng làm. Ta đã trả lời con người đáng thương ấy rằng, “Cưng ơi, cưng đã làm sai cách hết rồi.”
Ta làm diễn viên được 63 năm rồi, và ta có thể tự hào nói rằng ta là một người rất giỏi trong lĩnh vực đó. Ta đã tham gia nhiều dự án truyền hình, điện ảnh, và sân khấu. Tất nhiên nếu được nổi tiếng hơn, kiểu như được thế giới biết tên, thì ta cũng thích, nhưng lý do để ta làm công việc này, bởi vì ta thấy vui. Hồi khoảng năm mươi tuổi, ta từng nghỉ diễn 3 năm để đi học phục hồi đồ nội thất, vì lúc ấy ta thích công việc đó và thấy vui khi được làm nó. Sau đó ta lại quay về với diễn xuất. Ta chỉ có một điều để nói, rằng hãy lắng nghe con tim mình, và hãy làm theo những gì nó mách bảo.
— Bà Janie Booth, 79 tuổi, London —
Nếu thất bại cũng đừng sợ hãi
Năm 1983, lúc ta bảo sẽ đến London đăng ký chạy marathon, bà vợ ta đã cười cơ đấy! Thì đúng là ta chưa từng thử chạy bộ trước đây, nhưng khi nghe trên radio báo chiều hôm đó là hạn chót, thì ta chợt nghĩ rằng, “Chà, sao không thử nhỉ?” Mặc dù lúc chạm đích thì cảm giác rất “thành tựu”, nhưng trong cơn kiệt sức ta đã thề rằng sẽ không bao giờ lặp lại điều này một lần nữa.
Đến giờ thì ta đã tham gia tổng cộng 52 cuộc thi marathon, ở London là 32 trận. Ta là người tham gia cao tuổi nhất trong giải đấu gần đây. Ta nghĩ rằng, thử cái gì đó rồi thua dù sao vẫn hơn là hoàn toàn không thử. Trước đây ta có bao giờ nghĩ sẽ chạy marathon đâu, nói gì đến việc hoàn thành cuộc thi đầu tiên ấy. Thế nhưng ta cứ “liều mạng” thử, và điều đó đã thay đổi cả phần đời còn lại của ta.
Dạo này ta hay hỏi về ước mơ của mọi người và cố gắng tiếp thêm động lực cho họ. Nếu có ai đó nói rằng chạy bộ hoặc bơi lội không phải là thứ dành cho họ, thì ta sẽ ra sức thuyết phục họ cứ thử đi. Và sau đó, ta sẽ nhìn khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của họ đang lao về vạch đích của cuộc thi đầu tiên mình tham gia trong đời. Với ta thì đó là niềm vui.
Ta không cần người khác nhìn mình và bảo mình là siêu nhân, chỉ cần họ nhìn ta, nhìn những gì ta làm, và nghĩ rằng “Nếu ông lão đó còn làm được thì tôi cũng sẽ làm được.” Vậy là đủ rồi.
— Ông John Starbrook, 90 tuổi, Windsor —
Đón nhận những đau khổ
Cha ta là chủ một ngân hàng ở Úc. Hôm ấy cả nhà ta đang đi thuyền đến nhiệm sở mới của cha thì bị lính Đức bắt giữ và đưa đến Nhật Bản. Cả nhà gồm cha mẹ, chị gái, và ta đã trở thành tù binh cho đến 1945. Thử thách của ta là đối mặt với sự thật đó, đồng thời tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.
Ta tìm đến đức tin từ những ngày niên thiếu. Là một giáo sĩ, ta đã chứng kiến đủ loại khổ đau, những người tự tử, tai nạn, ung thư, ly hôn, thậm chí giết người. Ta đã học được rằng cách chúng ta đối mặt với những khó khăn cũng như những gì ta nhận được từ chúng mới là điều quan trọng.
Đừng lảng tránh những người đang đau khổ. Hãy tìm đến họ, cảm thông và chia sẻ với họ. Hãy lắng nghe để tự mình cảm nhận những buồn đau, và sau đó, với sự cho phép của họ, hãy giúp đỡ. Đừng chôn vùi hay phủ nhận đau khổ, hãy đón nhận nó. Bằng cách ấy, những khổ đau sẽ không còn đủ sức gây hại nữa, còn chúng ta sẽ thêm trưởng thành.
— Ông David Cook, 79 tuổi, Gloucestershire —
(Theo The Guardian)
Thảo luận về bài viết