Sẽ dễ dàng để biết ai đó ‘xấu tính’ nếu họ có những biểu hiện rõ ràng, ví dụ như nói dối, thích điều khiển người khác, bạo lực,… Tuy nhiên, ngoài những tính cách đó, vẫn còn những dấu hiệu tinh tế khác về cách một người cư xử mà bạn có thể để ý.
Họ không suy nghĩ hay quan tâm đến việc hành vi của mình sẽ ảnh hưởng những người xung quanh ra sao
Ví dụ:
– Trò chuyện lớn tiếng ở nơi công cộng và những nơi yên tĩnh.
– Nghe nhạc, xem phim,… bằng loa ngoài trên thiết bị cá nhân trong một không gian yên tĩnh hoặc khi đang có mặt người khác.
– Chiếm dụng không gian hoặc diện tích nơi công cộng, phương tiện giao thông công cộng.
– Làm rơi, làm đổ thứ gì đó và mặc kệ không dọn.
– Luôn giành lấy miếng bánh lớn hơn, chỗ ngồi tốt hơn, hoặc bất cứ lựa chọn nào trông-có-vẻ-tốt-hơn cho mình, để phần kém lại cho người khác.
Nếu một người có những hành vi trên, điều đó cho thấy họ thiếu quan tâm đến cảm nhận của người khác, cũng như không mấy tử tế hay hào phóng với mọi người xung quanh.
Các em cún không thích họ
Chó có khả năng cảm nhận được ngôn ngữ cơ thể hoặc cảm xúc của con người ở mức nhất định. Nếu nó tỏ thái độ không thích ai đó, có thể người kia biểu hiện ra những hành vi mang tính đe dọa, hoặc họ cứ cố tình chạm vào nó cho dù đã bị phản ứng.
Tất nhiên, điều này không áp dụng với mọi trường hợp. Ấn tượng ban đầu và cách một chú cún ‘đối xử’ với người lạ không chỉ phụ thuộc vào người đó mà còn phụ thuộc vào tính tình cũng như cách em cún được nuôi dạy.
Tuy nhiên, giả sử em cún nhà bạn là một chú chó ‘tốt tánh’, hòa nhã với mọi người, nhưng lại có phản ứng dữ dội với một số người nhất định, thì đây có lẽ cũng là một điều nên lưu ý.
Nơi nào họ rời đi trông cũng bừa bộn hơn so với trước khi họ đến
Nơi này áp dụng cho cả nơi chốn và tâm trạng người khác, bao gồm một số hành vi như:
– Xả rác.
– Nấu ăn xong không chủ động dọn dẹp, đặc biệt khi họ không phải chủ nhà.
– Không bỏ giày phía ngoài trước khi vào nhà hoặc ít nhất là trước khi vào không gian riêng tư của người khác.
– Vứt quần áo bẩn khắp nơi.
– Dắt chó đi dạo, để em ấy thải ‘sản phẩm’ ra khắp nơi mà không dọn.
– Cố tình phá vỡ tâm trạng hoặc một dịp vui vẻ của người khác bằng sự khó chịu của chính mình.
Không bao giờ nhận lỗi
Và nếu có, thông thường thái độ mà họ bày tỏ sẽ là “Xin lỗi, được chưa?” hoặc “Xin lỗi, nhưng mà…”.
Nếu một người thường xuyên hoặc luôn luôn không thừa nhận lỗi lầm của mình, cho dù nó rõ ràng đến đâu, thì hoặc là họ không có thói quen quan tâm đến cảm xúc người khác, hoặc họ là một người kiêu ngạo, ích kỷ, có xu hướng cho mình là người đúng nhất.
Lý do nào đi nữa thì cũng có vấn đề cả.
Họ hay phớt lờ người khác
Chúng ta đều sẽ (hoặc đã) gặp một người thế này ít nhất một lần trong đời: những người chỉ tập trung vào bản thân mình. Không cần biết mọi người đang nói về gì, không sớm thì muộn, cuộc trò chuyện sẽ quay về chủ đề “Mọi người biết không mình thì…” – bộ phim họ yêu thích, lần họ trở thành nhân vật chính trong câu chuyện anh hùng cứu người 10 năm trước, ý kiến của họ, drama đời họ, vân vân và vân vân.
Họ vẫn có thể đặt câu hỏi, nhưng không quan tâm lắm đến câu trả lời (trừ khi câu trả lời đó có tiềm năng mở đường cho một câu chuyện khác về họ).
Hành vi này nói lên điều gì? Một người thích trở thành trung tâm của sự chú ý, một Mặt trời để Trái đất và các hành tinh khác quay xung quanh; hoặc là một người cô đơn, luôn tìm mọi cách để chia sẻ mọi thứ về mình với người khác; hoặc là một người đang cố gắng để được lắng nghe, để thu hút sự chú ý và kết nối.
Dù nguyên do sâu xa là gì thì hệ quả rõ ràng nhất là họ làm người đối diện có cảm giác khó chịu, đôi khi không được tôn trọng khi tất cả mọi thứ đều phải ít nhiều có liên quan đến họ.
Họ nhìn nhận và đánh giá người khác bằng tư duy nhị nguyên
Tư duy nhị nguyên là cách tư duy chỉ nhìn nhận, đánh giá mọi sự vật, sự việc (các tình huống, các mối quan hệ và trải nghiệm) theo hai thái cực. Nếu không tốt, tức là xấu. Nếu không trắng, tức là đen.
Loài người tiền sử sinh sống trong một môi trường ưu tiên các quyết định nhanh chóng, do thường thì mạng sống của họ phụ thuộc hoàn toàn vào sự nhanh nhẹn đó. Tuy nhiên, lối tư duy này không còn mấy phù hợp với bối cảnh ngày nay. Trong cuộc sống hiện đại, chỉ một số ít trường hợp yêu cầu chúng ta phải nhanh chóng đánh giá tình hình và quyết định lập tức để đem lại hiệu quả ngay thời điểm đó.
Lối tư duy nhị nguyên về lâu dài ảnh hưởng không tốt đến cách chúng ta đánh giá, nhìn nhận người khác. Ta dễ dàng kết luận ai đó là tốt hay xấu, đúng hay sai, hoàn toàn chỉ dựa trên những phán xét bề mặt, bên ngoài, và được đơn giản hóa hết mức có thể, trước khi biết nhiều hơn về họ. “Sao có thể nói năng thế này nhỉ? Chắc chắn là một người nhỏ nhen.”, “Xăm trổ nhiều thế nhất định không tốt lành gì.”, “Bạn ấy thích một tác giả mình ghét, tiếc quá, mình và bạn ấy chẳng bao giờ hợp làm bạn đâu.”
Xung quanh bạn có ai thích đưa ra ‘kết luận nhanh’ thế này không?
Không màng sự thật
Có thể họ không bao giờ cho rằng mình sai, hoặc từ chối thừa nhận rằng mình đã độc ác, lừa dối, thao túng,.. người khác như thế nào.
Có thể trong một cuộc tranh luận, bất kể luận điểm của đối phương thuyết phục và vững chắc đến đâu, họ đều một mực bác bỏ với lý do ý kiến của mình lúc nào cũng đúng hơn.
Có thể khi được người khác nói cho nghe một ‘sự thật’ nào đó về những khuyết điểm hoặc mặt xấu của mình, họ sẽ nổi giận và phủ nhận ngay lập tức.
Nếu ai đó luôn từ chối lắng nghe và đối mặt với sự thật, điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ mà còn tác động đến những người xung quanh.
Họ không giữ lời
Hãy cẩn thận với những người lúc nào cũng trễ hẹn, hứa sẽ làm gì đó nhưng không bao giờ làm, bảo sẽ giúp một tay nhưng luôn có lý do để từ chối sau đó, chuyên gia hủy hẹn (hoặc tệ hơn, là hủy hẹn giờ chót),…
Cho dù họ có là người tử tế đến đâu, nhưng đây là biểu hiện của việc họ không phải là một người có thể tin cậy. Bạn sẽ khó để tin tưởng một người không mang lại cảm giác an toàn, tin cậy cho mình. Và nếu đã không thể tin tưởng, thì việc có một mối quan hệ tốt đẹp, lành mạnh với họ sẽ không phải là việc dễ.
Họ không tôn trọng bạn
… bằng cách không thể hiện rằng họ dành cho bạn sự chú ý hay tập trung đúng mức.
Ai cũng sẽ có lúc bị phân tán, mất tập trung khi đang bên cạnh người khác. Điều này là bình thường. Tuy nhiên, nếu tần suất của việc này xảy ra quá nhiều, đến mức gần như trở thành ‘dấu hiệu nhận biết’, thì nó hết bình thường. Điều này cho thấy họ không quan tâm đến việc đầu tư vào mối quan hệ này.
– Tập trung sự chú ý cho điện thoại trong khi đang nói chuyện hoặc đang bên cạnh bạn.
– Thờ ơ, lơ đễnh, mất tập trung mỗi khi bạn nói gì đó với họ.
– Quan tâm ‘giả trân’: hỏi han, nhưng không thèm nghe câu trả lời.
– Hầu như không biết và không nhớ gì về bất cứ thứ gì bạn đã từng chia sẻ, cho dù cả hai đã biết nhau một thời gian dài
(Nguồn: Medium)
Xem thêm:
Làm thế nào khi một tình bạn tan vỡ?
Đừng đánh đổi bản thân lấy cái gật đầu của đám đông
Đừng đọc sách ‘nhiều’, hãy đọc hiệu quả hơn
3 hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ giúp cuộc sống chất lượng hơn
Thảo luận về bài viết