Bạn hoặc người bạn biết có phải một (hay tổ hợp của nhiều) những kiểu người dưới đây hay không?
Hầu hết chúng ta đều muốn chạm ngưỡng chân-thiện-mỹ trong cuộc sống, trở thành một phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình. Tuy nhiên, đâu đó trên hành trình này, sai lầm vẫn có thể xảy ra khi chúng ta vô tình hoặc cố ý đi chệch hướng, trở thành một ai đó khó ưa, chuyên làm người khác thấy khó chịu.
Đâu là những kiểu người dễ gây ức chế nhất? Vì đâu họ lại hành xử như vậy? Và cách giải quyết là gì?
1. Kiểu người ưa trốn tránh trách nhiệm
Trốn tránh trách nhiệm có nhiều dạng và chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác nhân khác nhau. Nhưng tựu trung thì những người hay thấy hoảng loạn mỗi lúc nhận ra mình phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó thường vì một hoặc cả 4 lý do dưới đây:
- Sức chịu đựng cảm xúc tiêu cực kém.
- Thiếu lòng can đảm.
- Tự tôn kém.
- Sợ mình làm sai, mắc lỗi, và gặp thất bại.
2. Kiểu người không thích bị góp ý
Chà! Công bằng mà nói thì hầu như tất cả chúng ta đều không thích cảm giác bị người khác chỉ ra lỗi sai. Điều này làm tổn thương lòng tự trọng, sự kiêu hãnh. Tuy nhiên, những đóng góp xây dựng (tất nhiên là trong trường hợp góp ý chân thành, đúng sự thật, không nhằm mục đích công kích) là cần thiết để chúng ta nhìn ra những mặt chưa tốt của mình, từ đó có thể trưởng thành.
Nhưng có một số người lại cực kỳ ghét và không chấp nhận bất cứ sự chỉ trích nào. Họ xem tất cả những lời góp ý chẳng khác những nhát dao mà người khác cố tình nhắm thẳng vào hình mẫu tốt đẹp của bản thân họ đã gầy công xây dựng. Nguyên nhân có thể do:
- Họ không có khả năng nhận xét, diễn giải vấn đề một cách lý trí.
- Họ không muốn đưa lý do.
- Họ có xu hướng đặt nặng vấn đề, chuyện to xé ra to hơn nữa.
- Họ không muốn thừa nhận rằng mình (cũng) có trách nhiệm.
3. Kiểu người thích đùa giỡn về ngoại hình người khác
“Mình chỉ đùa thôi mà.” không phải và cũng không nên được lấy ra làm lý do bao biện khi chúng ta làm tổn thương người khác. Nếu bạn muốn trở nên hài hước hơn, có nhiều cách khác cơ mà, đâu nhất thiết phải “tạo nét” kiểu này?
Lăng nhục hoặc làm bẽ mặt ai đó dưới mác trêu đùa sẽ để lại những tổn thương tâm lý dai dẳng cho nạn nhân. Nếu lỡ rơi vào trường hợp này, bạn nên:
- Giữ bình tĩnh, không biểu hiện quá khích như la hét hoặc… động tay động chân với đối phương; thay vào đó, hãy trực tiếp ra hiệu bằng những biện pháp ôn hòa hơn (nhìn thẳng vào họ, nhíu mày, đột ngột im lặng, …) để họ biết rằng bạn đang thấy khó chịu vì câu đùa này.
- Chuyển hướng sự chú ý của cuộc trò chuyện hoặc rời khỏi nơi đó; đừng hùa theo câu đùa.
- Nói thẳng cho họ biết về cảm xúc của bạn, rằng bạn không tán thành hành vi này.
- Hạn chế hoặc tránh hoàn toàn việc tiếp xúc với đối phương nếu họ vẫn làm vậy nhiều lần tiếp theo.
4. Kiểu người không biết nói xin lỗi
Lời xin lỗi không chân thành, hay tệ hơn là câu cửa miệng: “Xin lỗi! Được chưa?” là những lời xin lỗi không cần được nói ra. Thứ nhất, nó chẳng giải quyết được gì. Thứ hai, nó càng làm vấn đề thêm nghiêm trọng.
Nhìn chung, trong suy nghĩ của những người không thích xin lỗi hoặc chỉ xin lỗi cho có thì lỗi lầm của họ cũng “đâu có gì quá đáng đâu“, còn người khác cảm thấy tổn thương thì là do “yếu đuối mong manh quá đó thôi“.
Lý do phổ biến nhất là do họ trốn tránh cảm giác trách nhiệm hoặc không có năng lực quản lý cảm xúc. Xin lỗi và thừa nhận cái sai của mình làm họ thấy tội lỗi, ngượng ngùng, nhục nhã – những cảm xúc quá sức chịu đựng của họ.
5. Kiểu người hay cư xử thô lỗ
Bạn đã bao giờ nhìn thấy ai đó lúc nào cũng hành xử lỗ mãng bất kể giờ nào trong ngày bất cứ ngày nào trong tuần chưa? Bạn có bao giờ tự hỏi vì sao họ lại phải làm vậy không?
Thông thường, thái độ thiếu tôn trọng người khác xuất phát từ 2 nguyên nhân:
- Họ thấy mình thua thiệt, kém cỏi so với người khác. Quát tháo, la lối, diễu võ dương oai (dù sự thật là chẳng oai gì cả) mọi lúc mọi nơi là cách để họ bù đắp cảm giác thiếu hụt đó.
- Họ gặp khó khăn trong việc giao tiếp với người khác. Điều này có thể do năng lực tư duy và khả năng ngôn ngữ không tốt, hoặc do phong cách giao tiếp thường sử dụng dễ gây hiểu lầm.
6. Kiểu người sống 2 mặt
Cảm giác khi biết được người nói xấu mình hôm nay cũng là người vừa ngọt ngào mời mình đi ăn hôm trước là một cảm giác không hề dễ chịu chút nào. Thường thì những người thích lật mặt chỉ tốt với bạn vì 2 lý do thôi:
- Bạn là lựa chọn tốt nhất hoặc bạn có giá trị với họ vào thời điểm đó. Nếu có lựa chọn tốt hơn hoặc có ai khác “hữu ích” hơn, tất nhiên họ chẳng tốn công ngọt nhạt với bạn làm gì.
- Họ ngại chuyện trực tiếp đối đầu với bạn, trong trường hợp cả 2 (hoặc 1 trong 2) không mấy thích nhau. Thế nên thân thiện là lựa chọn dễ dàng và bớt gây khó xử hơn. Nhưng tất nhiên chuyện đó chỉ kéo dài cho đến lúc họ cảm thấy an toàn hơn để tấn công bạn.
Phải làm gì với những người 2 mặt? Đầu tiên là xác nhận sự thật, đừng chỉ “nghe nói là…“. Nếu chắc chắn mọi thứ, đừng nghĩ chuyện trả đũa, chỉ cần thẳng thắn trao đổi hoặc dứt khoát hạn chế tiếp xúc nếu bạn cũng không có ý định duy trì mối quan hệ với họ.
7. Kiểu người đạo đức giả
Những người “nói được, làm không được” thường giả vờ rằng mình là người có những tiêu chuẩn XYZ, sống theo nguyên tắc ABC, trong khi sự thật rằng họ không có, hoặc tệ hơn là toàn làm những điều trái ngược.
Sở dĩ điều này xảy ra là do xu hướng tự đánh giá cao bản thân, cố tình bỏ qua những điểm thiếu sót. Ngoài ra, hiện tượng này còn có thể là kết quả của một số lỗi tư duy khác nhau, ví dụ như điểm mù thiên vị – một dạng thiên kiến nhận thức khiến chúng ta khó tự mình nhìn ra được những lỗi lầm của bản thân. Nói cách khác, chúng ta có thể dễ dàng phác họa nên chân dung những người khác, cả những gì đẹp lẫn chưa đẹp, trong khi lại vụng về với bức chân dung của chính mình.
Cách nhanh nhất để trở nên tốt đẹp, đó là hãy nói về những điều tốt đẹp, còn lại tính sau, hoặc khỏi cần tính.
Xem thêm những bài viết dưới đây:
- 9 hành vi mà bạn không bao giờ nên chấp nhận trong mối quan hệ
- Vì sao có những người không bao giờ chịu nhận lỗi?
- 10 kiểu xin lỗi “thà người đừng nói”, vì nghe xong chỉ thêm đau đầu