Chúng ta hiếm khi nói về bạo hành tinh thần hay lạm dụng cảm xúc, cho dù nó đau đớn và gây tổn hại không kém gì hình thức bạo hành thể chất. Đây không phải đề tài trò chuyện được ưa thích, vì nó đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng để đặt câu hỏi và truy nguyên các hình mẫu cảm xúc của chính mình – một việc làm gây đau đớn không kém gì trải nghiệm bị lạm dụng.
Nó yêu cầu chúng ta phải nhìn lại bản thân, nhìn vào gia đình, nhìn về các mối quan hệ đã qua. Nó cần chúng ta đặt câu hỏi – Vì sao tôi lại có cảm giác mọi chuyện không ổn? Vì sao họ khiến tôi cảm thấy mình không đủ tốt? Vì sao tôi luôn bị kiệt sức và mỏi mệt mỗi khi ở gần họ. Và hơn hết, việc thừa nhận bản thân bị lạm dụng cảm xúc đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng, một số người mình yêu thương nhất hóa ra không thực sự tốt đẹp và yêu thương mình như mình nghĩ.
Cách tốt hơn có lẽ là trở nên nhạy bén hơn với các dấu hiệu bất ổn, để có thể dũng cảm thừa nhận và tìm cách giải thoát khỏi mối quan hệ độc hại trước khi mọi việc trở nên quá muộn.
#1 – Bạn không thể biết điều gì sắp xảy đến
Tâm trạng của bạn thường xuyên lên xuống tùy thuộc vào tâm trạng của đối phương. Vấn đề là bạn không làm việc này một cách tự nguyện – không phải kiểu ‘người ấy cười là tôi vui, đối phương khóc thì tôi buồn’ đâu. Những kẻ lạm dụng cảm xúc dùng chính trạng thái tinh thần của mình để làm vũ khí. Đang trò chuyện hết sức vui vẻ bình thường, nhưng chỉ cần một câu (có khi một chữ) nào đó bạn vô tình thốt ra cũng sẽ thành cái cớ để họ bùng nổ.
Dần dần, bạn bắt đầu học cách quan sát họ để còn lựa lời mà nói, lựa ý mà nghĩ. Từng câu từng chữ trước khi nói ra đều phải chạy qua 7749 bộ lọc trong đầu. Tất cả vì bạn sợ người kia sẽ (lại) nổi giận. Nhưng ngay cả như thế, đối phương vẫn tiếp tục tìm ra những cái cớ khác để cãi nhau.
Khép nép, cẩn trọng, sàng lọc bản thân mỗi giây mỗi phút là không bình thường. Tự giám sát hành vi và lời nói của mình mọi lúc để biết đâu là cái nên làm cũng không bình thường. Nếu bạn thấy mệt mỏi, căng thẳng, luôn phải dè chừng mọi bước chân, thì sự thật rất có thể là vì sàn nhà của bạn đang phủ đầy mảnh thủy tinh vỡ đấy.
#2 – Ai là người có lỗi?
… không cần hỏi cũng biết người đó chính là bạn, kể cả khi bạn là người chịu tổn thương.
Những người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc và những người cố ý lạm dụng cảm xúc người khác thường không nhận lỗi hay xin lỗi. Cái tôi siêu nhạy cảm khiến họ cảm thấy bị xúc phạm bởi bất cứ thứ gì không phù hợp với niềm tin, cách nhìn nhận, hay cảm xúc của họ. Mỗi lúc làm lỗi với bạn, thay vì lắng nghe và thừa nhận, họ sẽ tìm mọi cách đổ hết trách nhiệm lên bạn, khiến bạn nghĩ rằng mình mới là người có tội. Ngay cả trạng thái bị tổn thương hiện thời cũng là do cảm xúc của bạn và chỉ bạn mà thôi, họ hoàn toàn không làm gì sai cả.
Những kẻ lạm dụng cảm xúc là những người rất bất an. Họ quá bất an để có thể tự nhìn lại bản thân mình, chứ đừng nói gì đến việc thừa nhận đã làm tổn hại người khác.
Người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc nhìn nhận mọi sự trên đời chỉ với hai thái cực trắng–đen, hoàn toàn không có chỗ cho vùng xám thỏa hiệp hay các mảng màu sắc khác nhau phản ánh những cách tư duy khác nhau. Trong cách nhìn của họ, nếu bạn không đồng tình với họ, điều đó có nghĩa là bạn đang chống lại họ.
#3 – Bạn muốn ghi âm hoặc ghi hình mọi thứ để chứng tỏ rằng mình không bị điên
Bạn đã bao giờ rơi vào trường hợp hoàn toàn chắc chắn rằng đối phương đã nói về việc A, nhưng sau đó họ phủ nhận dữ dội đến mức bạn phải tự hỏi rằng có khi nào chính mình mới là người nhầm lẫn?
Đây là một trong những chiêu thức yêu thích của người thích bạo hành tinh thần kẻ khác. Buộc đối phương phải chất vấn chính mình để rồi sau đó xin lỗi về những điều mình hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm là cách để những người lạm dụng cảm xúc tránh né việc phải giải trình hay thừa nhận những lỗi lầm đã gây ra. Một lần nữa, họ dùng chính trạng thái tinh thần của bạn như một vũ khí để tấn công và kiểm soát bạn.
#4 – Bạn không biết mình đang tôn trọng hay đang sợ hãi đối phương
Những người chưa trưởng thành về mặt cảm xúc và những người yêu bản thân thái quá thường nhầm lẫn giữa nỗi sợ và lòng tôn trọng. Theo cách nhìn của họ, thao túng tinh thần để đối phương phải dè chừng trước những phản ứng, hành vi, cảm xúc, … của họ là một cách để họ có được ‘sự tôn trọng’ của người khác. Mỗi lần bùng nổ cảm xúc, họ cần người khác không chống lại mình (vì như thế mới tôn trọng).
Trớ trêu thay, những tiêu chuẩn khắt khe này không bao giờ được họ áp dụng lên chính mình. Họ xứng đáng được tôn trọng, nhưng người khác thì không. Mối quan hệ với một người chuyên lạm dụng cảm xúc không bao giờ là một mối quan hệ lành mạnh. Họ không hiểu thế nào là tôn trọng, thế nào là đàn áp. Thế nên về phần mình, họ cũng không biết cách tôn trọng nhu cầu và ranh giới cá nhân của người khác.
#5 – Bạn trở nên thiếu tự tin về bản thân
Một trong những hệ quả nghiêm trọng của việc bị bạo hành và lạm dụng cảm xúc, đó là nạn nhân dần đánh mất niềm tin vào sự tỉnh táo và năng lực của chính mình. Ví dụ, những đứa trẻ bị bạo hành tinh thần khi lớn lên thường mang trong mình cảm giác xấu hổ, kém cỏi vì đã phải tiếp nhận hàng loạt chỉ trích, xúc phạm trong thời gian dài, sau đó vô thức gắn kết chúng với nhận thức của mình về bản thân.
#6 – Bạn đang nói dối chính mình
Mối quan hệ với những người chuyên lạm dụng cảm xúc khiến bạn lúc nào cũng đứng ngồi không yên với cảm giác mình đang không thành thật. Sâu thẳm bên trong, bạn có biết họ đang lạm dụng mình không? Vào những lúc hoang mang, bạn đã bao giờ nghĩ rằng ‘Hình như có gì đó không ổn?’ hay chưa?
Tận sâu trong lòng, có lẽ bạn đã có câu trả lời. Bạn biết mình đang phản bội bản thân vì đã cố tình bỏ qua mọi chuyện. Bạn biết mình đã tìm cách ‘hòa nhập’ với tình thế hiện tại bằng các hành vi làm hài lòng đối phương, hoặc bằng cách trở nên đồng phụ thuộc trong mối quan hệ. Bạn cũng biết mình đang không thành thật. Nhưng cũng chỉ biết đến thế mà thôi. Bạn biết mình đang mắc kẹt, nhưng đồng thời cũng không đủ dũng khí để thừa nhận sự thật đau đớn này.
Mỗi ngày, mỗi giờ, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều người. Từ những cuộc gặp gỡ đó, rất nhiều mối quan hệ được xây dựng và phát triển lên. Tuy nhiên, cho đến khi thật sự tiếp xúc với ai đó đủ lâu, chúng ta không thể biết trước được rằng đâu là những người sẽ trở nên bạn đồng hành, đâu là những người cần phải tránh xa.
The Millennials không bảo bạn cần nghi ngờ hay giữ thái độ thù địch với người khác, chỉ khuyên bạn đừng phớt lờ, đừng gạt bỏ cảm giác của mình. Lạm dụng cảm xúc có thể xảy ra trong tất cả các kiểu mối quan hệ với rất nhiều biểu hiện khác nhau. Có thể bạn chưa từng trải qua trường hợp này, nhưng nếu có ai bên cạnh đang vướng mắc vào một mối quan hệ như vậy, hãy giúp họ nhận ra để tự cứu lấy chính mình.
Xem thêm:
Người hướng nội và 6 ‘đặc điểm tính cách’ mà chúng ta nên ngừng cho là thật
Sống chân thực, và hãy ngừng rao bán chính mình
Lười vận động – Sướng thì cũng sướng nhưng hại chẳng ngờ
“Chán đời muốn chết” là có thật, nhưng người chết có thể không phải bạn
Thảo luận về bài viết