Để trở thành một Marketing leader (trưởng phòng ban Marketing), bạn không chỉ cần cập nhật về xu hướng mới trong lĩnh vực và ngành đặc thù của công ty/tổ chức mình, mà còn phải tự nâng cấp bản thân trong cách làm việc nếu muốn được thăng chức lên vị trí cao hơn.
Dù là ở đâu, Marketing leader phải tiếp tục rèn luyện nhiều kỹ năng trong suốt sự nghiệp của họ, cho dù đó là thông qua các khóa học trực tuyến hoặc tiếp tục đào tạo trong công việc. Nhưng, học tập là chưa đủ, họ sẽ phải trang bị thêm cho mình các kỹ năng mềm. Vậy, đâu là những yếu tố để trở thành một Marketing leader chuyên nghiệp và hiệu quả?
1. Marketing leader cần đề ra chiến lược rõ ràng
Các phòng ban Marketing đã và luôn là “keo dán” của các công ty/tổ chức trong việc hợp tác giao lưu với các đơn vị bên ngoài khác, cũng như hỗ trợ và thu hẹp khoảng cách giữa nhiều bộ phận nội bộ của công ty/tổ chức đó. Chính vì vậy, những Marketing leader giỏi nhất sẽ là những người có thể hoạch định một tầm nhìn chung và có trách nhiệm chia sẻ đến với toàn bộ đội ngũ lãnh đạo cấp cao.
Việc một Marketing leader có một tầm nhìn chung cho toàn bộ tổ chức sẽ có lợi ích sau:
- Tập trung vào nhận diện thương hiệu: Bằng cách nhấn mạnh và làm rõ hình ảnh thương hiệu, các giá trị cũng như thông điệp, một doanh nghiệp có thể xác định rõ hướng đi và mục đích của mình. Sự rõ ràng này cho phép tổ chức dễ dàng phối hợp và chi tiêu tài nguyên đúng nơi để đạt được các mục tiêu đề ra.
- Trở thành “đầu tàu” chiến lược mạnh mẽ: Một thương hiệu hiểu được chiến lược của mình sẽ giúp đoàn kết các cổ đông cho một tầm nhìn chung về tương lai. Từ đó, tổ chức có thể đưa ra những quyết định và lập kế hoạch chiến lược trên toàn bộ hệ thống, đảm bảo mọi người đều làm việc với một mục tiêu chung.
- Dễ dàng điều hướng các xu hướng của người tiêu dùng: Sở thích và hành vi của người tiêu dùng sẽ liên tục thay đổi. Một thương hiệu mạnh mẽ cần hiểu rõ khách hàng mục tiêu của mình và luôn lắng nghe và cập nhật những nhu cầu và mong muốn của họ. Bằng cách làm như vậy, tổ chức có thể điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ và chiến lược marketing để luôn phù hợp và cạnh tranh trên thị trường.
- Trải nghiệm khách hàng được cải thiện: Tập trung vào định hình thương hiệu sẽ bao gồm việc hoạch định và quản lý cẩn thận mọi điểm chạm khách hàng (touchpoint) mà công ty/tổ chức có. Từ giai đoạn nhận thức (awareness stage) cho đến khi mua hàng và ngay cả hỗ trợ sau khi mua hàng (customer support), doanh nghiệp từ đó có thể xây dựng lòng trung thành của khách hàng và phân biệt mình so với đối thủ.
- Tạo tiếng nói cho phòng Marketing trong nội bộ: Là những người “bảo vệ” thương hiệu, phòng Marketing đóng vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy những mục tiêu của mình vì lợi ích chung của công ty. Những Marketing leader cần hiểu rõ điều này để chứng tỏ giá trị của cả nhóm cho cả công ty/tổ chức. Như thế, phòng Marketing có thể có sự công nhận, tầm ảnh hưởng và tài nguyên cần thiết để tạo ra tác động lớn hơn trong tương lai.
2. Marketing leader phải có kỹ năng giao tiếp tốt
Trong công việc, mọi Marketing leader hãy luôn tự nhẩm lại những câu này, trước khi ra quyết định quan trọng: Thông điệp của mình có rõ ràng không? Mọi người có quan tâm không? Mình có thể tiếp cận được đúng đối tượng vào thời điểm phù hợp với thông điệp cùng với ưu đãi phù hợp không?
Thành công trong ngành này luôn xoay quanh việc liên tục cải thiện và điều chỉnh phong cách giao tiếp, nhưng vẫn giữ vững được các giá trị cốt lõi của thương hiệu và chiến lược truyền thông tổng thể của công ty/tổ chức.
3. Marketing leader cần biết cách tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi
Vì mục tiêu cuối cùng của mọi doanh nghiệp là tăng lợi nhuận để tồn tại, kỹ năng quan trọng nhất mà mọi Marketing leader cần có là cách để tối ưu hóa tỷ lệ chuyển đổi. Việc thực hiện những thay đổi đúng đắn như thay đổi UI/UX trang web, trang đích (landing page), nội dung, hoặc cả chiến dịch truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội hoặc các không gian khác để khuyến khích khách hàng thực hiện hành động là điều cần thiết.
Ở mỗi doanh nghiệp sẽ có chỉ tiêu khác nhau để yêu cầu tỷ lệ chuyển đổi này, như: đăng ký nhận bản tin, mua sản phẩm, kéo lượng truy cập vào trang web, hoặc hút lượt tương tác trên mạng xã hội. Và Marketing leader cũng cần phải biết về công cụ thực hiện quá trình tối ưu chuyển đổi đó để có thể có kết quả tốt.
Nói tóm lại, một Marketing leader cần mỗi ngày thực hiện những thay đổi nhỏ, thử nghiệm và xác định cách tăng cao tỷ lệ chuyển đổi. Bởi, đây là một kỹ năng quan trọng và không nên ngừng phát triển, cũng như học hỏi từ các nguồn khác nhau.
4. Marketing leader cần phải phân tích được dữ liệu
Trong thời đại kỹ thuật số, một kỹ năng mà ngay cả những Marketing leader lành nghề nên tiếp tục làm, đó chính là phân tích dữ liệu. Đặc biệt, nếu công việc của bạn liên quan đến việc quảng các trên các nền tảng mạng xã hội, việc đọc được các chỉ số và theo dõi hiệu quả của chiến dịch là rất quan trọng.
Điều này là hiển nhiên. Bởi vì Marketing leader phải sở hữu kỹ năng phân tích dữ liệu giỏi để trích xuất thông tin quý giá từ hành vi của khách hàng, xu hướng thị trường và hiệu suất chiến dịch. Khi bạn có kiến thức sâu về phân tích dữ liệu, bạn có thể cập nhật thông tin và xác định các xu hướng hiện tại trên thị trường. Điều này rất quan trọng nếu muốn vượt qua đối thủ và đạt được thành công trong công việc.
5. Marketing leader phải có cách hành văn tốt
Sáng tạo nội dung là một kỹ năng mà nhiều Marketing leader có thể cho là việc cỏn con hoặc đã thành thạo rồi. Tuy nhiên, cũng như một con dao vậy, một khi đã mài dũa nhiều lần thì cái gì cũng sẽ cắt qua được hết.
Xây dựng câu chuyện tốt là yếu tố quan trọng để tạo ra sợi dây kết nối chân thành với khán giả. Bạn nghĩ thử xem, từ thuở xa xưa, chúng ta đã quen với việc cảm nhận và kết nối với nhau qua những câu chuyện ngụ ngôn. Vậy, là một Marketing leader, bạn phải muốn khán giả của mình đồng cảm với mục đích, giá trị và tầm nhìn của thương hiệu.
Hơn nữa, trong thời kỳ kỹ thuật số ngày càng lớn rộng nhưng cũng đông đúc như nay, “khoảng thời gian tập trung” (attention span) của con người ngày càng giới hạn. Chính vì vậy, hãy tham gia các hội thảo, đọc sách, phân tích các chiến dịch thành công và thử nghiệm với các kỹ thuật kể chuyện khác nhau. Bạn càng luyện tập, bạn sẽ càng phát huy sức mạnh của việc hành văn trong các chiến dịch Marketing của mình, để tạo ra kết nối mạnh mẽ với khách hàng của mình và đọng lại ấn tượng sâu sắc trong họ.
6. Marketing leader phải có kỹ năng thích ứng
Nói đến bối cảnh thị trường đang thay đổi nhanh chóng như ngày nay, việc duy trì tính linh hoạt là rất quan trọng để bắt kịp với các xu hướng, công nghệ và hành vi của người tiêu dùng mới.
Những Marketing leader thích ứng nhanh có thể nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, nhanh chóng nhảy vào các nền tảng mới và phản ứng tốt với sự thay đổi của thị trường, để đảm bảo rằng những nỗ lực Marketing của công ty/tổ chức vẫn phù hợp và hiệu quả. Kỹ năng này sẽ giúp Marketing leader giữ vững được vị thế cạnh tranh, duy trì thế mạnh và đạt được thành công trong một môi trường kinh doanh luôn biến đổi.
7. Marketing leader cần quản lý thời gian tốt
Từ vị trí thực tập cho đến khi trở thành Marketing leader, đây là một kỹ năng xã hội mà bất cứ ai cũng cần phải thật thành thạo.
Thông thường, các Marketing leader sẽ phải phân tán sức lực của mình ra nhiều hướng khác nhau, vì vậy kỹ năng quản lý thời gian là yếu tố để nhận biết liệu bạn có thực sự là một trưởng bộ phận Marketing giỏi hay không.
Vậy, bạn cần phải làm gì? Hãy phân công công việc, hiểu khi nào nên từ chối và chấp nhận đầu việc mà không làm ảnh hưởng đến những cái quan trọng hơn. Bạn nên biết cách ước lượng thời gian và lên lịch thời hạn cụ thể cho từng việc làm. Nên nhớ rằng, những Marketing leader hiệu quả nhất trong việc quản lý thời gian thường có thể hoàn thành nhiều nhiệm vụ và tạo được kỳ vọng tốt hơn đối với cấp trên, cũng như là tấm gương cho nhân viên của mình.