Yêu bản thân khum phải book khách sạn sang chảnh để ở ‘đổi gió’ mỗi cuối tuần, cũng không phải làm mới tủ quần áo mỗi khi xuân sang. Yêu bản thân càng không phải ăn hai cái bánh ngọt thay vì một chỉ vì “nội tâm em bảo thế”.
Chăm sóc và yêu thương bản thân là một kỹ năng cần sự luyện tập. Tự chăm sóc mình đồng nghĩa với việc mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm bạn cho phép trí óc, cơ thể, và tâm hồn mình được đắm chìm trong những khoảnh khắc vui vẻ, ý nghĩa, và quan trọng nhất là chúng góp phần hướng bạn đến một lối sống bền vững, lành mạnh hơn.
Nếu bạn vẫn còn nhiều thắc mắc, thì sao không thử bắt đầu yêu thương bản thân hơn mỗi ngày với 8 việc sau đây.
Lòng tự trắc ẩn
Để thêm yêu bản thân, trước tiên hãy biết tự trắc ẩn (self-compassionate). Theo tiến sĩ Kirstin Neff – một nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực này – lòng tự trắc ẩn bao gồm ba yếu tố:
– Nhân từ với bản thân (self-kindness): đối xử tốt với chính mình, thông cảm và thân ái với bản thân khi đang gặp chuyện buồn hoặc đang phải đối mặt với khó khăn.
– Đồng nhân loại (common humanity): nhận biết rằng bạn không đơn độc. Khi gặp khó khăn, chúng ta có xu hướng “tự cô lập”, cho rằng mình là người duy nhất có những trải nghiệm mất mát, thất bại, sai lầm,… Tuy nhiên, bất cứ ai trên đời cũng đã, đang, và sẽ gặp những thứ tương tự.
– Chánh niệm (mindfulness): quan sát cuộc sống bằng con mắt không phán xét, nhìn nhận mọi thứ như cách chúng diễn ra, không phê phán, hà khắc hay kiềm hãm những suy nghĩ và cảm xúc của chính bạn.
Tóm lại, khi yêu thương ai đó, chúng ta luôn muốn dành cho họ những gì ngọt ngào, ấm áp, tốt đẹp nhất. Hãy đối xử với bản thân mình như thế, vì chẳng phải đây là người thân cận, gần gũi nhất với mỗi chúng ta đó sao?
Nuôi dưỡng cơ thể
Bạn đã bao giờ cảm thấy khó chịu cả về thể chất lẫn tinh thần sau khi ăn liền tù tì mấy gói kẹo hay vài túi snack chưa?
Phá vỡ những khuôn mẫu và thói quen ăn uống có hại là một cách tuyệt vời để thể hiện sự chăm sóc của mình với bản thân. Thức ăn là nguồn nhiên liệu quan trọng để nuôi sống chúng ta, vì thế việc ăn những thứ lành mạnh và bổ dưỡng là điều cần thiết. Đồ ăn vặt, kẹo bánh,… bản thân chúng không gây hại nhiều đến sức khỏe, miễn là bạn đừng lấy chúng thay thế những bữa ăn chính của mình.
Bạn có thể chủ động chống lại nhu cầu ăn vặt mỗi khi buồn miệng bằng cách chuẩn bị sẵn một số thức ăn nhẹ bổ dưỡng hơn, như hạt và trái cây khô, sữa chua, granola,… Ngoài ra cũng nên hạn chế mua sắm khi đang đói bụng.
Ngủ đủ giấc mỗi tối
Xã hội hiện đại đem đến cho chúng ta nhiều tiện ích, khuyến mãi thêm chứng thiếu ngủ kinh niên (cảm ơn nhưng không ai cần). Chúng ta biết rằng một người lớn khỏe mạnh cần ngủ trung bình 6-9 tiếng mỗi đêm để đảm bảo một sức khỏe tốt cả trong ngắn hạn và dài hạn, nhưng ít ai có thể làm được vậy.
Thay vào đó, chúng ta tìm cách thích nghi với những giấc ngủ ngắn và chập chờn hơn. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho biết chỉ cần ngủ ít hơn 30-60 phút so với số giờ ngủ cơ thể cần, bạn đã có nguy cơ cao mắc bệnh Alzheimer, các hội chứng suy giảm trí nhớ và khả năng ngôn ngữ, cũng như các bệnh về tim mạch.
Ngoài thật nhiều báo thức mỗi sáng, hãy đặt thêm một “báo ngủ” mỗi tối, cách thời điểm bạn cần thức dậy vào sáng mai 7-8 tiếng.
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy…”
Chúng ta rất dễ mất đi sự tích cực của bản thân, đặc biệt khi tình trạng căng thẳng trong công việc và / hoặc đời sống cá nhân đang ở mức cao. Trong những lúc như vậy, hãy nghĩ về những thứ khiến bạn thấy biết ơn.
Nhắc nhở bản thân về những điều tuyệt vời, những thứ làm bạn cảm thấy “mình thật may mắn và hạnh phúc vì được trải nghiệm chúng” là một cách để bản thân cảm thấy tốt hơn và để bạn yêu thương mình nhiều hơn mỗi ngày.
Sáng nay nắng đẹp, cuộc họp vừa rồi đã giúp mọi người trong team giải quyết được vấn đề, một khoảnh khắc đáng nhớ của bạn và người thân, hay chỉ đơn giản là ngày tồi tệ hôm nay đã kết thúc để ngày mai được khởi đầu với những thứ tốt đẹp hơn – chỉ cần những thứ tưởng vụn vặt thế thôi nhưng cũng đủ sức “lật ngược” tâm trạng ủ rũ của bạn đấy.
Thiền
Ngoài chuyện loại trừ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, bớt ăn vặt, ngủ đủ giấc, thực hành biết ơn, thì thiền định cũng là một cách tốt để nuôi dưỡng tình yêu bản thân mỗi ngày.
Thiền định được khoa học chứng minh có thể làm giảm căng thẳng, tăng khả năng đồng cảm, cải thiện sự tập trung, tăng cường hệ thống miễn dịch và làm chậm các dấu hiệu lão hóa.
Mát-xa thư giãn
Bạn không cần phải đi spa mỗi ngày. Có thể bạn có khả năng chi trả, nhưng thế vẫn khá tốn thời gian. Thay vào đó, hãy tự thưởng cho mình một bài mát-xa đơn giản mỗi cuối ngày. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều bài viết hoặc video hướng dẫn trên YouTube về các động tác mát-xa tay, chân, hoặc cổ cơ bản.
Học cách từ chối
Nhiều người gặp khó khăn trong việc đặt ra và duy trì những ranh giới thích hợp với người khác. Hậu quả là họ đồng ý với mọi thứ, kể cả với thứ làm họ khó chịu.
Bạn có thể vì cả nể, vì sợ người khác tức giận, hay vì lý do gì đi nữa, mà “ngậm bồ hòn làm ngọt” vài lần, nhưng bạn có thể làm thế đến bao giờ? Gật đầu với quá nhiều yêu cầu trái với ý muốn của bản thân về lâu dài sẽ làm bạn cảm thấy tức giận. Càng nguy hiểm hơn khi bạn phẫn uất nhưng không phản kháng hoặc bày tỏ. Bạn sẽ dần đánh mất đi nhu cầu và mong muốn của bản thân. Cuộc sống của bạn giờ đây phụ thuộc vào ý thích bất chợt của người khác, chứ không còn là của bạn nữa.
Đây có phải là ‘mục tiêu’ bạn muốn đạt được trong cuộc sống không?
Tận hưởng thiên nhiên
Dành một ít thời gian ngoài trời và tận hưởng thiên nhiên xung quanh mình. Đi bộ, chạy bộ, làm vườn, ngồi yên ngắm cây cỏ,… bất cứ thứ gì bạn có thể làm. Hòa mình vào thiên nhiên giúp “giảm tải” cho hệ thần kinh trung ương, cải thiện tâm trạng và tăng mức năng lượng trong cơ thể.
Với tình hình dịch bệnh chưa ổn định, thay vì ra ngoài, bạn có thể “chữa cháy” bằng cách có cho mình một góc xanh tại nhà và dành thời gian chăm sóc chúng mỗi lúc rảnh rỗi.
Xem thêm:
Ngáp – Thí nghiệm về lòng đồng cảm và tính liên kết xã hội
Gửi những người bạn độc thân
10 dấu hiệu cho thấy bạn đang ở trong một mối quan hệ độc hại
Thảo luận về bài viết