#Nghĩ là series về những vấn đề, hiện tượng cần được quan tâm trong xã hội từ trước đến nay.
Dưới góc nhìn của người-không-hướng-nội (và đôi khi là cả của khá nhiều người hướng nội nữa) thì chân dung của người hướng nội thường được mô tả thế này: đơn độc, không chọn đám đông, tránh nơi ồn ào náo nhiệt, vụng về trong xã giao, không mấy vui vẻ hay thân thiện, nhưng bù lại thì ưu điểm là thông minh, sáng tạo, sâu sắc, và có tâm hồn nghệ thuật hơn người (còn hơn ai thì… chưa biết).
Hướng nội và hướng ngoại
Thuật ngữ hướng nội (introversion) và hướng ngoại (extroversion) xuất hiện vào khoảng những năm 1920s. Theo quan điểm của bác sĩ tâm thần học và nhà tâm lý học phân tích người Thụy Sĩ, Carl Jung, thì người mang tính hướng ngoại tìm kiếm năng lượng từ các mối quan hệ và môi trường xung quanh – họ tập trung vào hành động, nhận thức giác quan, và các đối tượng thuộc về bên ngoài. Trong khi đó, người hướng nội tìm kiếm năng lượng từ bên trong – họ “sạc” lại sức mạnh trong thế giới nội tại của sự phản chiếu, của những giờ phút họ dùng để ‘giao tiếp’ với chính mình.
Phần lớn chúng ta không thực sự hiểu rõ để có thể phân biệt 2 khuynh hướng tính cách này. Khác biệt giữa người hướng nội và người hướng ngoại phức tạp hơn nhiều so với các cặp đối nghịch khác, chẳng hạn như người nhút nhát và người hòa đồng. Trong những xã hội và nền văn hóa khuyến khích các phẩm chất gắn liền với thiên tính hướng ngoại như quyết đoán, nhiệt tình, bộc trực, … thì những phẩm chất hướng nội như đơn độc, chiêm nghiệm, im lặng, … là những thứ nằm trong danh sách “Điều không nên làm” (Quiet: The Power of Introverts in a World That Can’t Stop Talking – Susan Cain).
Một đứa trẻ ít phát biểu trong giờ học, không hay chơi cùng các bạn đôi khi phải nhận chỉ trích và chịu áp lực từ nhà trường cũng như gia đình để “sửa chữa” sự thụ động của mình. Tương tự, một người lớn ưa thích sự cô độc, không mấy quan tâm đến các hoạt động tập thể nhiều lúc bị hiểu lầm là một người lập dị, chống đối, khó hợp tác với mọi người.
Không chỉ người không hướng nội, mà chính cả những người hướng nội cũng nhìn nhận và đưa ra đánh giá sai lầm về chính mình.
#1 – Người hướng nội là người nhút nhát và kém hòa đồng
Nhút nhát, rụt rè, ngượng ngùng, … thường bị đánh đồng với thiên tính hướng nội: hễ ai hướng nội thì nhút nhát, và ai nhút nhát thì chắc chắn hướng nội. Thực tế, chúng là 2 đặc điểm tính cách riêng biệt. Nhút nhát (shyness) mô tả hành vi và trạng thái khó chịu, lo lắng, hay sợ hãi của một người trong các tình huống giao tiếp xã hội. Trong khi đó, hướng nội thiên về mức độ động lực của một người đối với các tình huống giao tiếp xã hội đó, tức họ muốn tham gia hay cần phải tham gia các tình huống đó đến mức nào.
Người hướng nội tận hưởng thời gian một mình hoặc cùng một nhóm nhỏ người thân thiết hơn là với những nhóm đông. Bầu không khí náo nhiệt, ồn ào, hoặc những sự kiện có quá nhiều người tham gia dễ làm họ cảm thấy bị choáng ngợp.
Nhưng như vậy không có nghĩa rằng người hướng nội là người nhút nhát. Họ không ưu tiên các hoạt động giao tiếp xã hội đơn giản chỉ vì chúng không phải lựa chọn hàng đầu của họ, chứ không phải vì lo lắng hay sợ hãi. Người hướng nội hoàn toàn có thể thoải mái và tự tin để tỏa sáng trong đám đông, chỉ cần sau đó họ có đủ thời gian để “lấy lại” năng lượng đã mất.
#2 – Người hướng nội ghét đám đông
Các nền tảng mạng xã hội hiện nay có thể được xem như “thiên đường hướng nội” – nơi người hướng nội có thể thoải mái bộc lộ bản thân và tương tác với người khác mà không cần trực tiếp ra ngoài gặp gỡ ai cả. Nếu người hướng ngoại thường cho rằng “một mình” đồng nghĩa với sự nhàm chán, thì người hướng nội lại tận hưởng điều này. Họ thường tìm niềm vui trong những hoạt động, sở thích không cần sự tham gia của người khác, ví dụ như đọc, viết, vẽ, đi dạo, xem phim, chơi games, …
Tuy nhiên, không nên đánh đồng thiên tính hướng nội với lòng căm ghét con người (misanthropy). Người hướng nội vẫn dành thời gian cho người khác, chỉ là cách họ nhìn nhận và hưởng lợi từ những tương tác xã hội không giống người hướng ngoại. Họ có xu hướng hài lòng với việc có ít bạn bè và ưu tiên việc có cho mình một nhóm thân thiết (chất lượng) thay vì xây dựng một mạng lưới quen biết lớn (số lượng).
#3 – Người hướng nội không thể trở thành nhà lãnh đạo giỏi hoặc diễn giả hay
Quan niệm sai lầm này xuất phát từ niềm tin rằng người hướng nội vốn vụng về trong tương tác giữa người với người, do đó họ khó lòng thành công trong những công việc cần giao thiệp nhiều hoặc cần truyền cảm hứng.
Thực tế, điểm lại lịch sử, có rất nhiều người hướng nội đã thể hiện xuất sắc vai trò của một người lãnh đạo, người dẫn dắt, người chuyên nói trước đám đông, và người thu hút đông đảo sự chú ý từ người khác – Bill Gates, Abraham Lincoln, hay Gandhi đều là những nhà lãnh đạo có khuynh hướng tính cách hướng nội.
Những vị sếp hướng nội còn được cho thấy có khả năng tạo ra môi trường tích cực hơn cho đội nhóm, thậm chí tốt hơn cả những vị sếp hướng ngoại (The Downfall of Extraverts and Rise of Neurotics: The Dynamic Process of Status Allocation in Task Groups, 2012). Trong bài báo trên tờ Washington Post, theo tác giả Daniel Pink, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy người có phẩm chất tính cách hướng nội hay hướng ngoại thì đều có năng lực để trở thành một nhân viên bán hàng tài giỏi hay một nhà lãnh đạo xuất sắc. Pink cho biết, phát hiện này sẽ “thách thức nhiều tổ chức trong việc phá vỡ những định kiến cố hữu về chuyện ai mới thực là một vị sếp tốt”.
Khi nói trước công chúng, không phải tất cả những người hướng nội đều tự động trở nên sợ sân khấu, khúm núm, ấp a ấp úng không nói nên lời. Ngược lại, đôi khi họ lại có ưu thế hơn nhiều so với người hướng ngoại, vì những phẩm chất tính cách hướng nội cho phép họ có thời gian để chuẩn bị và suy nghĩ mọi việc thật thấu đáo trước khi tiến hành.
#4 – Người hướng nội là người cô đơn, dễ trầm cảm
Người hướng nội cần thời gian ở một mình. Điều này đôi khi bị xem là biểu hiện của một đời sống cô độc, có nguy cơ trầm cảm cao. “Đừng buồn nữa, vui lên đi!” nghe có vẻ là một lời khuyên hợp lý cho những người đứa bạn suốt ngày “lùi lũi xó cửa” nhỉ? Nhưng sự thật thì sao?
Dù không đánh đồng hướng nội với tiêu cực, chúng ta vẫn cần thừa nhận rằng một số đặc điểm tính cách hướng nội có nguy cơ dẫn đến trầm cảm. Người hướng nội có xu hướng dành nhiều thời gian để phân tích, ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm về mọi thứ, và hầu hết trong số đó là thời gian một mình. Trạng thái này dễ khiến họ suy tư quá độ hoặc không thể làm chủ được suy nghĩ, cảm xúc của mình, đặc biệt trong những lúc tinh thần đang dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết những người có thiên tính hướng nội không thấy buồn bã hay chán nản khi ở một mình. Họ có thể đơn độc, nhưng họ không gắn liền trạng thái đơn độc với cảm giác cô đơn hay bị loại trừ, cô lập, trừ khi nó trở nên quá mức.
#5 – Người hướng nội thông minh, sáng tạo, và thích nghệ thuật hơn người hướng ngoại
Trong bài viết Caring For Your Introvert trên tờ Atlantic, tác giả Jonathan Rauch cho biết, người hướng nội thường được biết đến là “thông minh hơn, chiêm nghiệm hơn, tự chủ hơn, bình tĩnh hơn, lịch duyệt hơn, và tinh tế hơn”. Nhiều nghệ sĩ và nhà tư tưởng nổi tiếng trong lịch sử như Albert Einstein, Marcel Proust, hay Charles Darwin đều được đánh giá thuộc tuýp người trầm lặng.
Người hướng nội thường dành nhiều thời gian một mình để chiêm nghiệm, suy nghĩ nhiều thứ. Nhưng chúng ta không thể dựa vào điều này để kết luận rằng người hướng nội thông minh hay sáng tạo hơn người hướng ngoại.
Việc có khuynh hướng tính cách hướng nội không làm một người trở nên tốt đẹp, cao cả, hay có giá trị hơn. Ngược lại, người hướng ngoại không kém thông minh, kém sáng tạo, dở nghệ thuật chỉ vì lựa chọn dành năng lượng của mình cho thế giới bên ngoài. Hướng nội hay hướng ngoại đều có ưu khuyết điểm riêng, và đều quan trọng theo những cách khác nhau.
#6 – Rất dễ nhận biết ai hướng nội và ai hướng ngoại
Trong một thế giới lý tưởng, khi ai hướng nội cứ ở một mình và ai hướng ngoại cứ ra ngoài giao thiệp thì đúng là rất dễ để phân biệt. Nhưng thế giới chúng ta đang sống lại là một thế giới khuyến khích các phẩm chất tính cách hướng ngoại. Việc có cho mình, hoặc ít nhất là thể hiện ra, những đặc điểm này đồng nghĩa với việc có lợi thế hơn cả trong công việc và cuộc sống.
Sẽ không dễ để tìm ra “kẻ mạo danh”, vì ngày càng có rất nhiều người hướng nội thể hiện thành thục những kỹ năng hay đặc điểm tính cách thường thấy của người hướng ngoại. Họ cũng nhiệt tình tham gia hoạt động tập thể, không ngại với việc trở thành tâm điểm của buổi tiệc, thoải mái bắt chuyện và tự tin thiết lập mạng lưới mối quan hệ, và luôn sẵn sàng thách thức giới hạn cá nhân miễn sao đó là điều cần thiết cho quá trình phát triển bản thân của họ.
Chính Carl Jung cũng kết luận rằng, “Cuối cùng thì vẫn có nhóm thứ 3 – nhóm mà chúng ta khó xác định được động lực của họ chủ yếu đến từ bên trong hay bên ngoài.” Trong Psychological Types, Jung viết rằng chính nhóm không hướng nội cũng chẳng hướng ngoại này là “nhóm có số lượng đông nhất và bao gồm những con người bình thường khó phân biệt nhất”.
Nói cách khác, người hướng nội hay hướng ngoại chỉ là thiểu số. Hơn nữa, trong xã hội hiện đại này, “thuần hướng nội” hay “thuần hướng ngoại” đã không còn quá phổ biến cũng như không được khuyến khích. Việc ai đó quá nghiêng về hướng nội hay hướng ngoại rất có thể là hậu quả của tư duy cố định – theo cách gọi của nhà tâm lý học Carol Dweck.
Nghiên cứu của Dweck và nhiều nhóm khác đã cho ra đời khái niệm tư duy phát triển (growth mindset) và tư duy cố định (fixed mindset). Người mang tư duy phát triển tin rằng tính cách có thể thay đổi, phẩm chất có thể trau dồi nhờ vào nỗ lực. Ngược lại, người có tư duy cố định tin rằng trí thông minh và tài năng của họ có giới hạn, tính cách của họ là cố định, và phẩm chất của họ sẽ không bao giờ thay đổi.
Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy hành động có ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta – nở một nụ cười có thể giúp bạn thực sự thấy vui vẻ hơn – và chúng ta lại hành động dựa trên những gì mình tin tưởng. Chúng là những phản ứng có ý nghĩa thích nghi và tiến hóa của con người. Nếu bạn tin rằng con người bạn là như vậy, dần dần bạn sẽ hành động để biến mình thành như vậy. Nghiên cứu đăng trên tờ Journal of Contextual Behavioral Science cho biết, “người có nhận thức rằng bản thân hướng nội có thể gặp khó khăn trong việc nhận ra hay nhớ được những hành vi hướng ngoại của chính mình hoặc có thể né tránh những tình huống xã hội có thể gây căng thẳng, từ đó dẫn đến một cuộc sống ngày càng biệt lập hơn”.
Tư duy cố định khiến chất lượng cuộc sống giảm đi nhiều, nhất là khi những gì một người nhận thức về mình đi theo chiều hướng tiêu cực. Nó có thể gây sụt giảm hiệu suất công việc, lòng tự tôn, sự sáng tạo, tính kiên cường, và khả năng tự nhận thức.
Thực tế, mỗi người chúng ta đều sở hữu những đặc điểm tính cách hướng nội và hướng ngoại. Vấn đề là chúng ta kết hợp chúng ra sao, thiên về bên nào, thoải mái với điều gì, và cần trau dồi những điểm nào. Đừng đặt niềm tin vào những bài trắc nghiệm tính cách mà có khi cả đời chỉ làm một lần. Thay vào đó, hãy nhìn vào những gì đang diễn ra hàng ngày để không tự “dán nhãn” hay giới hạn tiềm năng phát triển của chính mình.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Bí kiếp tiếp cận người hướng nội
Trăm suy nghĩ bộn bề của người hướng nội
Thảo luận về bài viết