Trẻ con đi học, còn #NgườiLớnĐiLàm cùng chuỗi bài viết chia sẻ kinh nghiệm và tổng hợp các bí quyết hữu ích nơi công sở của TML.
Gaslighting là gì?
Gaslighting (thao túng tinh thần) là một hình thức lạm dụng tâm lý hoặc cảm xúc. Thuật ngữ này bắt nguồn từ tác phẩm cùng tên, trong đó nhân vật người chồng đã thực hiện một loạt những hành vi lạm dụng tâm lý có hệ thống lên vợ mình. Đến nay, gaslighting đã được công nhận và sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu tâm lý nói chung cũng như tâm lý trị liệu nói riêng.
Gaslighting xảy ra khi người lạm dụng đưa ra những thông tin sai sự thật, khiến nạn nhân nghi ngờ những nhận thức, phán đoán, ký ức, thậm chí là sự tỉnh táo của bản thân, mất dần đi cảm nhận về thực tế. Người lạm dụng có thể là bất cứ ai — người thân, bạn bè, bạn đời,… — thông thường là người hoặc nhóm người có mức độ gần gũi và có ảnh hưởng nhất định đến nạn nhân.
Gaslighting chốn văn phòng
Trong môi trường chuyên nghiệp, người lạm dụng có thể là một vị sếp tiêu cực, một đồng nghiệp mưu mô, một nhóm người thích bắt nạt ma mới ở văn phòng, một khách hàng bất mãn, hay một đối thủ ưa chơi bẩn.
Gaslighting chốn văn phòng có nhiều khả năng là hệ quả của văn hóa / thể chế định kiến, tiêu cực hoặc do ảnh hưởng từ các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền thông mạng xã hội. Công sở là môi trường mang tính cạnh tranh tự nhiên nên sẽ khó để nhận dạng gaslighting hơn. Dưới đây là 4 tính chất giúp phân định sự khác biệt giữa gaslighting và những khó khăn thông thường mà ai cũng có thể gặp khi đi làm:
– Nguyên nhân của vấn đề là vì sự thiên vị và trạng thái tiêu cực dai dẳng đến từ một người / nhóm / thể chế chứ không dựa vào bất cứ bằng chứng, dữ kiện, hay thông tin đã được xác thực nào.
– Vấn đề góp phần tạo ra một câu chuyện / lời đồn (không có bằng chứng) tiêu cực hoặc bất lợi cho nạn nhân, làm tổn hại đến danh dự cá nhân và danh dự trong công việc.
– Vấn đề tồn tại trong một khoảng thời gian đáng kể, mặc dù có nhiều thông tin chắc chắn về thái độ hợp tác, đóng góp, cũng như thành tích của nạn nhân trong công việc.
– Khi vấn đề được nhắc đến, người lạm dụng thường phủ nhận các hành vi ngược đãi bằng cách tranh cãi, bác bỏ, hoặc lẩn tránh. Họ trở nên hung hăng, cố chấp hơn, thay vì giải quyết vấn đề bằng những thông tin rõ ràng, xác thực.
Dấu hiệu của gaslighting tại công sở
Preston Ni — chuyên gia về giao tiếp chuyên nghiệp và thấu hiểu đa văn hóa — đã đưa ra 7 dấu hiệu để nhận biết những trường hợp gaslighting chốn văn phòng. Anh cũng lưu ý rằng, do đặc điểm của môi trường công sở nên những dấu hiệu này thật ra không quá xa lạ. Có thể bạn đã, đang, hoặc sẽ bắt gặp nó ở nơi làm việc của mình. Tuy nhiên, những người lạm dụng sẽ có một hoặc một vài biểu hiện dưới đây, và phần lớn họ không nhận thức được hoặc không bận tâm đến ảnh hưởng tiêu cực của nó với người khác.
Liên tục đánh giá tiêu cực
Kẻ lạm dụng sẽ liên tục đưa ra những bình luận, nhận xét tiêu cực về uy tín, chất lượng, hiệu suất,… công việc của nạn nhân. Những nhận xét này đều dựa trên nhìn nhận chủ quan hoặc những lời cáo buộc thiên vị, vô căn cứ, thay vì dựa trên thông tin, dữ liệu xác thực.
Liên tục đồn thổi tiêu cực
Nạn nhân bị gaslight bởi những câu chuyện bàn ra tán vào và những lời đồn đoán nhắm thẳng đến tính cách và / hoặc trình độ chuyên môn của mình. Đây cũng là một dạng của gân hấn thụ động (passive-aggressiveness).
Người / nhóm người lạm dụng chủ động phớt lờ, xa lánh nạn nhân — đặc biệt nếu nạn nhân không chung nhóm hoặc không cùng góc nhìn với họ.
Người / nhóm người lạm dụng chủ động phớt lờ, xa lánh nạn nhân — đặc biệt nếu nạn nhân không chung nhóm hoặc không cùng góc nhìn với họ.
Ảnh: Sam Woolley
Liên tục bình luận, nhận xét tiêu cực với bên thứ 3
Hành vi này có thể diễn ra cả online và offline. Kẻ lạm dụng không ngại nói những điều tiêu cực về nạn nhân trước mặt người / nhóm khác — trong các cuộc họp, trong báo cáo hiệu suất công việc, khi làm việc cùng khách hàng, đối tác,… gây tổn hại đến danh tiếng cá nhân và uy tín trong công việc của nạn nhân.
Cũng như những biểu hiện khác, người lạm dụng thực hiện việc này mà không có bằng chứng hay sự kiện cụ thể nào, thay vào đó lại dựa trên thông tin sai lệch, cảm tính, hoặc sự thật bị phóng đại.
Liên tục mỉa mai, đùa cợt tiêu cực
Thái độ thù địch hoặc trịch thượng có thể được ngụy trang vô cùng khéo léo dưới lớp vỏ hài hước / đùa giỡn. Thông thường, sau khi đạt được mục đích trêu chọc, chế nhạo, hạ thấp,… nạn nhân, kẻ lạm dụng luôn ‘kèm thêm’ câu “Giỡn ấy mà!”
Liên tục “bị đì”
Thành tích, nỗ lực, và trình độ chuyên môn của nạn nhân phủ nhận một cách vô căn cứ. Nạn nhân cũng mất đi nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp, do bị cố ý loại trừ khỏi những thứ mà bản thân họ có đủ điều kiện và khả năng thực hiện — như phát triển mạng lưới mối quan hệ chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cá nhân, tăng lương, thăng tiến,…
Liên tục bị đe dọa, bắt nạt, và xem thường
“Chỗ này không mướn anh / chị thì chỗ nào cho anh / chị làm?”
“Làm việc A này cho anh / chị nhé. Có chỗ thực tập là may rồi.”
“Sinh viên mới ra trường người ta năng nổ nhiệt tình lắm. Cho em vào học việc mà em còn đòi hỏi lương cao?”
… và nhiều câu nói khác dễ khiến nạn nhân nghi ngờ vào năng lực bản thân cũng như dần mất đi những giá trị mình tin tưởng.
Liên tục đối xử bất công
Sự thiên vị này thể hiện rõ nếu đem so giữa nạn nhân và những nhân viên khác với kinh nghiệm / thành tích tương tự, thậm chí kém hơn. Kẻ lạm dụng cố tình làm lơ hoặc phủ nhận những gì mà nạn nhân đã đóng góp và đạt được trong công việc.
Khi bị chất vấn, người lạm dụng có xu hướng đổ lỗi ngược lại cho cách nhìn nhận và cảm xúc của nạn nhân, vì rõ ràng “tôi luôn công bằng với tất cả mọi người”.
VIỆC LÀM MỚI NHẤT TỪ JobHopin
Thảo luận về bài viết