#Localzine là tập hợp những câu chuyện trải nghiệm về đời sống và văn hóa Việt
Mới đây, Tổ chức nghiên cứu kinh tế xã hội (New Economics Foundation – NEF) có trụ sở chính tại Anh vừa công bố bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc (Happy Planet Index – HPI) – trong đó, Việt Nam trở thành quốc gia hạnh phúc thứ 3 thế giới.
Theo đó, HPI được tính dựa trên bốn tiêu chí:
- chỉ số hài lòng với cuộc sống (dựa trên dữ liệu thu thập từ Gallup Poll),
- tuổi thọ trung bình,
- bất bình đẳng thu nhập (chênh lệch trong chất lượng cuộc sống giữa những tầng lớp trong xã hội),
- và dấu chân sinh thái (ecological footprint ảnh hưởng tới môi trường tính trên đầu người).
Tất cả dữ liệu trên được đổi ra thành điểm, và điểm càng cao thì đất nước đó được đánh giá là hạnh phúc hơn.
Trong tổng số 140 quốc gia được thống kê, Việt Nam thuộc top 3 quốc gia hạnh phúc nhất và là đại diện duy nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, qua đó trở thành đất nước hạnh phúc nhất châu Á.
Vậy, điều gì khiến Việt Nam hạnh phúc như thế?
1. Chính trị ổn định, đời sống người dân nâng cao
Có thể nói, trong suốt 30 năm đổi mới – đặc biệt là 20 năm trở lại đây, Việt Nam ta thật sự quốc thái, dân an: chính trị ổn định, kinh tế phát triển nhanh và đều, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt,… – tất cả dẫn đến chỉ số điều tra sự hài lòng lên tới 6,5.
Xét một cách toàn diện, chúng ta đang trong giai đoạn phát triển vàng cả về kinh tế lẫn quy mô dân số, và vẫn đảm bảo được mức cân đối giữa đô thị – vùng ven – nông thôn, không bị quá chênh lệch như một số quốc gia khác trong giai đoạn phát triển nóng.
Nhận thấy ngay ở khẩu hiệu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, mục tiêu dân giàu luôn được đưa lên làm đầu bởi chúng ta luôn tin tưởng rằng dân giàu ắt nước sẽ mạnh.
2. Y tế phát triển, tuổi thọ trung bình tăng nhanh nhất thế giới
Trong khi phúc lợi ở Việt Nam khiêm tốn hơn rất nhiều so với các nước còn lại trong Top 10 của HPI, nhưng điểm phúc lợi trung bình của chúng ta được đánh giá rất cao. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam kém hơn đáng kể khi đặt lên bàn cân với Hồng Kông, phúc lợi của nước nhà vẫn tự hào vượt trội hơn nước bạn.
Không chỉ dừng lại ở đó, thống kê còn cho thấy tuổi thọ trung bình của Việt Nam rất đáng chú ý. Trong khi GDP bình quân của Việt Nam chỉ thấp tương đương với Gambia (một nước nhỏ ở châu Phi) nhưng người Việt lại sống thọ hơn người Gambia trung bình 17 năm (tuổi thọ trung bình ở VN hiện tại là 75.5 năm – theo Liên Hợp Quốc).
Lý giải cho việc tuy các chỉ số kinh tế vĩ mô chưa thực sự nổi bật nhưng mức sống người dân tăng cao và tuổi thọ trung bình tăng nhanh nhất thế giới, có một số lý do sau:
- Ngành y tế có công tác y tế dự phòng và tuyên truyền tốt.
- Người dân có ý thức tập luyện thể dục thể thao, chăm sóc sức khỏe cao.
- Chất lượng y, bác sĩ được đào tạo bài bản cùng công nghệ Y học hiện đại được phổ cập nhanh chóng.
Một minh chứng rõ nét nhất cho những lí do trên là nỗ lực đáng tự hào của chính phủ Việt Nam trong công cuộc chống dịch COVID-19. Ngày 28/01 vừa qua, Viện Nghiên cứu Lowy (Úc) đã xếp hạng New Zealand, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong top 3 các nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất trên thế giới.
3. Dịch vụ công cải thiện, phổ cập giáo dục ở mức độ cao, dân trí tăng nhanh
Cuộc khảo sát của NEF cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang dần cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính theo sự giám sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Vietnam Chamber of Commerce and Industry – VCCI). Đồng thời, tuy những đổi mới của ngành giáo dục vẫn đâu đó gây nhiều tranh cãi, nhưng tỷ lệ phổ cập giáo dục của ta khá cao so với bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Theo HPI, tỷ lệ phổ cập giáo dục của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới với 98% trẻ em đều được đến trường (năm 2012). Đồng thời, số lượng trường cao đẳng, đại học vẫn tiếp tục tăng nhanh, đi kèm với đó là chất lượng giáo dục được đảm bảo cùng nhiều cuộc cải cách giáo dục giúp nâng cao chất lượng dạy và học.
Về bất bình đẳng thu nhập, Việt Nam làm tốt hơn Costa Rica – quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng. HPI miêu tả VN là “đất nước tiêu biểu” trong cuộc chiến chống đói nghèo, khi giảm dân số sống ở ngưỡng nghèo từ 58% (năm 1993) xuống còn 10,7% (năm 2010) và 3,75% (2019) do đất nước đáp ứng được mức độ hội nhập cao.
Kết: Những điều cần lưu ý cho sự hạnh phúc “bền vững”
Bên cạnh những chỉ số ấn tượng đáng tự hào, HPI cũng chỉ ra vấn đề lớn Việt Nam cần phải cải thiện chính là bảo vệ môi trường trước áp lực phát triển kinh tế. Chỉ số dấu chân sinh thái ngày càng tăng của Việt Nam là một dấu hiệu cho thấy kinh tế đang đi lên, nhưng với một cái giá không hề rẻ. Việc đảm bảo sức khỏe môi trường đồng thời phát triển kinh tế sẽ là thách thức không nhỏ cho VN, HPI nhìn nhận.
Tham khảo: Happy Planet Index, TravelMag
Xem thêm:
Bình Thạnh (TPHCM) lọt top 40 khu vực cool nhất thế giới
#84: Việt Nam có Internet không? – Câu hỏi ngớ ngẩn nhưng hot không tưởng trên Quora
#KhôngQuạu: Tiếng Hàn trở thành môn học bắt buộc của học sinh Việt Nam?
Thảo luận về bài viết