Với tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái Hậu, nhà văn Trần Thùy Mai vừa qua đã đạt giải nhất cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam lần thứ 5 (2016 – 2019).
Nhà văn Trần Thùy Mai
Nhà văn đương đại Trần Thùy Mai sinh năm 1954 tại Quảng Nam. Cô đã được các bạn trẻ yêu văn chương ở Huế biết đến từ những ngày còn theo học tại trường Đồng Khánh những năm trước giải phóng 1975. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn của Đại học Sư phạm Huế, cô được giữ lại làm giảng viên môn Văn học Dân gian. Đến năm 1987, cô chuyển sang làm công việc biên tập tại NXB Thuận Hóa. Đây được xem là một quyết định “táo bạo”, nhưng nhờ đó mà cô có cơ hội viết lách nhiều hơn.
Sở trường của nhà văn Trần Thùy Mai là truyện ngắn. Cô xuất bản nhiều tác phẩm được độc giả yêu thích như Thị trấn hoa quỳ vàng, Người khổng lồ núi Bạc, Thương nhớ Hoàng Lan, Thập tự hoa, Trăng nơi đáy giếng,… Trong đó có tập truyện ngắn đầu tay Cỏ hát in chung với nhà văn Lý Lan, còn Trăng nơi đáy giếng đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên, gây xôn xao dư luận một thời.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhà văn Trần Thùy Mai viết nhiều về những đề tài và nhân vật lịch sử, đặc biệt là những nhân vật nữ in bóng trong lịch sử triều Nguyễn, gắn liền với Kinh thành Huế. Sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng”, cô bất ngờ trở lại với văn đàn và bạn đọc trong tác phẩm tiểu thuyết lịch sử dày gần 600 trang, nội dung xoay quanh cuộc đời của một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất của lịch sử Việt Nam, Từ Dụ Thái Hậu.
Tác phẩm “Từ Dụ Thái Hậu”
Viết văn khi mới 22 tuổi, đến nay đã gần 40 năm cầm bút, nhưng chưa khi nào, Trần Thùy Mai coi văn chương là một cuộc chơi. Với cô, văn chương là một công việc nghiêm túc, vất vả thậm chí cực nhọc nhưng không mệt mỏi, vì đó là niềm yêu thích. Với bộ tiểu thuyết đầu tay Từ Dụ Thái Hậu cũng vậy. Cô đã dành ra 2 năm trời để tìm hiểu và hoàn thành tác phẩm này.
Trong lịch sử Việt Nam, nhân vật Thái hậu Từ Dụ là người phụ nữ rất đặc biệt, bình dị và nhân hậu. Xung quanh bà có nhiều giai thoại cảm động nhưng ấn tượng nhất vẫn là câu chuyện khi kinh thành Huế thất thủ, đời sống người dân khó khăn, chịu cảnh sưu cao thuế nặng. Bà Từ Dụ lúc đó dù tuổi đã cao vẫn đích thân đến tòa Khâm sứ Pháp đề nghị giảm tô thuế cho người dân, nên ở Huế mới lưu truyền bài vè Bà Từ Dụ xin xâu rất nổi tiếng.
Câu chuyện của tác phẩm trải dài 30 năm, qua 3 triều vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, từ lúc cô thiếu nữ 13 tuổi Phạm Thị Hằng theo cha từ vùng đất phương Nam trù phú về kinh đô, bao thăng trầm của đời một cung phi non trẻ rồi trở thành người đứng đầu hậu cung nhà Nguyễn. Cô tiểu thư họ Phạm xinh đẹp, thông minh và đầy lòng nhân hậu đã chứng kiến biết bao phận đời dâu bể sau bức tường thành cung cấm, cùng bi kịch chốn hoàng cung, để rồi chính nàng cũng trở thành một thân phận điển hình. Nhiều mưu mô thủ đoạn tàn độc ở hậu cung, đôi lúc tưởng đã làm khuynh đảo cả triều chính, gây ra những cái chết tức tưởi, những án oan dậy trời tiếng nhơ khó rửa, đến mức hậu thế phải tốn nhiều bút mực để tranh luận và phán xét.
Nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ, nguyên liệu chính để cô viết cuốn tiểu thuyết này là tư liệu lịch sử, truyện dã sử và trí tưởng tượng, trong đó tư liệu là phần tốn không ít công sức, “Chính sử của mình về những nhân vật hậu cung thường ngắn gọn và ít tư liệu. Vì thế, việc tiếp cận lịch sử bị hạn chế. Nhưng nó cũng là thuận lợi cho tôi, vì mình có nhiều khoảng trống để tưởng tượng”.
Từ Dụ Thái Hậu không những được độc giả đón nhận mà còn được đánh giá cao bởi giới văn nghệ sĩ và những nhà nghiên cứu lịch sử. Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét cô đọng: “Chỉ thông qua các câu chuyện trong hậu cung, chính trường nhà Nguyễn qua ba triều vua hiện lên một cách sinh động dưới ngòi bút sắc sảo của nữ văn sĩ Trần Thùy Mai. Mặt khác, văn hóa phong tục được gói trọn các lễ nghi giao tiếp, trong các sinh hoạt cung đình và dân dã được mô tả rất tinh tế, rất Huế. Từ Dụ Thái Hậu là một cuốn tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn và trung thực lạ lùng”. Nhà sử học Lê Văn Lan đánh giá: “Ở tác phẩm này có sự thực, có khách quan lịch sử đích thực. Nhưng ở đây cũng có quan niệm, tài năng, bút pháp của người viết tiểu thuyết lịch sử. Đọc tác phẩm của Trần Thùy Mai, chúng ta vỡ ra được nhiều điều của lịch sử thông qua những quan niệm chủ quan của nhà văn”. Còn dưới góc độ độc giả, nhà văn Trang Hạ chia sẻ: “Tôi vô cùng thích thứ tiếng Việt thuần Việt mà chị Mai dùng trong bộ sách này. Ngày nay, các bạn trẻ có xu hướng Hán hóa trong sử dụng tiếng Việt hiện đại, điều đó khiến những người theo đuổi thứ tiếng Việt thuần Việt như tôi “không chịu nổi”. Nhưng trong cuốn này, tôi tìm thấy rất nhiều bài học tiếng Việt được xử lý vô cùng tinh tế”.
Từ Dụ Thái Hậu vừa qua đã đạt giải nhất cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam lần thứ 5 (2016 – 2019), và trước đó không lâu là giải Sách hay lần thứ 10 (2020) do Việt Giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách hay và Sáng kiến Open Edu đồng tổ chức.
Thảo luận về bài viết