Cắt giảm mua sắm – thoạt nghe thấy đơn giản, nhưng thực chất đó là lại việc vô cùng khó khăn với nhiều người, đặc biệt là những ai có thói quen đi shopping mỗi lúc buồn bã hay căng thẳng để… cải thiện tâm trạng.
Mệt quá, mua thật nhiều
Mông lung, mua thật nhiều
Chênh vênh, mua thật nhiều
Không có việc gì… vậy thì mua càng nhiều.
Nếu bạn là một người có xu hướng dễ dàng chốt đơn, hoặc là người biết chắc mình sẽ mua thứ gì đó (không mấy cần thiết) ngay trước cả khi bước chân vào cửa hàng, thì hãy xem thử 6 yếu tố có thể kích thích tâm lý chi tiêu mà có lẽ trước giờ bạn không ý thức được.
1. Tâm trạng cao hứng
Mỗi khi được ăn món gì ngon, làm công việc yêu thích, hay được khen ngợi, cơ thể chúng ta sản sinh ra hormone phần thưởng dopamine. Những người hay rút ví cũng có thể đạt được trạng thái cao hứng này thông qua hành động mua sắm thực tế. Theo dữ liệu thu thập bởi Harris Interactive – một đơn vị nghiên cứu thị trường tại Anh quốc – có 31% phụ nữ cho biết họ mua đồ để “có tâm trạng tốt hơn”, và 53% người mua sắm nói chung cho biết đã dùng shopping như một cách để ăn mừng điều gì đó.
Giải pháp
Nếu bạn là người hay đi shopping vì tác dụng cải thiện tâm trạng, hãy cân nhắc thực hiện các hoạt động khác có thể mang lại trạng thái tinh thần tương tự – tập thể dục, chơi với thú cưng, đi dạo, đọc sách, gặp gỡ bạn bè,… tất tần tật những việc hoặc những gì bạn yêu thích.
Trường hợp không thể cưỡng lại ham muốn, mẹo là hãy ‘tuyển’ thêm một người mà bạn biết chắc chắn sẽ giúp ngăn cản chuyện vung tay quá trán của bạn lại để cùng đi mua sắm.
2. Sự ganh đua
Không phải ngẫu nhiên mà những ngày hội mua sắm như Black Friday, Boxing Day, Siêu Sale Sinh Nhật, vân vân và vân vân lại trở thành… ngày hội mua sắm. Những dịp shopping thế này kích thích tính cạnh tranh của con người. Khi có đợt giảm giá lớn hay bán hàng giới hạn, bản năng sẽ thôi thúc bạn phải có mặt ở đó và phải giành chiến thắng bằng mọi giá, ngay cả khi có phải mua một món hàng mà bạn không cần dùng hoặc vượt quá ngân sách mua sắm thông thường của bạn.
Giải pháp
Mua sắm không phải là một trò chơi, cũng không hề có ai tính điểm để phân định thắng bại. Vì thế, hãy nghĩ xem bạn sẽ mua một món đồ vì mình thật sự cần dùng hay vì muốn ‘chiến thắng’ cuộc cạnh tranh này. Thành thật mà nói thì người thắng to nhất sẽ là người chỉ mua đúng những thứ cần thiết.
3. Mua sắm tìm niềm vui
Buồn bã, bực bội, mệt mỏi, chán nản – tất cả mọi loại tâm trạng xấu đều có thể giải quyết bằng một chuyến đi đến cửa hàng hay một cú click chuột thanh toán. Theo dữ liệu từ Harris Interactive, cứ bốn người thì có một người sử dụng shopping như một cách biện pháp trị liệu để đối phó với cảm xúc tiêu cực hoặc các vấn đề trong cuộc sống.
Giải pháp
Mua sắm có tác dụng giải tỏa tâm trạng. Thật ra cũng chẳng có gì sai trái khi đi tìm kiếm niềm vui từ shopping, nhưng bạn cần nhớ nên đi ‘trị liệu’ kiểu này chừng mực thôi, vì nó có thể gây ảnh hưởng đến tình trạng tài chính của bạn. Và quan trọng nhất là nó không thể giúp giải quyết hoàn toàn vấn đề bạn đang gặp phải. Do đó, thay vì dùng shopping như một cách giảm stress, hãy cân nhắc những giải pháp khác – viết nhật ký, nói chuyện với bạn bè, hoặc tìm đến chuyên gia trị liệu.
4. “Bạn sẽ tiết kiệm được ABC đồng với deal siêu hời abc này!”
Hoặc là không.
Hàng giảm giá hoặc deal tiết kiệm luôn là những thứ thu hút người mua nhất. Để khuyến khích điều này, các cửa hàng hoặc nền tảng mua sắm còn phát hành thêm voucher hoặc áp dụng chồng mã giảm giá để người mua được giảm thêm nhiều hơn. Cảm giác mình là một người tiêu dùng thông thái thật tuyệt! Không tuyệt sao được khi bạn đã ‘tiết kiệm’ một số tiền đáng kể.
Thật buồn khi thông báo rằng bạn (và nhiều người khác nữa) cũng không hẳn thông thái đâu, vì bộ não của bạn đã bị đánh lừa khi chỉ tập trung vào phần tiết kiệm mà bỏ qua mất sự thật rằng để tiết kiệm được khoản tiền đó, bạn đã phải bỏ ra một con số đáng kể trước đó.
Giải pháp
Bạn sẽ không thể tiết kiệm tiền bằng cách tiêu xài tiền. Khuyến mãi, giảm giá, và coupon mua sắm có thể giúp giảm đi tổng số tiền, nhưng kết quả là bạn vẫn phải chi tiêu. Đừng rơi vào bẫy chi tiêu chỉ vì bạn muốn tiết kiệm một khoản nhất định. Chúng ta có thể tiết kiệm bằng nhiều cách, biên lai mua hàng không phải một trong số đó.
5. Sử dụng đồng tiền để mua về những thứ tốt nhất
Nhưng trong nhiều trường hợp, thì điều này lại được diễn giải theo kiểu dùng ít tiền nhất để đạt được kết quả tốt nhất. Đó là lý do nhiều người thích đi mua hàng thanh lý hoặc theo đợt dọn kho (clearance), vì tâm lý cho rằng họ mua được đồ (vẫn khá tốt) với giá hời.
Hãy xem ví dụ từ Tập đoàn bán lẻ JCPenney của Hoa Kỳ. Vào năm 2012, Giám đốc điều hành Ron Johnson đã quyết định cải tiến hình ảnh của cửa hàng bằng cách chấm dứt cái mà ông gọi là “định giá giả” – để giá lẻ thay vì chẵn, mua thanh lý, và chiêu trò ‘giảm giá’ từ mức giá ban đầu được kê thật cao.
Lý thuyết rất hay, thực tế không vậy. Khách hàng không thèm để tâm – họ không cảm thấy như đang nhận được giá trị gì từ việc bỏ tiền ra cả. Doanh số bán hàng giảm mạnh. Đến năm 2013, Johnson mất việc và JCPenney quay trở lại hệ thống định giá cũ.
Giải pháp
Nếu bạn thấy khó cưỡng lại ma lực của những đợt thanh lý hay những tấm bảng “Nay chỉ còn…”, hãy thử hỏi bản thân rằng liệu bạn có mua mặt hàng này nếu nó vẫn đang ở mức giá gốc hay không. Nếu câu trả lời là Không, thì hãy đặt nó lại lên kệ thôi.
6. Flash sale
Các đợt flash sale cũng là một cái bẫy kích thích tâm lý sợ bỏ lỡ và tâm lý cạnh tranh – vì chúng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian cực ngắn, với một số mặt hàng cụ thể. “Nhanh chân thì còn chậm chân thì hết”, và thế là bạn nhắm mắt nhắm mũi mua thật nhiều thứ có thể trước khi đợt sale kết thúc.
Giải pháp
Hủy đăng ký và tắt thông báo từ các web mua hàng là cách dễ nhất để tránh biết về sự hiện diện của các đợt flash sale. Bạn không cần phải ngưng hẳn mua đồ, chỉ là tập thói quen chi tiêu có mục đích hơn để tránh lãng phí tiền vào những thứ mà mình không thật sự cần.
(Nguồn: MoneyCrashers)
Xem thêm:
Retail Therapy – Vỗ về bản thân hay thói xấu cần tránh?
Thói quen mua sắm ngẫu hứng: Vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng nhanh
Thảo luận về bài viết